HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong các quốc gia rót vốn làm ăn trực tiếp vào Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2019.
Báo Người Lao Động ngày 4 Tháng Năm, 2019, dẫn tin từ Tổng Cục Thống Kê cho biết trong bốn tháng đầu năm 2019, trong tổng số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Trung Quốc vươn lên đầu bảng trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tiếp theo là Singapore, Nam Hàn, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Đây là điều đã được các chuyên gia dự báo như là hệ quả của sự chuyển dịch về dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nhằm né tránh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và đón đầu Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cụ thể, Trung Quốc có 187 dự án đầu tư, trong đó tổng vốn ghi danh mới là $1.31 tỷ và vốn ghi danh điều chỉnh thêm $116 triệu. Còn Hồng Kông có 97 dự án với tổng vốn ghi danh cấp mới $693 triệu và vốn ghi danh tăng thêm $47.7 triệu.
Trong phúc trình kinh tế vĩ mô bốn tháng đầu năm, Viện Đào Tạo Nghiên Cứu Ngân Hàng BIDV cũng cho thấy, vốn đầu tư ngoại quốc (FDI) đạt $7.45 tỷ, tăng 28.6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần và đầu tư từ Trung Quốc. Nếu tính cả hoạt động góp vốn mua cổ phần, các nhà đầu tư Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) đã đổ hơn $6.4 tỷ vào Việt Nam.
Trong danh sách các dự án có tổng vốn FDI lớn ghi danh đầu tư ở Việt Nam từ đầu năm 2019 đến nay, có tới bốn dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc. Chẳng hạn, dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là $3.85 tỷ với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR, tổng vốn đầu tư ghi danh $280 triệu cũng của nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.
Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư ghi danh $260 triệu do Goertek (Hồng Kông) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.
Một dự án khác của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư ghi danh $214.4 triệu do Guizhou Advance Type Investment co.,Ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang…
Nói với báo Công Thương, Tiến Sĩ Nguyễn Đức Thành, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách- VEPR (Đại Học Quốc Gia Hà Nội) cho rằng, nguồn vốn Trung Quốc tăng mạnh và nhanh vào Việt Nam trong thời gian qua đã làm dấy lên không ít ý kiến quan ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện chiến lược “Made in China 2025” nhằm thay thế công nghiệp giá rẻ, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, bằng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
Do đó, những công nghệ của Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển dịch sang các nước khác và giới phân tích lo ngại Việt Nam có thể nằm trong số đó. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp dệt may, xơ sợi hay da giày… vốn nằm trong lộ trình điều chỉnh chính sách ngành của Trung Quốc.
Các ngành thâm dụng lao động, có tác động tiêu cực đến môi trường và các ngành dễ mất sức cạnh tranh khi chi phí lao động tăng cao đều được khuyến khích đầu tư ra bên ngoài. Trên thực tế Trung Quốc đang có những chính sách cắt giảm, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện sử dụng than; sản xuất đồ gỗ nội thất, sắt thép…
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xem xét đến việc phân quyền giữa trung ương và địa phương trong thu hút đầu tư; bảo đảm cấp xét duyệt phải “có đủ năng lực tránh tiếp nhận các dự án tác động xấu tới môi trường, xã hội.” (Tr.N)
Tác giả bài viết: Tru Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn