Sáng 15/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5 (dự kiến diễn ra từ ngày 21/5 đến 14/6).
Cơ quan chức năng tổng hợp được hơn 3.000 ý kiến của nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 763 kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội; trên 2.300 kiến nghị phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: Quochoi. |
Góp ý vào dự thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trong phần quản lý đất đai tài nguyên môi trường, có nội dung rất nóng được cử tri và dư luận quan tâm, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cũng nói đến nhiều nhưng không thấy đưa vào báo cáo là vấn đề ở Thủ Thiêm.
"Tất nhiên xử lý vấn đề đất Thủ Thiêm phải có quá trình lịch sử, nhìn vào khách quan, nhưng thực tế có vấn đề quy hoạch, bức xúc của cử tri, khiếu nại của người dân", ông Lưu nêu quan điểm.
Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, cách giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm thế nào là câu chuyện khác, nhưng đây thực sự là một vấn đề cử tri quan tâm, vì vậy trong báo cáo cần thể hiện nội dung này.
Dự thảo Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri, nội dung về quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên và môi trường có nêu, "cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của chính quyền một số địa phương chưa chặt chẽ, các dự án quy hoạch chưa được công khai, việc thu hồi đất thiếu minh bạch".
Cũng theo dự thảo này, "công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong Nhân dân. Đề nghị chính quyền địa phương tăng cường đối thoại, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, giải quyết thỏa đáng quyền lợi của nhân dân".
Bất cập trong quản lý đô thị
Trình bày dự thảo báo cáo nêu trên, ông Hầu A Lềnh – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay, cử tri đánh giá cao Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo dừng các dự án chung cư, căn hộ nhà cao tầng ở khu vực trung tâm các thành phố lớn, phát triển các khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng giao thông…
Tuy nhiên, người dân một số địa phương tiếp tục phản ánh về các dự án đầu tư phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng có quy mô lớn đã và đang triển khai ở khu vực trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Cử tri cho đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng quá tải về dân cư, gây tắc đường, ngập úng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đường Lê Văn Lương kéo dài thường xuyên xảy ra ùn tắc do quá tải hạ tầng. Ảnh: Ngọc Thành. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, báo cáo đánh giá cao chỉ đạo của Chính phủ trong việc dừng xây dựng nhà cao tầng tại các đô thị lớn là chính xác. Tuy nhiên theo bà, cử tri cũng mong muốn việc quản lý, thực hiện quy hoạch được tốt hơn, không để tình trạng xây lên rồi mới yêu cầu dừng.
"Đường Lê Văn Lương (Hà Nội) có 40, 50 nhà cao tầng san sát, thường xuyên xảy ra tắc đường. Hà Nội và TP HCM đều có tình trạng này", bà Ngân dẫn chứng.
Cũng lấy đường Lê Văn Lương, Hà Nội làm ví dụ cho câu chuyện quản lý quy hoạch, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: "Trước đây tôi đi từ nhà ra cơ quan chỉ 10 phút, nay phải mất 45 phút, thậm chí một tiếng".
Ông Phúc cho biết, đường Lê Văn Lương là con đường mới, hạ tầng mới nhưng trận mưa lớn đầu mùa hè vào đêm 12/5 đã khiến nhiều đoạn bị ngập nước; qua đó cho thấy bất cập trong quản lý hạ tầng, phòng chống úng ngập của Hà Nội.
"Trước kia quy hoạch Hà Nội theo hình chóp ngược, tức là trung tâm thấp, càng xa càng cao nhưng giờ ngược lại ở ngoài thấp, càng vào trung tâm càng cao", ông Phúc nói.
Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657 ha, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay), được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí... Hiện, dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa. |