Phó Tổng tham mưu trưởng chống dự án Hải Vân

Thứ bảy - 22/11/2014 22:08

Phó Tổng tham mưu trưởng chống dự án Hải Vân

Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Trung tướng Bế Xuân Trường cho biết Bộ Quốc phòng không đồng ý việc Thừa Thiên-Huế cấp giấy phép đầu tư nước ngoài cho dự án khu nghỉ dưỡng ở Mũi Cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân vươn xa nhất ra biển và khống chế Vịnh Đà Nẵng. Nhân vật có thẩm quyền của quân đội đã trả lời báo chí bên lề phiên họp Quốc hội hôm 19/11 vừa qua.
anh_du_an_1-622.jpg
Bảng quảng cáo dự án Khu Du lịch Nghỉ dưỡng World Shine trên núi Hải Vân.
Photo courtesy of VTC

Vai trò phản biện xã hội dân sự

Trung Tướng Bế Xuân Trường là nhà quân sự cao cấp nhất đang tại chức đồng hành với phản biện của Trung tướng Lê Văn Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 cũng như các tướng lĩnh sĩ quan cao cấp khác đã về hưu và giới nhân sĩ trí thức kịch liệt phản đối việc doanh nghiệp Trung Quốc được giao 200 ha đất ở vị trí chiến lược, có thể khống chế vùng trời, vùng núi, vùng biển Đà Nẵng và nếu có chiến tranh có thể chia cắt đất nước ngang vĩ tuyến 16.

Đây là lần đầu tiên các giới chức quân sự cao cấp đang tại chức đã hòa đồng với ý kiến phản biện xã hội dân sự bác bỏ dự án du lịch nghỉ dưỡng rộng 200 ha ở vị trí chiến lược trên đèo Hải Vân. Đáp câu hỏi của chúng tôi là đánh giá thế nào về vai trò phản biện xã hội đã góp phần đưa ra sự thật về một mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ Hà Nội nhận định:

Tôi đánh giá rất cao tác dụng của phản biện xã hội đã kiên trì thực hiện bấy lâu nay ở nhiều tổ chức xã hội dân sự và cá nhân có trách nhiệm với xã hội.
-GS Chu Hảo

“Tôi đánh giá rất cao tác dụng của phản biện xã hội đã kiên trì thực hiện bấy lâu nay ở nhiều tổ chức xã hội dân sự và cá nhân có trách nhiệm với xã hội. Việc lần đầu tiên một dự án lớn có liên quan đến an ninh quốc phòng mà những tướng lĩnh đang còn giữ cương vị trọng trách hiện tại lên tiếng thì đó là một điều mới. Bởi vì trước đây nhiều dự án cũng liên quan đến những vấn đề an ninh quốc phòng nhưng bản thân tôi chưa thấy có một phản ứng nào thẳng thắn mạnh mẽ và công khai từ những quan chức quốc phòng hiện đương chức. Thế đấy là điểm đáng mừng, tôi cho rằng việc giới chức Bộ quốc phòng và Tư lệnh Quân khu 5 lên tiếng về vấn đề này là đáng trân trọng và nó phù hợp với nguyên vọng của nhân dân và lợi ích của quốc gia.”

Theo Pháp Luật Online và VnExpress bản tin trên mạng ngày 19/11, Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nói rằng, những khu vực, địa hình có giá trị về quốc phòng-an ninh, những dự án có yếu tố nước ngoài như Khu Du lịch Nghỉ dưỡng World Shine trên núi Hải Vân, nhà nước đã có qui định là phải qua thẩm định rất chặt chẽ của cơ quan hữu quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nếu dự án ảnh hưởng đến an ninh  quốc gia thì tuyệt nhiên không được thực hiện.

Theo lời Trung tướng Bế Xuân Trường, quan điểm của Bộ Quốc phòng là không đồng ý với dự án nước ngoài trên núi Hải Vân, dù cho đến nay chưa nhận được báo cáo của Quân khu 4 về dự án này.

Chiều ngày 20/11, tại cố đô Chính quyền Thừa Thiên-Huế đã tổ chức họp báo biện minh cho dự án du lịch nghỉ dưỡng mà Tỉnh đã cấp phép đầu tư cho Công ty Thế Diệu của Trung Quốc. Đại tá Trần Đình Phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có phát biểu đối kháng với Trung tướng Bế Xuân Trường Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng như nhiều tướng lĩnh khác. Theo các báo điện tử Dân Trí và Dân Việt, Đại tá Trần Đình Phòng nói rằng khu vực cấp phép dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine trên đèo Hải Vân không ảnh hưởng đến quốc phòng và phòng thủ bờ biển của tỉnh. Vẫn theo lời Đại tá Phòng toàn bộ các cao điểm ở đây đều được lực lượng quân sự của tỉnh và Quân khu 4 khống chế, có thể kiểm soát được các tình huống xấu xảy ra.

Quan điểm của Đại tá Trần Đình Phòng như thế chứng tỏ ông không nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của toàn bộ khu vực núi và đèo Hải Vân nói chung có thể chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 16 và mũi Cửa Khẻm nói riêng, nằm ở vị trí khống chế vùng núi, vùng trời vùng biển Đà Nẵng.

anh_du_an_2-400.jpg
Một phần của dự án Khu Du lịch Nghỉ dưỡng World Shine trên núi Hải Vân. Photo courtesy of VTC.

Theo báo điện tử  Dân Trí, hầu hết các nhà nghiên cứu hiện sống ở Huế đều nhấn mạnh yếu tố trọng yếu của đèo Hải Vân. Tờ báo dẫn lời nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho rằng, Hải Vân là vị trí chiến lược đã tồn tại qua nhiều thế kỷ từ các thời đại và các cuộc chiến tranh diễn ra ở Việt Nam. Trong khi đó nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, toàn bộ khu vực đèo Hải Vân là một địa điểm quốc phòng, Huế hay Đà Nẵng đều không nên phát triển du lịch ở nơi này, đặc biệt là du lịch lưu trú.

Thiếu tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung  Quốc đã từng cảnh báo rất gay gắt về việc những người lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương sử dụng lá bài phát triển kinh tế và lợi ích riêng tư đã cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc ở những vị trí chiến lược quốc phòng. Dự án nghỉ dưỡng quốc tế ở đèo Hải Vân là thí dụ mới nhất. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhấn mạnh:

“Hà Tĩnh là cái yết hầu của miền Trung và hơn nữa nó xây dựng thành một thứ căn cứ, ở trong đó phức tạp lắm chứ không phải chỉ đơn giản là chỗ luyện thép đâu. Hay Cảng Đông Hà cũng vậy thôi cũng là một chỗ quan trọng cũng là bán cho nó, cho nó thuê nó có thể làm thành căn cứ quân sự, rồi từ Kỳ Anh vào tới chân đèo Ngang cũng thế thôi cũng lại cho nó thuê, phía biển nó làm gì ngoài ấy cũng không biết. Những người lãnh đạo chỉ huy các tỉnh chỉ thấy tiền mà không thấy nguy hiểm cho đất nước, những người ấy vô hình chung tạo điều kiện để mất nước, dù là không có ý thức đi nữa thì cũng là tạo điều kiện để cho Trung Quốc nó chiếm nước mình.”

Địa phương biện minh

Tại cuộc họp báo tổ chức ngày 20/11/2014 tại Huế, các giới chức của Thừa Thiên Huế trình bày các luận điểm được cho là loanh quanh hoặc chơi chữ, để biện minh cho việc cấp giấy phép đầu tư cho dự án World Shine là đúng qui trình. Người đọc báo nhận thấy là giấy phép đầu tư cấp 200 ha đất mũi Cửa Khẻm Hải Vân cho Công ty Thế Diệu Trung Quốc được cấp từ tháng 10/2013 mà đến ngày 21/3/2014 Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô mới đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho ý kiến về dự án. Theo lời  Đại tá Trần Đình Phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, tại thời điểm đó (21/3/2014) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiến hành khảo sát và kết luận khu vực này không nằm vào các qui hoạch liên quan đến quốc phòng và không ảnh hưởng đến quốc phòng. Tuy nhiên hơn 6 tháng sau, đến ngày 4/10/2014 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lại xét thấy việc cấp phép dự án có một số nội dung liên quan đến an ninh quốc phòng, nên đề nghị UBND tỉnh báo cáo Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng. Được biết từ trước tháng 10 đã bắt đầu có thông tin râm ran trên mạng về vụ việc này và trùng với thời điểm  Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nghĩ đến việc phải báo cáo Quân khu 4 xin ý kiến.

Những người ấy, các thế lực ấy phải lên tiếng và chỉ có như thế mới có thể chặn được những sự móc ngoặc với những thế lực nước ngoài mà để làm tổn hại đến đất nước mà thôi.
-TS Nguyễn Quang A

Vẫn theo Báo Dân Việt điện tử, nhiều nhà báo nêu câu hỏi tại sao tỉnh Thừa Thiên-Huế không xin ý kiến Bộ Quốc phòng trước khi cấp phép dự án. Đại tá Phòng cho biết hàng năm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều rà soát để đánh dấu và khoanh vùng đất quốc phòng; vì khu vực dự án không thuộc khu vực đã khoanh vùng quốc phòng nên không cần xin phép. Tuy vậy vào ngày 17/11/2014 vừa qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã làm văn bản xin ý kiến Bộ Quốc phòng về dự án.

Trong câu chuyện với chúng tôi, đáp câu hỏi là phải làm gì, phải cải cách gì để tránh những trường hợp tương tự như Thừa Thiên Huế với dự án đầu tư nước ngoài trên đèo Hải Vân, Giáo sư Chu Hảo từ Hà Nội nhận định:

“Tôi nghĩ đây là vấn đề thực thi những chủ trương, chính sách đã được ban hành khá là đầy đủ và cũng tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên việc thực thi đó rất là kém bởi vì sự kiểm tra, giám sát và sự minh bạch thông tin không được tốt. Chứ không phải là chưa có khung pháp lý để xử lý việc này.”

Theo nhà phản biện TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội, những qui định về an ninh quốc phòng rất chặt chẽ nhưng những người có chức có quyền có trăm ngàn cách để lách luật. Đáp câu hỏi làm thế nào để giảm bớt tình trạng giao đất chiến lược cho nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc và những ai có thể giúp ích cải thiện tình trạng nhiễu nhương này. TS Nguyễn Quang A nhận định:

“Nếu chúng ta kỳ vọng vào những người cánh hẩu với Trung Quốc để người ta bớt đi thì không bao giờ cả, số người như thế ở Việt Nam không phải là ít. Chỉ có mỗi một cách như vừa rồi là dư luận của công chúng, của các giới khác nhau, kể cả những người đương quyền mà còn thực sự lo lắng cho vận mệnh đất nước. Những người ấy, các thế lực ấy phải lên tiếng và chỉ có như thế mới có thể chặn được những sự móc ngoặc với những thế lực nước ngoài mà để làm tổn hại đến đất nước mà thôi.”

Sự lên tiếng của giới nhân sĩ trí thức và các nhà phản biện từ các tổ chức xã hội dân sự và đặc biệt của các tướng lĩnh đang giữ các trọng trách trong quân đội, cũng như các tướng lĩnh sĩ quan cao cấp đã về hưu đã có kết quả ban đầu. Nếu như Trung tướng Bế Xuân Trường Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khẳng định Bộ Quốc phòng không đồng ý dự án du lịch nghỉ dưỡng quốc tế trên đèo Hải Vân mà Công ty Trung Quốc được cấp phép, thì trong trường hợp này có thể thấy rằng công luận đã thắng

Tác giả bài viết: bartvu39

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập345
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm344
  • Hôm nay10,467
  • Tháng hiện tại280,364
  • Tổng lượt truy cập36,334,919
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây