Tru Di Tam Tộc

Thứ bảy - 06/09/2014 09:56

Tru Di Tam Tộc

Ông Yoo Byung-eun, người Nam Hàn và ông Nguyễn Trãi, người Việt Nam, chết cách nhau 572 năm, nhưng cái chết của 2 ông giống nhau ở một điểm: họ bị giết để che dấu tội lỗi của chính quyền.
Ông Nguyễn Trãi bị ngiết để bưng bít nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông; câu chuyện ngoại sử  bắt đầu ngày 27 tháng Bẩy năm Nhâm Tuất (1442),  ngày nhà vua đến thành Chí Linh, Hải Dương, để thanh tra hệ thống tổ chức quân sự tại đây.  Ông Nguyễn Trãi, tác giả của văn phẩm tuyệt vời Bình Ngô Đại Cáo, mang giá trị truyền đời của người Việt Nam, và cũng là một vị khai quốc đại thần đã từng giúp vua Lê Lợi đánh đuổi quân Tầu xâm lược; năm đó đã hồi hưu, nhưng vẫn đến thành Chí Linh nghênh giá, và thỉnh hoàng thượng về ngự tại Côn Sơn, nơi ông trú ngụ.
Khi ra về, vua đem theo bà Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi; bà Lộ đã 40 nhưng rất đẹp, trong lúc vua mới 20.
Không chỉ đẹp sắc mà bà Lộ còn là một thiên tài văn chương với giai thoại 4 câu thơ đối đáp với ông Nguyễn Trãi, ngày bà còn con gái. Giai thoại kể lại câu chuyện: một hôm Nguyễn Trãi gặp một cô gái bán chiếu trẻ đẹp, và ông đã xướng mấy câu thơ ghẹo cô:
Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu đẹp  hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Không ngờ cô này cũng làm thơ họa lại:
Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!
Nguyễn Trãi yêu sắc, phục tài bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới cô gái ấy (tức bà Lộ) làm thiếp. Gặp bà tại nhà công thần Nguyễn Trãi, vua cũng say đắm, tuyển bà vào cung làm ái phi, mặc dù bà đã có chồng, và mặc dù tuổi bà bằng với tuổi bà mẹ của vua.
Một tuần sau -ngày mùng 4 tháng Tám- vua cùng bà Lộ ra chơi vườn Lệ Chi (vườn trái vải), thuộc huyện Gia Định (nay là xã Đại Lai, tỉnh Bắc Ninh). Sau suốt một tuần lễ say đắm với bà Lộ trong hậu cung, vua vẫn thức suốt đêm với bà tại ngoại cảnh vườn trái vải, rồi băng hà. Các quan hộ giá bí mật đưa long thể về kinh đô, và chờ đến nửa đêm mùng 6 tháng Tám mới phát tang.
Triều đình quy cho bà Lộ tội giết vua; xử ông Nguyễn Trãi tru di tam tộc, thi hành bản án ngay ngày 16 tháng Tám; tính ra chỉ có 19 ngày, từ ngày vua Lê Thái Tông gặp bà Lộ, cho đến ngày toàn gia tộc -cả 3 họ nhà ông Nguyễn Trãi bị hành quyết.
 altalt
Thảm án Vườn Lệ Chi, giết 3 họ vị công thần Nguyễn Trãi, tác giả Bình Ngô Đại Cáo
 Phải chờ đến 22 năm sau -năm 1464- vua Lê Thánh Tông mới rửa oan cho ông Nguyễn Trãi, rồi truy tặng ông tước Tán Trù bá, bổ dụng người con duy nhất còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ vào một chức vụ nhỏ trong triều đình.  Chuyện giết hàng trăm người vô tội để che dấu tội dâm ô quá độ của vua Lê Thái Tông là chuyện xẩy ra 6 thế kỷ trước tại Việt Nam.
Chuyện giết ông Yoo Byung-eun, và giam cầm toàn gia ông là chuyện mới xẩy ra ngày 26 tháng Bẩy 2014. Ông Yoo, 73 tuổi là một nhà tu, một thương gia rất thành công; người Nam Hàn gọi ông là "nhà triệu phú ẩn dật".
Ông là chủ tịch của nhiều doanh nghiệp, trong đó có công ty điều hành chiếc phà MV Sewol chìm ngày 16 tháng Tư vừa rồi  gây tử nạn cho 304 hành khách, đa số là học sinh; tai nạn xẩy ra, chính phủ Nam Hàn bắt vợ và 4 người con ông Yoo tống giam; ông bỏ trốn, chính phủ treo giải thưởng 50 triệu hàn kim (48,800 mỹ kim) cho người cung cấp tin tức giúp bắt được ông, nhưng không có kết quả. Ngày 25 tháng 5 chính phủ tăng số tiền thưởng lên gấp 10 lần  -500 triệu hàn  kim- sau khi đã huy động gần 10,000 cảnh sát viên, sử dụng xe xúc, lục soát từng tấc đất trong những ngôi chùa ông Yoo bỏ tiền ra xây cất trong nhiều năm dài.
 altalt
Cảnh sát lục soát từng tấc đất để tìm bắt ông Yoo, chủ nhân chiếc phà chìm MV Sewol
 Tờ The New York Times mô tả là với vài chục ngàn người Nam Hàn tu theo lối tu hành của ông, sống trong hàng trăm ngôi nhà, hàng trăm thương vụ do ông tạo dựng, ông Yoo chết đơn độc, lặng lẽ nằm ngửa giữa một khu rừng, lưng ông mục theo lớp lá cây ông lót để nằm.
 
  altalt
Ông Yoo Byung-eun, và chiếc phà lớn MV Sewol
 Có lúc cảnh sát đã đến rất gần ông, khi ông trốn trong một ngôi biệt thự với 2 cặp tiền mặt chứa gần 1 triệu mỹ kim.
Công tố viện buộc ông vào tội tham lam cho phà chở quá nhiều hành khách, nhiều hơn khả năng của chiếc phà; điều này không đúng, vì khả năng của chiếc Sewol chở đến 921 hành khách, mà lúc lâm nạn, phà chỉ chở có 476 người. Ông còn bị truy tố về tội trang trí một phòng lớn trên boong phà bằng nhiều nghệ thuật phẩm, tranh ảnh, tượng, ... khiến phà nặng trên, nhẹ dưới nên dễ bị lật.
Vẫn theo cáo trạng, ông Yoo còn phạm tội xả khối lượng nước chứa trong phà để giữ thăng bằng cho phà nổi đều trên mặt nước, do đó phà tròng trành và chìm khi gặp sóng lớn. Cáo trạng viết, "Phà xả khối nước thăng bằng để cho bớt nặng, hầu có khả năng chở thêm hành khách, vì càng nhiều hành khách, hãng càng thu nhiều tiền." Dĩ nhiên cáo buộc này cũng không đúng.
Việc chiếc phà MV Sewol chìm giữa Hoàng Hải gây nhiều xúc động lớn trong dư luận, vì trước khi chìm vào lòng biển, nhiều học sinh còn kịp gọi điện thoại cell và text về cho gia đình. Trong những lời trăng trối cuối cùng của những thiếu niên, thiếu nữ còn rất trẻ đó, có những câu đầy xúc động như một cô bé 16 nói với mẹ, "má ơi, con muốn sống hoài bên má," hay một cậu thiếu niên thét lên kêu trời, "không, không, tôi không muốn chết."
Chiếc MV Sewol trọng tải 6,825 tấn, chuyên chở 476 hành khách từ Incheon đi Jeju; con số này không quá tải, vì khả năng của chiếc phà có thể chở tới 921 hành khách và 88 chiếc xe hơi; phà được phục vụ bởi một thủy thủ đoàn 35 nhân viên.
Chiếc Sewol nguyên là chiếc phà Nhật  Ferry Naminoue đã đưa đò từ năm 1994 đến 2012 -18 năm dài, không gặp một tai nạn nào cả. Hãng Chonghaejin Marine Company của ông Yoo mua lại với giá 11.3 triệu mỹ kim, đặt người Nhật làm thêm 2 tầng lầu cao hơn,  và đặt tên Nam Hàn là Sewol.
Sau khi được những cơ quan trách nhiệm hàng hải của Nam Hàn thanh tra, kiểm soát về mọi điều kiện kỹ thuật và an toàn, chiếc Sewol bắt đầu thương vụ đưa đò trên hải lộ Incheon-Jeju mỗi tuần 3 lần. Cơ quan South Korean Coast Guard mới kiểm soát và hài lòng với mọi điều kiện an toàn của chiếc Sewol thì tai nạn xẩy ra ngày 16 tháng Tư 2014.
Tổng thống Nam Hàn, bà Phác Cận Huệ, chỉ trích, "Nguồn gốc của tai họa là gia đình  Yoo Byung-eun, họ làm quần chúng nổi giận vì thái độ coi thường luật pháp,  không biết tỏ ra hối hận, không thú nhận sự thật." 

altalt
Tổng thống Nam Hàn Phác Cận Huệ lên án vụ phà Sewol chìm cách bờ biển Nam Hàn 20 cây số
Khi bà tổng thống một nước Á Châu đã lên án  ông Yoo như vậy là đèn xanh tự động bật, cho phép cảnh sát lộng hành; họ bắt giam vợ và 4 đứa con của ông Yoo -5 người hoàn toàn không liên can gì đến tai nạn chìm phà; chỉ một đứa con trai và ông nhanh chân trốn thoát.
Giới chuyên viên hàng hải nhận xét nguyên nhân của tai nạn là sau khi mua chiếc Ferry Naminoue của Nhật, ông Yoo đặt hãng Nhật cơi  thêm 2 tầng cao cho chiếc phà đã sẵn cao 3 tầng, 8 thước, cao thêm 5 thước nữa. Chính cái chiều cao lêu nghêu này khiến chiếc Sewol lật ngang khi gặp sóng to gió lớn.
Dĩ nhiên ông Yoo có trách nhiệm về cái chết của 304 nạn nhân, nhưng trách nhiệm đó không nằm trên bình diện hình sự; ông không tự tay giết một người nào cả, trách nhiệm của ông nhiều lắm cũng chỉ nặng như trách nhiệm của hãng xe hơi GM đối với những người  tử nạn, vì ổ khóa công tắc xe quay sang vị trí off, cắt điện khi tai nạn xẩy ra khiến bong bóng an toàn trong xe thiếu điện không tự động bung ra che chở những người ngồi trong xe.
Tội hãng GM còn nặng hơn tội của ông Yoo, vì hãng biết nguyên nhân tai nạn từ nhiều năm trước, từ khi những tai nạn đầu tiên xẩy ra, mà dấu nhẹm, không sửa chữa, trong lúc ông Yoo chỉ nhận ra sai lầm của mình một lần duy nhất, rồi sai lầm tạo ra hậu quả chung cuộc, đưa đến việc toàn thể gia đình ông bị sinh cầm, và xác ông chết xình thối trong rừng.
Nếu luật sư Nam Hàn dám trả treo cãi với bà tổng thống Phác Cận Huệ, có thể họ đã bảo bà phải lập tức trả tự do cho vợ, con ông Yoo, những người không liên can gì đến tai nạn thảm khốc xẩy ra tại Hoàng Hải, và bảo ông Yoo không cần phải trốn vào rừng để âm thầm chết rục trong đó; vì tội của ông nằm trên bình diện hộ sự -ông sẽ phải bồi thường nhân mạng cho 304 người tử nạn, nhưng một phần lớn số tiền bồi thường sẽ do các hãng bảo hiểm gánh chịu.
Nhưng Nam Hàn năm nay cũng không có được một chế độ pháp trị minh bạch hơn Việt Nam 572 năm trước -ông Yoo vẫn bị giết chết chỉ vì ông không rành định luật thăng bằng của con tầu
trên biển cả, cũng như ông Nguyễn Trãi bị giết chỉ vì ông có một nàng  hầu quá đẹp khiến thiên tử mê say, đắm đuối không ý thức được giới hạn của sức người.
Chính quyền giết họ để che dấu những sự thật không làm đẹp mặt cho chính quyền. (nđt)

Tác giả bài viết: NGOC PHAN

 Tags: tội lỗi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập696
  • Hôm nay10,967
  • Tháng hiện tại280,864
  • Tổng lượt truy cập36,335,419
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây