Truyền thông trong nước loan tin ngày 26/12.Tin cho biết, anh Lại Hồng Dân sinh năm 1990, ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Cửu bắt vào ngày 6/12 về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Sau đó anh Dân bị tạm giữ tại buồng số 4, nhà tạm giữ Công an huyện. Đến chiều 8/12, thanh niên này đã tử vong tại trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu.
Nhà tạm giữ Công an huyện Vĩnh Cửu đã thông báo cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Cửu, VKSND cùng cấp về việc người bị tạm giữ chết. Phía Công an tỉnh Đồng Nai đã khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của những người trong buồng giam với anh Dân để làm rõ.
Phía gia đình anh Lại Hồng Dân trong cùng ngày 8/12 nhận được tin báo là em trai tử vong, thi thể đang ở Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu. Trên cơ thể của anh Dân bầm tím ở vùng ngực, bụng, đầu sưng. Gia đình anh Dân gặng hỏi Công an thì được một cán bộ cho biết bị người giam cùng buồng đánh.
Theo lời người nhà anh Dân, sau khi bị Công an bắt, người nhà đã lên trụ sở Công an gặp một Công an viên nói về tình trạng anh Dân có biểu hiện thần kinh bất thường, từng phải đi điều trị, uống thuốc bệnh thần kinh. Sau đó, vị Công an này nói qua tuần gia đình mang giấy tờ để làm hồ sơ. Tuy nhiên đến ngày 8/12 thì anh tử vong.
Hiện tại Công an tỉnh Đồng Nai cho biết vẫn đang điều tra nguyên nhân về cái chết anh Lại Hồng Dân.
Tình trạng người dân khỏe mạnh khi bị đưa đến đồn công an làm việc tử vong được chính truyền thông Nhà nước loan tải. Nhiều trường hợp được gia đình nạn nhân xác định là do bị công an tra tấn. Công an thường cho biết những nạn nhân bị chết là do sức khỏe yếu hoặc tự tử. Vào năm ngoái có 11 trường hợp được thông tin, và từ đầu năm 2019 đến nay có ít nhất 3 trường hợp được loan tin.
Tại phiên điều trần Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát vào đầu năm nay trước Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc tại Geneva, đại diện Việt Nam cho rằng những người chết trong đồn công an là do tự tử vì cảm thấy hối hận về việc làm của họ. Đại diện Bộ Công an Việt Nam cho biết tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,3% số phạm nhân đang chấp hành án. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công An nói trước Liên Hiệp Quốc rằng các trường hợp chết do bệnh hiểm nghèo trước khi vào trại chiếm hơn 98%, chỉ có khoảng 1,4% là chết do tại nạn hoặc rủi ro.
Tác giả bài viết: Tru Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn