Nha Trang sẽ bị 'giết chết' nếu không ngưng xây cao ốc dọc biển

Thứ năm - 02/05/2019 22:12

Nha Trang sẽ bị 'giết chết' nếu không ngưng xây cao ốc dọc biển

"Tập trung nhà cao tầng dọc bờ biển thì phía trong mất tầm nhìn, mất gió, khu vực dọc biển bị ô nhiễm, đây là cách phát triển có hại cho Nha Trang", KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
  •  
  •  
  •  

Các chuyên gia, kiến trúc sư (KTS) cho rằng giá trị của Nha Trang không phải là các tòa cao ốc, khách sạn, chung cư cao tầng xếp một hàng dọc bờ biển, mà là không gian, môi trường và tầm nhìn ra biển.

Chia sẻ với Zing.vn, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng Khánh Hòa cần loại bỏ ngay cách nghĩ dồn hết nhà cao tầng ra mặt tiền biển để tạo ra giá trị kinh tế, vì nó hoàn toàn sai lầm và sẽ "giết chết" Nha Trang.

Giá trị phố biển không phải nhà cao tầng

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận Nha Trang từ một thành phố biển đẹp có tiếng không chỉ trong nước mà thế giới cũng công nhận, nhưng nay đã chật chội vì quá chú trọng vào lợi ích trước mắt.

Ông cho rằng làm nhà cao tầng ra mặt tiền biển là một xu hướng phát triển rất ngắn hạn, vì đất khu vực này không nhiều, trong khi Nha Trang rất rộng, không chỉ có mỗi đường Trần Phú.

"Nó có hại cho thành phố. Đến Nha Trang, người ta cần tầm nhìn ra biển, cần gió biển, nay mình che hết phía trước, phía sau không còn được hưởng cái 'trời ban', nên dần dần chẳng ai đến nghỉ dưỡng nữa", ông Sơn nhìn nhận.

Nha Trang se bi 'giet chet' neu khong ngung xay cao oc doc bien hinh anh 1

Không gian của thành phố biển bị "chiếm đoạt" vì những công trình cao tầng chắn phía trước. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo vị kiến trúc sư, nếu muốn "giải cứu" Nha Trang việc đầu tiên là ngưng ngay cấp phép nhà cao tầng dọc bờ biển. "Cần phải minh định rõ giá trị đích thực của một thành phố biển nằm ở đâu. Đầu tiên là giá trị môi trường, không khí trong lành, sau đó mới đến biển - nơi có cát trắng nắng vàng và cái nữa là tầm nhìn ra biển".

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners. Ông có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ. 

Ông tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, và Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley.

"Nếu tập trung nhà cao tầng dọc theo bờ biển thì phía trong mất tầm nhìn, mất gió. Nguy hiểm nhất là khu vực đường dọc bờ biển sẽ bị ô nhiễm bụi bẩn, khói xe. Và đây là cách phát triển rất ngắn hạn, có hại cho Nha Trang”, KTS Sơn nói.

Ông Sơn phân tích thêm, sau khi ngưng cấp phép công trình cao tầng dọc bờ biển, ở những không gian còn lại nên dành cho các kiến trúc mang tính chất điểm nhấn.

"Không cứ phải cao là tốt, bởi nếu xung quanh cao hết thì nhà thấp mới có giá trị. Nói cách khác nếu ta tư duy theo kiểu giá trị của mét vuông, rõ ràng ưu tiên nhà cao tầng luôn chiếm lợi thế. Nhưng sự thật khái niệm ở đô thị hiện đại, không gian sang trọng, giá trị nhất của một thành phố luôn là không gian thấp”, vị KTS nói.

Đô thị thẳng góc bờ biển

Cũng theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, về nguyên tắc quản lý đô thị, khi mình cấm ở một nơi thì phải có giải pháp ở một chỗ khác. Nên giải pháp lâu dài cho phố biển Nha Trang là phát triển kiến trúc đô thị theo phương pháp thẳng góc bờ biển.

"Đô thị thẳng góc bờ biển nghĩa là ta sẽ cho xây dựng những tuyến đường, đại lộ thẳng góc nối ra bờ biển. Khi cấp phép xây dựng áp dụng nguyên tắc thấp dần về phía biển. Lúc này các công trình phía sau sẽ không bị mất tầm nhìn, tất cả cùng được hưởng giá trị của phố biển lâu dài”, ông Sơn nói.

Nha Trang se bi 'giet chet' neu khong ngung xay cao oc doc bien hinh anh 2

Theo các chuyên gia, giá trị của phố biển Nha Trang không phải là nhà cao tầng, mà là bờ biển, không khí trong lành. Ảnh: An Bình.

Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Khánh Hòa, cho rằng nếu Nha Trang cứ nhăm nhăm vào phát triển theo giá trị bất động sản thì thành phố, nhất là người dân sẽ trả giá.

"Đất mặt tiền biển cứ cấp phép xây cao nhưng ta quên mất rằng khi một khối bê tông 40 tầng được dựng lên thì 100 cái ở phía sau mất cơ hội phát triển. Nếu làm bài toán kinh tế về lâu dài rõ ràng là một thất bại. Có thể thời điểm đầu ngân sách của tỉnh tăng nhanh, nhưng tới một ngưỡng nào đó sẽ đi xuống theo chiều thẳng đứng", ông Lộc phân tích.

"Muốn thành phố phát triển không thể dựa vào một con đường, tỉnh cần quyết liệt để sửa sai, còn không đừng bàn đến việc 'giải cứu' Nha Trang làm gì nữa”, ông Lộc nói thêm.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết quy hoạch chung Nha Trang do Thủ tướng phê duyệt (9/2012) đến nay đã 7 năm, theo quy định là sau 5 năm có thể làm lại hoặc sửa đổi quy hoạch đó.

Khánh Hòa nên mạnh dạn cho điều chỉnh lại dựa trên hiện trạng đang có. Trong điều chỉnh ghi nhận những công trình xây sai phép như hiện trạng, rồi đưa ra phương án, tìm giải pháp giải quyết mới cho nó.  Không bám vào quy hoạch cũ, vì thực tế nó đã bị phá rồi.

Trước khi sửa đổi, Khánh Hòa nên tổ chức một hội nghị quốc tế, mời các chuyên gia về xây dựng, quy hoạch đô thị hàng đầu ở trong và ngoài nước để góp ý. Dựa trên những ý kiến đóng góp đó làm lại hoặc sửa đổi quy hoạch cho cả Nha Trang.


Tác giả bài viết: An Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập993
  • Hôm nay15,164
  • Tháng hiện tại285,061
  • Tổng lượt truy cập36,339,616
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây