Tuy nhiên, không nhiều người trong chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của bộ phận tưởng chừng rất đỗi bình thường này. Bài viết dưới đây sẽ cho ta thấy những khả năng kì diệu mà không một bộ phận nào khác trên cơ thể làm được trừ... mười đầu ngón tay.
1. Ngón tay là bạn thân của não bộ
Với một mạng lưới đồ sộ tạo bởi các dây thần kinh, những đầu ngón tay của bạn được kết nối trực tiếp tới bộ não thông qua xúc giác. Mỗi lần chạm tay vào đồ vật, sẽ có 4 thụ thể khác nhau tiếp nhận và xử lý thông tin trên ngón tay. Chúng cho phép bộ não nhận biết nhiệt độ, áp lực, bề mặt chất liệu, cảm giác đau đớn… mà ngón tay cảm giác được.
Ngoài ra, não bộ và xúc giác trên những đầu ngón tay còn rất "tâm đầu ý hợp" trong việc thực hiện các hành động. Chẳng hạn khi muốn uống nước, não bộ sẽ yêu cầu thị giác xác định vị trí và hình dạng của cốc nước.
Tín hiệu gửi về sẽ được não sẽ xử lý và tính toán (độ trơn, trọng lượng, hình dạng...) và gửi tới mười đầu ngón tay. Khi đó, bạn sẽ có một ngụm nước ngon lành.
Điều đáng ngạc nhiên là toàn bộ các sự kiện trên diễn ra chỉ trong một khoảnh khắc, chỉ khoảng một phần triệu giây mà thôi!
2. Ngón tay có khả năng cảm nhận siêu nhạy cảm
Mỗi bàn tay của chúng ta có khoảng 17.000 tế bào thần kinh xúc giác. Những tế bào này tập trung chủ yếu trên các đầu ngón tay, cụ thể hơn ở trung tâm của các đốt ngón tay trên cùng.
Cùng với đó, các đường vân tay nổi gồ lên giúp tăng sự nhạy cảm của đầu ngón tay tới mức tối đa. Theo các nhà khoa học, các tế bào này giúp đầu ngón tay con người có thể cảm nhận được các vật thể với đường kính khoảng 0,2mm, tương đương 2 sợi lông mi.
3. Ngón tay là “chứng minh thư” toàn cầu của mỗi người
Trong số hơn 7 tỷ người trên thế giới, mỗi cá nhân đều có một họa tiết vân tay khác nhau. Điều này đã làm nên điểm riêng biệt của con người, giúp cho việc xác định danh tính trở nên dễ dàng hơn.
Người đầu tiên nhận ra và ứng dụng khả năng siêu phàm này của các ngón tay là vua Hamurabi. Người đứng đầu đế chế Babylon cổ đại đã áp dụng đặc điểm vân tay để tìm ra các tên trộm đồ từ khoảng năm 1700 TCN.
Ngày nay việc điều tra các vụ án bằng dấu vân tay đang trở nên rất phổ biến trên toàn thế giới. Không chỉ hỗ trợ việc điều tra phá án, dấu vân tay còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo mật thông tin với những phát minh khóa vân tay.
Ngay cả một ông lớn trong giới công nghệ như Apple cũng đã đưa nhận dạng dấu vân tay vào những sản phẩm iPhone của mình, bắt đầu từ iPhone 5S. Công nghệ có tên Touch ID này sẽ giúp cho chiếc iPhone của bạn “bất khả xâm phạm” khi ở trong tay một người khác.
4. Ngón tay biết điều khiển cơ bắp của các bộ phận khác
Hầu hết các bộ phận trên cơ thể người đều cần có cơ bắp trực tiếp mới có thể vận động một cách trơn tru. Tuy nhiên, “siêu nhân” ngón tay lại không cần tới điều này. Thay vào đó, chúng sở hữu khả năng điều khiển các nhóm cơ của bộ phận khác phục vụ cho mình.
Theo đó, để có thể di chuyển, ngón tay huy động 17 nhóm cơ trong lòng bàn tay và 18 nhóm cơ khác ở cánh tay. Các bộ phận này được ngón tay điều khiển thông qua các gân và hệ thống mạch máu. Hiểu một cách đơn giản, ngón tay chỉ đạo các cơ bắp giống như con người điều khiển các con rối vậy.
Chưa hết, theo các chuyên gia giải phẫu, hoạt động của ngón tay còn cần tới rất nhiều các bộ phận, cơ quan khác. Cụ thể, có hơn 29 loại xương, 29 khớp xương, 123 loại dây chẳng và 48 loại dây thần kinh cùng phối hợp tạo nên một bản “hòa tấu” giúp ngón tay chuyển động.
5. Ngón tay là công cụ giao tiếp xuyên biên giới
Trong quá trình tiến hóa, con người phát triển khả năng nhận thức của não bộ và cơ miệng hình thành nên tiếng nói của chúng ta. Tuy nhiên, song song với quá trình đó, ngón tay cũng được phát triển để trở thành một phương tiện giao tiếp giữa những người có sự khác biệt về ngôn ngữ.
Sở dĩ ngón tay có khả năng này là bởi: hơn 300 ngôn ngữ nói tồn tại trên Trái đất đều có một số điểm chung nhất định. Vì vậy, trong giao tiếp, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể qua ngón tay để hiểu được ý nói của những người thuộc các quốc gia khác.
Đặc biệt, đối với những người khiếm thính, các ngón tay là phương pháp duy nhất giúp họ có thể giao tiếp với những người xung quanh. Theo Liên đoàn Khiếm thính thế giới, có đến 70 triệu người hiện nay đã và đang sử dụng ngôn ngữ ký hiệu bằng tay ngay từ lúc mới sinh ra.