Người mở toang cửa Vatican: Chúc lành thầm lặng

Thứ ba - 23/12/2014 09:12

Người mở toang cửa Vatican: Chúc lành thầm lặng

Trước khi tiến vào Giáo đường Xanh, một địa điểm nổi tiếng của Hồi giáo tại thành phố Istanbul, Giáo hoàng Francis cẩn thận cởi giày theo đúng lề luật. Ở sảnh chính, ông cúi đầu, hướng về thánh địa Mecca của người Hồi giáo và nhắm mắt để cầu nguyện cùng Đại giáo sĩ Istanbul Rahmi Yaran.

 

Người mở toang cửa Vatican: Chúc lành thầm lặngGiáo hoàng Francis cúi đầu nhận chúc lành từ Thượng phụ Bartholomew I - Ảnh: AFP
Lần họp báo đầu tiên ở Vatican sau khi được mật nghị hồng y bầu chọn vào tháng 3.2013, Giáo hoàng Francis đã gây ấn tượng tốt đẹp với khoảng 3.000 phóng viên tham dự, theo tờ Le Point.
Một trong những điều được các nhà báo nhắc đến nhiều nhất trong buổi gặp gỡ là sự tôn trọng tuyệt đối của Giáo hoàng đối với tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.
Vào cuối buổi họp báo, ông tuyên bố “chúc lành thầm lặng” cho tất cả những người có mặt vì “tôn trọng quan điểm của mỗi người”, không muốn gây khó xử cho những ai theo tôn giáo khác hoặc vô thần. Tinh thần này tiếp tục được Giáo hoàng thể hiện trong gần 2 năm qua, đặc biệt là trong chuyến công du hồi cuối tháng 11 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông điệp ở Istanbul
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thứ 4 có người Hồi giáo chiếm đa số mà Giáo hoàng Francis thăm viếng trong năm nay.
Trước khi tiến vào Giáo đường Xanh, một địa điểm nổi tiếng của Hồi giáo tại thành phố Istanbul, ông đã cẩn thận cởi giày ra theo đúng lề luật tại đây, theo tờ La Croix. Sau đó, ở sảnh chính, ông đã cúi đầu, hướng về thánh địa Mecca (Ả Rập Xê Út) của người Hồi giáo và nhắm mắt trong nhiều phút để cầu nguyện cùng Đại giáo sĩ Istanbul Rahmi Yaran.
Trước đây, đã có nhiều giáo hoàng thăm viếng các giáo đường Hồi giáo nhưng chưa từng có vị nào chính thức cầu nguyện tại những nơi này. Trả lời phỏng vấn trên chuyến bay về Vatican, Giáo hoàng Francis kể lại: “Khi ấy, tôi muốn cầu nguyện nên đã đề nghị với đại giáo sĩ và được đồng ý ngay. Tôi cầu nguyện cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho mọi người, cho tôi và đặc biệt cho hòa bình. Đó là những giây phút rất chân thành”.
Người mở toang cửa Vatican: Chúc lành thầm lặng - ảnh 2
Giáo hoàng chụp ảnh selfie cùng thanh niên - Ảnh: AFP
Tờ Osservatore Romano dẫn lời chuyên gia Omar Abboud nhận định rằng những gì Giáo hoàng Francis thể hiện tại Giáo đường Xanh thật sự là một thông điệp mạnh mẽ. “Hướng về Mecca nghĩa là nhìn thẳng vào mắt người Hồi giáo. Tôi tin chắc rằng phần lớn người Hồi giáo sẽ xem ánh nhìn ấy của Giáo hoàng là tín hiệu của tình bằng hữu”, ông Abboud nói.
Sau khi viếng thăm Giáo đường Xanh, Giáo hoàng Francis đã gặp gỡ Thượng phụ Chính Thống giáo Constantinople là Bartholomew I và tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi đề nghị thượng phụ chúc lành cho mình và Giáo hội Công giáo, theo La Croix.
Hình ảnh Giáo hoàng Francis cúi đầu nhận chúc lành từ Thượng phụ Bartholomew I ngay lập tức được truyền thông khắp thế giới xem là biểu tượng hoàn hảo của tinh thần kết nối tôn giáo.
Một sự kiện nhiều ý nghĩa khác là Thượng phụ Bartholomew I đã đến dự lễ ở Thánh đường Chúa Thánh Thần ở Istanbul do Giáo hoàng Francis làm chủ tế. Cùng dự lễ có các vị đại diện của nhiều tôn giáo khác như Anh giáo, Tin Lành…
Kết nối bằng thể thao
Ngày 1.9 vừa qua, tại Sân vận động Olympic ở thủ đô Rome của Ý đã diễn ra trận giao hữu bóng đá “đoàn kết tôn giáo để cầu nguyện cho hòa bình” do Giáo hoàng khởi xướng.
Theo tờ La Croix, trận đấu quy tụ nhiều ngôi sao lừng danh của bóng đá thế giới như Diego Maradona, Roberto Baggio, Gianluigi Buffon, Alessandro Del Piero, David Trézéguet, Javier Zanetti... Họ là đại diện cho nhiều tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo...
Trận đấu đã diễn ra hết sức hòa bình: không phạm lỗi, không thẻ phạt, không chấn thương. Mặc chiếc áo số 10 huyền thoại, Maradona đã chơi trọn vẹn cả 2 hiệp và vẫn tỏ ra rất “bén” trong các cú sút phạt, dù kết quả chung cuộc đội của ông đã thua 3-6. Toàn bộ số tiền thu được từ trận đấu được quyên cho 2 tổ chức từ thiện dành cho trẻ em là Scholas và Pupi.
Vốn yêu thích bóng đá, Giáo hoàng Francis đánh giá rất cao vai trò của thể thao trong việc kết nối các tôn giáo. Chính vì vậy, ông đã cho chính thức thành lập đội tuyển cricket (bóng gậy) với thành phần là các giáo sĩ, chủng sinh đang làm việc, học tập tại thành quốc này. Đây là môn thể thao rất phổ biến ở các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung như Anh, Pakistan, Ấn Độ... Qua các trận giao hữu cricket với các nước này, Vatican sẽ có thêm nhiều cơ hội để thể hiện tình hữu nghị với Anh giáo, Hồi giáo hay Ấn giáo.
“Tôi là ai mà có thể phán xét họ”
Giáo hoàng Francis đã nhiều lần công khai chỉ trích các tu sĩ lạm quyền, độc đoán. Ông ví von những người này là “hải quan” chuyên xét nét xem giáo dân có đủ “điều kiện” tham dự những bí tích thiêng liêng của Công giáo hay không.
Giáo hoàng Francis kêu gọi các tu sĩ hãy sống với tinh thần khiêm nhường và khoan dung để “Giáo hội tìm được những nẻo đường mới để đến với những người anh em còn xa cách, khác biệt” và “nhà thờ phải là mái nhà chung chứ không chỉ là nơi của những người được tuyển chọn”, La Vie trích dẫn.
Trên tinh thần này, ông thường có cái nhìn rất độ lượng trước các vấn đề “nhạy cảm” như người đồng tính, ly hôn, mẹ đơn thân... Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế hồi tháng 7.2013, Giáo hoàng Francis nhận định một cách thẳng thắn: “Nếu một người đồng tính nhiệt thành phụng sự Chúa, tôi là ai mà có thể phán xét họ?”.

 

Nguồn :  http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/nguoi-mo-toang-cua-vatican-chuc-lanh-tham-lang-519467.html

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Lan Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập184
  • Hôm nay11,795
  • Tháng hiện tại274,957
  • Tổng lượt truy cập35,921,302
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây