Công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2017

Thứ ba - 25/04/2017 10:14

Công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2017

Tại đây có dự kiến chương trình giảng dạy; các môn học mà học trò phổ thông sẽ học trong tương lai gồm những gì cho cả ba cấp học phổ thông.

Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới được triển khai theo tinh thần của Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội khóa 13.

Đây là lần thứ 2, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố.

Trước đó, tại cuộc họp báo quý I/2017 vào chiều 24/3, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, dự thảo dự thảo chương trình đã hoàn thành và dự kiến đầu tháng 4 sẽ công bố để lấy ý kiến trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9/2017.

 

Những điểm mới nhất về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Theo dự thảo, hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Môn học bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học.

Môn học bắt buộc có phân hóa là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (mô-đun), trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Môn học tự chọn là môn học không bắt buộc, được học sinh tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Môn học tự chọn bắt buộc là môn học mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ đang họp báo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Cụ thể, các môn học ở tiểu học, bao gồm:

a) Các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.

b) Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

c) Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

Các môn học ở trung học cơ sở

a) Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

b) Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

c) Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Các môn học ở trung học phổ thông

a) Lớp 10

Dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Các môn học bao gồm:

– Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

– Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

– Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

b) Lớp 11 và lớp 12

– Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

– Các môn học tự chọn bắt buộc: Học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập.

– Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục

Dự thảo chương trình tổng thể đã nêu ra ba hình thức đánh giá:

– Đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

– Đánh giá định kỳ, do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

– Đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

 
 

 

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Quá tham vọng!

 

GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên viện trưởng Viện Toán học, đã nhận xét thẳng thắn như vậy đối với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa công bố tại hội thảo góp ý cho dự thảo này ngày 13-4.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Quá tham vọng!
Một tiết học ôn môn văn sôi động của học sinh lớp 12A13 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) theo phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều nhà giáo dục, nhà nghiên cứu tham gia hội thảo do Viện Khoa học giáo dục tổ chức cũng đã có nhiều phản biện, góp ý với dự thảo nói trên.

Có nên đặt ra yêu cầu 
về “phẩm chất”?

Trong dự thảo vừa công bố đưa ra chân dung người học sinh mới gồm 10 năng lực cốt lõi và 6 phẩm chất.

GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết nhiều nước không đặt ra yêu cầu “phẩm chất”, mà chỉ có yêu cầu về “năng lực” cần đạt khi xây dựng chương trình giáo dục. Nhưng theo tinh thần nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì chương trình giáo dục mới phải đảm bảo các yêu cầu về năng lực và phẩm chất.

Tuy nhiên tại hội thảo trên, nhiều ý kiến lại cho rằng không nên “tách phẩm chất ra khỏi năng lực”. GS.TS Phạm Tất Dong, phó chủ tịch Hội Khuyến học VN, cho rằng chỉ nên đặt ra yêu cầu giáo dục để hình thành, phát triển năng lực. Vì có năng lực thực hiện tốt công việc, thông qua năng lực để giải quyết các vấn đề xã hội, chứng tỏ là con người có học thức, có hiểu biết, từ đó sẽ hình thành các phẩm chất. Chứ đặt ra các phẩm chất để giáo dục thì có vẻ... siêu hình quá!

Chia sẻ bên lề hội thảo, một số ý kiến của các nhà nghiên cứu trẻ cũng cho rằng: “Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước phát triển không đặt ra việc giáo dục phẩm chất con người. Phẩm chất phải thông qua quá trình hình thành năng lực, chuyển biến về nhận thức, chứ không tự nhiên mà học được”, “Một vài nước cũng đặt ra các yêu cầu trong việc hướng học sinh đến những giá trị, nhưng không làm như chúng ta. Chúng ta đưa ra những phẩm chất, vốn là thứ nằm bên trong mỗi con người, thì đúng là thách đố giáo viên. Nếu có áp dụng cũng dẫn tới hình thức, đối phó”...

Trao đổi ở khía cạnh khác, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên chuyên gia giáo dục của Bộ 
GD-ĐT) nhận xét: “Ở dự thảo trước đưa ra 8 phẩm chất (nhân ái, khoan dung, chuyên cần, tiết kiệm, trách nhiệm, kỷ luật, trung thực, dũng cảm), còn dự thảo này lại đưa ra 6 phẩm chất khác (yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm).

Điều này khiến chúng tôi có cảm giác dự thảo không có một hệ thống tiêu chí rõ ràng trong việc xác định các phẩm chất, mà chỉ điều chỉnh theo ý kiến góp ý”.

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng cách ban soạn thảo chia nhỏ các phẩm chất đối với học sinh từng cấp học không hợp lý: “Dự thảo ghi phẩm chất của học sinh cấp tiểu học là yêu thiên nhiên, yêu quê hương, tự hào về quê hương, kính trọng, biết ơn người lao động, người có công với đất nước... Tôi thấy những phẩm chất này thì học sinh cấp nào cũng nên có, không nhất thiết chỉ học sinh tiểu học”.

Những cái giật mình

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Phương, phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, góp ý: “Khi xem thứ tự môn học trong hệ thống môn học mà dự thảo đưa ra, tôi hơi giật mình khi các môn giáo dục an ninh, quốc phòng được đặt lên trước một số môn khác. Điều này khiến tôi có cảm giác chúng ta dạy học sinh... hiếu chiến quá!”.

Bà Phương nêu quan điểm ở các nước chú trọng ưu tiên dạy học sinh những môn văn hóa. Giáo dục an ninh, quốc phòng cũng cần, nhưng không nên đặt ưu tiên hơn các môn học khác.

Có ý kiến tương tự, GS Ngô Việt Trung cho rằng định hướng chương trình đặt môn giáo dục quốc phòng, an ninh lên hàng đầu, trước các nội dung giáo dục khác là không hợp lý. Cũng theo GS Trung, ở bậc tiểu học chỉ nên dạy học sinh những thứ sơ đẳng, chứ như dự thảo thì ôm đồm quá.

“Trẻ ở tiểu học chỉ nên dạy đừng viết sai tiếng Việt, biết tính toán đơn giản, biết một số kỹ năng cần thiết là đủ... Đưa vào đó nhiều mục tiêu quá” - GS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Mặc dù GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định việc hướng nghiệp đã được chú trọng hơn nhiều ở dự thảo chương trình lần này, nhưng nhiều ý kiến tại hội thảo vẫn cho rằng yêu cầu về hướng nghiệp không rõ.

Theo TS Lê Đông Phương - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục VN, quan điểm mới về hướng nghiệp chưa rõ bóng dáng ở dự thảo lần này. Ông Phương cho rằng phải chuẩn bị cho học sinh có định hướng đi theo các nhánh khác nhau, ngay từ bậc THCS.

“Trong dự thảo này, tôi có cảm giác học sinh sẽ vẫn chỉ lao theo một hướng” - TS Phương nhận xét.

“Có ba sự lựa chọn cho học sinh học xong chương trình THCS. Thứ nhất là học các trường nghề, thứ hai là học tiếp THPT và thứ ba là gia nhập thị trường lao động. Nếu dự thảo chương trình lần này không làm rõ được việc phân nhánh đó thì là một thiếu sót” - ông Bùi Gia Thịnh (Viện Khoa học giáo dục VN) góp ý.

Vì sao không nhập khẩu chương trình?

Tại hội thảo, GS Ngô Việt Trung đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không tiết kiệm, nhập khẩu chương trình của một số nước có nền văn hóa gần với Việt Nam?”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời: “Có thể nhập khẩu sách giáo khoa, ví dụ như sách ngoại ngữ, nhưng nhập khẩu chương trình thì khó. Vì chương trình của họ thay đổi 5-10 năm/lần, khi đó mình cũng phải thay đổi theo và sách giáo khoa cũng phải thay đổi”.

Không nên áp dụng rộng rãi toàn quốc

Khi dự giờ học vật lý ở một trường miền núi, tôi thấy chỉ riêng việc giải thích khái niệm về “lực”, giáo viên phải mất 10 phút để nói bằng 5 thứ tiếng do nơi đây có nhiều học sinh dân tộc thiểu số.

Thực tế như vậy thì đưa vào chương trình quá nhiều mục tiêu thế này, tôi e khó có thể thành công. Nếu có thực hiện được cũng không nên áp dụng rộng rãi toàn quốc.

Ông Bùi Gia Thịnh (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam)

 

Tác giả bài viết: Ông Bùi Gia Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập137
  • Hôm nay14,610
  • Tháng hiện tại235,838
  • Tổng lượt truy cập35,502,119
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây