Danh sách đen mới sẽ giữ lại phần lớn các công ty Trung Quốc được Trump "chỉ mặt", nhưng bổ sung một số tên tuổi và tiêu chí mới.Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sửa đổi lệnh cấm đầu tư vào các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc trong tuần này, sau khi chính sách thời Trump vấp phải nhiều kiện tụng và khiến các nhà đầu tư bối rối trong việc được phép tiếp cận với các công ty con của doanh nghiệp bị "điểm mặt". Theo lệnh sửa đổi, Bộ Tài chính sẽ xây dựng lại một danh sách các công ty có thể bị cấm tiếp cận vốn của Mỹ vì liên quan đến các lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng Trung Quốc. Cho đến nay, các công ty nằm trong danh sách cũ và việc trừng phạt ra sao là do Quốc hội Mỹ uỷ nhiệm cho Bộ Quốc phòng đảm trách. Lệnh sửa đổi dự kiến được Biden ký vào cuối tuần này, sẽ thay đổi tiêu chí chọn doanh nghiệp vào danh sách đen. Trước đó, danh sách này thời Trump nhắm vào các công ty thuộc sở hữu, kiểm soát hoặc có liên kết với quân đội Trung Quốc. Chính quyền Biden dự kiến giữ lại phần lớn các tên tuổi đã được liệt kê trong danh sách cũ. Cùng với đó, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Kho bạc sẽ thêm vào các đơn vị mới. Phía Kho bạc sẽ tham khảo ý kiến của Bộ Quốc phòng và chính quyền trong quá trình chọn lựa. Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Bloomberg. Một số cổ phiếu liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã giảm vào thứ năm (3/6), dẫn đầu là VIC Jonhon Optronic Technology và AECC Aviation Power. Cổ phiếu của Micro-Fabrication Equipment - vốn đang nằm trong danh sách đen - cũng giảm 2,9%. Trong khi đó, Xiaomi - được đưa ra khỏi danh sách đen tháng trước sau khi kiện chính quyền Trump - tăng 2,2%. Sau khi hai công ty Trung Quốc tiến hành kiện danh sách đen của Trump, bao gồm Xiaomi, ông Biden nhận thấy việc cần thiết phải sửa đổi chính sách này cho hợp pháp và bền vững trong dài hạn. Bằng cách chuyển giao trách nhiệm cho Kho bạc, Nhà Trắng muốn củng cố vị thế pháp lý cho các hình phạt. Động thái xem xét lại danh sách đen của Biden đang được lưỡng viện theo dõi chặt chẽ, nơi các nhà lập pháp đang mong muốn có một lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một đảng viên Cộng hòa tại Arkansas, cho rằng chính phủ Mỹ bắt buộc phải tiếp tục mở rộng danh sách để các công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc không được tiếp cận với công nghệ và thị trường vốn của Mỹ. "Chúng ta đang trang bị vũ khí và tài trợ cho đối thủ cạnh tranh hàng đầu của mình", ông tuyên bố. Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng - bao gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa tại Florida, Thượng nghị sĩ Mark Kelly thuộc đảng Dân chủ tại Arizona và Đại diện Liz Cheney, thuộc Đảng Cộng hòa tại Wyoming - đã gửi một lá thư đến Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trong tuần này, bày tỏ quan điểm tương tự. "Chính phủ Mỹ phải tiếp tục hành động mạnh dạn trong việc ngăn chặn sự xâm hại kinh tế của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp của chúng ta", họ nói trong thư và cho biết: "Chúng ta không được để Trung Quốc làm xói mòn ưu thế quân sự của Mỹ". Động thái của Biden cũng được quan sát kỹ lưỡng ở Phố Wall, nơi lệnh cấm của Trump từng gây ra sự nhầm lẫn về việc có áp dụng cho các công ty có thể liên quan với công ty trong danh sách - công ty con hoặc mang tên tương tự - hay không. Nhà Trắng và Kho bạc cũng sẽ làm rõ lệnh cấm chỉ áp dụng đối với các công ty con của các công ty trong danh sách nếu công ty con đó được Kho bạc liệt kê cụ thể. Chính quyền Trump trước đó thậm chí còn nhắm đến việc cấm những công ty có tên gần giống với các thực thể được điểm mặt.
|
Nguồn tin: Phiên An (theo Bloomberg)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn