Mở đầu, xin dông dài một tý cho bài báo nó có tính trữ tình. Nhớ lại những thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước, ở Hà Nội, mảnh đất của phẩm giá con người, của hòa bình, chỉ có mấy ông người Hoa bán mỳ vằn thắn là có mấy chiếc Bô-giô 102, 103… lượn vè vè làm cả hàng phố lác mắt. Cán bộ cấp vụ có người được cấp chiếc MZ của Cộng hòa dân chủ Đức to uỳnh. Công an thì có mấy chiếc Con Thỏ, Sít – đờ - ca… của Liên Xô để tuần tra, đuổi bắt bọn xấu. Người dân thì sau nhiều phấn đấu, chỉ có được xe đạp Phượng Hoàng, hay Thống Nhất mà thôi. Rồi đất nước thống nhất, xe máy xuyên Việt ra miền bắc có Hon - đa đam, 67…. Rồi mở cửa, đường phố đủ mặt anh tài, Hon – đa, Y-a-ma-ha, Su – du -ki, Pi-a- giô… chạy xuôi chạy ngược, đủ các mô đen, cho tới ngày hôm nay.
Cái gì nhiều quá cũng gây rắc rối. Cùng với xe máy, còn có một thứ nữa cũng gắn máy, nhưng có 4 bánh, mà ta gọi là ô tô. Và thế là ô tô, xe gắn máy đuổi xe đạp về nông thôn, rồi xe đạp gần như biến mất hẳn. Hai phương tiện cơ giới giành nhau đường, sinh ra ô nhiễm, tắc đường, và tai nạn. Người đi ô tô chợt nhận thấy: Xe máy quá nguy hiểm, chiếm quá nhiều diện tích, không gian. Người đi xe máy, cũng chả phải vì yêu xe máy, mà vì ô tô đắt quá, giá bán ô tô là thứ bong bóng họ không chịu nổi. Họ bèn bảo, chính ô tô mới là nguyên nhân gây tắc đường, và dễ gây tai nạn. Hai bên lời qua tiếng lại trong các hội nghị khoa học, trên báo chí… Tất nhiên, chuyện này nói ra cũng là chuyện như đúng rồi.
Bí thì tìm cách hạn chế. Ô tô thì chịu thuế phí cực cao. Xe máy thì có nhiều biện pháp hơn, như người ngực lép không được cấp bằng, hạn chế đăng ký song song với xe lưu hành phải chính chủ, xe biển lẻ đi ngày lẻ, biển chẵn đi ngày chẵn… vân vân. Kết quả sinh ra loạn đăng ký, loạn biển số thật giả, không sao quản lý nổi. Cũng là chuyện như đúng rồi.
Kinh nhất là một số bác đi nước ngoài, thấy bên đó không có xe máy, bèn nghĩ: Xe máy nhiều là xuất phát từ tâm lý tiểu nông. Chứ tâm lý hiện đại thì phải đi máy bay à nha. Nên dân gian họ cũng có mong ước, các bác làm sao giúp họ bỏ được tâm lý tiểu nông, tiến tới tâm lý phú nông để được đi máy bay, tàu bò như các bác. Chuyện cũng thật như đúng rồi.
Viết tới đây, lại nhớ tới một truyện ngắn của nhà văn A-dít Nê-xin, xứ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một hội nghị phụ huynh, một phụ huynh đứng lên phát biểu: Theo tôi, nên dạy con em chúng ta bằng tiếng Đức. Mọi người hỏi vì sao. Ông này bèn nói: Tôi sang thăm nước Đức, thấy bên ấy người ta toàn dạy trẻ em bằng tiếng Đức. Thật là chuyện như đúng rồi. Và đi học tập ở nước ngoài làm giao thông rồi về đề ra các phương án cấm đoán kiểu ngực lép, mông nhỏ… hình như đó cũng là tâm lý tiểu nông?
À đây rồi. Lần này hoành tráng. Cấm đi. Cấm hẳn đi. Ai phản đối, ta sẽ sửa cho nhẹ bớt bằng: Cấm có lộ trình. Nhưng cấm rồi, lấy gì thay thế? Thì phương tiện giao thông công cộng. Nhưng đô thị xứ ta, ngõ ngách chằng chịt, quy hoạch xe buýt kiểu gì? Làm tàu điện ngầm kiểu gì? Có mấy mét mở đường mà thắt cổ chai, mà tiền đền bù như núi, khiếu kiện rầm rầm. Chuyện không còn như đúng rồi nữa đâu.
Ta phải suy nghĩ. Xe máy nói riêng, phương tiện cá nhân nói chung… là chủ thể, hay con người là chủ thể? Chắc chắn câu trả lời là con người. Khi ta đầu tư, quy hoạch phát triển kinh tế không đồng đều, lượng người lao động tập trung về một chỗ, thì có cấm xe máy, hay ô tô, thì chính xe buýt hay tàu điện ngầm… sẽ quá tải.
Xã hội luôn có khả năng tự điều chỉnh. Khi xe máy xuất hiện, thì xe đạp biến mất. Khi ô tô phát triển – mà giá cả phù hợp với khả năng kinh tế, thì chắc xe máy sẽ tự biến mất. Và khi công nghệ thông tin phát triển, giao dịch điện tử sẽ thay thế giao dịch trực tiếp, xuất hiện ngày càng nhiều hơn các văn phòng thông minh… thì chắc chắn người ta cũng giảm đi lại. Chả cần cấm cái gì cả. Còn bây giờ có cấm, cũng chỉ là bàn tào lao, bàn chuyện như đúng rồi.
Lẽ dĩ nhiên, cấm ép, bằng biện pháp hành chính, thì cấm được ngay thôi. Và trong khi ngồi chờ khách, các bác xe ôm hay người lao động, đọc báo về chuyện cấm xe máy, họ mong những người sống trong thế giới tiền chẵn, đừng tước nồi cơm của họ - những người sống trong thế giới tiền lẻ.
Tác giả bài viết: Văn Vi Hóa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn