Lại nóng sáp nhập ngân hàng

Thứ ba - 30/12/2014 21:43

Lại nóng sáp nhập ngân hàng

Sự kiện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường và bất ngờ trình cổ đông chủ trương sáp nhập một tổ chức tín dụng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Câu chuyện sáp nhập ngân hàng dự báo lại nóng trong năm tới.

Một ngày trước phiên đại hội bất thường của Vietcombank, nói với phóng viên, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank chỉ “nhất mực”: Đại hội bất thường tổ chức chủ yếu kiện toàn về nhân sự. Tuy nhiên, tại Đại hội, ngoài mục nhân sự như dự kiến, Vietcombank đã trình cổ đông về việc chủ trương sáp nhập một tổ chức tín dụng (TCTD) khác vào.

TCTD nào Vietcombank đã “ngắm” tới? Thông tin được toàn bộ Ban lãnh đạo ngân hàng “ém” khá kỹ. Trao đổi với Tiền Phong ngày 29/12,  một lãnh đạo Vietcombank chỉ hé lộ: Thực ra đã có vài ba cái tên để Vietcombank xem xét, lựa chọn. Tuy nhiên, ngoài chủ động tìm kiếm, Vietcombank còn chờ một phần quyết định từ cấp trên là Ngân hàng Nhà nước. Ông Nghiêm Xuân Thành khi được hỏi chỉ luôn nhấn mạnh: “Vietcombank đặt mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng số 1 tại thị trường trong nước cả về quy mô và chất lượng, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh, tầm vóc và tính cạnh tranh của ngân hàng Việt Nam so với các ngân hàng trong khu vực. Vì lẽ đó, sự lớn mạnh của ngân hàng được xem là cần thiết và tất yếu”.               

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra NHNN cho biết: kể từ năm 2012 đến nay, đã có 7 TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện, trong đó có 4 NHTM cổ phần yếu kém. “NHNN đã nhận được đề xuất về mua lại, sáp nhập, hợp nhất của một số TCTD và đang nghiên cứu, hướng dẫn thủ tục triển khai mua lại, sáp nhập, hợp nhất, xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao”, ông Nghĩa nói.

Nói về tốc độ tái cơ cấu ngân hàng hiện tại, lãnh đạo một NHTM cổ phần từng suýt rơi vào “đổ vỡ” giai đoạn 2011-2012 khẳng định: Về bản chất, tái cơ cấu đã đi qua giai đoạn sáp nhập và hiện đang ở giai đoạn 2 là quá độ. “Dự cảm của giới nhà băng chúng tôi, năm 2015, tái cơ cấu ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi đột biến”, vị này nói.

 

Thâu tóm, sáp nhập ngân hàng: Nhận diện đế chế mới

Nhiều ngân hàng đang ấp ủ kế hoạch sáp nhập với nhau và nhiều khả năng vòng 2 của quá trình thâu tóm, sáp nhập ngân hàng sẽ được thực hiện trong năm 2015 tạo ra bước ngoặt mới trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Ai sẽ là các ông trùm của các đế chế mới?Ai sẽ là các ông trùm của các đế chế mới?

Dự định của Vietcombank và trước đó là Sacombank-SouthernBank có thể sẽ khởi động cho bước ngoặt mới trong lĩnh vực mua bán sáp nhập (M&A) NH trong giai đoạn mới.

Dần dần lộ diện

Sáng 26/12, Vietcombank tổ chức Đại hội cổ đông bất thường 2014 và thông qua chủ trương sáp nhập một ngân hàng khác vào Vietcombank.

Mục đích được nêu ra là nhằm thực hiện chủ trương trở thành ngân hàng số 1 thị trường trong nước cả về quy mô và chất lượng. Hướng đi này phù hợp với mong muốn nâng cao quy mô và chất lượng để giảm về số lượng, lành mạnh hóa thị trường và để cạnh tranh được với các ngân hàng lớn trong khu vực mà NHNN đã vạch ra.

Kế hoạch sáp nhập một ngân hàng khác của Vietcombank thu hút sự quan tâm của dư luận bởi đây sẽ là vòng thâu tóm sáp nhập thứ hai, khác rất nhiều về bản chất so với vòng 1, bắt đầu từ năm 2012.

Nếu như vòng 1 đã có 8 trong số 9 NHTM yếu kém xác định từ năm 2012 được NHNN phê duyệt phương án cơ cấu lại và kết quả đã giảm bớt được 5 NH thông qua sáp nhập, hợp nhất, thì trong vòng 2, các thương vụ "hôn nhân" có lẽ sẽ không phải chỉ giữa các ngân hàng yếu kém, mà còn là để hình thành nên các đế chế mới.

Trước đó, hàng loạt ngân hàng cũng đã đưa ra kế hoạch hoặc định hướng sáp nhập với các ngân hàng khác.

Tại ĐHCĐ 2014, ông Kiều Hữu Dũng, tân chủ tịch Sacombank đã trình đại hội cổ đông về chủ trương sáp nhập NH Phương Nam vào Sacombank, thay vì Eximbank như đồn đoán trước đó.

Cho dù tới cuối 2014, vẫn chưa thể sáp nhập Southern Bank vào Sacombank do chưa được phê duyệt nhưng nhiều khả năng kế hoạch này vẫn sẽ được ưu tiên xem xét bởi đây là 2 ngân hàng có dáng dấp của một ông chủ - đại gia Trầm Bê. ĐHCĐ của cả Sacombank và Southern Bank đều đã được thông qua về chủ trương.

Maritime Bank cũng đã xin nhận sáp nhập Mekong Bank. Trong khi đó, VietABank muốn mua bán, sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. PGBank đề xuất sáp nhập với VietinBank còn DongABank xác nhận có 2 ngân hàng đặt vấn đề sáp nhập. Và VietCapitalBank cũng đã trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định lựa chọn và tiến hành các nội dung công việc liên quan đến việc hợp nhất, sáp nhập...

Bên cạnh đó, MBB hồi đầu năm cũng cho biết có kế hoạch tận dụng các cơ hội để thâu tóm, sáp nhập một ngân hàng có điều kiện phù hợp với tình hình của MBB.

Nhiều khả năng vòng 2 của quá trình thâu tóm, sáp nhập ngân hàng sẽ được thực hiện trong năm 2015.
Các ông trùm đế chế mới là ai?

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, số lượng các ngân hàng Việt Nam hiện vẫn còn nhiều, gần 40 đơn vị nhưng sức cạnh tranh yếu do nội lực thấp. Còn theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đến năm 2017, NHNN định hướng giảm số lượng ngân hàng xuống còn khoảng 20 đơn vị. Các ngân hàng sáp nhập với nhau để mở rộng vốn, thị trường, tăng công nghệ và kỹ thuật...

Và tất nhiên, những vụ M&A giữa các NH còn lại với nhau sẽ gắn liền với sự hình thành các ông trùm ngân hàng mới với vị thế và quyền lực cao hơn. Tuy nhiên, ai sẽ là các ông trùm của các đế chế mới này?

Vụ sáp nhập Habubank vào SHB hồi cuối 2012, cho tới thời điểm này, được đánh giá khá thành công. Ông chủ SHB - đại gia Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã xử lý thành công khá nhiều nợ xấu. Tất nhiên, sau thương vụ khó khăn này, ông Hiển đã có một vị thế mạnh hơn trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong phương án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, nếu thành công, gia đình ông Trầm Bê, Phó chủ tịch Sacombank sẽ trở thành cổ đông lớn tại ngân hàng mới do đang nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn tại cả hai ngân hàng này. Vị thế ông trùm của ông Trầm Bê, do vậy, sẽ càng lên cao.

Trường hợp Southern Bank vào Sacombank nếu thành công cũng là một vụ thâu tóm ngược đầy ấn tượng. Ông Trầm Bê với vị trí là cổ đông lớn của một ngân hàng nhỏ Southern Bank có thể sẽ trở thành ông chủ của Sacombank.

Còn Vietcombank, thông tin về chủ trương M&A không mới nhưng khá bất ngờ với nhiều người bởi Vietcombank vừa mới tham gia vào phương án tái cơ cấu NH Xây dựng (VNCB) - tiền thân là TrustBank.

Tên tuổi của ngân hàng mục tiêu sẽ sáp nhập với Vietcombank chưa được công bố. Tuy nhiên, sau đại hội bất thường này, các thông tin về thương vụ M&A được CTCK Bản Việt tiết lộ từ đầu tháng 4/2014 tới nay có lẽ sẽ trở nên rõ ràng và cụ thể hơn.

Trong Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 3/2012, mục tiêu được đưa ra là nhằm cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế. Mục tiêu được đặt ra là đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1-2 NHTM có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

 

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Nguồn tin: Theo VietNamNet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập87
  • Hôm nay13,251
  • Tháng hiện tại283,211
  • Tổng lượt truy cập35,549,492
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây