Những bài viết chia sẻ

Thứ ba - 25/11/2014 04:59

Những bài viết chia sẻ

(GDVN).- Đó là ý kiến nhận định của TS Nguyễn Bạch Phúc trước thông tin vụ việc hai máy bay dân sự và quân sự suýt đụng nhau được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày 19/11.
    NHIỀU NGHI VẤN QUANH BẢN TIN "MÁY BAY VNA SUÝT ĐÂM MÁY BAY QUÂN SỰ"

Dựa vào đâu Bộ GTVT nói "hệ thống giao thông tiếp cận TSN khó khăn"?
Kinh ngạc với cách lấy ý kiến của lãnh đạo Hà Nội.
Mở rộng Tân Sơn Nhất 2 tỷ USD hay xây sân bay Long Thành 18 tỷ USD?
Nếu QH bỏ phiếu sân bay Long Thành: Chính phủ phải chi 142,5 triệu ÚD.
 
Liên quan sự cố máy bay Hãng hàng không Vietnam Airlines suýt va chạm với máy bay trực thăng quân sự ngày 29/10, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, đây là vụ việc này vi phạm khoảng cách tối thiểu giữa hai đường bay, nguyên nhân ban đầu có thể nói rằng do sự phối hợp hợp đồng bay giữa hàng không dân sự và quân sự không tốt của kíp trực điều hành. Lỗi của kiểm soát viên trong việc canh nghe huấn lệnh.
 
“Còn vừa qua có thông tin đại chúng cho rằng kết luận lỗi của chỉ huy bay quân sự. Tuy nhiên cho đến ngày hôm nay chưa có cơ sở để kết luận lỗi do chỉ huy bay quân sự. Hiện Cục Hàng không đang phối hợp với các bên thành lập tổ điều tra tiếp tục làm rõ nguyên nhân", ông Thanh nói.
 
Theo đó liên quan đến vụ việc suýt xảy ra va chạm giữa máy bay dân sự và quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29/10 vừa qua, trước thông tin trả lời của ông Đỗ Quang Việt – Cục phó Cục Hàng không VN trên Báo Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Bách Phúc Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI đã có bài viết phân tích nhận định về những con số và thông tin đăng tải trong bài báo.
 
 
      Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu độc giả bài viết TS Nguyễn Bạch Phúc:
 
Ngày 19/11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Quang Việt – Cục phó Cục Hàng không VN - cho biết đã nhận được báo cáo của Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) về sự cố một máy bay dân sự và một máy bay quân sự suýt đụng nhau trên vùng trời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (báo Tuổi Trẻ ngày 20/11/2014, trang 5, với tiêu đề: Hai máy bay suýt đụng nhau).
 
Đọc những con số trong Báo cáo của ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc VATM, trình ông Đỗ Quang Việt, người ta không khỏi "hết hồn": Máy bay dân sự Airbus A321 (có thể chở hơn 200 hành khách), bay cách máy bay trực thăng quân sự Mi 172/423 chỉ có 60 mét! Khoảng cách 60 mét với người đi bộ, hay với xe khách, xe ô tô chẳng là gì cả, nhưng với hai máy bay, tốc độ hàng trăm km/h, thì quả thật là một điều kinh khủng.
 
 
Có lẽ Cục Hàng không Việt Nam đưa ra câu chuyện này để nhằm chứng minh cho nhận định vô cùng hùng hồn của Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải là: Sân bay Tân Sơn Nhất bị “tắc nghẽn bầu trời” và “chồng lấn bầu trời với sân bay Quân sự Biên Hòa”. 
 
Với ý nghĩa này thì Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải đã rất thành công.
 
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ những con số của bản tin, sẽ thấy sao lại “tréo ngoe” đến thế. Đến nỗi, một học sinh cấp một cũng có thể thấy được cái vô lý của bản tin. Chúng tôi mong muốn được làm “minh bạch” những thông tin này.
 
Con số tréo ngoe thứ nhất, hai máy bay cách nhau 60m. Bản tin viết: “Máy bay Airbus 321 của Hàng không Việt Nam Airline (VNA) khởi hành từ TP.Hồ Chí Minh đi Huế, sau khi cất cánh, tổ lái phát hiện có máy bay cắt ngang ở độ cao 1000 feet (304m) gây uy hiếp an toàn bay”. Rồi bản tin lại viết: “Theo đại diện VNA, khi máy bay Airbus 321 đang ở độ cao 500 feet (khoảng 150m) thì tổ lái quan sát thấy một máy bay trực thăng cắt ngang phía trước, theo nhận định của tổ lái, lúc này hai máy bay cách nhau khoảng 200 feet (khoảng 60m)”.
 
Airbus bay ở độ cao 152m, máy bay trực thăng bay ở độ cao 304m, thì khoảng cách gần nhất có thể, chỉ xảy ra khi hai máy bay “đội đầu” nhau, khoảng cách “đội đầu” gần nhất đó chỉ bằng 304 – 152 = 152m! Lạ lùng chưa? Cục Hàng không Việt Nam lại bảo chúng chỉ cách nhau 60m!
Cục Hàng không đưa ra thông tin như vậy có dụng ý gì?
 
Con số tréo ngoe thứ hai, máy bay trực thăng có tốc độ siêu thanh, hơn 4.600km/h. Cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, theo hướng đông tây, Airbus 321 phải bay về phía tây. Bản tin nói rằng: máy bay A321 phát hiện trực thăng cắt ngang khi đang ở độ cao 152m. Chúng ta hãy thử xác định xem vị trí này của máy bay ở đâu?. Tốc độ nâng độ cao của mỗi máy bay tùy thuộc nhiều yếu tố: loại máy bay, thời tiết…, nhưng thông thường, với máy bay dân dụng, tốc độ đó nhỏ nhất là 5m/giây.
 
Cho rằng máy bay A321 bay với tốc độ nâng độ cao nhỏ nhất này, khi máy bay đạt độ cao 150m, thì thời gian bay tính từ khi cất cánh chỉ là 152m/(5m/giây) = 30 giây. Với 30 giây này, máy bay mới rời mặt đất được một quãng đường chỉ hơn 2 Km. Tính quãng đường này như sau: Tốc độ khi cất cánh của máy bay dân sự thường là 250 Km/giờ, quãng đường S = v x t  = 250 Km/giờ x (30/3000)giờ = 2,08 Km. Nếu tính chi li ra, máy bay tăng dần tốc độ sau khi rời mặt đất, sẽ khiến quãng đường này dài thêm được 0,04 Km, kết quả S = 2,08 Km + 0,04 Km = 2,12 Km (trong phần Phụ lục cuối bài sẽ có bài tính chi tiết con số 0,04 Km này, mời những bạn đọc quan tâm tham khảo).
 
Như vậy, theo Cục Hàng không Việt Nam, máy bay A321 đã phát hiện máy bay cắt ngang khi mới rời sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 30 giây, mới xa sân bay chỉ hơn 2 Km, tức là ngay trên vùng trời quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh.
 
Bản tin lại nói, sau khi máy bay A321 cất cánh được 9 giây, thì máy bay trực thăng được lệnh cất cánh từ sân bay Biên Hòa. Thật lạ lùng, là chỉ với thời gian 30 giây - 9 giây = 21 giây, máy bay trực thăng đã kịp vọt từ sân bay Biên Hòa, đến chắn ngang máy bay A321 đang ở gần Tân Sơn Nhất? Trực thăng đã vượt khoảng cách từ sân bay Biên Hòa đến Tân Sơn Nhất 25 Km, cộng thêm 2 Km máy bay Airbus đã bay, tổng cộng 27 Km, chỉ trong 21 giây. Vậy thì, theo Cục Hàng không Việt Nam tốc độ của máy bay trực thăng Mi 172 là (25 Km + 2 Km)/21 giây = 27 Km/(21/3000)giờ = 4628 Km/giờ!
 
Xin hiểu rằng những máy bay chiến đấu siêu thanh hiện đại nhất hiện nay cũng chỉ có tốc độ hơn 3000 Km/giờ, trong khi Cục Hàng không Việt Nam “hô biến” cho loại máy bay trực thăng dòng Mi 172 của Nga, với tốc độ tối đa chỉ 250 Km/giờ, thành máy bay “siêu siêu thanh” 4628 Km/giờ!
 
Lưu ý rằng, Bản tin không nói tên sân bay quân sự mà trực thăng cất cánh. Trong câu chuyện này, ngoài sân bay Biên Hòa, thì chỉ còn duy nhất Tân Sơn Nhất. Nếu trực thăng cất cánh từ Tân Sơn Nhất thì câu chuyện cũng hoàn toàn vô lý, vì máy bay A321 lúc cất cánh bay với tốc độ 250 Km/giờ, trực thăng Mi172 có tốc độ tối đa 250 Km/giờ, nhưng xuất phát sau A321 thời gian 9 giây, kết quả là trực thăng chỉ có thể “bám đuôi” A321, chứ lấy sức đâu mà vượt lên trước, rồi rẽ cắt ngang mặt A321. Hơn nữa, trực thăng và A321 bay cùng hướng, rất gần nhau, thấy nhau rõ mồn một, nếu trực thăng có “phép màu” nào đó để đuổi kịp và vượt lên trước, thì trực thăng cũng chẳng “dại gì” mà rẽ cắt ngang A321.
 
.............
 
 
Tính quãng đường S mà A321 bay được trong thời gian t = 30 giây, khi nhìn thấy trực thăng cắt ngang:
 
1.Tính thời gian T để máy bay nâng độ cao lên 10000m:
Với Tốc độ nâng độ cao của máy bay dân dụng là Vn = 5m/ giây, Thời gian T = 10000m/(5m/giây) = 2000 giây
2. Tính gia tốc a của máy bay, là độ gia tăng tốc độ của máy bay:
a = (v1 – v0)/T
(Trong đó v1 là tốc độ ở độ cao 10000m, với máy bay Airbus 321 tốc độ v1 xấp xỉ  900Km/ giờ;  a = (900 Km/giờ - 250 Km/giờ)/T = (650 Km/giờ)/2000 giây= (650 Km/giờ)/(2000/3600 giờ) = 1170 Km/giờ2)
3. Tính quãng đường S mà A321 bay được trong thời gian t = 30 giây, khi nhìn thấy trực thăng cắt ngang:
S = v0 x t + a x t2/2
t = 30 giây = 30/3600 giờ = 0.00833 giờ
v0 là tốc độ của A321 khi rời mặt đất, v0 = 250 Km/ giờ
a = 1170 Km/giờ2
S = 250 Km/giờ x 0.0083 giờ  + 1170 Km/giờ2 x 0.0083 giờ x 0.0083 giờ/2 = 2,08 Km  +  0.04 Km = 2,12 Km.u
 
 
--------------------------------------
 
 
Van vào lúc 15:43
 
                                                     ỐI GIỜI! MÔN LỊCH SỬ!
                     SOẠN SÁCH LỊCH SỬ THẾ NÀY TIỀM ẨN NGUY CƠ MẤT NƯỚC ?!
                                                             Trần Kỳ Trung
                                                     Theo blog Trần Kỳ Trung
 
 
Trên tay tôi là ba quyển sách dạy lịch sử từ lớp 7 đến lớp 9 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.
Lớp 7 đến lớp 9, các em vừa mới qua tuổi nhi đồng, chưa đến tuổi trưởng thành, tâm lý đang hình thành, suy nghĩ chưa phải chín chắn. Ấy vậy, trong ba quyển sách giáo khoa về lịch sử, có những khái niệm, đến như tôi còn phải tra từ điển, thì thử hỏi, học sinh tuổi như các em làm sao hiểu được.
 
 
Dưới đây tôi xin lấy một số dẫn chứng:
 
Sách lớp 7 gồm hai phần: Phần một – Khái quát lịch sử trung đại (gồm 7 bài).
 
Tôi tự hỏi, học sinh lớp 7, một tuổi mới lớn, vắt mũi chưa sạch cần gì những nội dung bắt các em phải học như: Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở châu Âu. Hay như : Cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống phong kiến thời hậu kỳ trung đại ở châu Âu.
 
Chỉ riêng khái niệm “Xã hội phong kiến”, “hậu kỳ trung đại”… người lớn, nhiều người đã hiểu chưa? Mà bắt các em học.
 
Đến phần hai của quyển sách lịch sử này kiến thức bắt các em học thuộc, hiểu mới thật kinh khủng - Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, gồm 6 chương, 22 bài. Cho dẫu chỉ tóm tắt cũng là một sự “nhồi nhét” không hơn, không kém. Như chương I: Buổi đầu độc lập thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (Thế kỷ X) gồm hai bài: Bài 8: Nước ta buổi đầu độc lập. Bài 9: Nước Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê. Tôi cứ tự hỏi, học sinh lớp 7 có cần nêu những sự kiện (đến cả người lớn, nếu hỏi, có khi không nhớ, không biết) về tình hình chính trị, quân sự, sự phát triển kinh tế và văn hóa… của cuối thời Ngô, nhà Đinh, tiền Lê. 
 
Tiếp theo nội dung của cuốn sách giáo khoa lịch sử này là các sự kiện dài dằng dặc bắt các em học thuộc từ nước Đại Việt thời Lý (thế kỷ XI – XII) kéo dài đến Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Bài nào cũng có tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục… với những những dòng chữ khô khan, không có một chút nào gây hứng thú đến học sinh như: “… Chính quyền phong kiến được hoàn thiện dần. Đứng đầu triều đình là vua… cả nước chia làm năm đạo… dưới đạo là phủ, huyện…” (trang 94 – Sách lịch sử lớp 7 - NXBGD năm 2010). Nêu khái niệm này giáo viên phải giải thích, so sánh mà giải thích, so sánh làm sao khi đầu óc non nớt của các em còn mải chơi bi, đá cầu… đâu có cần những khái niệm trìu tượng này. Điều cần nhất, ở tuổi các em, qua môn lịch sử sẽ hình thành, bồi đắp lòng yêu nước, nhưng nếu cứ dạy kiểu này chắc chắn không thể có được.
 
Giá như ở tuổi các em học sinh lớp 7, thay thế những kiến thức lịch sử khô khan như vậy, bằng những câu chuyện kể lịch sử của từng giai đoạn đó, hợp với lứa tuổi tâm lý, sinh hoạt của các em (Những câu chuyện lịch sử hay, không thiếu trong sách vở, di tích đền chùa, lời kể của các cụ già, bậc cao niên…) hoặc như bằng hình thức đi tham quan đình chùa, di tích lịch sử có liên quan đến những giai đoạn lịch sử đang học rồi viết thu hoạch hay kể lại những câu chuyện lịch sử mình đã biết, đã nghe, đã nhìn… dưới sự hướng dẫn của giáo viên, có phải tốt bao nhiêu. Học sinh vừa có kiến thức, vừa tạo hứng thú, vừa để các em yêu môn lịch sử. Tất nhiên, để làm tốt điều đó, đòi hỏi giáo viên lịch sử phải năng động, am hiểu lịch sử, có nghệ thuật truyền đạt, dẫn chương trình, quản lý giỏi.
 
Tiếc rằng, các trường sư phạm nói chung, đào tạo giáo viên dạy môn lịch sử nói riêng, gần như không chú trọng điều này.
 
Trong những quyển sách giáo khoa môn lịch sử dạy cho các em tôi đang cầm, hãi nhất là quyển lịch sử lớp 8. Cũng hai phần, gồm 31 bài. Phần I, lịch sử thế giới - Lịch sử thế giới cận đại (từ giữa thế kỷ XVI đến năm 1917) – Phần II, Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1918. những kiến thức “cực khủng” buộc học sinh phải thuộc như chương I – Thời kỳ xác lập của Chủ nghĩa tư bản, sau đó là một loại bài nói về cách mạng Hà Lan (thế kỷ XVI), cách mạng tư sản Anh (Thế kỷ XVII ), chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ với rất nhiều chi tiết, đọc hoa cả mắt, chứ chưa nói đến học thuộc. 
 
Sau bài này chốt lại hai câu hỏi “khủng khiếp”: 
“1) Lập niên biểu về cách mạng tư sản Anh và chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ. 
2) Nêu ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản đầu tiên?"
 
Hai câu hỏi này, nếu như một số em ở thành phố lớn có cơ hội tiếp xúc, học hỏi… có thể làm được, thì các em ở miền núi, vùng khó khăn có cần phải biết đến “cách mạng tư sản Anh”!!! Khi cơm ăn chưa no, đi chân đất, học bữa đực, bữa cái… Học lịch sử với một kiến thức quá tải, quả thật đây là một sự đánh đố, nhất là những em ở vùng xa, còn khó khăn…
 
Đó chỉ là chương đầu tiên của cuốn sách giáo khoa lịch sử lớp 8. Nếu như các bậc phụ huynh có con cháu đang học lớp 8, chịu khó mở cuốn sách này, xem hết 31 bài, tôi tin chắc có chung một nhận định, học sinh không thể học hiểu, yêu môn lịch sử, trừ nói như con vẹt.
 
Dạy lịch sử, cho các em biết sự phát triển của từng thời kỳ lịch sử là cần thiết, nhưng nhất thiết phải phù hợp với từng tâm, sinh lý từng lứa tuổi. Với học sinh lớp 7, lớp 8 với những mục, chương…như tôi vừa dẫn chứng, có cần cho các em học ôm đồm như thế không? Hay chỉ cần nêu một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu thông qua bằng những câu chuyện lịch sử, những hình ảnh, bộ phim video…để cho các em hiểu (hiện nay với nhiều phương tiện thông tin hiện đại, điều này không khó với một giáo viên dạy sử). 
 
Ở tuổi này cũng có cần cho các em lập niên biểu, so sánh, hay nêu ý nghĩa của những cuộc cách mạng tư sản xảy ra xa lắc, xa lơ? Tôi muốn hỏi, các nhà soạn sách giáo khoa lịch sử: Điều này có giúp các em yêu lịch sử không? Gợi mở cho các em điều gì để áp dụng, hay so sánh với thực tế? Có giúp các em hình thành được một nhân cách tốt trong cuộc sống hay không?
 
Nếu không trả lời được những câu hỏi này, rõ ràng dạy lịch sử đã phản tác dụng.
 
 
Đến nội dung quyển sách giáo khoa môn lịch sử lớp 9 với nội dung: Phần I – Lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến nay, gồm 13 bài, với nội dung bao quát gần như toàn bộ các cuộc cách mạng lớn trên thế giới từ năm 1945 đến nay và câu hỏi cuối cùng của chương này với một học sinh lớp 9: “Tại sao nói “Hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển” vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các dân tộc?” ( trang 54 – SGK lịch sử lớp 9 – NXB Giáo dục – 2014)
Quả thật, tôi không hiểu một em học sinh lớp 9 sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?
 
Phần II của quyển sách giáo khoa này là “Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay)" gồm 7 chương, 21 bài, diễn giải gần như toàn bộ lịch sử Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Tôi không đi sâu vào sự kiện, vì tôi tin rằng, giáo viên chỉ nêu sự kiện lịch sử xảy ra trong giai đoạn này cũng đã hết giờ, chứ chưa nói giải thích, diễn giải, minh họa… 
 
Tại sao không thể chọn ra một giai đoạn lịch sử nhất định, sự kiện lịch sử tiêu biểu để giảng dạy cho các em, nhất là những phong trào yêu nước của người dân Việt Nam, như khởi nghĩa Yên Bái, hình ảnh lẫm liệt của anh hùng Nguyễn Thái Học (Quốc Dân Đảng)… Vậy trong quyển SGK này những sự kiện, nhận vật này nêu rất sơ sài, ngược lại sách giáo khoa đặt rất nặng những sự kiện về đảng, từ lúc mới manh nha là những tổ chức đảng ở ba miền tiến tới, do yêu cầu của lịch sử, thống nhất thành một tổ chức. 
 
Tuy vậy cũng không biết sự kiện nào là chính, sự kiện nào là phụ. Nhưng giá như đây là những câu chuyện lịch sử hấp dẫn thì SGK Lịch sử lớp 9 viết một nhận định y như giáo trình lịch sử đảng: “… sự ra đời của ba tổ chức cộng sản là một xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam. Các tổ chức cộng sản trên đã nhanh chóng xây dựng cơ sở đảng tại nhiều địa phương, trực tiếp và tổ chức lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân. Phong trào công nhân kết hợp chặt chẽ với phong trào đấu tranh của nông dân chống sưu cao thuế nặng, chống cướp ruộng đất, với phong trào bãi khóa của học sinh, bãi thị của tiểu thương… tạo thành một làn sóng đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ khắp cả nước.” (Trang 69 – SGK Lịch sử -NXB Giáo dục -2014). 
 
Liệu giáo viên dạy bộ môn này, ở chương trình phổ thông cơ sở, với 45 phút, chỉ riêng đoạn văn này, giải thích như thế nào để các em hiểu. Có cần thiết đưa đoạn văn trên vào bài giảng không? Ta có thể tìm ra vô số những nhận định lịch sử khô khan, máy móc, áp đặt… gây khó cho giáo viên cũng như học sinh trong quyển sách giáo khoa lịch sử này. Cứ mỗi chương lại có những câu hỏi ngang với thi vấn đáp của học sinh đại học như: “1) Tại sao nói sự ra đời của ba tổ chức cộng sản vào năm 1929 là xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam? 2) Hãy cho biết những yêu cầu bức thiết về tổ chức để bảo đảm cho cách mạng Việt Nam phát triển từ năm 1930 về sau?” (trang 71-đã dẫn).
 
Điều đặc biệt, những giai đoạn lịch sử gần đây, nghĩa là vẫn còn nhân chứng, vật chứng… thì nội dung quyển sach giáo khoa này vẫn “rập một khuôn” như viết giáo trình đại học, bắt các em mới mười bốn, mười lăm học. Ví như phong trào đồng khởi ở Bến Tre dưới sự lãnh đạo của bà Nguyễn Thị Định, nhiều sự kiện nổi bật, nhân vật hay, có những trận đánh lớn, gay cấn… lẽ ra SGK dẫn chứng cho học sinh đọc, hiểu, thì ngược lại, trích dẫn những nghị quyết, nhận định của đảng rồi tóm tắt bằng mấy dòng gần như đọc lên học sinh không biết hiểu như thế nào, vì nội dung rất chung chung: “… Quân khởi nghĩa đã phá vỡ từng mảng lớn bộ máy cai trị và hệ thống kìm kẹp của địch ở thôn xã. Ở những nơi đó, Ủy ban nhân dân tự quản được thành lập, lực lượng vũ tráng ra đời và phát triển, ruộng đất của địa chủ cường hào bị tịch thu đem chia cho dân cày nghèo…” (trang 135 – đã dẫn). Cuối cùng là câu hỏi: “Phong trào “đồng khởi” (1959-1960) nổ ra trong hoàn cảnh lịch sử nào? Diễn biến, kết quả và ý nghĩa của nó?”. (trang 135 - dã dẫn). Chịu!
 
Đặc biệt với bài 32 - Xây dựng đất nước, đấu tranh bảo vệ tổ quốc (1976 – 1985) với hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây nam và biên giới phía bắc chống quân Pôn pốt và Đại Hán xâm lược, quyển sách GK lịch sử này viết cực kỳ sơ sài, không nêu được tội ác diệt chủng của hai thế lực phản động này, cũng không chỉ cho các em thấy âm mưu thâm độc muốn thôn tính Việt Nam của chúng. Không một tấm gương anh hùng nào của nhân dân, quân đội Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pôn pốt và Đại Hán được trích dẫn (trang 173 – đã dẫn).
Theo tôi đây là một sai lầm nghiêm trọng của những người viết quyển sách GK này.
 
Tôi được biết rằng, hiện này Bộ GD-ĐT vẫn muốn có một bộ sách giáo khoa chung, nếu vậy vẫn đi vào vết xe đổ như bao lần cải cách sách giáo khoa. Với môn lịch sử, muốn cho học sinh yêu, thích học môn này điều cần thiết, phải làm cho các em yêu lịch sử ngay nơi mình sinh ra, gia đình, bà con họ hàng đang sống, yêu quê hương, rộng ra yêu và tự hào với lịch sử đất nước. Nên thế, ngay từ lúc học phổ thông cơ sở, ngoài chính sử, chỉ cần những sự kiện, nhân vật tiêu biểu để các em nắm được, nhất thiết trong giảng dạy phải gắn với lịch sử địa phương nơi các em đang học bằng các phương pháp trực quan như đi tham quan di tích lịch sử, nghe kể chuyện, đọc sách, xem phim…rồi các em viết thu hoạch, diễn kịch, hay kể lại những câu chuyện lịch sử đó… như vậy tốt bao nhiêu, các em sẽ hứng thú học lịch sử.
 
Còn cứ dạy và học lịch sử, như tôi nêu những ví dụ trên, tuy còn sơ sài, đến người lớn cũng chán học lịch sử, đừng nói các em.
 
Mà để các em chán học lịch sử, nguy hiểm vô cùng.
 
Đó là sự tiềm ẩn của nguy cơ mất nước.
 
Trần Kỳ Trung - Ối giời! Môn lịch sử!
 
---------------_______________
 
 
 
 
24-11-2014
Luật sư Trần Quốc Thuận: 'Ủy viên Bộ chính trị hãy công khai tài sản'
Theo BBC
 
Nhân vụ việc Tổng Thanh tra Chính phủ VN bị tuyên bố vi phạm, mắc khuyết điểm về 'chính sách nhà, đất' khi 'sở hữu quá nhiều' bất động sản có giá trị, một nhà quan sát trong nước kêu gọi các lãnh đạo cao cấp trong Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội 'công khai tài sản' ra toàn dân.
 
Trao đổi với BBC hôm 22/11/2014 từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói:
 
"Tôi hy vọng sau vụ ông Truyền thì có thể Đảng và Nhà nước sẽ đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng và đặc biệt trên Facebook, trên Internet, người ta sẽ có dịp đưa hình ảnh những người có tài sản lớn lên.
 
"Cái đó cũng là việc đấu tranh chống tham nhũng và góp phần xây dựng nhà nước này trong sạch, vững mạnh. Cái đó là điều tốt."
 
Trước câu hỏi vì sao đợt này chỉ có một mình ông Trần Văn Truyền bị đưa khuyết điểm, sai phạm ra công bố, mà không phải là những quan chức lãnh đạo, cấp cao nào khác nữa, ông Thuận nói:
 
"Trước nhất là ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu rồi, mạng lưới quyền lực suy giảm rồi cho nên ông bị đưa ra, còn những người đương đầy quyền lực thì việc đưa ra cũng không dễ.
 
"Hay nói một cách thẳng thắn là không ai đưa ra chọc với những người đang 'cầm gươm, cầm súng', cho nên chưa biết có đưa ra được không, họ lại bắn trước, họ lại chém trước.
 
 
" Hãy công khai làm gương"
 
Theo luật sư Thuận, đã tới lúc các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam trong các cơ quan quyền lực đứng đầu của Đảng và Nhà nước tỏ ra 'gương mẫu', ông nói:
 
"Cho nên vấn đề quan trọng là bây giờ phải công khai tài sản của mấy ông ấy lên, mà trước hết là mấy ông lớn, các vị trong Bộ Chính trị, các vị trong Chính phủ là phải công khai trước.
 
"Rồi tiếp tục là các đồng chí Thường vụ Quốc hội là công khai hết đi, công khai in một cái đặc san trong đó. Đặc san có thể bán vài triệu bạc người ta cũng mua. Và yêu cầu nhân dân giám sát mà theo Hiến pháp mới là bây giờ Đảng phải theo sự giám sát của nhân dân."
 
Theo luật sư Thuận, việc giám sát này tập trung trọng tâm chính vào 'tài sản, đạo đức và chủ trương."
 
Ông nói: "Giám sát là tài sản là chính, giám sát đạo đức, rồi giám sát chủ trương làm việc - chủ trương có sai, đúng hay không, những việc ông ban hành có sai, đúng, gây thiệt hại hay không...
 
"Từ việc ông Truyền, nên chăng, muốn lấy lòng tin của nhân dân một cách rõ ràng thì công khai tài sản đăng trên báo hết, tất cả các ông lãnh đạo cấp cao, rồi lần lần xuống các địa phương, làm gương trước, cũng như Nghị quyết Trung ương IV là phải kiểm điểm từ trên kiểm điểm xuống," cựu quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC.

Tác giả bài viết: TS Nguyễn Bạch Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập70
  • Hôm nay6,325
  • Tháng hiện tại347,312
  • Tổng lượt truy cập36,401,867
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây