Thay thế cũng được thôi, vấn đề là ở chỗ nếu vật thay thế không đủ "tiện", sẽ rất khó để tạo ra sự thay đổi cho cả cộng đồng. Tuyệt vời nhất sẽ là tạo ra được sản phẩm dùng một lần nhưng được làm từ nguyên liệu xanh, phù hợp với môi trường. Nắm được điểm cốt lõi này, Biofase - công ty của Mexico đã đưa ra một ý tưởng thiên tài và đầy tiềm năng trong bức hình dưới đây. Công trình của Biofase là tạo ra dao, dĩa, đũa thìa... làm từ những trái bơ. Đây đều là các vật dụng dùng một lần, có độ cứng cáp tương đương với nhựa, nhưng sẽ phân hủy nhanh hơn gấp cả ngàn lần. Cuộc cách mạng của cậu sinh viên ngành kỹ sư hóa Khi Scott Munguía theo học ngành kỹ sư hóa, anh chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình có thể cách mạng hóa toàn bộ ngành công nghiệp phân hủy sinh học trên thế giới. Mọi thứ bắt nguồn từ một dự án trong lớp học, khi Scott tìm cách biến hạt bơ thành các đồ dùng sử dụng 1 lần. Sau đó anh chợt nhận ra rằng nó không chỉ giúp mình được điểm cao, mà còn là một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời. Scott và 2 người bạn đã lập ra Biofase. Công việc chính của công ty này là tái sử dụng hạt bơ - vốn chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tổng số rác thải của người Mexico. Họ thu gom từ các công ty sản xuất dầu trước khi bị vứt, sau đó biến chúng thành vật dụng dùng 1 lần. Các sản phẩm của Biofase bao gồm dao, dĩa (nĩa), thìa (muỗng) và ống hút. Tất cả đều phân hủy được trong tối đa 240 ngày. Nghe thì lâu, nhưng nếu so với con số hàng ngàn năm của rác nhựa thì không là gì cả. "Mọi thứ tồn tại trên Trái đất đều là một phần của các vòng tuần hoàn tự nhiên. Vấn đề ở rác nhựa là nó tồn tại, nhưng đứng ngoài vòng tuần hoàn đó," - trích lời Scott. Ở thời điểm hiện tại, công ty vẫn đang phát triển rất mạnh. Theo số liệu báo cáo, mỗi năm công ty sản xuất 300 - 400 tấn dao, nĩa và ống hút, đồng thời đang tìm cách phát triển sản xuất đĩa và hộp đựng thực phẩm. Hiện tại, Biofase đang vươn ra phạm vi Hoa Kỳ, Trung Mỹ và một vài quốc gia tại châu Âu.
| | |