Vì sao Mỹ thờ ơ với hồ sơ Israel/Palestine ?

Thứ sáu - 04/06/2021 23:49
unnamed (5)
unnamed (5)

Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu (P) và ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken trong cuộc họp báo tại Jerusalem ngày 25/05/2021. AP - Menahem Kahana


22 phút

Sau 11 ngày khói lửa dữ dội, Israel và phe Hamas cùng tạm hưu chiến kể từ đêm 20 rạng sáng 21/05/2021. Thiếu một giải pháp chính trị, vấn đề người Palestine trên dải Gaza lại có nguy cơ bị rơi vào quên lãng như bao lần trước. Tuy nhiên, thái độ phản ứng chậm trễ, có phần thụ động của Mỹ trong suốt cuộc xung đột lần này cho thấy Trung Đông không còn là một ưu tiên của Hoa Kỳ, cuộc đọ sức với Trung Quốc mới là mối bận tâm chính.

Trung Đông « lấn át » Cận Đông

Chưa có lúc nào lệnh ngừng bắn lại mong manh như lần này. Cuộc xung đột vừa qua không giống như những cuộc chiến năm 2008 hay năm 2014. Tên lửa của phe Hamas có thể bắn tới các khu dân cư ở Tel-Aviv, nằm sâu trong lãnh thổ Israel. Phương trình Palestine cũng đã thay đổi. Chính phủ Israel giờ phải đối phó với những cuộc bạo động và xung đột sắc tộc chưa từng có tại những thành phố có người Do Thái và Ả Rập sống chung với nhau. 

Trong bối cảnh này, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã có chuyến công du đầu tiên tại Cận Đông. Một mặt, Hoa Kỳ tái khẳng định sự hậu thuẫn không gì lay chuyển của Washington đối với Israel. Mặt khác, ông hối thúc Israel thông lối vào trên dải Gaza, bị phong tỏa từ 14 năm qua, cho cứu trợ khẩn cấp.

Ngoại trưởng Mỹ thông báo cho tái lập cầu nối với Ramallah – thủ đô của chính phủ Palestine (AP) ; mở lại tòa lãnh sự Mỹ ở Đông Jerusalem ; và hỗ trợ tài chính cho Cơ quan cứu trợ và việc làm của Liên Hiệp Quốc cho người tỵ nạn Palestine tại Cận Đông (UNRWA).

Những tuyên bố này cho thấy tham vọng hạn hẹp của Mỹ trong hồ sơ Cận Đông phức tạp. Chuyến công du bốn nước Israel, Palestine, Cisjordanie và Ai Cập của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ chỉ nhằm củng cố lệnh ngừng bắn, chứ không nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình cho một giải pháp hai Nhà nước. Thời sự Palestine mỗi lúc trở nên mờ nhạt trong nhãn quan của Washington.

Vì sao như vậy ? Nhà nghiên cứu Alain Dieckhoff1 (Questions Internationales số ra tháng 9-12/2020) cho rằng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine từ hơn hai thập niên nay đã trở thành một « cuộc xung đột ngoại vi » có tính chất khu vực, không còn mang tầm cỡ địa chính trị nữa.


Quang cảnh đổ nát tại các khu dân cư trên dải Gaza sau 11 ngày đêm không kích của Israel, ngày 24/05/2021. AP - John Minchillo

Tâm điểm thời sự dần dịch chuyển sang Trung Đông, cụ thể là vùng Vịnh từ cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, bởi hai xu hướng cơ bản : Thứ nhất, cuộc chiến do Mỹ khởi xướng chống chế độ Saddam Hussein (2003) và chương trình làm giầu chất uranium mà Iran che giấu hiện đang là mối bận tâm lớn của Mỹ, Israel và nhiều nước lân cận trong khu vực. Thứ hai, sự trỗi dậy mạnh mẽ của những phe nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan như Al Qaida, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech)… đe dọa an ninh nhiều nước phương Tây, cũng như nhiều quốc gia Ả Rập.

Giải pháp hai Nhà nước : Giấc mơ xa vời

Hồ sơ Israel/Palestine còn trở nên lu mờ hơn bao giờ hết trước cuộc nổi dậy của những phong trào mùa xuân Ả Rập chống chế độ độc tài. Hy vọng một nền dân chủ nhanh chóng bị dập tắt, nhiều quốc gia giờ vẫn bị đắm chìm trong cảnh « huynh đệ tương tàn » (như Ai Cập, Libya, Yemen và nhất là Syria).

Dù vậy, cộng đồng quốc tế nhìn nhận rằng cơ may duy nhất cho nền hòa bình lâu dài tại vùng Cận Đông là giải pháp hai Nhà nước Israel/Palestine cùng tồn tại song song, dựa trên nền tảng thỏa thuận Oslo đúc kết được năm 1993 và được hội nghị vì hòa bình Paris năm 2017 tái khẳng định.

Chỉ có điều, những điều kiện để hình thành một Nhà nước Palestine mỗi lúc một xa vời do những chính sách « sự đã rồi » của nhà nước Do Thái. Chính quyền Israel tăng tốc xây dựng các khu dân cư tại những vùng đất bị chiếm đóng, lập chốt kiểm soát, rào chắn hay tường chắn… Số cư dân Do Thái tại Cisjordani (ngoài thành Jerusalem không ngừng tăng lên từ 1.200 dân (1972) lên 410 ngàn người ngày nay, khép lại mọi dự án xây dựng của Palestine.

Trong toàn cảnh này, theo nhà địa chính trị học Frédéric Encel, giảng viên trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, nếu như cuộc xung đột 11 ngày gần đây giữa Israel và phe Hamas trên dải Gaza đã khuấy động trở lại chính trường quốc tế, « rủi thay, chúng ta lại đối mặt với một hồ sơ mà trong lĩnh vực địa chính trị người ta gọi là một cuộc chiến dài nhưng có cường độ thấp. Nghĩa là, thi thoảng cứ mỗi 2 năm, 5 năm, hay 10 năm một lần, người ta lại chứng kiến một đợt tấn công chấn động và nhiều đòn đáp trả, nhưng bản thân cuộc xung đột sẽ tiếp tục không được giải quyết ! » (France Culture ngày 18/5/2021).

Israel/Palestine : Joe Biden sang trang Donald Trump ?

Giới quan sát lưu ý, chuyến công du Cận Đông lần này của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuy nói rằng là để sang trang chính sách chống Palestine của cựu tổng thống Donald Trump, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chính quyền Joe Biden hiện nay sẽ phá vỡ hoàn toàn những gì chính phủ tiền nhiệm đã thực hiện.

Chính quyền Donald Trump đã đoạn tuyệt hoàn toàn với tiến trình Oslo khi đưa ra một kế hoạch hòa bình cho Cận Đông hồi tháng Giêng 2020. Theo đó, Washington thừa nhận quyền chủ quyền của Israel tại 30% vùng lãnh thổ Cisjordani (thung lũng Jourdain, tất cả các vùng dân cư chiếm đóng) ; Jerusalem là thủ đô duy nhất của Israel – vốn dĩ phải chịu trách nhiệm về mọi điểm Thánh địa. Và cuối cùng, Israel phải bảo đảm an ninh tuyệt đối cho vùng Tây Jourdain.

Về phần Palestine, họ có thể thành lập một Nhà nước « phi quân sự » trên một vùng lãnh thổ bị đứt đoạn mà thủ đô bao gồm những vùng thị trấn ngoài thành Jerusalem nhưng với điều kiện phải đáp ứng một số đòi hỏi như quản lý có hiệu quả, ngừng chính sách tuyên truyền thù nghịch… Và họ sẽ được hưởng một « kế hoạch Marshall » để kích thích phát triển kinh tế.

Theo phân tích của Robert Malley, chuyên gia cố vấn ở Nhà Trắng, được nhà nghiên cứu Pierre Razoux2 trích dẫn (Diplomatie tháng 4-5/2021), tại vùng Trung Đông, mối bận tâm duy nhất của Mỹ chính là hồ sơ hạt nhân Iran. Chính quyền Biden cũng sẽ không xem xét lại những thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Ả Rập gần đây (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Barhein và Maroc) mà Washington cho rằng có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Ngoài những yếu tố trên, tờ Le Monde (22/05/2021) trong một bài phân tích còn nhận định rằng sự bối rối và thái độ cứng rắn chậm trễ đối với đồng minh Israel còn cho thấy có « một chiến lược tránh né của tổng thống Joe Biden tại Trung Đông ». Một khu vực mà Mỹ đã hao tốn biết bao tiền của nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu trong nhiều thập niên qua.

« Trung Đông không còn là một ưu tiên nữa » theo như nhận xét của nhà chính trị học Charles Thépaut, thuộc Institut for Near East Policy, tại Washington (Le Monde ngày 22/05/2021). Bởi vì, nỗi ám ảnh duy nhất hiện nay của Mỹ là cuộc đối đầu lớn với Trung Quốc, mở ra trên nhiều mặt trận từ quân sự, kinh tế, thương mại cho đến cả công nghệ cao.


Tên lửa Hamas phóng đi từ dải Gaza, ngày 10/05/2021. AP - Khalil Hamra

Washington mong muốn sang trang Trung Đông mà « mô hình chuyên chế mỗi lúc một lan rộng, có những chính sách đi ngược với những lợi ích và các giá trị của Hoa Kỳ », để tập trung củng cố khối các nước đồng minh dân chủ nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến thế kỷ chống Trung Quốc.

Trung Quốc mối đe dọa toàn cầu cho Mỹ

Trong cuộc đọ sức này với Trung Quốc và trong một chừng mực nào đó là với Nga, chính quyền Joe Biden muốn khẳng định lại vai trò lãnh đạo hàng đầu của Mỹ trong một cơ chế đa phương. Một vị thế mà Joe Biden đã thể hiện rõ khi lần lượt bác bỏ các dự thảo tuyên bố chung về xung đột Israel/Palestine, kể cả từ đồng minh Pháp, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Chỉ có điều thế giới này nay có nhiều thay đổi. Bối cảnh địa chính trị ngày nay khác xưa rất nhiều. Trung Quốc với thế mạnh kinh tế và nhu cầu ngày càng lớn về dầu hỏa ; Nước Nga của ông Vladimir Putin, với ưu thế quân sự, có tham vọng lấy lại ánh hào quang thuở xưa, và trong một chừng mực nào đó, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng mong muốn gầy dựng lại đế chế Ottoman năm nào, ngày càng can dự nhiều hơn vào vùng Trung Đông.

Trong bối cảnh này, chiến sự bùng nổ giữa Israel và Hamas chẳng khác gì như một lời nhắc nhở, Hoa Kỳ liệu có từ bỏ được Trung Cận Đông như bao lần dự định, khi mà có nhiều tác nhân mới can dự vào khu vực cũng đe dọa đến thế bá quyền. Và nhất là vào thời điểm chính sách đối ngoại này của Mỹ bắt đầu vấp phải sự phản đối ngay từ trong lòng đảng Dân Chủ.

Chuyên gia về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, bà Annick Cizel, giáo sư sử học và văn minh Mỹ, chuyên gia về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, tóm lược những thách thức lớn cho chiến lược Trung Đông của chính quyền Biden như sau :

« Vấn đề ở đây là tổng thống Mỹ phải tiến hành một thế cân đối cả trên bình diện khu vực lẫn quốc tế. Điều này buộc ông Joe Biden phải đáp trả cùng lúc rất nhiều đòi hỏi ngoài cuộc xung đột Israel/Palestine này. Hoa Kỳ nhất thiết phải có những bảo đảm đối với Israel vào thời điểm họ tái thương lượng về hồ sơ Iran thông quan trung gian hòa giải là Liên Hiệp Châu Âu, sao cho cả Mỹ và Iran đều có thể trở lại với thỏa thuận hạt nhân 2015.

Cùng lúc này, tại Đông Địa Trung Hải, Israel, Hy Lạp, Chypre và cả Hoa Kỳ đang mở những cuộc đàm phán khác về an ninh nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy, cần phải dàn xếp với Israel.

Tuy nhiên, tổng thống Mỹ không chỉ đối diện với những áp lực đến từ nội bộ đảng Dân Chủ - cụ thể là từ phe thiên tả chủ trương hậu thuẫn Palestine và đòi ngưng gói viện trợ 735 triệu đô la vũ khí cho Israel – mà cả từ trên trường quốc tế, bởi vì còn có nhiều nước trung gian hòa giải khác có thể như Nga, Trung Quốc hay Pakistan.

Thế nên, trong cuộc chơi vai trò lãnh đạo ngoại giao này của Mỹ, diện mạo thế giới và diện mạo ngoại giao tại vùng Trung Đông ngày nay cũng đã thay đổi. Chúng vừa mang tính khu vực như giữa Ai Cập, Jordani, Qatar vừa là toàn cầu vì còn có cả Nga, Trung Quốc nữa. Hoa Kỳ buộc phải phối hợp các nguồn hậu thuẫn của mình mà không thể nào gây xích mích với Israel. Cần phải đưa ra nhiều bảo đảm cho Israel nếu người ta muốn đàm phán với Iran. » (France 24 ngày 20/05/2021)

Tóm lại, trong toàn cảnh này, nhà phân tích quân sự Michel Goya, cựu đại tá thủy quân lục chiến nhận định, thường dân Palestine có nguy cơ tiếp tục là nạn nhân lâu dài cho cuộc chơi « tên lửa và lá chắn » giữa Israel và Hamas (France Culture ngày 18/05/2021).

Nguồn tin: Minh Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập49
  • Hôm nay10,073
  • Tháng hiện tại342,684
  • Tổng lượt truy cập32,326,407
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây