Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1.000 năm Bắc thuộc?

Thứ năm - 08/02/2018 08:49

Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1.000 năm Bắc thuộc?

Tiếng ta còn thì nước ta còn!

 

 
Posted by The Observer

500_tranh-tet

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Tiếng ta còn thì nước ta còn!

Đồng hóa dân tộc (national assimilation) gồm: 1- Đồng hóa tự nhiên, tức quá trình dân tộc A trong giao tiếp với dân tộc B, do chịu ảnh hưởng lâu dài của B mà A tự nhiên dần dần mất bản sắc của mình, cuối cùng bị B đồng hóa; đây là một xu hướng tự nhiên trong tiến trình lịch sử loài người. 2- Đồng hóa cưỡng chế: sự cưỡng bức một dân tộc nhỏ yếu hơn chấp nhận ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán của một dân tộc lớn mạnh hơn; đây là một tội ác.

Đồng hóa dân tộc chủ yếu diễn ra dưới hình thức đồng hóa văn hóa, trong đó chủ thể đồng hóa thường là một nền văn hóa mạnh và tiên tiến (như đông dân hơn, kinh tế phát triển hơn, đã có chữ viết, có các hệ tư tưởng), đối tượng đồng hóa thường là nền văn hóa yếu và lạc hậu hơn. Đồng hóa ngôn ngữ là công cụ đồng hóa văn hóa thông dụng nhất, quan trọng nhất, hiệu quả nhất. Một dân tộc bị mất tiếng nói mẹ đẻ của mình và phải nói tiếng của một dân tộc khác thì không còn giữ được bản sắc dân tộc nữa.

Trong lịch sử, các nền văn hóa yếu thường bị nền văn hóa mạnh đồng hóa. Thời cổ, Trung Quốc là quốc gia đông người nhất và có nền văn minh tiên tiến nhất châu Á. Nền văn hóa Hán ngữ của họ có sức đồng hóa rất mạnh. Dân tộc Hồi ở phía Tây nước này, ngày xưa dùng chữ A Rập, sau nhiều năm giao lưu với người Hán cũng toàn bộ dùng chữ Hán và nói tiếng Hán. Ngay cả các dân tộc nhỏ nhưng mạnh về quân sự, sau khi thôn tính và thống trị Trung Quốc được ít lâu cũng bị nền văn hóa Hán ngữ đồng hóa.

Thí dụ dân tộc Mãn sau khi chiếm Trung Quốc và lập triều đại nhà Thanh đã lập tức tiến hành đồng hóa dân tộc Hán: cưỡng bức đàn ông Hán phải cạo nửa đầu và để đuôi sam, phải bỏ chữ Hán mà chỉ dùng chữ Mãn làm chữ viết chính thức trên cả nước. Nhưng đến giữa đời Thanh, tức sau khoảng 100 năm thì tiếng Mãn cùng chữ Mãn đều biến mất, từ đó trở đi người Mãn chỉ dùng tiếng Hán và chữ Hán, nghĩa là họ lại bị đồng hóa ngược bởi chính nền văn hóa của dân tộc bị họ cai trị lâu tới 267 năm!

Các nước đế quốc thực dân sau khi chiếm thuộc địa đều cưỡng chế đồng hóa ngôn ngữ dân bản xứ, quá trình này diễn ra khá nhanh, nhìn chung sau 5-6 thế hệ (mỗi thế hệ 25 năm), tiếng nói của người bản xứ đã bị thay bằng ngôn ngữ của nước cai trị. Đầu thế kỷ XV, Brazil bị Bồ Đào Nha chiếm, chẳng bao lâu tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất của người Brazil. Nhiều thuộc địa Pháp ở châu Phi như Bénin, Togo, Sénegan… dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính duy nhất. Năm 1918 nước ta bắt đầu dạy tiếng Pháp ở lớp cuối tiểu học, 10-20 năm sau toàn bộ học sinh trung học cơ sở trở lên đến trường đã chỉ nói tiếng Pháp, giáo viên chỉ giảng dạy bằng tiếng Pháp. Nếu cứ thế dăm chục năm nữa thì có lẽ Việt Nam đã trở thành nước nói tiếng Pháp.

Thế nhưng sau hơn 1.000 năm bị bọn phong kiến người Hán thống trị và cưỡng bức đồng hóa, dân tộc Việt Nam vẫn không bị Hán hóa, vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán.

Đây quả là một điều kỳ diệu có lẽ chưa dân tộc nào khác làm được. Đáng tiếc là chưa thấy nhiều người quan tâm nghiên cứu vấn đề này, một thành tựu vĩ đại đáng tự hào nhất của dân tộc ta (nói cho đúng là của tổ tiên ta thôi, còn chúng ta bây giờ thua xa các cụ).

Vì sao tổ tiên ta có thể làm được kỳ tích ấy ? Có người nói đó là do dân ta giàu tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, xã hội có cơ chế làng xã bền chặt, v.v… Nói như vậy có lẽ còn chung chung, nếu đi sâu phân tích tìm ra được nguyên nhân cụ thể thì sẽ giúp ích hơn cho việc phát huy các truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thực tế cho thấy tổ tiên ta giành được thắng lợi chống đồng hóa không phải bằng đấu tranh vũ trang mà chủ yếu bằng tài trí.

Xin nói thêm rằng chính người Trung Quốc cũng rất quan tâm vấn đề này. Chúng tôi đã thử nêu lên mạng Bách Độ (Baidu) của họ câu hỏi “Vì sao Trung Quốc thống trị Việt Nam hơn 1.000 năm mà Việt Nam không bị đồng hóa?”

Từ hàng triệu kết quả, có thể thấy đa số dân mạng Trung Quốc đều có chung một thắc mắc lớn: Vì sao bị Trung Quốc thống trị lâu thế mà người Việt Nam vẫn không nói tiếng Trung Quốc? Nói cách khác, họ coi đồng hóa ngôn ngữ là tiêu chuẩn đồng hóa quan trọng nhất và đều thừa nhận Trung Quốc đã không đồng hóa nổi Việt Nam. Họ tỏ ra tiếc nuối về sự kiện Việt Nam sau hơn 10 thế kỷ từng là quận huyện của Trung Quốc, từng dùng chữ Hán hàng nghìn năm mà rốt cuộc lại trở thành một quốc gia độc lập, dùng chữ Latin hóa, ngày nay là nước chống lại mạnh nhất chính sách xâm lấn Biển Đông của Bắc Kinh.

Do hiểu biết Việt Nam rất ít, thậm chí hiểu sai, hầu hết dân mạng Trung Quốc không tìm được lời giải thắc mắc trên, kể cả người tỏ ra am hiểu lịch sử nước ta. Họ nêu các lý do:

– Văn hóa Việt Nam có trình độ Hán hóa cao(?), người Việt rất hiểu và không phục Trung Quốc;

– Việt Nam ở quá xa Trung nguyên, khí hậu nóng, quan lại người Hán ngại sang Việt Nam làm việc, đã sang thì chỉ lo làm giàu, không lo đồng hóa dân bản xứ;

– Các nhân vật tinh hoa Trung Quốc như Lưu Hy, Hứa Tĩnh, Hứa Từ, Viên Huy (劉熙、許靖、許慈、袁徽) chạy loạn sang Việt Nam đã giúp nước này có nền văn hóa không kém Trung Quốc;

– Người Hán di cư đến Việt Nam đều bị người bản xứ đồng hóa v.v…

Nói chung họ đều chưa thấy, hay cố ý lờ đi nguyên nhân chính là ở tài trí của người Việt.

Nhưng họ nói người Việt Nam hiểu Trung Quốc là đúng. Do sớm hiểu rõ ý đồ thâm hiểm của phong kiến người Hán muốn đồng hóa dân tộc ta nên tổ tiên ta đã kịp thời đề ra đối sách. Cụ thể là đã tìm ra cách giữ gìn được tiếng nói của dân tộc mình trong quá trình bị bọn thống trị người Hán cưỡng bức học chữ Hán.

Mấy nghìn năm sau, một học giả lớn của dân tộc ta tóm tắt bài học lịch sử này trong một câu nói rất chí lý: “Tiếng ta còn thì nước ta còn!

Sau khi chiếm nước ta (203 tr. CN), Triệu Đà đã ép buộc dân ta học Hán ngữ, nhằm đồng hóa họ bằng ngôn ngữ. Có lẽ đây là thời điểm muộn nhất chữ Hán vào nước ta.[1] Sách “Việt giám Thông khảo Tổng luận” do Lê Tung viết năm 1514 có chép việc họ Triệu mở trường dạy người Việt học chữ Hán.[2] Về sau, tất cả các triều đại người Hán cai trị Việt Nam đều thi hành chính sách đồng hóa. Triều nhà Minh còn tìm cách tiêu diệt nền văn hóa của ta, như tiêu hủy toàn bộ các thư tịch do người Việt viết, bắt nhân tài, thợ giỏi người Việt sang Trung Hoa phục dịch.

Như vậy, dân tộc ta buộc phải chấp nhận học chữ Hán từ rất sớm (trước Triều Tiên, Nhật Bản nhiều thế kỷ). Do hiểu biết người Hán nên tầng lớp tinh hoa người Việt đã nhanh chóng nhận ra nếu cứ học như thế thì cuối cùng tiếng Việt sẽ bị thay bằng tiếng Hán, dân ta sẽ trở thành một bộ phận của Trung Quốc.

Vậy cha ông ta đã dùng cách nào để giữ được tiếng nói của dân tộc trong hơn 1.000 năm bị cưỡng bức học và dùng chữ Hán cũng như phải tiếp thu nhiều yếu tố của nền văn minh Trung Hoa?

Vấn đề này rất cần được làm sáng tỏ để từ đó hiểu được truyền thống quý báu của dân tộc ta. Dưới đây chúng tôi xin mạo muội góp vài ý kiến nông cạn, nếu có sai sót mong quý vị chỉ bảo.

Đọc chữ Hán bằng tiếng Việt: Một sáng tạo xuất sắc của tổ tiên ta

Chữ viết hình vuông là một phát minh lớn của nền văn minh Trung Hoa, được người Hán chính thức sử dụng từ đời nhà Thương (thế kỷ 16 đến 11 tr. CN), ngày nay phổ biến được gọi là chữ Hán.

Thực ra trong hơn 2.000 năm kể từ ngày ra đời, thứ chữ viết ấy chỉ được người Hán gọi là chữ  (tự) hoặc văn tự 文字. Đến đời Đường (thế kỷ VII) cái tên 漢字 (Hán tự, tức chữ Hán) mới xuất hiện lần đầu trong sách Bắc Sử 北史 do Lý Diên Thọ biên soạn.[3] Sau đó người Nhật và người Triều Tiên cũng gọi thứ chữ này là Hán tự: tiếng Nhật đọc Kanji, tiếng Triều Tiên đọc Hantzu. Cho tới nay Bộ Giáo dục Đài Loan vẫn chỉ gọi là Quốc tự 國字.

Vì thứ chữ ấy khi vào Việt Nam còn chưa có tên nên tổ tiên ta bèn đặt cho nó cái tên là chữ Nhovới ý nghĩa là chữ của người có học, bởi lẽ Nho  là từ dùng để gọi những người có học. Dân ta gọi người dạy chữ là thầy đồ Nho, bút và mực họ dùng để viết chữ là bút Nho và mực Nho.[4]

Đây quả là một điều độc đáo, bởi lẽ Hán ngữ xưa nay chưa hề có khái niệm chữ Nho; tất cả từ điển Hán ngữ cổ hoặc hiện đại và các từ điển Hán-Việt đều không có mục từ Nho tự 儒字 với ý nghĩa là tên gọi của chữ Hán.

Có thể suy ra: Việt Nam thời xưa không có chữ viết (hoặc đã có chữ Việt cổ nhưng chưa hoàn thiện, chưa diễn tả được các khái niệm trừu tượng), vì thế khi tiếp xúc với chữ Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã nhận thấy đây là một phương tiện cực kỳ hữu ích dùng để truyền thông tin được xa và lâu, không bị hạn chế về khoảng cách và thời gian như cách truyền thông tin bằng tiếng nói, do đó họ đã sớm nghĩ tới việc mượn thứ chữ này làm chữ viết của dân tộc ta.

Muốn vậy dân ta phải biết chữ Hán, một thứ ngoại ngữ. Làm cho dân chúng học và dùng được một ngoại ngữ là việc hoàn toàn bất khả thi ở thời ấy. Hơn nữa chữ Hán cổ khó đọc (vì không biểu âm), khó viết (vì có nhiều nét và cấu tạo phức tạp), khó nhớ (vì có quá nhiều chữ), thuộc loại chữ khó học nhất trên thế giới.

Nói chung, mỗi chữ viết đều có một âm đọc; không ai có thể xem một văn bản chữ mà không vừa xem vừa đọc âm của mỗi chữ (đọc thầm hoặc đọc thành tiếng). Mỗi chữ Hán đều có một âm tiếng Hán; muốn học chữ Hán tất phải đọc được âm của nó. Viết chữ Hán khó, tuy thế tập nhiều lần sẽ viết được, nhưng do khác biệt về hệ thống ngữ âm, người Việt nói chung khó có thể đọc được các âm tiếng Hán.

Ngoài ra Trung Quốc là một nước rộng lớn, đông dân; cho tới trước nửa cuối thế kỷ 20 cả nước vẫn chưa thống nhất được âm đọc của chữ. Loại chữ này chỉ thể hiện ý nghĩa, không thể hiện âm đọc, cho nên nhìn chữ mà không biết cách đọc. Người dân các vùng xa nhau thường đọc chữ Hán theo âm khác nhau, thậm chí khác xa nhau, vì thế thường không hiểu nhau nói gì. Các thứ tiếng địa phương ấy ta gọi là phương ngữ, người Hán gọi là phương ngôn (方言); Hán ngữ hiện có 7 phương ngữ lớn, nhiều phương ngữ nhỏ (次方言).

Không thống nhất được âm đọc chữ Hán là một tai họa đối với người Hán. Với người nước ngoài học chữ Hán cũng vậy: khi mỗi ông thầy Tàu đọc chữ Hán theo một âm khác nhau thì học trò khó có thể học được thứ chữ này.

Để có thể học được chữ Hán mà không cần đọc âm tiếng Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã sáng tạo ra một giải pháp xuất phát từ ý tưởng: nếu người Hán khác vùng có thể tự đọc chữ Hán theo âm riêng của vùng, thì ta cũng có thể đọc chữ Hán theo âm riêng của người Việt.

Muốn vậy, mỗi chữ Hán được tổ tiên ta quy ước đọc bằng một (hoặc vài, tùy chữ Hán gốc) âm tiếng Việt xác định có gốc là âm chữ Hán — ngày nay gọi là âm Hán-Việt, nghĩa là mỗi chữ Hán đều được đặt cho một (hoặc vài) cái tên tiếng Việt xác định, gọi là từ Hán-Việt.

Thí dụ chữ  được đặt tên là chữ Thủy, âm đọc thủy khác với âm đọc shuẩy của người Hán. Chữ , tiếng Hán đọc sưa, ta đọc sắcThủy và Sắc là từ Hán-Việt, cũng là âm Hán-Việt của .

Âm/từ Hán-Việt được chọn theo nguyên tắc cố gắng bám sát âm Hán ngữ mà tổ tiên ta từng biết.[5] Như chữ , âm Hán và âm Hán-Việt đều đọc chung, tức hệt như nhau; chữ , Hán ngữ đọc hái, ta đọc Hài, gần như nhau. Nhưng hầu hết chữ đều có âm Hán-Việt khác âm Hán. Như 集 âm Hán là chí, ta đọc Tập ;  giú, ta đọc Nho. Có chữ âm Hán như nhau mà âm Hán-Việt có thể như nhau hoặc khác nhau, như  và , âm Hán đều là thúng, từ Hán-Việt đều là Đồng ; nhưng  và , âm Hán đều là xi, lại có hai từ Hán-Việt khác nhau là Hệ và Tế. Chữ Hán có hai hoặc nhiều âm thì có thể có một, hai hoặc nhiều âm/từ Hán-Việt, như  có hai âm Hán là tâu và tu, lại chỉ có một âm/từ Hán-Việt là Đô ;  có hai âm Hán shảo và shao, cũng có hai âm/từ Hán-Việt là Thiểu (trong thiểu số) và Thiếu (trong thiếu niên).

Thứ chữ Hán đọc bằng âm Hán-Việt này được dân ta gọi là chữ Nho. Vì đọc chữ bằng tiếng mẹ đẻ nên chữ Nho trở nên dễ học đối với người Việt: chỉ cần học mặt chữ, nghĩa chữ và cách viết văn chữ Hán mà không cần học phát âm cũng như học nghe/nói tiếng Hán. Vì thế thời xưa ở nông thôn nước ta không hiếm người 6-7 tuổi đã biết chữ Nho.[6] Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) 12 tuổi đỗ Cử nhân, 16 tuổi đỗ Hoàng giáp (Tiến sĩ). Người không biết chữ cũng có thể học truyền miệng các tác phẩm ngắn có vần điệu, như Tam Thiên Tự.[7]

Người biết chữ Nho có thể xem hiểu các thư tịch chữ Hán, viết văn chữ Hán; tuy không nói/nghe được tiếng Hán nhưng vẫn có thể dùng bút đàm để giao tiếp bình thường với người Hán. Chỉ bằng bút đàm chữ Nho, Phan Bội Châu giao tiếp được với các nhà cải cách Trung Quốc và Nhật Bản, đưa được mấy trăm thanh niên Việt Nam sang Nhật học quân sự chính trị, chuẩn bị về nước đánh đuổi thực dân Pháp.

Cần nhấn mạnh: vì âm/từ Hán-Việt không thể ghi âm hầu hết từ ngữ tiếng Việt cho nên cách đọc chữ Hán theo âm Việt hoàn toàn không thể biến tiếng Việt thành một phương ngữ của Hán ngữ,[8] và dân ta vẫn hoàn toàn nói và nghe bằng tiếng mẹ đẻ.

Chữ Nho chỉ dùng để viết mà thôi, và chỉ được giới tinh hoa (trí thức và quan lại người Việt) dùng trong giao dịch hành chính, ngoại giao, lễ tiết, chép sử, giáo dục, thi cử, sáng tác văn thơ. Còn ở Trung Quốc, những người nói một trong các phương ngữ tiếng Hán đều có thể dùng chữ Hán để ghi âm được toàn bộ tiếng nói của phương ngữ ấy, nghĩa là họ có thể dùng chữ Hán để ghi âm tiếng mẹ đẻ.

Dĩ nhiên cách đọc tiếng Việt chỉ có thể làm với chữ Hán, là loại chữ biểu ý (ghi ý), chứ không thể làm với chữ biểu âm (ghi âm). Ngày nay âm/từ Hán-Việt của mỗi chữ Hán có thể dễ dàng viết ra bằng chữ Quốc ngữ (một loại chữ ghi âm), nhưng ngày xưa, khi chưa có bất kỳ loại ký hiệu nào ghi âm tiếng nói, tổ tiên ta chỉ có thể truyền khẩu. Thế mà lạ thay, việc dạy chữ Nho đã được mở rộng, ở thời Nguyễn là đến tận làng, có thể suy ra tỷ lệ người biết chữ Hán của dân ta cao hơn Trung Quốc!

Chỉ bằng cách truyền miệng mà người Việt thời xưa đã tạo ra được một bộ từ Hán-Việt tương ứng với bộ chữ Hán khổng lồ — bộ chữ này trong Tự điển Khang Hy (1716) có hơn 47 nghìn chữ; Tiêu chuẩn Nhà nước Trung Quốc GB18030 (2005) có 70.217 chữ; Trung Hoa Tự hải có 85.568 chữ Hán.

Quá trình tiến hành Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán kéo dài trong hàng nghìn năm, là một thành tựu văn hóa vĩ đại. Có thể phỏng đoán đó là một quá trình mở, do nhiều thế hệ người Việt thực hiện, thể hiện sức sáng tạo bất tận của tổ tiên ta.

Nhật và Triều Tiên cũng mượn dùng chữ Hán, nhưng họ tự đến Trung Hoa nghiên cứu đem chữ Hán về dùng chứ không bị ép dùng từ sớm như ta. Họ cũng đọc chữ Hán theo âm bản ngữ của dân tộc mình — giải pháp do người Việt nghĩ ra và thực hiện trước họ nhiều thế kỷ.

Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Nguyễn Tài Cẩn nói: “Cách đọc Hán Việt là một tài sản của riêng dân tộc ta. Có dùng nó khi đọc Đạo đức kinh, Kinh Thi, Sở từ… thì mới phù hợp với thói quen dân tộc, tiện lợi cho dân tộc. Theo ý chúng tôi, dùng cách đọc Hán Việt ở những trường hợp này là một điều hết sức phù hợp với khoa học. Đọc theo lối Hán Việt thì dễ hiểu hơn, bởi lẽ ngay trong tiếng Việt đã có khá nhiều tiếng Hán Việt quen thuộc, chỉ đọc lên, nghe được, là hiểu được; đọc theo lối Hán Việt thì cũng thuận tai hơn… ”.[9]

Đúng thế. Thí dụ từ 社會, người Anh biết Hán ngữ đọc shưa huây, người Anh không biết Hán ngữ khi nghe âm đọc ấy sẽ chẳng hiểu gì; còn người Việt biết Hán ngữ đọc “xã hội”, người Việt không biết Hán ngữ nghe đọc sẽ hiểu ngay nghĩa của từ; âm “xã hội” thuận tai, dễ đọc dễ nhớ hơn âm shưa huây. Rõ ràng cách đọc Hán-Việt thật tiện lợi cho người Việt. Trong bài sau, chúng tôi sẽ nói thêm về vấn đề này.

Ngày nay mỗi chữ Hán trong tất cả các từ điển Hán-Việt đều phải ghi kèm từ Hán-Việt tương ứng. Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu có kèm Bảng tra chữ theo âm Hán-Việt, dùng tra chữ Hán rất tiện và nhanh hơn tra theo bộ thủ. Người có sáng kiến làm Bảng này là bà Nguyễn Thị Quy (1915-1992), em ruột Thiều Chửu, khi bà lần đầu xuất bản Tự điển nói trên tại Sài Gòn năm 1966.[10]

Như vậy, bằng cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt, tổ tiên ta đã thành công trong việc mượn chữ Hán để dùng làm chữ viết chính thức của dân tộc mình và gọi nó là chữ Nho. Sự vay mượn này chẳng những không làm cho tiếng Việt bị biến mất mà còn làm cho nó phong phú hơn rất nhiều, trở thành một ngôn ngữ cực kỳ linh hoạt, có thể tiếp nhận và Việt hóa hầu như toàn bộ từ ngữ mới xuất hiện trong tiến trình phát triển của loài người toàn cầu.

Chữ Nho khác chữ Hán ở phần ngữ âm: nó là chữ Hán được đọc bằng âm tiếng Việt chứ không đọc bằng âm tiếng Hán như chữ người Hán dùng. Nói cách khác, chữ Nho là chữ Hán đã được Việt Nam hóa phần ngữ âm; còn về tự dạng và nghĩa chữ thì cơ bản như chữ Hán của người Hán. Vì thế có người gọi chữ Nho  chữ Hán-Việt.

Rõ ràng nó là chữ của người Việt Nam, đã Việt Nam hóa phần ngữ âm, không thể coi là chữ của người Hán. Chữ Nho là chữ viết chính thức của dân tộc ta trong hơn 2.000 năm, kể từ thời điểm muộn nhất là bắt đầu thời Bắc thuộc cho tới khi được thay thế bằng chữ Quốc ngữ cực kỳ ưu việt, được chính các nhà Nho tiên tiến tán thưởng và đi tiên phong ủng hộ sự phổ cập Quốc ngữ.

Cách đọc chữ Hán bằng âm/từ Hán-Việt đã đáp ứng nhu cầu giao tiếp bằng bút đàm giữa quan lại cấp thấp người Việt với quan lại cấp cao người Hán, khiến cho bọn thống trị người Hán vẫn thực thi được quyền lực cai trị dân bản xứ. Hơn nữa, cách đó làm cho việc phổ cập chữ Hán trong người Việt trở nên dễ dàng, tức đáp ứng yêu cầu dạy chữ Hán của các vương triều người Hán. Vì vậy chúng không còn lý do cưỡng chế dân ta phải học nghe/nói tiếng Trung Quốc.

Cách đọc chữ Hán như trên đã có tác dụng không ngờ là làm cho người Hán dù có cai trị Việt Nam bao lâu thì cũng không thể tiêu diệt nổi tiếng Việt và Hán hóa được dân tộc ta. Có thể là khi bắt đầu sáng tạo cách đọc ấy, tổ tiên ta chưa nghĩ tới điều đó, nhưng rốt cuộc sáng tạo xuất sắc này đã giúp dân tộc ta tránh được nguy cơ bị người Hán đồng hóa. Đây là một thành công vĩ đại!

Đáng tiếc là hiện không thấy có thư tịch nào ghi chép ai nghĩ ra và thời điểm nào xuất hiện cách đọc chữ Hán bằng âm/từ Hán-Việt. Có thể cho rằng sáng kiến đó ra đời khi chữ Hán bắt đầu vào nước ta, tức muộn nhất là khoảng thế kỷ 2 – 1 tr.CN.

Có ý kiến cho rằng cách đọc Hán-Việt bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng hai thế kỷ 8, 9.

Nếu hiểu ý kiến này theo nghĩa đến đời Đường mới xuất hiện cách đọc Hán-Việt thì e rằng khó có thể giải đáp câu hỏi: vậy thì trong thời gian khoảng ngót 1000 năm trước đó người Việt đọc chữ Hán bằng cách nào? Đến đời Đường, người Hán đã thống trị Việt Nam được hơn 9 thế kỷ, quá thừa thời gian để họ hoàn toàn đồng hóa người Việt bằng văn hóa, ngôn ngữ, khi ấy tiếng Việt đã bị biến mất, sao còn có thể xuất hiện cách đọc Hán-Việt?

Phải chăng nên hiểu ý kiến trên theo nghĩa: đến thời Đường, cách đọc Hán-Việt được hoàn thiện nhờ học tập Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng thế kỷ 8 – 9.

***

Có thể kết luận: dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ của mình, thể hiện ở chỗ sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Hoa.

Có những người Hán đã nhận ra bản lĩnh trí tuệ ấy của người Việt.

Năm 987, nhà Tống cử Lý Giác李覺 đi sứ sang Hoa Lư, Việt Nam, được hai vị Quốc sư Khuông Việt và Pháp Thuận đón tiếp, đàm phán các vấn đề quốc gia đại sự và họa thơ. Khi về nước, Lý Giác tặng vua Lê Đại Hành một bài thơ, trong có câu: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu 天外有天應遠照”, nghĩa là: “Ngoài trời này còn có trời khác, nên nhìn thấy”. Nói cách khác, thế giới này đâu phải chỉ có một mặt trời Trung Hoa mà còn có mặt trời Việt Nam!

Câu thơ cho thấy Lý Giác đã bước đầu nhận ra bản lĩnh trí tuệ của người Việt. Đúng thế, tổ tiên ta thật vô cùng tài giỏi, nếu không thì còn đâu giang sơn tươi đẹp này!

Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.


Tác giả bài viết: Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và nhà nghiên cứu tự do

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập59
  • Hôm nay7,071
  • Tháng hiện tại348,058
  • Tổng lượt truy cập36,402,613
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây