Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên

Thứ bảy - 30/08/2014 09:24

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên

Cuốn tự truyện lần đầu được xuất bản của nữ nhà văn Laura Ingalls Wilder - tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” - sẽ cho độc giả được biết những điều không như mơ đằng sau cuộc sống được “tô vẽ” trong cuốn tiểu thuyết…

Sự thật đằng sau vẻ đẹp đẽ của “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”
Ngôi nhà của tác giả Laura Ingalls Wilder - người viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”.

Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nữ nhà văn Laura Ingalls Wilder - “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” (1935), bà đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về cuộc sống trên thảo nguyên, trong đó, “scandal” lớn nhất của nữ nhân vật chính - cô bé Laura (chính là tác giả trong những ngày ấu thơ) - chỉ là những cuộc đối đầu với cô bạn học xấu tính Nellie Olsen.

Tuy vậy, thực tế đằng sau cuộc sống đẹp đẽ trên trang sách của nữ tác gia là nhiều câu chuyện không đẹp khác mà độc giả ít được biết tới.

Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng viết về chính cuộc sống của mình từ thuở còn là một cô bé, cho tới khi đã trở thành người phụ nữ trưởng thành, Laura được sống yên bình, hạnh phúc bên cha mẹ và 2 người chị em gái nữa. Họ đến định cư, sinh sống ở miền Tây nước Mỹ - một vùng đất khi đó còn khá hoang vu, chưa được khai phá hết.

Sự thật đằng sau vẻ đẹp đẽ của “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”
 

Cuộc sống của những con người lao động bình dị trên vùng thảo nguyên miền Tây nước Mỹ đã từng cuốn hút biết bao thế hệ người xem truyền hình, không chỉ ở nước Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác (trong đó có Việt Nam), khi cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành loạt phim truyền hình dài tập.

Cuộc sống trong “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” nên thơ và đẹp đẽ, như truyện cổ tích giữa đời thường, từng làm biết bao khán giả say mê.

Tuy vậy, nếu tìm hiểu sâu kỹ hơn về cuộc sống của nữ tác gia, người ta sẽ biết rằng cuộc đời bà không đẹp như trang sách, như phim ảnh, mà thực tế có khá nhiều góc khuất, nhưng Laura Ingalls Wilder đã “gạn đục khơi trong” để tạo nên một hình tượng đẹp.

Sự thật đằng sau vẻ đẹp đẽ của “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”
 

Giờ đây, những câu chuyện về góc khuất trong cuộc đời nữ tác gia sẽ được kể lần đầu tiên trong cuốn tiểu sử sắp được xuất bản trong năm nay - cuốn “A Pioneer Girl” (tạm dịch: Cô gái tiền phong).

Cuốn tiểu sử này được nữ nhà văn viết lúc sinh thời để dành cho đối tượng độc giả là người lớn. Cuốn tiểu sử này đã được viết trước khi Laura Ingalls Wilder thực hiện loạt tiểu thuyết dành cho thiếu nhi - chùm sách “Little House” (Ngôi nhà nhỏ).

Những câu chuyện trong “A Pioneer Girl” rất thực tế và khá trần trụi về cuộc sống của những người nông dân trên vùng thảo nguyên miền Tây nước Mỹ, trong đó, có người hàng xóm nghiện rượu thường xuyên đánh vợ, có một mối tình tay ba đầy bi kịch, hay người cha “thiên sứ” - ông C-harles Ingalls - cũng có lúc “lì mặt” không trả nợ người chủ đất…

Nữ nhà văn Laura Ingalls Wilder - tác của cuốn tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”
Nữ nhà văn Laura Ingalls Wilder - tác của cuốn tiểu thuyết “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”

Tuy vậy, đương thời, cuốn sách “A Pioneer Girl” đã không tìm được nhà xuất bản, vì vậy, nữ nhà văn đã phải chỉnh sửa lại, loại đi những câu chuyện thực tế trần trụi để biến nó thành loạt tiểu thuyết dành cho thiếu nhi với phong cách “cổ tích giữa hiện thực”, trong đó có cuốn “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”.

Cuốn tiểu thuyết thiếu nhi nổi tiếng này đã loại bỏ đi rất nhiều thực tế không đẹp về cuộc sống của gia đình Ingalls và những người hàng xóm cùng sống trên thảo nguyên, nhiều nhân vật đã được hình tượng hóa, trở nên đẹp đẽ hoàn hảo.

Cuốn “A Pioneer Girl” được lưu giữ cẩn thận trong viện bảo tàng về Laura Ingalls Wilder đặt ở thành phố Mansfield, bang Missouri, Mỹ suốt nhiều thập kỷ nay.

Bản thảo đem in lần này chưa được biên tập lại, vẫn y như ngày đầu tác giả viết ra nó. Cuốn sách sẽ được xuất bản “nguyên bản 100%” với cả những lỗi sai chính tả và cách diễn đạt chưa được “chuốt” lại của nữ nhà văn.

“A Pioneer Girl” không phải một cuốn tiểu thuyết “đẹp như cổ tích” mà đúng nghĩa của một cuốn tự truyện chân thực, đem lại cho độc giả một cảm nhận chính xác hơn về cuộc sống của gia đình Ingalls, về những mối quan hệ trong gia đình và những gì diễn ra ở miền Tây nước Mỹ thuở khai hoang vỡ đất.

 

Tác giả bài viết: Bích Ngọc

Nguồn tin: Theo Telegraphh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập23
  • Hôm nay7,562
  • Tháng hiện tại73,145
  • Tổng lượt truy cập35,719,490
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây