Điều đó có nghĩa, nước không phải là tài nguyên vô hạn. Theo thống kê của tổ chức Liên Hợp Quốc, hiện 20% dân số thế giới tại 30 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và con số này sẽ tăng lên 30% vào năm 2025.
Nhân Ngày Trái đất 2015 với chủ đề "Nước là cốt lõi của sự bền vững", chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài hành động có vẻ "kì quặc" nhưng lại có tác dụng tiết kiệm nước.
1. "Giải quyết nỗi buồn" trong lúc tắm
Bạn có biết, mỗi lần giật nước bồn cầu, chúng ta đã tiêu tốn 3 - 6 lít nước với thiết bị vệ sinh hiện đại; 9 - 12 lít nước cho hệ thống xả nước vệ sinh cũ.
Vì vậy, nếu tranh thủ đi tiểu lúc tắm, bạn sẽ có thể tiết kiệm được một lượng nước không nhỏ. Đây là lời kêu gọi của Tổ chức môi trường SOS Mata Atlantica ở Brazil.
Theo đó, nếu một gia đình có 5 người cùng thực hiện "phương pháp" tiết kiệm nước này, bạn sẽ tiết kiệm được 8.200 lít nước mỗi năm với thiết bị vệ sinh mới và tiết kiệm được 20.000 lít nước với bồn cầu cũ.
Và nếu tất cả người Anh cùng thực hiện hành động tiểu tiện khi tắm trong khoảng thời gian đó, lượng nước mà họ tiết kiệm trong một năm sẽ lên tới con số khổng lồ 720 triệu lít tương đương 690 triệu USD (khoảng 14.400 tỷ VND).
2. Tắm táp, kì cọ 3 lần mỗi tuần
Trung bình, mỗi lần tắm vòi hoa sen, con người tiêu tốn ít nhất khoảng 200 lít nước. Vì vậy, thay vì tắm hàng ngày bạn có thể chuyển sang chế độ 2 ngày tắm một lần. Như vậy, bạn đã góp phần tiết kiệm 36.500 lít nước/năm.
Không chỉ thế, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra, việc tắm nhiều, tắm hàng ngày còn khiến da bị khô và mất nước. Tắm lâu không chỉ khiến lượng nước bạn dùng bị lãng phí mà còn khiến cho nhiệt độ cơ thể hạ thấp quá mức, ảnh hưởng đến hoạt động mạch máu, dẫn đến ngất xỉu, thậm chí gây tử vong.
3. Sử dụng vòi hoa sen thay cho tắm bồn
Theo Tổ chức bảo vệ môi trường (EPA), trong 5 phút bạn tắm, vòi tắm hoa sen sử dụng khoảng 40 - 100 lít nước. Cùng khoảng thời gian đó, bạn sẽ tiêu thụ gần 250 lít nước để làm đầy bồn tắm.
Điều đó có nghĩa là, nếu tắm vòi hoa sen thay cho tắm bồn, bạn đã tiết kiệm được một lượng nước khổng lồ. Nếu tất cả người Mỹ cùng tắm vòi hoa sen, lượng nước tiết kiệm được đủ để lấp đầy 2.100 bể bơi của Thế Vận hội. Ngoài ra, khi thoa xà phòng lên người, bạn cũng nên tắt vòi sen bởi 4 phút sử dụng vòi sen sẽ làm mất từ 90 - 180 lít nước.
4. Ngắt vòi nước khi đánh răng, cạo râu, rửa tay
Với suy nghĩ chẳng đáng là bao nên nhiều người hay có thói quen để vòi nước chảy khi làm vệ sinh cá nhân. Nhưng một ngày bạn phải làm những việc này rất nhiều lần nên số nước lãng phí mà bạn để mất là không nhỏ.
Bởi lẽ, dòng chảy trung bình của một vòi nước là khoảng 3 lít/phút, nhưng vòi nước chảy chậm dòng chảy ở mức 1,5 lít/phút.
5. Giặt quần áo, rửa bát 100% bằng tay
Giặt quần áo, rửa chén bằng tay chắc chắn sẽ ít tốn nước hơn so với giặt máy hay sử dụng máy rửa bát. Nếu như rửa bát bằng tay trung bình ngốn 18 lít nước cho một lần sử dụng thì rửa bằng máy sẽ ngốn tới 60 lít. Cùng với đó, lượng nước bạn dùng khi giặt một mẻ quần áo lên tới 100 lít nước.
Bởi vậy, việc chuyển sang rửa bát bằng tay có thể giúp bạn tiết kiệm tới 126 lít nước cho ba bữa ăn mỗi ngày. Điều đó có nghĩa bạn sẽ tiết kiệm được 45.990 lít/ năm cho việc rửa bát.
Với máy giặt, việc giặt một mẻ đầy quần áo trong một lần giặt thay vì vài ba bộ cho một lần "bấm nút", bạn cũng sẽ tiết kiệm được tới 40.000 lít nước/năm.
Ngày Trái đất (Earth Day) là ngày để giúp mọi người nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên Trái đất. Sự kiện này lần đầu tiên được tổ chức tại Mỹ vào 22/04/1970 do thượng nghị sĩ Gaylord Nelson đề xuất. Sau này, Ngày Trái đất được đưa lên tầm quốc tế vào năm 1990 với sự tham gia của 141 quốc gia. Năm 2009, Liên Hiệp Quốc chính thức chọn ngày này là Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất. |