Những bài viết chia sẻ

Thứ tư - 12/11/2014 21:23

Những bài viết chia sẻ

Những gương mặt lãnh đạo mới tại Vatican: hay là 'hiệu ứng Phanxicô' trên Giáo Triều Rôma. Các Giám Mục Đức Bị Chỉ Trích Vì Cho Phép Người Li Dị Và Tái Hôn Được Rước Mình Thánh Chúa CON ĐƯỜNG CỦA IDS DỰ ÁN CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH : NHỮNG PHÉP TÍNH SAI.
Những gương mặt lãnh đạo mới tại Vatican: hay là 'hiệu ứng Phanxicô' trên Giáo Triều Rôma.
Trần Mạnh Trác Vietcatholicnes ngày11/11/2014



Andrea Gagliarducci là một phóng viên thường trực tại Vatican, anh cộng tác với hai tờ báo cuả Ý là La Sicilia và Il Tempo, và viết cho trang web 'Inside the Vatican.' 

Là tác giả cuả nhiều cuốn sách khá thành công như La Musica dell’altro (âm nhạc cuả tha nhân) (Pazzini Editore), Propaganda Fide R.E. (Tân phúc âm hóa) (IlSaggiatore) và Giovanni Paolo II. Storia di un annuncio (Đức Gioan Phaolo II, theo cái nhìn cuả truyền thông )(Libreria Editrice Vaticana), anh được giới truyền thông coi như là một nhà 'chuyên môn' có 'hạng' về các vấn đề Giáo Triều.

Những sự kiện cuả anh dựa nhiều vào 'tin đồn' và sự phân tích cuả anh rập khuôn theo phương pháp thế tục, tức là dùng ý thức hệ để phân loại con người và nhìn vào những sự việc như là kết quả cuả những tranh đấu quyền lực phe phái.

Không thấy anh đề cập đến niềm tin cuả Công Giáo là có sự hướng dẫn cuả Chuá Thánh Linh trong Giáo Hội, và các phưong thế quyết định cuả Giáo Hội là dựa vào lời cầu nguyện và thể thức 'nhận biết' (discernment, thông hiểu, phân biệt và cảm xúc an bình) để tìm ra được Thánh ý Chuá. 

Nhưng dù sao thì những nhận định cuả anh vẫn là 'khách quan nhất' mà chúng ta có thể tìm thấy được ở giới truyền thông thế tục.

Vậy, sau đây là bài cuả anh viết cho CNA trước những bổ nhiệm mới nhất tại Vatican: 




Những bổ nhiệm quan trọng mới nhất tại các vị trí lãnh đạo trong hàng giáo phẩm ở Vatican cho thấy rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang tiến tới việc đóng dấu ấn cuả mình trên Giáo Triều Rôma.

Tuy nhiên, rất là rõ ràng, sự chuyển đổi được thiết kế để tạo ra một sự thay đổi về mặt tâm lý nhiều hơn là để thay đổi một cơ cấu văn phòng.

Vào ngày 8 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện một loạt các bổ nhiệm, coi như là khúc dạo đầu cho việc tái thiết lại giáo triều.

Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher của Anh quốc làm tổng trưởng Ngoại Giao, thay thế Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, người Pháp gốc Ma Rốc.

Còn Đức Tổng Mamberti thì đuợc bổ nhiệm lên Tối Cao Pháp Viện (Apostolic Signatura,) thay thế Đức Hồng Y Raymond Leo Burke cuả Mỹ. Hồng Y Burke bị thuyên chuyển đi làm giám quản cho Tiểu Quốc Hiệp Sĩ Malta. (patron of the Sovereign Military Order of Malta)

Những động thái đó là những cánh cửa hé mở cho chúng ta thấy được những kỳ vọng cuả Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Giáo Hội.

Thay đổi chính sách ngoại giao

Việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Gallagher làm "Tổng Trưởng Ngoại Giao" đưa ra một tín hiệu rằng sẽ có một nền ngoại giao mới.

ĐTGM Gallagher là một nhà ngoại giao lão thành, đã làm Khâm Sứ ở Hội Đồng Châu Âu và làm đại sứ, hoặc sứ thần, tại Burundi và Guatemala. Gần đây nhất, Ngài là sứ thần ở Úc. Ngài được coi như là một nhân vật cởi mở, khiêm tốn và khôn ngoan.

Ngài được chọn vì có khả năng thực hiện các tiêu chuẩn mới về ngoại giao: Nền ngoại giao dưới triều Giáo hoàng Phanxicô được khuyến khích giảm bớt khoảng cách giữa Giáo Hội và xã hội, tham gia hội thảo nhiều hơn với thế giới thế tục.

Một thành viên của ngoại giao đoàn nói với CNA ngày 09 tháng 11 rằng họ được yêu cầu "tìm hiểu và cố gắng thích ứng với những tình huống để mang ánh sáng Tin Mừng đến."

Nguồn tin cũng cho biết Đức Tổng Gallagher đã từng đứng đầu danh sách đề nghị cuả vị Quốc Vụ Khanh Toà Thánh là Đức Hồng Y Pietro Parolin. Chúng ta biết rằng chức vụ Tổng Trưởng Ngoại Giao cũng là chức vụ phụ tá của Quốc Vụ Khanh.

Việc bổ nhiệm này cũng xảy ra vào một thời điểm rất quan trọng ở Vatican, khi mà Đức Hồng Y George Pell sắp hoàn thành công việc xác định lại những quan hệ hoạt động kinh tế và phủ Quốc Vụ Khanh.

Cuối tháng này, một cuộc họp giữa các Chánh Sở với Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể sẽ dẫn đến việc hoàn thành một cơ cấu chính thức mới cuả Giáo Triều, và có thể tạo ra một bộ phận mới, bộ kinh tế.

Nguồn tin cho biết chương trình nghị sự của cuộc họp không dự trù sẽ có việc thảo luận công khai. Chỉ là để ra mắt kế hoạch giảm bớt các cơ cấu cuả Giáo Triều Rôma, sẽ có hiệu lực ngay sau khi họp Công Nghị các Hồng Y từ ngày 09 cho đến 11 tháng 12.

Thay đổi tòa án

Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti rời chức vụ Tổng Trưởng Ngoại Giao để trở thành chánh án Tối Cao Pháp Viện.

Khi ngài được bổ nhiệm "tổng trưởng ngoại giao" vào năm 2006, Ngài đã ở trong danh sách đầu được đề nghị bởi vị cựu Quốc Vụ Khanh là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone.

Người ta đã tưởng Ngài sẽ bị thuyên chuyển khi Đức Hồng Y Parolin thay thế làm Quốc Vụ Khanh. Chức vụ mới tại Toà án có thể là một sự 'hạ cánh an toàn' cho Ngài.

Đức Tổng Giám Mục Mamberti sẽ phải đương đầu với vấn đề Hôn Phối, vì Giaó Hội đang cứu xét lại các thủ tục về tiêu hôn. Tháng Tám vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập một ủy ban để đơn giản hóa các thủ tục, trong khi vẫn duy trì các nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân.

Ngày 05 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các luật sư cuả Luật Hội Thánh là một số thủ tục hiện hành thì quá lâu dài và tốn kém làm cho người ta phải "bỏ cuộc".

Ở vị trí mới, Đức Tổng Mamberti sẽ chịu trách nhiệm về các kháng cáo chung thẩm cuả các vụ án hôn phối cũng như Ngài phải giải quyết các xung đột giữa các sở bộ cuả Vatican.

Các nguồn tin nói rằng những đơn xin tiêu hôn đã tăng lên trong những năm gần đây và Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn có một người lo những quyết định đó do chính Ngài chỉ định.

Truyền thống cho thấy nhân vật chánh án cuả Tối Cao Pháp Viện ở Vatican thường có "mũ đỏ" ("Berretta Rossa.") Và vì thế mà người ta dự kiến Đức Tổng Giám Mục Mamberti sẽ được thăng lên hàng Hồng Y trong cuộc họp Công Nghị kế tiếp.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, 66 tuổi, được đưa đi làm giám quản cho Tiểu Quốc Hiệp Sĩ Malta, thường là một chức vụ danh dự dành cho một Hồng Y sắp rời sự nghiệp với Giáo Triều.

Trong suốt một năm rưỡi đầu cuả triều đại giáo hoàng đương nhiệm, Đức Hồng Y Burke đã bày tỏ nhiều nỗi quan tâm đối với một số các lựa chọn cuả việc quản trị Giáo Hội. Tuy nhiên, cũng như trường hợp nhiều Hồng Y đang sống ở Roma, năng lực để tỏ bày những quan tâm đó không có ảnh hưởng là bao nhiêu - vì ngài không nắm giữ một văn phòng đáng kể nào.

Ngay sau khi kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục hồi tháng mười, Ngài đã cho tờ tuần báo Công Giáo Tây Ban Nha "Vida Nueva" phỏng vấn. Tờ báo trích lời cuả Ngài rằng trong phiên họp Thượng hội đồng "nhiều vị đã bày tỏ mối quan tâm của họ cho tôi. Tại thời điểm rất quan trọng này, có một cảm tưởng mạnh mẽ rằng Giáo Hội đang giống như một con tàu không bánh lái. "

Được hỏi về sự kiện trên, Đức Hồng Y Burke trả lời rằng tờ báo Vida Nueva, một trung tâm truyền thông tả khuynh, đã "bóp méo nghiêm trọng" lời tuyên bố của ngài.

Việc bổ nhiệm Ngài vào Tiểu Quốc Hiệp Sĩ Malta không phải là một bất ngờ. Đức Hồng Y đã từng công khai tuyên bố Ngài đã được thông báo về sự việc đó. Việc bổ nhiệm vào Tiểu Quốc Malta chỉ là một sự kiện tiệm tiến mới nhất cuả Ngài đang xa rời đời sống giáo triều.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tìm một phương cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn trong việc áp dụng những luật Giáo Hội bên Tối Cao Pháp Viện, và Ngài nghĩ rằng đã tìm ra được một người 'thích hợp' ở nơi Đức Tổng Giám Mục Mamberti.

Sẽ sớm có thêm một loạt các bổ nhiệm mới nữa tại Vatican, tất cả đều nhằm một mục đích là thay đổi gương mặt 'những người cầm đầu' của Giáo Hội sao cho phù hợp với cái nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là nhấn mạnh hơn về việc thu hút cuả Tin Mừng.
 
 
-------------------------------
 
 
Các Giám Mục Đức Bị Chỉ Trích Vì Cho Phép Người Li Dị Và Tái Hôn Được Rước Mình Thánh Chúa
 
VRNs (11.11.2014) -Theo CNA/EWTN – Khi Đức Hồng Y Wal-ter Kasper chuẩn bị nhận một giải thưởng và diễn thuyết tại Đại học Công Giáo ở Washington thì một cơn bão chỉ trích ngài kéo đến.
 
Những chỉ trích nhắm đến việc ngài và các Giám mục Đức cho phép những người đang trong tình trạng bất thường về hôn nhân, tức là những người li dị và tái hôn, được phép rước Mình Thánh Chúa. Trong khi các ngài lại cấm đoán những người không đóng thuế nhà thờ đón nhận các bí tích, kể cả bí tích hòa giải.
 
Theo CNA, cả 2 cách ứng xử này của Giáo hội ở Đức được cho là đang đi ngược lại với giáo huấn của Giáo hội.
Trên trang blog cá nhân ở tờ báo L’Espresso, ông Sandro Magister đã viết rằng các giám mục Đức “rõ ràng rất nhân từ trong việc cho phép những người li dị và tái hôn rước Mình Thánh Chúa, nhưng cùng lúc lại là rất nhẫn tâm trong việc ra vạ tuyệt thông đối với những ai từ chối đóng thuế nhà thờ.”
 
Thuế nhà thờ đem lại nguồn thu nhập cho Giáo hội ở Đức hơn 7 tỉ Mỹ kim trong năm 2012 và 2013.
Ông Magister giải thích rằng: “Ở Đức thuế nhà thờ là bắt buộc, vì thế để tránh trả thuế, người ta phải tuyên bố rời bỏ Giáo hội bất kể là Công giáo hay Tin lành, bằng một hành vi công khai trước các chức trách địa phương.”
Khi những công dân Đức khai là Công giáo, Tin lành, hay Do thái giáo trong các đơn thuế, thì chính phủ tự động thu một khoản thuế thu nhập từ họ khoảng 8 hay 9% của tổng thuế thu nhập, hay 3-4% lương của họ.
“Thuế nhà thờ” được trao cho các cộng đoàn tôn giáo, và giáo hội dùng quỹ này để giúp điều hành các giáo xứ, trường học, bệnh viện, và các dự án phúc lợi.
 
Trong những năm gần đây nhiều công dân Đức đã xin “bỏ đạo” để tránh phải trả thêm thuế. Ông Magister lưu ý rằng số người tuyên bố bỏ đạo là rất đáng kể – năm 2010, con số là hơn 180.000.
 
Nhiều người dù đã rút tên khỏi Giáo hội trong các mẫu đơn thuế của chính phủ nhưng vẫn tiếp tục thực hành đức tin.
Để đối phó với sự gia tăng con số xin rút tên khỏi Giáo hội, các giám mục Đức đã ra một sắc lệnh vào tháng 9.2012 gọi việc bỏ đạo như thế là một sự sa ngã nghiêm trọng và liệt kê một số cách thức mà họ bị ngăn trở tham gia vào đời sống của Giáo hội.
 
Sắc lệnh định rõ rằng những ai không trả thuế nhà thờ thì không thể đón nhận các bí tích như xưng tội, rước lễ, thêm sức, hoặc xức dầu bệnh nhân, trừ khi họ đang thập tử nhất sinh; không được nắm giữ các chức vị trong Giáo hội hay thực hiện những chức năng trong Giáo hội; không được đỡ đầu hay bảo trợ; không được tham gia vào hội đồng giáo xứ hay giáo phận; và không được tham gia vào các hội đoàn của Giáo hội.
 
Nếu những người đã rút tên không thể hiện một dấu chỉ về sự hối cải trước khi chết, họ có thể bị từ chối làm nghi thức an táng.
 
Trong khi những hình phạt này được diễn giải như là việc “dứt phép thông công, thì vào ngày 13.3.2006 Hội đồng Giáo hoàng về giải thích văn bản giáo luật đã viết một văn bản nói rằng việc không đóng thuế trong một tình huống dân sự thì không giống như việc chối bỏ đức tin, và vì thế vạ tuyệt thông không áp dụng cho những người đó.
Nhóm Hiệp nhất các Hiệp hội trung thành với Giáo hoàng đã nói rằng thật là mỉa mai rằng một người có thể từ chối giáo huấn của Giáo hội trong bất cứ vấn đề nào, bao gồm tính bất khả phân li của hôn nhân, và vẫn có thể được xem là Công giáo – miễn là họ đóng thuế nhà thờ.
 
Nhóm cũng đã lên án rằng việc “mua bán các bí tích” thông qua hệ thống thuế còn thậm chí tệ hơn những lạm dụng mà Martin Luther đã chống đối ngay từ khai sinh của cuộc cải cách Tin Lành.
Pv. VRNs
at 11/12/2014
 
------------------------
 
Bauxite Việt Nam
 
12/11/2014
bauxitevn vào lúc 03:47
 
 
CON ĐƯỜNG CỦA IDS
Nguyễn Thị Từ Huy
 
Thật thú vị khi thấy bài «Nghịch lý nhân sự» (http://www.rfavietnam.com/node/2263) của tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả C. Nguyễn, khiến ông/bà viết bài trao đổi dưới nhan đề «Vài ý kiến về bài viết “Nghịch lý nhân sự” của Nguyễn Thị Từ Huy».
 
 
Ông/bà C. Nguyễn, trong bài viết của mình, đưa ra một cách nhìn khác với cách nhìn của tôi, và đứng từ một góc nhìn khác với góc nhìn của tôi. Các độc giả, với góc nhìn và sự hiểu biết riêng của mình, tự họ sẽ có cách đánh giá riêng, cách lĩnh hội riêng đối với từng bài viết. Cá nhân tôi luôn tin tưởng ở sự công tâm của công chúng nói chung, và công chúng trên internet nói riêng.
 
Ở đây, tôi đề cập đến một điểm trong bài của ông/bà C. Nguyễn, điểm làm cho tôi phải suy nghĩ. Đó là lời khuyên mà ông/bà C. Nguyễn dành cho tôi ở cuối bài. Trích nguyên văn:
 
« Xin cô hãy đừng theo vết chân của nhóm IDS của Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A, Tương Lai, Nguyễn Đăng Doanh... »
 
Lời khuyên này, đối với tôi thực sự rất đáng lưu ý.
 
Bỏ qua một bên cái động cơ khiến ông/bà C. Nguyễn cho tôi lời khuyên này, đối với tôi, trong trường hợp cụ thể này, động cơ, mục đích của lời khuyên không quan trọng. Điều quan trọng là lời khuyên ấy có chí lí không, có cần phải làm theo lời khuyên ấy không, nếu cần làm theo thì vì sao, và nếu không nên làm theo thì vì sao? Cái học vị tiến sĩ mà nước Pháp cấp cho tôi có ý nghĩa ở điểm này: các kiến thức và kỹ năng học được góp phần tạo nên một thói quen, đó là trước khi nghe theo, tin theo một điều gì, trước khi thực hiện một điều gì, cần tìm cho mình những cơ sở đủ sức thuyết phục, để hành động của mình không tạo ra những hậu quả tai hại cho người khác, để hành động của mình có thể mang lại ích lợi cho cộng đồng chung trong đó mình tồn tại.
 
Ông/bà C. Nguyễn không đưa ra lý do vì sao lại khuyên tôi như thế, vì vậy, để đi tới quyết định có thực hiện theo lời khuyên của ông/bà hay không, tôi đã phải bỏ thời gian tìm hiểu hai điều: những việc mà nhóm IDS đã và đang làm là gì, những việc đó có phù hợp với thế giới tiến bộ không, có gây hại cho lợi ích chung không? Từ đó để xác định nên đi theo vết chân của họ không, hay nên tránh xa.
 
Sau khi tìm hiểu những việc mà nhóm IDS đã làm, đặt trong bối cảnh chung của toàn thế giới và bối cảnh chung của khối cộng sản cũ Đông Âu, trước đây từng là cùng một hệ thống với Việt Nam, tôi đi tới nhận xét ngắn gọn (xin giải thích thêm, các bài viết trên blog thường thiên về việc đưa ra các ý tưởng mang tính gợi ý, chứ không phải là các nghiên cứu sâu với tất cả các thao tác khoa học cần thiết, vì thế độc giả không nên đòi hỏi bài trên blog phải giống như bài trên các tạp chí khoa học), nhưng hy vọng là tương đối bao quát, sau đây: nhóm IDS và các cá nhân vừa nêu trên trên đây chủ yếu tiến hành hai hình thức hoạt động chính: 1) thực hiện công việc truyền bá tri thức, và những tri thức này cơ bản thuộc hai dạng: tri thức tinh hoa của nhân loại, và những tri thức thời sự, thực tiễn, mà bộ máy truyền thông và giáo dục chính thống đã bỏ qua, do không nhận thấy được tầm quan trọng của chúng. 2) Loại hoạt động thứ hai mà nhóm này thực hiện, đó là hoạt động mang tính phản biện đối với một số chủ trương, chính sách của nhà nước.
 
Xét trên kinh nghiệm chung mà nhân loại đã đúc kết, hai hoạt động này đều thiết yếu nếu ta muốn xây dựng một xã hội văn minh và một nhà nước mạnh. Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh: nhà nước càng mạnh khi nó để cho các hoạt động phản biện xã hội phát triển một cách mạnh mẽ. Bởi nhà nước sẽ hoàn thiện sức mạnh của mình, cùng với việc khắc phục các yếu kém và các nhược điểm của mình, nhờ có các hoạt động phản biện này.
 
Do vậy, kết luận của tôi là: nhà nước Việt Nam muốn mạnh thì cần khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập các tổ chức phản biện xã hội hoạt động có hiệu quả. Nhà nước của các quốc gia mà trong bài của mình ông/bà C. Nguyễn gọi là «các nước tân tiến như Anh, Mỹ, Úc, Pháp… » (trích nguyên văn), nơi mà, theo chính ông/bà cho biết, các quan chức và người dân Việt Nam hiện nay đang gửi con cái du học, đều tạo lập sức mạnh của mình theo cách này. Nguyện vọng của các thành viên IDS là muốn Việt Nam trở thành nước tân tiến như Anh, Mỹ, Úc, Pháp, vì thế họ thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh mà trí thức của các nước này đã thực hiện.
 
Thế thì, không có gì do gì để không đi theo vết chân của nhóm IDS. Trái lại, cần hiểu rõ rằng, con đường của họ chính là con đường mà nhân loại tiến bộ đã và đang đi. Nếu ông/bà C. Nguyễn chịu khó tìm hiểu lịch sử thế giới, và lịch sử của khối cộng sản cũ ở Đông Âu, thì sẽ thấy rằng rút cuộc, nhân dân tiến bộ ở khu vực này đã tìm đến và hòa nhập vào con đường chung đó của toàn nhân loại: con đường của tri thức, của sự giải phóng các năng lượng cá nhân và năng lượng xã hội để từ các năng lượng đó tạo ra sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần cho xã hội, nhờ vào cơ chế dân chủ và tôn trọng con người, tôn trọng quyền con người.
 
Điều đáng tiếc chính là ở chỗ: không có nhiều người đi theo vết chân của nhóm IDS. Mặt khác, đối với nhóm này, có lẽ điều mà người dân chờ đợi ở họ là họ có thể làm nhiều hơn những gì họ đã làm, họ có thể thành công hơn, hiệu quả hơn, có thể phát động để tạo thành một phong trào mạnh mẽ chứ không chỉ dừng lại trong phạm vi một nhóm nhỏ giữa họ với nhau. Điều mà nhóm IDS chưa làm được, đó là: họ chưa thuyết phục được những người như ông/bà C. Nguyễn hiểu ý nghĩa và giá trị của công việc mà họ đang làm, họ chưa có được sự ủng hộ của ông/bà C. Nguyễn, nghĩa là chưa có được sự ủng hộ của đa số người dân trong xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là tri thức, sự hiểu biết, khoa học, tinh thần phản biện, chưa được đánh giá đúng như giá trị mà chúng vốn có đối với sự phát triển của xã hội người, và của mỗi cá nhân.
 
Bao giờ mà những người như ông/bà C. Nguyễn mong muốn sự thành công của các tổ chức xã hội như IDS, bao giờ mà những người như ông/bà C. Nguyễn có các hành động thiết thực để ủng hộ họ, thì lúc đó có thể hy vọng Việt Nam giải quyết được những vấn nạn căn bản của mình.
 
Với một cách nhìn như vậy, tôi xin bày tỏ ở đây hai mong muốn: mong rằng IDS có thể tái lập để đi tiếp con đường của mình và có thể đi sâu vào lòng dân chúng với các hoạt động chung, mong rằng ông/bà C. Nguyễn và những người Việt Nam khác cùng sát cánh bên IDS để đưa dân tộc và đất nước đi vào không gian chung của sự tự do và phát triển.
Xin cảm ơn ông/bà C. Nguyễn đã cho tôi cơ hội tìm hiểu kỹ hơn những sự kiện, hiện tượng rất đáng tìm hiểu, và cho tôi cơ hội để nói thêm về một số điều cần được nói thêm. Dĩ nhiên, hành trình nhận thức của cá nhân tôi, cũng như của tất cả chúng ta, còn rất dài, nếu chúng ta muốn thực sự hiểu, để từ sự hiểu biết mà có các hoạt động hiệu quả, đáp ứng lợi ích chung.
 
Để kết thúc, tôi xin gửi tặng ông/bà C. Nguyễn câu này, trích trong cuốn «Giai cấp mới», của Milovan Djilas, người từng là Phó tổng thống Nam Tư, từng ngồi tù nhiều lần vì đã đấu tranh cho tự do của người Nam Tư nói riêng, và của nhân loại nói chung:
 
«Dù sao mặc lòng, thế giới sẽ tiếp tục thay đổi, sẽ đi theo con đường mà nó đã chọn, con đường mà nó đã bước chân lên, con đường dẫn đến sự hợp nhất, tiến bộ và tự do. Sức mạnh của hiện thực, sức mạnh của cuộc đời đã luôn luôn và sẽ mãi mãi mạnh hơn mọi áp bức, hiện thực hơn tất cả mọi lí thuyết. »
 
Djilas viết câu này trong tù, năm 1957; và từ năm 1991, Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư bắt đầu tan rã, các nước thành viên dần dần ly khai khỏi nó để tham gia vào thế giới chung của «sự hợp nhất, tiến bộ và tự do» như Djilas từng dự đoán.
 
Những việc làm của nhóm IDS chính là để một ngày nào đó Việt Nam có thể hội nhập vào cái thế giới chung này của nhân loại tự do và tiến bộ. Ông/bà C. Nguyễn và tôi, và tất cả mọi người, chúng ta nên ủng hộ họ, phải vậy không?
 
Paris, ngày 9/11/2014
N.T.T.H
 
----------------------------------------------
 
 
Bauxite Việt Nam
Xem phiên bản web
12/11/2014
bauxitevn vào lúc 03:45
 
DỰ ÁN CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH : NHỮNG PHÉP TÍNH SAI.
TS Trần Đình Bá
11/11/14
 
(GDVN) - Theo TS Trần Đình Bá, với tham vọng quá lớn nhưng chưa khái quát được tầm nhìn tổng thể chiến lược GTVT nên các toan tính dự án Long Thành đang phạm sai lầm.
Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) tiếp tục trở thành đề tài tranh luận nóng trên nghị trường Quốc hội cũng như dư luận xã hội nói chung. Những ý kiến tranh luận xoay quanh 3 vấn đề lớn: Dự án sân bay Long Thành có cần thiết? Dự án này có hiệu quả? Và tài chính để thực hiện dự án.
 
Ngày 1/11 vừa qua, dự án sân bay Long Thành đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, sau đó thảo luận tại tổ. Nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đưa ra quan điểm khẳng định không bàn đến dự án sân bay Long Thành vào thời điểm này, thời điểm kinh tế đất nước chưa hồi phục, nợ công quốc gia mức cao…
 
Dự án mang lại nhiều mối lo ngại như sân bay Long Thành được Bộ Giao thông Vận tải lên kế hoạch như thế nào? Vấn đề này đã được TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phân tích trong bài viết mới đây của ông gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Trần Đình Bá:
 
Siêu dự án Sân bay Long Thành đang trở thành đề tài nóng được dư luận quan tâm
 
 
Cục Hàng không hay “Bộ Hàng không”?
 
Dự án sân bay Long Thành ra đời cùng thời điểm với siêu dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) dưới thời nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - ông Hồ Nghĩa Dũng. Khi còn ghế Bộ trưởng, ông Dũng với câu nói nổi tiếng “Đi tắt đón đầu, đi thẳng vào hiện đại” và coi nguồn vốn ODA như “chùm khế ngọt”.
 
Nếu như siêu dự án ĐSCT do Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lập ra, thì dự án sân bay Long Thành cũng do Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) lập ra và được công bố quy hoạch vào 8/2011.
 
Còn nhớ thời điểm Bộ GTVT đưa ra siêu dự án ĐSCT, trong dư luận và trên nghị trường Quốc hội cũng diễn ra cuộc tranh luận gay gắt. Rất may khi đó Quốc hội đã sáng suốt bác siêu dự án ĐSCT mức đầu tư 56 tỷ USD tránh cho đất nước rơi vào cuộc phiêu lưu và “gông xiềng” nợ nần.
 
Sau đó dù vẫn tham vọng và tái khởi động lại siêu dự án bằng cách “chặt khúc” siêu dự án này thành 3 đoạn và chỉ còn 2 dự án đoạn Hà Nội - Vinh và TP.Vinh – Nha Trang nhưng đến nay Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã quyết định “khai tử” toàn bộ các siêu dự án ĐSCT. Chỉ sau đó thời gian, các dự án đường sắt bị phát giác hối lộ ở tập đoàn JTC Nhật Bản.
 
Hình
TS Trần Đình Bá.
 
Trong khi đó với dự án sân bay Long Thành, những người đưa ra dự án này cũng đang tìm cách “chặt khúc” dự án để thuyết phục Quốc hội. Cụ thể, để có thể thuyết phục Quốc hội, họ đã dùng chiêu bài “chặt khúc” siêu dự án 18.7 tỷ thành 3 khúc. Đây là thủ thuật lặp lại “kịch bản” của siêu dự án ĐSCT trước đó mà Quốc hội đã sáng suốt bác bỏ.
 
Cục HKVN là cơ quan quản lý Nhà nước, thực thi Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam có trách nhiệm làm tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GTVT và Chính phủ về quy hoạch hàng không, vậy nhưng thực tế họ đã trở thành “Bộ Hàng không” giống với tham vọng xây siêu dự án bằng vốn ODA.
 
 
Những phép tính sai
 
Siêu dự án sân bay Long Thành đưa ra Quốc hội lần này đang làm khó Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Nhiều lãnh đạo, quan chức của Cục HKVN, Vụ Vận tải, Vụ Khoa học Công nghệ, Viện Quy hoạch GTVT và ACV… là người làm tham mưu cho Bộ GTVT và Chính phủ về quy hoạch Hàng không, về Chiến lược phát triển hàng không phải chịu trách nhiệm thành bại dự án này và sẽ phải chịu trách nhiệm phản biện xã hội và phản biện khoa học trước Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng GTVT, các chuyên gia và cử tri cả nước.
 
Tuy nhiên, với tham vọng quá lớn nhưng chưa khái quát được tầm nhìn tổng thể về Chiến lược GTVT và đặc biệt là chiến lược Hàng không nên các toan tính trên đều sai lầm.
 
Thứ nhất, nếu bây giờ để đầu tư ngay một lúc 18.7 tỷ USD thực hiện dự án Long Thành để cạnh tranh thì không đủ nguồn kinh phí và cũng không kịp nữa khi xung quanh ta các siêu sân bay các nước như Singapore, Thái Lan, Philippine, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia, Myanma… đã có cơ sở vất chất và hoạt động tốt. Hàng không nội địa của Việt  Nam hiện đang thua lỗ, xếp gần cuối bảng trong ASEAN thì lấy gì để cạnh tranh với thế giới?.
 
Thứ hai nói là làm sân bay để cạnh tranh mà lại chia nhỏ 3 giai đoạn, đợt 1 là 5.6 tỷ USD thì còn cạnh tranh được với ai?
Thứ ba giai đoạn 5.6 tỷ USD còn thua xa sân bay Tân Sơn Nhất, lại không thể “xóa sổ” được sân bay Tân Sơn Nhất thì mục tiêu cạnh tranh hay trung chuyển cho thế giới là hoàn toàn thất bại.
 
Hơn nữa tham vọng một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ chiến lược, phát triển vận tải hàng không Việt Nam là thiếu thực tế khi bài toán hàng không nội địa còn đang nan giải, thị phần vận tải hàng không hiện chỉ 0.3% thấp nhất trong 5 loại hình vận tải.
 
Rồi việc để xảy ra quá tải trên đường bộ gây thảm họa giao thông quốc gia, hoạt động hàng không nội địa thì nhếch nhác, chậm chuyến, hủy chuyến, đe dọa an toàn không lưu, kinh doanh từ “chặt chém đến móc túi”, có 2 sân bay tệ nhất châu Á… Vì vậy việc đầu tư vào sân bay Long Thành không giúp cải thiện hoạt động mà trái lại làm rối loạn hàng không trong vòng lẩn quẩn và làm kiệt quệ nền hàng không nước nhà. Đây là bước đi sai lầm về chiến lược hàng không và thậm chí đang đi chệch đường lối đổi mới hội nhập. Bài học về “đi tắt đón đầu” lãng phí sân bay quốc tế Cần Thơ đang là thực tế sinh động.
 
Hàng không nước ta đang sai lầm nghiêm trọng về cơ cấu đầu tư. Tập trung vốn liếng vào hạ tầng là sân bay nhưng lại lãng quên đầu tư vào phương tiện và con người. Với dân số hơn 90 triệu dân thì Việt Nam cần tới trên 220 máy bay cỡ A321 (150 khách) trở lên và hàng trăm phi công. Thế nhưng hiện nay tổng chỉ có 110  chiếc trong đó có 1/5 là máy bay nhỏ Fokker 70, ATR72 chỉ chở 70-80 hành khách, hầu hết đều phải thuê và đang độ tuổi già nua phải thải loại. Phi công cũng phải thuê vì đang thiếu hụt nghiêm trọng nên hàng không nước nhà đang bị trì trệ, tụt hậu xếp cuối bảng ASEAN cũng từ những nguyên nhân này.
 
Tham vọng làm sân bay Long Thành còn đe dọa làm tăng gánh nợ công quốc gia lên nhiều tỷ USD. Đây là sai lầm nghiêm trọng về chiến lược giao thông vận tải nói chung và cả chiến lược hàng không Việt Nam nói riêng.
Hãy nhìn bài học từ sân bay Quốc tế Cần Thơ, đổ tiền của vào đầu tư, nâng cấp nhưng nhiều năm nay không có một chuyến bay quốc tế nào cả. Cục HKVN, Vụ Vận tải, Vụ KHCN, ACV và các cơ quan liên đới phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ GTVT và nhân dân về tính trung thực của các số liệu và sự thất bại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
 
T.Đ.B

Tác giả bài viết: Đau Vương Quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập148
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại270,698
  • Tổng lượt truy cập35,917,043
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây