Nguy cơ Trung Quốc gia tăng thâu tóm doanh nghiệp Việt

Thứ tư - 06/05/2020 05:27

Nguy cơ Trung Quốc gia tăng thâu tóm doanh nghiệp Việt

Nhiều hoạt động kinh doanh, thương mại tại Việt Nam được khởi động trở lại ngay sau lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt gần 1 tháng do đại dịch COVID-19.

2020-05-04

Quang cảnh một góc ngã tư đường phố Hà Nội sau lệnh giản cách xã hội được dỡ bỏ vào ngày 23/4/2020.
Quang cảnh một góc ngã tư đường phố Hà Nội sau lệnh giản cách xã hội được dỡ bỏ vào ngày 23/4/2020.
 

 

Mặc dù vậy, Đài RFA ghi nhận không ít doanh nghiệp cho biết đang cầm cự trong tình thế rất khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Nhân viên quản lý, không muốn nêu tên, của một công ty tư nhân kinh doanh đa ngành nghề uy tín trên thị trường Việt Nam hơn 30 năm qua chia sẻ với RFA về tình hình của công ty trong 4 tháng đầu năm 2020:

“Gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn về vốn và đồng vốn vay. Khó khăn trong kinh doanh. Đây là một công ty kinh doanh đa ngành nghề. Điện tử cũng chậm. Doanh thu tuột xuống rất thấp đến 70%. Ngành về môi trường thì doanh số cũng giảm. Riêng ngành về bất động sản thì đứng chựng luôn. Nhà cho thuê thì đối tác yêu cầu giảm giá thuê xuống, rồi chậm trả tiền. Đất đai thì không ai mua. Nói chung, mọi lĩnh vực kinh doanh đều chậm và dẫn đến tình trạng thu nhập của nhân viên bị ảnh hưởng rất trầm trọng. Hiện tại doanh nghiệp không xoay sở được để phát lương cho nhân viên. Chỉ ưu tiên phát lương cho công nhân có thu nhập thấp hay những người sản xuất trực tiếp để duy trì sản xuất. Còn nhân viên khối hành chính văn phòng ít nhiều đều bị nợ lương, từ 1,5 đến 2 tháng lương.”

Nhân viên quản lý ẩn danh này còn cho biết thêm công ty nơi bà làm việc chưa được tiếp cận gói 280 ngàn tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp:

“Hiện tại vẫn chưa tiếp cận được hỗ trợ doanh nghiệp luôn. Không biết là họ khoanh vùng như thế nào, nhưng thật sự bây giờ doanh nghiệp bị cạn kiệt.”

Truyền thông quốc nội, vào ngày 29/4, dẫn nguồn từ số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy có xấp xỉ 41.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2020, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn trong 4 tháng tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức tăng cao nhất về số lượng, với gần 23 ngàn doanh nghiệp.

Trong thời gian vừa qua thì doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam bị tác động rất xấu và số doanh nghiệp đóng cửa và số doanh nghiệp tuyên bố phá sản tăng cao. Trong khí đó, số doanh nghiệp vừa mới thành lập thì vẫn tiếp tục tăng nhưng không bù lại được số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Trong khung cảnh đó thì doanh nghiệp Trung Quốc vào mua lại với giá rẻ các doanh nghiệp của Việt Nam. Và, rất có thể nhiều thương hiệu của Việt Nam vẫn giữ lại thương hiệu của Việt Nam nhưng thực chất do người Trung Quốc điều khiển. Đây là một vấn đề rất phức tạp và rất khó khăn đối với Việt Nam
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Cùng trong thời gian 4 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới gần 37.600 doanh nghiệp, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Số doanh nghiệp thành lập trong 4 tháng qua thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khoảng gần 4.200 doanh nghiệp.

Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh vào tối ngày 4/5 lên tiếng với RFA về ghi nhận của ông đối với tình trạng hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19:

“Trong thời gian vừa qua thì doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam bị tác động rất xấu và số doanh nghiệp đóng cửa và số doanh nghiệp tuyên bố phá sản tăng cao. Trong khí đó, số doanh nghiệp vừa mới thành lập thì vẫn tiếp tục tăng nhưng không bù lại được số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Trong khung cảnh đó thì doanh nghiệp Trung Quốc vào mua lại với giá rẻ các doanh nghiệp của Việt Nam. Và, rất có thể nhiều thương hiệu của Việt Nam vẫn giữ lại thương hiệu của Việt Nam nhưng thực chất do người Trung Quốc điều khiển. Đây là một vấn đề rất phức tạp và rất khó khăn đối với Việt Nam.”

Xu hướng và hậu quả bị Trung Quốc ‘thâu tóm’

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, vào ngày 30/4 đăng tải thông tin nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng ‘thâu tóm’ doanh nghiệp Việt giữa dịch COVID-19. Tờ báo này dẫn nguồn từ số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy riêng trong tháng 4 năm 2020 có hơn 100 lượt nhà đầu tư Trung Quốc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, dưới hình thức mua bán & sáp nhập, gọi tắt là M&A. Và, tổng số giao dịch từ đầu năm 2020 đến thời điểm cuối tháng 4 của các doanh nghiệp Trung Quốc theo hình thức M&A lên đến 557 lượt, với tổng vốn hơn 230 triệu USD. Số liệu này tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2019, với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu USD.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập, nhìn nhận nếu các nhà đầu tư nước ngoài ào ạt vào thị trường Việt Nam để thâu tóm những doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp lớn thì rủi ro đến cuối cùng là rất nhiều những doanh nghiệp nằm trong tay của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chuyện này có lẽ cũng khó có thể xảy ra được, bởi vì:

“Vấn đề nằm giữa hai lực giằng co với nhau. Một đàng thì dịch bệnh đang còn rất đang rất khó lường và nó tác động tới mọi nền kinh tế. Những nền kinh tế ở Châu Á và các nền kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì dĩ nhiên thì vấn đề vốn đầu tư nước ngoài là một trong những cứu cánh cho những nền kinh tế đang bị tác động bởi dịch bệnh. Thế nhưng mặt khác mình mở cửa thị trường thì rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó mình có thể mất sự kiểm soát những doanh nghiệp của mình. Thế thì sự giằng co giữa hai lực tác động đó thì chính phủ phải có quyết sách về vấn đề cho phép đầu tư và giới hạn đầu tư ở mức độ nào là hợp lý nhất.”

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định “Thành ra, nếu Việt Nam kiểm soát tốt thì có thể hạn chế được rủi ro đó.”

 

 

Ảnh minh họa. Công nhân làm việc trong một nhà máy lắp ráp điện tử tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. Công nhân làm việc trong một nhà máy lắp ráp điện tử tại Việt Nam.Courtesy: chinhphu.vn
Trong khi đó, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online dẫn lời của Luật sư Trương Thanh Đức, thuộc Công ty Luật Basico, lưu ý rằng doanh nghiệp Trung Quốc trong hơn 2 năm qua đã gia tăng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam và số liệu ghi nhận trong 4 tháng đầu năm 2020 của Cục Đầu tư nước ngoài chỉ là bề nổi và khả năng thâu tóm doanh nghiệp Việt của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ cao hơn nhiều, nếu tính cả hình thức kinh doanh “núp bóng” doanh nghiệp Việt.

 

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trích dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng nhà đầu tư Trung Quốc khi thâu tóm doanh nghiệp Việt sẽ không rót vốn mở rộng đầu tư, sản xuất mà chỉ nhập hàng Trung Quốc về rồi gắn mác hàng Việt Nam để xuất khẩu.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng nêu lên một trong những hậu quả trước mắt mà ngành xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng:

“Có nguy cơ là các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam thì phải có hàm lượng giá trị gia tăng tối thiểu ở Việt Nam. Nếu như hàm lượng đó không bảo đảm thì các nước Châu Âu hoặc Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận đấy là các sản phẩm có giá trị gia tăng thực sự của Việt Nam. Và, nếu như số đó tăng lên nhiều thì có nguy cơ là họ sẽ xem xét lại và họ sẽ đánh thuế.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhắc lại tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào doanh nghiệp Việt ở Quảng Ninh, để xây dựng các nhà máy lắp ráp linh kiện của Trung Quốc, chứ thực chất không phải là sản phẩm của Việt Nam. Do đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh việc kiểm tra giá trị gia tăng sản phẩm của Việt Nam là khâu rất quan trọng và ông hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét việc này rất nghiêm túc cũng như có biện pháp kiểm soát việc nhà đầu tư Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp Việt.

Vấn đề nằm giữa hai lực giằng co với nhau. Một đàng thì dịch bệnh đang còn rất đang khó lường và nó tác động tới mọi nền kinh tế. Những nền kinh tế ở Châu Á và các nền kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì dĩ nhiên thì vấn đề vốn đầu tư nước ngoài là một trong những cứu cánh cho những nền kinh tế đang bị tác động bởi dịch bệnh. Thế nhưng mặt khác mình mở cửa thị trường thì rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó mình mất sự kiểm soát những doanh nghiệp của mình. Thế thì sự giằng co giữa hai lực tác động đó thì chính phủ phải có quyết sách về vấn đề cho phép đầu tư và giới hạn đầu tư ở mức độ nào là hợp lý nhất
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng Chính phủ Việt Nam nên khẩn trương cân nhắc và quyết định một gói hỗ trợ doanh nghiệp từ ngân sách nhà nước, tối thiểu vào khoảng 2% GDP của Việt Nam, xấp xỉ 140 đến 150 nghìn tỷ đồng để nhanh chóng giúp cho các doanh nghiệp về khả năng thanh khoản và tiếp tục duy trì hoạt động.

Chính phủ Việt Nam phải có một cái gói hỗ trợ mà một trong những có chế có thể hỗ trợ cho khối doanh nghiệp là ‘bảo lãnh tín dụng’, cũng như bên Mỹ có ‘SDA’-là cơ quan bảo lãnh cho các ngân hàng để các ngân hàng cho doanh nghiệp vay. Việt Nam cũng có cơ chế đó và tập trung ở ngân hàng chính sách xã hội và cho đến bây giờ hoạt động không hiệu quả. Thành ra, phải tái cơ cấu lại bộ máy đó để đổ nguồn vốn từ ngân sách vào trong cái quỹ ‘bảo lãnh tín dụng’ đó để bảo lãnh cho các ngân hàng và các ngân hàng cho vay ra. Tức là ngân hàng dùng tiền cho vay nhưng dưới sự bảo lãnh của Chính phủ.”

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích thêm rằng gói hỗ trợ doanh nghiệp 280 nghìn tỷ mà Chính phủ Việt Nam tuyên bố trong tháng 3 là gói hỗ trợ do các ngân hàng tự cân đối nguồn vốn và cũng không thể nào cho vay dưới chuẩn. Chính vì thế gói hỗ trợ 280 nghìn tỷ có thể phần nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng không thể trông chờ được nhiều và các doanh nghiệp cũng không dễ dàng tiếp cận được.


Tác giả bài viết: Trụ Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập111
  • Hôm nay12,887
  • Tháng hiện tại97,625
  • Tổng lượt truy cập35,743,970
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây