Zarubezhneft thay Rosneft khai thác dầu khí tại Việt Nam

Thứ tư - 19/05/2021 06:04
unnamed
unnamed

May 18, 2021cập nhật lần cuối May 18, 2021
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Công ty Zarubezhneft thay chân công ty Rosneft tại hai dự án thăm dò và khai thác đầu khí tại Việt Nam tại bãi Tư Chính.
Đều là các đại công ty dầu khí quốc doanh của chính phủ Nga và đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, người ta không rõ nguyên nhân chính hoặc có trục trặc gì liên quan đến sự cản trở của Bắc Kinh. Các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí tại các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng vướng cái “lưỡi bò” ngang ngược thường xuyên bị Trung Quốc phá quấy.
Cảnh Sát Biển CSVN theo dõi chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc khi lực lượng hai bên đối đầu tại phía Nam Hoàng Sa năm 2014. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Hiện chưa thấy tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) nói gì nhưng ngày 18 Tháng Ba, trang mạng “Đại Ký Sự Biển Đông,” một bộ phận thông tin Biển Đông liên quan với Học Viện Ngoại Giao Hà Nội, cho biết: “Zarubezhneft, nhà sản xuất dầu khí nhà nước Nga, đã đồng ý mua lại cổ phần của người đồng hương Rosneft trong hai dự án thăm dò và phát triển ngoài khơi tại Việt Nam, cùng với một đường ống dẫn khí và khí ngưng tụ ngoài khơi liên quan.”
Nhiều phần Đại Ký Sự Biển Đông đưa lại bản tin của tạp chí thông tin dầu khí quốc tế Upstream ngày 11 Tháng Năm, đồng thời đưa thêm thông tin về sự theo dõi và quấy rối của các tàu Hải Cảnh Trung Quốc ở khu vực có các hoạt động dầu khí của liên doanh Việt-Nga.
Áp lực và sự đe dọa quá nặng từ Bắc Kinh, thời gian gần đây, Hà Nội đã phải ngưng dò tìm dầu khí tại bãi Tư Chính và bồi thường cho công ty Repsol của Tây Ban Nha khoảng gần $1 tỷ khi quyết định chấm dứt hợp đồng, theo sự tiết lộ của truyền thông quốc tế hồi năm ngoái.
Tạp chí Upstream thuật lại lời một phát ngôn viên của Rosneft nói với hãng tin Nga Interfax rằng Zarubezhneft đang thực hiện các thủ tục pháp lý để hoàn tất sự mua bán, dự trù có thể xong vào cuối Tháng Sáu. Dù sao tin tức về các điều kiện tài chính liên quan giữa hai bên không thấy tiết lộ.
Rosneft là đại công ty khai thác dầu khí quốc doanh Nga hiện nắm 35% cổ phần tại lô 06.1 xuyên qua công ty con là Rosneft Việt Nam. Công ty Ấn Độ ONGC Videsh nắm 45% trong khi công ty dầu khí quốc doanh của Việt Nam PVN nắm số cổ phần còn lại. Tại lô này, hiện ba mỏ khí đốt và khí ngưng tụ là Lan Đỏ, Phong Lan Dại và Lan Tây đang được khai thác.
Cả ba mỏ đều khoảng 370 km cách bờ biển Việt Nam thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn ở độ sâu đến 190 mét. Các ước tính ban đầu nói dự trữ khí đốt của cả ba mỏ khoảng 69 tỷ m3. Theo công ty Rosneft cho biết liên doanh đã khai thác được 3.2 tỷ mét khối khí và một ít khí ngưng tụ trong năm 2020.
Rosneft cũng nắm giữ 33% cổ phần đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đưa khí đốt và khí ngưng tụ từ lô 06.1 vào đất liền. Phần còn lại, PVN nắm 51% và công ty của Pháp Perenco nắm 16%.
Trên mặt thông tin chính thức, Rosneft cho hay họ bán cổ phần lại cho Zarubezhneft tại Việt Nam “nằm trong chiến lược thay đổi dài hạn.” Vì họ “chú trọng tăng đầu tư một ngân khoản rất lớn vào các dự án tại Nga, nên bán các cổ phần nhỏ và các tài sản đang thu hẹp lại phí tổn cao trong khi lợi nhuận không bảo đảm.”
Lời lẽ có vẻ bóng gió nói đến sự kiếm chuyện của đám tàu hải cảnh Trung Quốc kéo dài mấy năm qua. Hôm Thứ Ba, 18 Tháng Năm, bản tin của Đại Ký Sự Biển Đông dẫn dữ liệu của tổ chức theo dõi hoạt động tàu biển quốc tế Marine Traffic cho hay “Hải Cảnh Trung Quốc tiếp tục đổi ca tiếp cận các lô dầu khí đang hoạt động của Việt Nam.”
Nguồn tin này nói: “Sau khi có mặt tại khu vực phía Tây Nam bãi Tư Chính ngày 2 Tháng Năm, tàu Hải Cảnh 5202 của Trung Quốc đã thực hiện bốn lần tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại các Lô 05.2 và Lô 06.1 vào các ngày 4, 6, 9 và 13 Tháng Năm, sau đó di chuyển về đảo Hải Nam. Đây là đợt hoạt động tương đối ngắn của Hải Cảnh 5202 nếu so với các tàu Hải Cảnh khác (5204, 5304, 5402) từng hoạt động tại khu vực Lô 05.2 và 06.1 trước đây. Có lẽ tàu chấp pháp của Trung Quốc đã gặp trục trặc hoặc được điều về để chuẩn bị cho một nhiệm vụ khác. Sau khi Hải Cảnh 5202 rời đi, Hải Cảnh 5302 đã được điều xuống thay thế từ ngày 14 Tháng Năm và đã có lần tiếp cận đầu tiên đến các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam vào ngày 16 Tháng Năm.”
Lô dầu khí 06-01 thuộc dự án đường ống khí đốt Nam Côn Sơn, là dự án được thành lập từ năm 2000 giữa tổng công ty Dầu Khí Việt Nam (nay là tập đoàn Dầu Khí Việt Nam – PVN), tập đoàn BP và tập đoàn Statoil. Đến năm 2012, TNK thay thế BP trở thành đối tác chiếm phần vốn lớn thứ hai của hợp doanh. Năm 2013, Rosneft của Nga thay thế TNK. Hiện nay, dự án là hợp doanh giữa tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Rosneft Pipelines Vietnam và Perenco Pipelines Vietnam. Tin mới nhất thì hai công ty quốc doanh của Nga bán qua bán lại cho nhau.
Sơ đồ hoạt động của tàu Hải Cảnh 5302 từ ngày 14 đến 17 Tháng Năm, 2021, bãi Tư Chính. (Hình: Đại Ký Sự Biển Đông/Marine Traffic)
Hồi Tháng Bảy, 2017, và Tháng Ba, 2018, Trung Quốc từng đe dọa đánh chiếm các vị trí của CSVN trên Biển Đông, buộc Hà Nội phải ngừng hoạt động thăm dò tại các lô của Repsol, một công ty Tây Ban Nha. Nhưng Rosneft của Nga vẫn tiếp tục thăm dò giếng mới ở mỏ khí Lan Đỏ và Phong Lan Dại, cũng thuộc lô 06-01.
Theo thông tin tổ chức Asia Maritime Transparency Initiative tại Washington vào Tháng Năm, 2019, Rosneft giao cho giàn khoan Hakuryu-5 (của Nhật) đào một mỏ khác trong lô 06-01, bắt đầu làm từ ngày 18 Tháng Năm. Hải Cảnh Trung Quốc quấy nhiễu liên tục nhưng họ vẫn hoạt động. Cuối cùng giàn khoan Hakuryu-5 chấm dứt hoạt động thì các tàu Hải Cảnh Trung Quốc mới thôi quấy nhiễu.
 

Nguồn tin:  (TN) [qd]

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập87
  • Hôm nay14,290
  • Tháng hiện tại436,248
  • Tổng lượt truy cập32,419,971
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây