Hội chứng tâm lý cô Beret đội sữa

Thứ sáu - 24/04/2015 17:20

Hội chứng tâm lý cô Beret đội sữa

chẳng cứ gi những nơi xa, miền núi, ngay Hà Nội cũng bị nhiễm hội chứng tâm lý của cô Beret đội sữa
 

Ông bạn già của tôi bảo:

- Ông ạ, dạo này tôi thực sự lo lắng khi thấy xã hội xuất hiện tràn lan hội chứng tâm lý cô Beret (Perrette) đội sữa.

Tôi hỏi lại:

- Ý ông muốn nói cô Beret đội sữa là cái cô trong thơ ngụ ngôn của nhà văn Pháp La Fontaine, đội bình sữa trên đầu mang tới chợ bán, trên đường đi tính toán sữa bán xong sẽ mua trăm quả trứng, đem về ấp nở ra bầy gà con, bán đủ tiền mua một con heo con, nuôi vỗ lớn bán đi mua một con bò cái kèm theo một con bê xinh xinh tung tăng nó nhẩy quanh mình... nghĩ đến đấy cô bán sữa hứng lên liền nhẩy theo khiến bình sữa lộn vèo xuống đất, giấc mộng trứng, gà, heo, bò tất tất cũng tan vỡ theo.

- Đúng vậy, Chả hiểu sao dạo này lại cùng xuất hiện ở nhiều người, nhiều nơi tình trạng tâm lý của cô Beret này. Chẳng hạn Đà Lạt (Lâm Đồng) hứng lên xây một ký túc xá sinh viên trị giá 227,8 tỷ đồng, có 2.000 chỗ ở mà chỉ có... 1 sinh viên đăng ký ở. Lý do ế ẩm vì khi xây dựng đã dự báo nhầm là lượng học sinh, sinh viên ở Đà Lạt sẽ tăng lên thêm 20.000 người nữa vào 2015. Ngoài ra, ký túc xá xây dựng khá xa so với nơi đào tạo, chưa kể đường xá chung quanh vẫn lầy lội, xuống cấp... nên dù giá thuê rất rẻ, sinh viên vẫn không vào ở mà trụ lại trong thành phố.

Rồi Kon Tum cũng hứng lên với mơ ước phá thế độc đạo, góp phần phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, đà bỏ tiền hơn 900 tỉ đồng đầu tư xây dựng con đường được xem là đẹp nhất Tây Nguyên, có 6-8 làn xe, rộng 40-50 m, nối từ cửa khẩu Bờ Y đến Quốc lộ 14 ở phía Bắc thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi – Kon Tum. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, “siêu lộ” này hầu như không có phương tiện qua lại. đìu hiu 2 năm nay vì xe cộ từ các nơi lên cửa khẩu Bờ Y vẫn đi theo Quốc lộ 40 bởi thuận đường và tiện lợi. Người dân địa phương liền tận dụng “siêu lộ” này làm bãi phơi nông sản, đi bộ lên nương rẫy, tập lái ô tô, xe máy...!

Mà chẳng cứ gi những nơi xa, miền núi, ngay Hà Nội cũng bị nhiễm hội chứng tâm lý của cô beret đội sữa. Thì đấy, họ bỏ ra đến 2.300 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Hà Nội Tháng 10.2010, được khánh thành, mở cửa đón khách tham quan nhưng đến nay, công trình này vẫn gần như để trống, vắng khách. Vậy làm sao không lo lắng khi thấy có không ít công trình xây rồi bỏ hoang hoặc xây xong sử dụng không hết công năng, không phát huy tác dụng vậy.

- Chẹp chẹp, ông nói vậy làm tôi đâm lo lo, khi thấy Dự án Đường sắt đô thị  là một dự án cần thiết phải làm, nhưng dự báo trong “Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án”mơ mộng nêu rằng năm 2020 khi đi vào hoạt động, tuyến tàu điện số 2 qua Hoàng Hoa Thám sẽ đạt được số lượng hành khách là 53.000 khách/ngày/km. Sao lượng hành khách dự báo một ngày/km này khá giống với con số dự báo năm 2013 của tuyến Tsuen Wan - một tuyến tàu điện ngầm đông khách nhất ở Hồng Kông dài 16 km với 59.500 hành khách với 16 ga. Có phải là sự sao chép nguyên si nước ngoài khi làm dự báo cho có dự báo chăng? Tuy nhiên liệu họ có biết tuyến tàu điện Tsuen Wan này của Hồng Kông được đưa vào hoạt động từ năm 1982, khai thác 33 năm mới đạt được lượng khách đó. Vậy cần phải xem lại.việc dự báo tuyến tàu điện ngầm số 2 Hà Nội (dài 11km và chỉ có 10 ga) vừa đưa vào khai thác đã có ngay 53.000 khách/ngày!?

- Ốí trời, kiểu dự báo của các vị sao giống kiểu: “Đếm cua trong lỗ”, Cua trong lỗ sẽ không thấy được thì sẽ không đếm được, nên làm sao biết trong đó có bao nhiêu cua.Nếu mình không biết rõ về vấn đề nào đó thì đừng vội chủ quan đánh giá nó với mơ ước viển vông, rồi kẻo lại nhiễm hội chứng tâm lý cô Beret đội sữa như ông nói vậy. Nhiều dự án vay vốn ODA do Chính phủ bảo lãnh, nhưng nếu giải sai bài toán hiệu quả, gây lỗ, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn khiến Chính phủ phải bỏ tiền trả nợ, từ đó sẽ có thể khiến nợ công, nợ quốc gia gia tăng tới ngưỡng không an toàn thì nguy. Hu hu...

Nguyễn Đoàn

 

Dự án trên cao, năng lực dưới thấp

 

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã quá nhiều tai tiếng, người dân bức xúc, Nhà nước sốt ruột, nhưng nó vẫn ỳ ra đó, như trêu ngươi, như thách thức.

Nó ỳ ra nhưng có vẻ như càng ỳ càng lợi, vì nếu công trình kéo dài thì lại tính tiền trượt giá, nâng thêm vốn, nhà đầu tư “chết”, còn nhà thầu Trung Quốc cứ thong thả nhặt tiền. Tin mới toanh, dự án này chậm tiến độ, “đội” vốn lên 868,06 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Làm dự án kiểu này thì quá dễ, chậm tiến độ thì tăng vốn, thiếu vốn thì vay, chỉ có chết dân. Bởi vì vay ở đâu thì cuối cùng dân cũng è cổ ra để trả cả vốn lẫn lãi. Riêng dự án này, tổng thầu là Trung Quốc, một phần vốn vay ưu đãi cũng Trung Quốc. Nhà thầu Trung Quốc làm ăn bê bối, nhưng nói ra mắc nghẹn ở cổ, vì vốn vay lại từ phía họ.

Không chỉ chậm tiến độ, đội vốn, gây thiệt hại về kinh tế, dự án này còn là nỗi khiếp sợ về tai nạn. Người dân bất an khi lưu thông gần khu vực dự án. Chưa ai biết sẽ có cái gì rơi xuống trên đầu. Còn nhớ tại cuộc họp đầu tháng 1.2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói: “Mỗi lần sự việc xảy ra, tổng thầu lại nhận khuyết điểm nhưng đâu lại vào đấy. Tôi không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của tổng thầu nữa”.

Bộ trưởng Bộ GTVT không tin vào lời hứa của tổng thầu thì dân làm sao tin họ được. Ở đây không phải là chuyện gây tai nạn, mà quan trọng hơn, là niềm tin vào năng lực thực hiện của tổng thầu Trung Quốc. Đây là một dự án được thi công kém về nhiều mặt, cho thấy nhà thầu thiếu năng lực. Trình độ công nghệ, năng lực chuyên môn kém là nguyên nhân chính của mọi hậu quả. TS Phạm Sanh - nguyên giảng viên Trường ĐH Bách Khoa TPHCM - phân tích về dự án này: “Trong quá trình triển khai gặp các vấn đề chậm tiến độ, chất lượng thi công thấp, chắc chắn là do trong quá trình lựa chọn nhà thầu (tổ chức đấu thầu) đã có sơ hở. Cụ thể là vấn đề về năng lực, đặc biệt năng lực chuyên môn của nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu của dự án”.

Tổng thầu kém thì rõ rồi, nhưng những người chọn nhà thầu kém phải chịu trách nhiệm. Nhận ra tổng thầu dự án đường sắt trên cao kém, không đủ năng lực thì phải thay. Nếu không thể thay tổng thầu vì vướng quá nhiều thủ tục pháp lý, ràng buộc về tài chính thì phải có biện pháp quản lý cũng như quy định về chế tài để nhà thầu thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Dự án trên cao, nhưng năng lực chuyên môn thì dưới thấp. Không thể nuông chiều nhà thầu thêm nữa.

Lê Thanh Phong

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập367
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,441
  • Tổng lượt truy cập36,332,996
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây