Từ thực tế này, TS Vũ Thu Hương, một chuyên gia tâm lý, người từng có nhiều năm làm giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ để các bậc phụ huynh có thể làm ngay. Những việc làm này sẽ giúp trẻ nhỏ, các bé gái mới lớn nhận diện và ứng phó tốt với các hành vi xâm hại.
Phụ huynh nên làm những gì để giúp con tránh bị xâm hại?
Theo TS Vũ Thu Hương, đầu tiên là các bậc phụ huynh cần gỡ bỏ tâm lý né tránh vấn đề giới tính. Bởi khi bố mẹ né tránh, các con sẽ nghĩ đó là điều rất bậy bạ, không tốt. Và lúc con bị xâm hại, chúng sẽ không bao giờ nói ra.
Các bố mẹ phải tìm cách trao đổi với các con nhiều hơn về vấn đề giới tính. Khi xảy ra một vụ việc gì liên quan, trẻ sẽ trao đổi ngay với bố mẹ. Đó là điều đầu tiên.
Thứ hai là từ 6 tuổi trở lên, các con đã phải được học về giáo dục giới tính. Từ 3 tuổi, bố mẹ phải dạy con là không cho ai động vào khu vực đồ lót của mình.
Muốn như vậy, bố mẹ phải cho con tự tắm, tự vệ sinh bộ phận sinh dục của trẻ. Vì thế, chính bố mẹ cũng không được động vào vùng kín của trẻ.
Nếu bố mẹ động vào, nó sẽ làm cho con quen với việc có người khác được động vào vùng kín của chúng. Trẻ tự vệ sinh vùng kín thì khi có ai động vào, trẻ sẽ có phản ứng ngay. Vì trẻ đã tự hình thành cơ chế tự vệ.
Bố mẹ có thể nói với con rằng những người động vào khu vực đồ lót là người xấu. Khi đứa trẻ bị xâm hại, chúng sẽ tìm mọi cách gạt ra và sẽ xác định đấy là người xấu.
Thứ ba, bố mẹ phải dạy cho con tự mặc, tự giặt đồ lót của mình. Phụ huynh cần nhấn mạnh là đồ lót của trẻ thì không nên cho người khác nhìn thấy. Bố mẹ nói làm sao để trẻ hiểu rằng đó là khu vực kín, bất khả xâm phạm. Lúc đó, trẻ sẽ tự vệ tốt hơn rất nhiều.
Thứ tư, bố mẹ cần cho trẻ biết rằng, nếu ai làm con đau, con hoàn toàn có quyền mách bố mẹ vì đó là người xấu.
Thói quen xấu nào cần phải loại bỏ để tránh gây hại cho trẻ?
TS Vũ Thu Hương cũng chỉ ra một thói quen cần bỏ ngay của nhiều bố mẹ Việt Nam. Đó là cô dì, chú bác đến nhà chơi có hành động béo má, bẹo mông trẻ … Trẻ tỏ ra khó chịu thì có khi bố mẹ lại mắng vì cho rằng đó là "hành động thể hiện sự yêu trẻ".
Như vậy, trẻ không biết đâu là đúng là sai. Trẻ không dám tự vệ, phản kháng, không dám kể với bố mẹ.
Vậy nếu bố mẹ dạy cho con biết rằng, các hành động đó là không được phép. Và ai đó có hành động như vậy với con, con có quyền phản ứng lại. Đứa trẻ hình thành suy nghĩ như vậy sẽ sẽ tự vệ tốt hơn.
Thêm vào đó, lúc trẻ phản ứng khi có người đến nhà chơi làm các hành động "yêu trẻ" như trên, bố mẹ cũng phải nói rằng với khách, ở gia đình không ai làm thế với trẻ.
Trẻ phản ứng lại là đúng. Những người xung quanh có ghét, có nói xấu thì chúng ta phải chấp nhận vì đó là điều tốt cho con.
Ngay tại gia đình, bố mẹ đã giúp con phân biệt điều gì người khác không được làm với trẻ. Từ đó, trẻ ở trường hay bất cứ đâu cũng sẽ biết hành động nào là không được phép làm với chúng.
Theo TS. Hương, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể chơi trò đóng vai. Bố mẹ có thể đóng vai người xấu giả vờ sờ vào vùng kín của trẻ và nói với con "con hãy gạt tay mẹ ran gay nhé!".
Việc này thực hiện nhiều lần đến khi hình thành phản xạ của trẻ, lúc ai đó có hành vi động chạm vào vùng kín, trẻ sẽ gạt tay người đó rất nhanh.
Một điều nữa, TS.Hương cũng nhấn mạnh lại là bố mẹ cần dạy trẻ nhiều hơn về giới tính để trẻ không bị tò mò. Trẻ được đáp ứng thì sẽ không bị xâm hại. Nhiều trường hợp là các anh lớn rủ các em nhỏ xem phim, đọc truyện sex.
Những trẻ tò mò về giới tính sẽ bị xâm hại. Muốn vậy, chúng ta phải dạy cho trẻ về giới tính, gửi thông điệp đến trẻ rằng, các phim dạng đó là dành cho người lớn. Những người dụ dỗ con xem các bộ phim như vậy là không tốt.
Chúng ta có thể giải thích cho các con rằng, xem các bộ phim đó, các con sẽ phát triển sớm, thành người lớn sớm.
Trong khi, con vẫn còn đang là một đứa trẻ. Con còn bé bố mẹ sẽ cho con đi chơi, mua bánh kẹo. Khi con lớn, sẽ không ai làm việc đó cho con nữa. Rõ ràng, con là một đứa trẻ nhưng con lớn sớm trước tuổi, con sẽ bị mất hết quyền lợi. Trẻ sẽ tự tránh các sự lôi kéo tương tự.
Từ chuyện trên, bố mẹ nên dạy rộng thêm cho các con cần tránh việc nhận quà, bánh kẹo của người lạ. Trẻ nhỏ khi nhận đồ của người khác phải hỏi ý kiến của bố mẹ. Nếu bố mẹ đồng ý, con mới được ăn. Bố mẹ và con cái cần xây dựng nguyên tắc như vậy.
Đặc biệt sau mỗi ngày đến trường, bố mẹ nên khéo léo chia sẻ, lắng nghe về các hoạt động của con tại trường. Đó sẽ là kênh giúp bố mẹ sớm phát hiện các vấn đề bất thường đối với trẻ.
Nguồn tin: Theo trí thức trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn