Trong cuốn sách “Dự án hạnh phúc” của mình, tác giả Gretchen Rubin có viết: "Nếu một người đột ngột thay đổi chủ đề khi nói chuyện với bạn không có nghĩa là họ không cảm thấy bạn quá nhàm chán. Một người chuyên nghiệp trong giao tiếp là người biết giấu đi sự nhàm chán của bản thân. Nhưng để có thể cười và tỏ ra quan tâm khi mà bên trong bạn chỉ muốn... ngáp vì chán thì thực sự là rất khó”.
Để ngăn chặn việc "zombie hóa" cuộc hội thoại, hãy cùng đi tìm hiểu những dấu hiệu dễ thấy bạn “thiếu muối” khi giao tiếp qua bài viết dưới đây.
1. Sử dụng những câu trả lời... lười biếng
“Thật ah? / Ờ/ Đúng"... Hãy cẩn thận với những câu trả lời như trên bởi chúng chỉ rõ, bạn đang bị mắc kẹt trong tình trạng ảm đạm.
Người ta cho rằng, những người thường nói “Ồ thật sao? Thú vị nhỉ” hay “Hay thế” trên thực tế lại không mấy quan tâm đến chủ đề cuộc nói chuyện chút nào.
Thay vì phản ứng có phần “lịch sự”, lời khuyên đưa ra là bạn hãy hỏi ngược lại người kể chuyện về cảm xúc của họ. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng, chúng ta... nghiện nói về bản thân mình.
Theo các nhà nghiên cứu của trường ĐH Harvard, con người dành đến 40% các cuộc trò chuyện để nói về bản thân. Đó một phần là do các phản ứng sinh hóa đến từ bộ não.
Thông qua nhiều cuộc thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thấy rằng, mỗi lần người nào đó tự nói về mình, bộ phận “phần thưởng” của não bộ lại được kích thích. Điều này được so sánh với phản ứng của cơ thể khi ăn hay hoạt động tình dục, nó khiến con người trở nên phấn khích.
2. Lặp lại câu nói của người khác
Một thói quen nhàm chán dễ mắc phải trong giao tiếp đó chính là lặp lại gần như y hệt những gì người khác đã nói giống như một cái gương.
Một ví dụ điển hình cho cuộc nói chuyện “thiếu muối”:
- Hôm nay trời đẹp nhỉ?
- Ừ, trời đẹp thật.
Các cuộc đàm thoại thế này thường hay xảy ra do những nỗ lực sai lầm của người giao tiếp khi muốn tỏ ra lịch sự. Đó là khi chúng ta trả lời câu hỏi bằng chính quan điểm của người hỏi, trả lời quá trực tiếp hay đơn giản chỉ đồng ý với bất cứ thứ gì họ nói. Kết quả có được là những cuộc trò chuyện nhàm chán và dễ dàng rơi vào quên lãng.
Tuy nhiên chỉ với một chút khéo léo, bạn có thể dễ dàng biến một cuộc đàm thoại nhỏ thế này thành một cuộc trò chuyện có ý nghĩa hay ít nhất là mới lạ.
Tất cả những gì bạn cần làm đó là “phá vỡ cái gương”. Bạn có thể dẫn câu chuyện đi theo một lối khác bằng cách đề cập đến một sự kiện hay một vấn đề khác một cách bất ngờ, thúc đẩy người kia gia nhập vào cuộc hội thoại. Dù vấn đề mới có kì lạ hay thậm chí vô lý thì cũng không sao, bởi bạn đã tìm ra được một chủ đề để nói.
3. Mắt đảo vòng quanh
Một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất để biết rằng bạn nhàm chán là khi người đối diện bạn đảo mắt ra chỗ khác.
Có câu “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, người ta tin rằng có thể thấy được cả con người thông qua ánh mắt của họ. Điều này có phần chính xác bởi vì đôi mắt chịu trách nhiệm lớn trong việc truyền tải cảm xúc của chúng ta.
Các nhà khoa học còn khám phá ra được cách “đoán ý nghĩ” thông qua đôi mắt. Có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về hướng nhìn của mắt khi con người nói dối. Theo đó, khi con người bất giác nhìn lên phía trên về bên phải, họ có thể đang nói dối hoặc tưởng tượng một thứ gì đó.
Một số “mã” bí mật liên quan đến chuyển động của mắt được đưa ra như sau: Nhìn về bên phải là tư tưởng của thính giác (vd: nhớ một bài hát); nhìn về bên trái là tư tưởng của thị giác (vd: nhớ lại một màu sắc); nhìn xuống về bên phải là cảm giác nhớ về một vấn đề nào đó.
Và khi mắt người đối diện bạn đảo quanh vô định thì bạn có thể hiểu rằng, câu chuyện bạn kể chẳng có gì thú vị cả.
4. Quay người về hướng khác
Marc Chernoff có nói trong cuốn sách “1.000 điều mà người thành công sẽ làm khác bạn” của mình là cần phải quan tâm không chỉ đến vị trí của đầu mà cả của vai, đầu gối và... ngón chân của người đối diện trong một cuộc hội thoại.
Nghe có vẻ khắt khe nhưng cách ngồi sẽ tiết lộ mức thu hút của bạn trong một cuộc trò chuyện. Theo Marc Chernoff, khi chúng ta vui vẻ tham gia vào một cuộc trò chuyện, chúng ta không chỉ quay hẳn người, mặt đối diện với người nói mà cả bàn chân và thân người chúng ta cũng vậy.
Ngược lại, khi một người không chắc chắn về việc muốn tiếp tục nói với người đối diện, hay không hoàn toàn để ý vào cuộc đối thoại, họ có xu hướng hướng bàn chân mình về một hướng khác như để chuẩn bị sẵn sàng bước đi.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Business Insider, Science of People, Healthland...
(Bích Đào)