Người Việt Nam giúp người Trung Quốc lách luật ‘bám’ Nha Trang

Chủ nhật - 04/03/2018 03:45

Người Việt Nam giúp người Trung Quốc lách luật ‘bám’ Nha Trang

KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Ai đến Nha Trang cũng dễ dàng bắt gặp từng tốp người Trung Quốc. Họ đi khắp thành phố này sinh sống, làm ăn, trong khi đó công tác quản lý của tỉnh Khánh Hòa dường như đang bất lực

February 27, 2018


Một người Trung Quốc ngụ ở ngôi nhà này (xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang) nhiều tháng qua. (Hình: Người Lao Động)

.

Theo báo Người Lao Động, hiện nay ở thành phố Nha Trang, người Trung Quốc không chỉ hiện diện ở đô thị mà còn len lỏi về các làng xã ngoại ô để sinh sống. Cách trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, không xa là một căn nhà ba tầng kín cổng cao tường, hằng ngày có nhiều tốp người Trung Quốc ra vào nói chuyện rôm rả.

Ở xã Vĩnh Trung, nhiều người Trung Quốc thuê nhà ở hợp tác làm ăn với người Việt rồi lưu trú tại địa phương. Chẳng hạn như trường hợp doanh nghiệp ĐTP, thôn Võ Cang, có năm người Trung Quốc trú ngụ tại đây làm ăn, thậm chí định mua lại cổ phần để hoạt động lâu dài.

Tại căn nhà ở đường Nguyễn Khoái, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, một số người Trung Quốc đang trú ngụ để làm việc cho tiệm bán quần áo ở đường Điện Biên Phủ.

Bà HQ, giám đốc một công ty môi giới nhà đất, cho biết tình trạng người Trung Quốc thuê nhà ở Nha Trang rất phổ biến, những người này thường có thị thực du lịch rồi ở lại làm quản lý, hướng dẫn viên, nhân viên bán hàng hoặc thu mua hải sản.

Trong khi đó, chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng trong việc quản lý các thành phần này. Ông Trịnh Quang Tuấn, chủ tịch xã Vĩnh Thạnh, cho biết có một nhóm người Trung Quốc thuê nhà ở địa phương. Công an xã đến kiểm tra thì do bất đồng ngôn ngữ nên không thể biết được họ thuê nhà để ở hay để làm gì. Khi hỏi chủ nhà thì người này cho biết “chỉ hợp đồng với một người Việt thuê nguyên căn rồi người này dẫn người Trung Quốc về ở.”

“Có thể người Việt Nam hoặc công ty du lịch đứng ra thuê hộ. Việc kiểm tra rất khó. Chúng tôi đã báo với công an thành phố Nha Trang, thời gian tới mới có thể kiểm tra, nắm lại được,” ông Tuấn giãi bày với báo Người Lao Động.

Thừa phát lại Nha Trang quảng bá để làm vi bằng khi “hợp tác” với người Trung Quốc. (Hình: Người Lao Động)

Ông Nguyễn Hồng Kỳ, trưởng công an thành phố Nha Trang, cho biết tổ công tác đi đến các xã, phường, rà soát toàn bộ nhà nghỉ, khách sạn để quản lý việc cư trú. Qua đó, ghi nhận rất nhiều trường hợp người Trung Quốc cư trú ở xã Phước Đồng, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp… Mới đây, có hai trường hợp người Trung Quốc ở phường Vĩnh Hòa “có dấu hiệu vi phạm pháp luật.”

Thế nhưng việc này chỉ là bề nổi, bởi hiện nay Văn Phòng Thừa Phát Lại Nha Trang cho biết sẽ đứng ra làm vi bằng cho các trường hợp người Việt đứng tên cho người nước ngoài, phần lớn là người Trung Quốc mua bán bất động sản thay cho các văn phòng công chứng.

Theo đó, nhân viên thừa phát lại “sẽ làm một thỏa thuận cam kết giữa người Việt đứng tên và người nước ngoài. Thừa phát lại sẽ quay phim, ghi âm, chụp hình các thỏa thuận này để làm xác lập bằng chứng.”

“Chúng tôi sẽ theo dõi toàn bộ quá trình làm thỏa thuận, ký kết giữa các bên để làm bằng chứng. Các thỏa thuận, bằng chứng sẽ được nộp cho Sở Tư Pháp để có giá trị pháp lý, phòng trường hợp xảy ra tranh chấp thì người nước ngoài có thể bảo vệ quyền lợi, kiện ra tòa hoặc đưa ra trọng tài quốc tế,” đại diện Văn Phòng Thừa Phát Lại cho biết.

Người này cũng báo giá việc làm vi bằng tùy thuộc vào giấy tờ, sổ sách, giá trị giao dịch. Đất đai có giá trị lớn thì phải cần 7 đến 10 triệu đồng (hơn $300 đến $440)/lần làm vi bằng.

Nói về việc thừa phát lại đứng ra làm chứng cho những thỏa thuận giữa người Việt Nam và người nước ngoài, một luật sư thuộc Đoàn Luật Sư Khánh Hòa nhận định, đó là hành vi lách luật. Bởi vì nếu làm hợp đồng thì buộc phải ra công chứng nhưng không văn phòng công chứng nào dám chứng cho hợp đồng trái pháp luật như vậy. Tuy nhiên, thừa phát lại chỉ được phép lập vi bằng cho hành vi đúng pháp luật chứ không phải lập vi bằng cho hành vi cấm.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Bình, phó giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Khánh Hòa, cho rằng các hoạt động của thừa phát lại căn cứ vào nghị định 61, 135 của chính phủ quy định, “nhưng ở dạng hoạt động thí điểm, văn bản chính thức chưa đầy đủ nên các nội dung liên quan cần kiểm tra, xem xét lại.” (Tr.N)

Tác giả bài viết: Tru Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập111
  • Hôm nay6,101
  • Tháng hiện tại87,469
  • Tổng lượt truy cập35,009,951
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây