Hứng 231 cái tát, học sinh lớp 6 nhập viện cấp cứu

Thứ hai - 26/11/2018 04:55

Hứng 231 cái tát, học sinh lớp 6 nhập viện cấp cứu

TP - Một học sinh vừa phải nhập viện cấp cứu sau khi bị “ăn” 231 cái tát. Lý do giáo viên đưa ra là để “giáo dục học sinh”.
Trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra vụ việc
Trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra vụ việc
Giáo dục bằng bạo lực

Sự việc đau lòng này xảy ra tại trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Trong tiết 3 của buổi học chiều 19/11, một bạn trong lớp 6.2 mách với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy là bạn Hoàng Long Nhật chửi mẹ bạn ấy. Không điều tra thực hư thế nào, lập tức, cô Thủy ra lệnh cho lớp, sau giờ học mỗi bạn phải tát Nhật 10 cái. Bạn nào tát nhẹ, tát thiếu sẽ bị Nhật tát lại gấp đôi.

Mặc dù thương bạn, nhưng lớp trưởng phải đứng ra tổ chức tát bạn theo chỉ đạo, còn cô Thủy bỏ ra ngoài. Khi tát được nửa chừng, thấy cô Thủy xuất hiện ở hành lang quan sát, một bạn hỏi “cô ơi có tát nữa không?”. Cô Thủy ra lệnh “tát lúc nào đủ thì thôi”.

Đau xót nhất, đến lượt con cậu ruột của Nhật, không muốn tát anh họ của mình, nhưng thấy cô giáo chủ nhiệm lởn vởn ở ngoài nên đành phải xuống tay. Bạn này vừa tát, vừa khóc nhưng không thể nhẹ tay vì sợ cô giáo phạt ngược. Khi bạn cuối cùng kết thúc, quá uất ức, Nhật có chửi đổng một câu, ngay lập tức cô Thủy từ ngoài lao vào bồi thêm một tát nữa khiến Nhật phải nhập viện cấp cứu.

Sáng 23/11, PV Tiền Phong, tìm đến nhà của Hoàng Long Nhật cũng là lúc em vừa xuất viện, rất nhiều hàng xóm nghe tin nên đến thăm hỏi. Ngôi nhà xập xệ nằm bên mé sông, còn Nhật nằm trên chiếc giường cũ kỹ trùm chăn kín đầu. Người nhà rất cảnh giác, không cho Nhật tiếp xúc với người lạ. Khi biết chúng tôi là nhà báo, cha mẹ của Nhật mới chịu ngồi nói chuyện. Họ cho biết, đã chịu rất nhiều áp lực từ khi sự việc xảy ra, cả nhà trường, và chính quyền xã Duy Ninh năm lần, bảy lượt yêu cầu gia đình không làm to chuyện, ảnh hưởng đến thành tích của địa phương.

Nhà Nhật có ba chị em, Nhật là con thứ hai. Cha bị khiếm thính từ nhỏ, không nhanh nhẹn như người bình thường nhưng họ không được công nhận hộ nghèo và hộ cận nghèo. Mẹ của Nhật cho biết, đang làm ngoài đồng, nghe tin con nhập viện, bà tức tốc chạy vào, thấy mặt con sưng vù tím tái. Các bác sỹ nói là có chảy máu trong. Cô Thủy có đưa đến 10 triệu, xin tha thứ nhưng gia đình trả lại. Còn nhà trường, và chính quyền địa phương cũng đến thăm nhưng chủ yếu là thuyết phục gia đình không làm to chuyện, vì nhà trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.

Do áp lực thành tích?

Trao đổi với PV Tiền Phong, Nhật cho biết, cô Thủy thường xuyên dùng bạo lực với học sinh như đánh vào đầu và véo tai. Đỉnh điểm là ngày 19/11, khi cho cả lớp tát Nhật, trước đó cô Thủy đã cho cả lớp tát 2 bạn khác. Nguyên nhân, trong giờ học nhạc, phần tác giả ghi “Dân ca Thanh Hóa”. Bạn ngồi bên cạnh Nhật có mẹ tên Thanh, nên Nhật đọc to “dân ca thanh” còn “hóa” thì đọc nhỏ lại để trêu bạn và bị kết tội chửi bạn.

Theo thông tin mà Tiền Phong có được, cô Thủy giáo dục học trò bằng bạo lực đã có hệ thống. Ngày còn dạy ở Trường THCS Hải Ninh, cô này thường xuyên đánh học trò và nghĩ ra nhiều cách trừng phạt khác người, đã bị nhà trường kiểm điểm.

Cô giáo Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh thừa nhận toàn bộ sự việc và xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Nếu không, toàn bộ công sức của tập thể nhà trường đổ xuống sông, xuống biển chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân.

Nói về nguyên nhân dẫn đến hành động của mình, cô Nguyễn Thị Phương Thủy cho rằng: Do nhà trường xây dựng chuẩn mức độ II, các tiêu chí thi đua rất ngặt nghèo, trong lúc lớp 6.2 của cô chủ nhiệm thường xuyên bị xếp chót bảng nên rất áp lực.

Trong ngày 19/11, lớp cô Thủy có đến mấy trường hợp phạm lỗi bị “cờ đỏ” phát hiện. Trong lúc nóng giận cô đã không bình tĩnh xử lí, mà nghĩ ra việc làm sai trái. “Tôi rất hối hận về việc làm của mình, mong gia đình em Nhật tha lỗi và tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm” - cô Thủy nói.

Hoàng Long Nhật cho biết, hiện em đã đỡ đau đầu, rất muốn đi học lại nhưng sợ cô giáo. Trong lúc đó, nguyện vọng của gia đình chuyển cô Thủy đi trường khác, nếu không cháu sẽ bị ảnh hưởng tâm lí mỗi khi nhìn thấy cô giáo chủ nhiệm.

 

Hoàng Nam

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Tru Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập38
  • Hôm nay15,885
  • Tháng hiện tại309,677
  • Tổng lượt truy cập35,956,022
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây