Học gì từ nền giao thông nước Ý

Thứ tư - 17/12/2014 04:59

Học gì từ nền giao thông nước Ý

Nước Ý có hạ tầng giao thông công cộng thuộc loại tốt nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ tính đến cấm xe máy.
giao thong, nuoc Y

Một buổi sáng mùa đông rét mướt ở một ga tàu khá xa thành phố Milan, Sophie và bạn trai Davide rất mệt mỏi sau khi thức gần như cả đêm để chờ tàu về thành phố. Trong ga, hành khách mệt mỏi đi lại, nhưng không ai gắt gỏng, hằn học. Đơn giản họ đã quá quen với các cuộc đình công của nhân viên ngành giao thông.

Hàng năm, nước Ý có đến hàng chục cuộc đình công như thế. Trong những ngày như vậy, việc đi lại của hàng triệu người bị ảnh hưởng, đặc biệt những người không có phương tiện cá nhân. Vì lý do đó cũng như nhiều lý do liên quan đến địa hình, hạ tầng, thói quen của người dân, dù hạ tầng giao thông công cộng rất tốt, giá rẻ, nước Ý chưa bao giờ tính đến cấm xe máy.
giao thong, nuoc Y
  

Nước Ý có hạ tầng giao thông công cộng thuộc loại tốt nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ tính đến cấm xe máy.

Giao thông công cộng ở Ý: Vừa tốt vừa rẻ

Người Ý thiết kế nên hệ thống giao thông công cộng với giá khá rẻ, người dân phải trả chi phí rất thấp. Sinh viên chỉ mất 22 euro/tháng đi tất cả các loại phương tiện không giới hạn bao gồm metro, tram, bus. 22 euro ở Milan chỉ bằng 4 cốc cà phê vỉa hè. Và nhìn lại lịch sử xây dựng hệ thống giao thông ở Ý để thấy tầm nhìn sâu rộng của những người kiến tạo nên đất nước này.

Chỉ 9 năm sau khi đường xe lửa liên thành phố đầu tiên trên thế giới được xây dựng để nối Manchester và Liverpool tại Anh, người Ý đã hoàn thành đường xe lửa liên thành phố của riêng mình, đó là tuyến Naples–Portici với chiều dài hơn 7.500km. Đường sắt liên thành phố thứ hai chính là tuyến đường sắt Milano – Monza với chiều dài 12km.

Các thế hệ lãnh đạo Ý sau đó liên tục mở mang hệ thống đường sắt để giúp phát triển thương mại, vận tải, du lịch. Với tầm quan trọng chiến lược về quân sự và kinh tế, tuyến Milano – Venice được xây dựng tiếp theo. Giữa thế kỷ 19, người Ý đã có hệ thống đường sắt nối với Thụy Sỹ và Pháp. Hiện nay Ý đứng thứ 12 trên thế giới về quy mô hệ thống đường sắt.

Với metro, hệ thống metro đầu tiên được xây dựng tại Rome vào năm 1955, với hệ thống này Ý nắm một kỷ lục nhỏ trong hệ thống metro thế giới, đó là hệ thống metro nhỏ nhất thế giới nằm ở đảo Sicily, đảo gái đẹp của Ý, với chỉ 1 đường ray và 6 ga tàu. Hai ga sôi động nhất tại Ý là ga trung tâm Rome và Milan với trung bình 270 triệu lượt khách mỗi năm.

Phương tiện cá nhân ở Ý vẫn lên ngôi

Dù đề cao vai trò của giao thông công cộng đến như vậy, nhưng người Ý cũng quan tâm rất nhiều đến vai trò của các phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy.

Sinh viên các trường đại học ở Ý, kể cả những trường danh tiếng nhất như Bocconi hay PolyTechnic dùng xe máy rất nhiều. Không phải vì sinh viên không có tiền, đơn giản, với những con đường nhỏ, ngắn, hẹp và đông đúc của các thành phố tại Ý, xe máy rất tiện dụng. Đó là chưa kể đến rất nhiều những người đi làm với thu nhập không quá cao cũng sử dụng xe máy rất phổ biến. Hơn nữa nước Ý cũng sản xuất ra xe máy sành điệu, chất lượng cao của riêng đất nước họ, tại sao không dùng?

Đi trên các đường phố của Ý, du khách không khỏi có ấn tượng là sao nhiều xe máy thế? Xe máy khắp nơi, từ xe SH, Liberty, lác đác một số chiếc Honda phổ thông cho đến nhiều loại xe phân khối lớn. Đêm đêm nằm ngủ trong trung tâm thành phố, không ít người dân không khỏi nhức đầu và nhiều đêm không ngủ được với tiềng vặn côn xe, tiếng pô xe máy.

Người Ý sử dụng xe máy cho rất nhiều mục đích: vận chuyển hàng hóa, đi học, đi làm, đi chơi quanh thành phố. Bởi chi phí duy trì một chiếc ô tô ở Ý một năm lên đến hơn 7 nghìn euro, tức khoảng xấp xỉ 200 triệu đồng Việt Nam và tiền xăng rất cao nên xe máy được người Ý rất chuộng.
giao thong, nuoc Y
  

Bãi đậu xe của sinh viên trước cổng trường đại học Bocconi ở Milan, Italy, một trong những trường mà sinh viên được mệnh danh là giàu nhất ở Ý.

Ý hiện đang đứng đầu thế giới về số lượng các công ty sản xuất xe máy, đứng thứ 2 là Mỹ. Tổng số lượng xe máy đang lưu hành ở Ý lên đến trên 10 triệu chiếc, có nghĩa cứ 6 người Ý thì 1 người có xe máy. Từ đầu thế kỷ 20, nước Ý đã có ngành công nghiệp xe máy đứng đầu thế giới với những tên tuổi đi vào lịch sử thế giới như Gilera, Benneli, Guzzi, Ducati, Laverda.

Chính phủ Ý xử lý ra sao?

Để hỗ trợ cho ngành công nghiệp xe máy và giảm thiểu ô nhiễm, chính phủ Italy những năm gần đây đã mở rộng thêm chính sách trợ cấp cho người mua xe máy thân thiện với môi trường, ví dụ như quy mô chương trình trợ cấp năm 2010 được tăng gấp 3 lần so với năm 2009.

Đối với người Việt, thương hiệu xe máy Ý nổi tiếng nhất là Piaggo. Ai cũng biết đến Piaggo nhưng thực ra, công ty này trước đây từ khi được sáng lập bởi Rinaldo Piaggo vào cuối thế kỷ 19 cho đến qua hai cuộc Chiến tranh Thế giới, Piaggo chuyên sản xuất đầu máy xe lửa và và máy bay chiến đấu. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi các cơ sở sản xuất đã bị tàn phá tan nát bởi bom đạn Phe Đồng minh và với đất nước Italy cực kỳ khó khăn về kinh tế, nhu cầu bức thiết được đặt ra đối với Enrico Piaggo, con trai nhà sáng lập, là sản xuất được loại phương tiện phù hợp với nhu cầu của người Ý.

Năm 1946, Vespa ra đời. Trong 10 năm, Piaggo đã bán ra hơn 1 triệu chiếc xe. Nước Ý có thêm một từ mới trong từ điển: Vespara – tức là đi chơi bằng Vespa. Cuối thập niên 1950, Piaggo bị thâu tóm bởi Fiat SpA. Từng có khoảng thời gian rất khó khăn vào thập niên 1990, Vespa đã được cơ cấu lại theo cách quản lý mang phong cách Nhật để có được thành công như ngày nay. Không giống với phong cách tái cơ cấu kiểu Mỹ, lãnh đạo của Piaggo không sa thải bất kỳ công nhân nào bởi đề cao vai trò của từng người trong chuỗi sản xuất, và lần đầu tiên cho lắp điều hòa trong nhà xưởng cho công nhân để giúp tăng năng suất lao động.

Người Ý cũng rất thích sử dụng xe đạp

Những năm gần đây khi kinh tế ngày một khó khăn, xe đạp càng được chuộng hơn. Năm 2011, lần đầu tiên doanh số bán xe đạp đã cao hơn doanh số bán ô tô, đạt 1,75 triệu chiếc.

Thập niên 60, sở hữu xe ô tô được coi như biểu tượng cho sự thành đạt và giàu sang trong xã hội Ý. Nay khi thất nghiệp ngày một cao và tiền xăng cao lên mức cao nhất tại châu Âu, chi phí duy trì một chiếc ô tô mỗi năm lên đến trên 7 nghìn euro, người Ý quay về với xe đạp.
giao thong, nuoc Y

Năm 2011, người Ý mua xe đạp còn nhiều hơn mua ô tô, dù là quê hương của Lamboghini, Fiat, Ferrari. 

Dân số chỉ khoảng 60 triệu, nhưng có đến 6,5 triệu người Ý thường xuyên dùng xe đạp hàng ngày để đi học, đi làm và khoảng 10 triệu người khác sử dụng chúng cho những dịp cuối tuần.

Chính phủ Ý rất khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện cá nhân thân thiện với môi trường. Phiên khai mạc triển lãm xe đạp quốc tế EICMA năm 2009, đại diện chính phủ Ý đã công bố chương trình dành 7,6 triệu euro để khuyến khích người dân mua xe đạp sau khi chương trình 11,4 triệu euro được đưa ra trước đó kết thúc.

Những chương trình hàng chục triệu euro này đã giúp tăng đáng kể doanh số bán các loại xe đạp, xe scooter và xe máy thân thiện với môi trường. Và gói 7,6 triệu euro được công bố đã giúp thêm 70.000 xe scooter, xe máy và xe đạp được người dân mua. Bộ trưởng Bộ Môi trường Ý tuyên bố: Nước Ý sẽ cạnh tranh quyết liệt với Hà Lan, Đan Mạch và Đức để tăng số lượng xe đạp.

Chính phủ Ý cũng đầu tư lượng tiền không nhỏ để phát triển hệ thống xe đạp công cộng. Khắp nơi trên các đường phố của Ý, người ta có thể bắt gặp những chiếc xe đạp màu vàng. Người dân có thể thuê một chiếc xe để sử dụng nó trong vòng 30 phút với giá khoảng nửa euro, nếu thuê cả ngày giá là 2,5 euro. Người dùng có thể lấy xe ở bất kỳ bến nào và trả lại nó cũng ở bất kỳ bến nào mà họ thấy, từ 7h sáng đến 12h đêm. Hiện nay dịch vụ này đã có hơn 13 nghìn người đăng ký sử dụng theo năm.

Quay lại chuyện cấm xe máy

Đầu tư tốt cho giao thông công cộng như vậy mà chính phủ Ý chưa bao giờ tính đến cấm xe máy (không nói đến lý do nước Ý là quê hương của nhiều hãng xe máy nổi tiếng thế giới). Việc sở hữu phương tiện cá nhân giá thấp như xe máy, xe đạp không chỉ phổ biến ở Ý mà còn rất nhiều nước châu Âu khác, thậm chí cả Thụy Sỹ.

Quan niệm cho rằng ở các nước châu Âu, xe máy chỉ được dùng làm xe chở hàng bao lâu vốn tồn tại ở Việt Nam có lẽ không thực sự chính xác. Xe máy ở đây được sử dụng hết sức phổ biến trong nhiều đối tượng, sinh viên, người thu nhập thấp hoặc một số người có thu nhập cao muốn sở hữu thêm loại phương tiện này theo sở thích.

Vì vậy, việc cấm xe máy hay không, cần được xét đến nhiều yếu tố thu nhập người dân, địa hình, hạ tầng giao thông công cộng, thói quen chứ không phải chỉ dựa trên quan điểm chủ quan mà không tính đến các ảnh hưởng chính sách đến thực tế.
 






































 

Tác giả bài viết: Theo Ngọc Diệp (CafeBiz/TTVN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập980
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm978
  • Hôm nay14,566
  • Tháng hiện tại284,463
  • Tổng lượt truy cập36,339,018
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây