Vừa qua, một theo dõi và phân tích của các nhà khoa học của viện Sinh thái học Miền Nam (TP.HCM) về một số mẫu Hoa Ưu Đàm - một loài hoa truyền thuyết trong Kinh Phật – đã cho thấy: những mẫu này lại là trứng của một loài côn trùng.
Những mẫu vật có dạng như Hoa Ưu Đàm này do một nhóm nghiên cứu của viện Sinh thái học Miền Nam (TP.HCM) phối hợp chi cục Lâm nghiệp Khánh Hòa ghi nhận được tại hai địa điểm: Hòn Vọng Phu (Khánh Hòa) và Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng).
Mỗi “hoa” đã được phát hiện trên có màu sáng bóng, bề rộng cỡ 1mm, được gắn trên một sợi tơ mỏng dài khoảng 1cm và khá trong suốt.
Sinh vật này được thu mẫu ở hòn Vọng Phu, tỉnh Khánh Hòa, ngày 10/04/2013 (ảnh Đinh Nhật Lâm) |
Cận cảnh “hoa” của loài sinh vật kỳ lạ. (ảnh Đinh Nhật Lâm) |
Qua đối chiếu, ấu trùng này rất giống với ấu trùng của loài côn trùng có tên khoa học là Chrysopa sp. thuộc họ Chrysopidae, và thường được gọi là Lacewing.
Một ấu trùng xuất hiện sau lớp vỏ trứng mỏng (ảnh Đinh Nhật Lâm) |
Tập tính đẻ trứng của loài này khá độc đáo. Chúng đẻ trứng trên các sợi tơ mỏng trong suốt đã tạo ra trước đó. Chân của sợi tơ gắn với giá đỡ là lá cây, cọng cỏ, hay bất kể vật gì rắn chắc, nhằm bảo vệ trứng và ấu trùng khỏi các loài gây hại khác; và một lý do quan trọng khác là tránh việc ấu trùng đầu tiên nở ăn những quả trứng bên cạnh.
Trứng của Lacewing sẽ nở sau 4- 5 ngày. Các ấu trùng sau khi nở có thể săn mồi (đó là các ấu trùng, trứng của loài côn trùng khác), và chúng sử dụng chính vỏ của các con mồi này để tạo thành một cái kén cho mình. Sau 1- 2 tuần sẽ xuất hiện Lacewing trưởng thành”
Vì vậy, việc theo dõi và ghi hình qua từng giai đoạn phát triển, từ trứng đến ấu trùng và cá thể trưởng thành của loài Lacewing của viện Sinh thái học miền Nam đã giúp lý giải phần nào về hiện tượng Hoa Ưu Đàm.
Được biết, thời gian vừa qua, Hoa Ưu Đàm liên tục được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành khác nhau: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quy Nhơn,… trên các phương tiện truyền thông.
Đã có một vài giả thuyết lý giải về sinh vật khá thú vị này. Có ý kiến cho rằng đây là một loài nấm, hoặc tảo, có ý kiến cho rằng đây là một sinh vật bậc thấp chưa có cấu trúc mô…
Theo Wikipedia: Hoa Ưu Đàm là phiên âm Hán-Việt của từ "udumbara" trong tiếng Phạn hay tiếng Pali, có nghĩa là "loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời".
Có truyền thuyết nói rằng, Hoa Ưu Đàm "3.000 năm mới nở một lần".
Theo Kinh Phật, hoa Ưu Đàm nở để báo hiệu một vị Phật giáng sinh. Kinh văn nhà Phật có nói về loài hoa Ưu Đàm thường tượng trưng cho những gì hiếm có khác thường. Hoa chỉ xuất hiện khi có Đức Phật hay vị Kim Luận Vương, hoặc Chuyển Luân Thánh Vương (hay Pháp Luân Thánh Vương) xuất hiện, đó là điềm lành hiếm có của nhân gian.
Việc đề cập thời gian nở của hoa Ưu Đàm 3.000 năm một lần mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó. Kinh Phật có ghi vào thời khắc Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời có hoa Ưu Đàm nở, tức là thể hiện sự hiếm hoi lắm nhân loại mới gặp được một vị Phật tại thế.
Tác giả bài viết: Thanh Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn