Trước Đại hội XIII

Thứ hai - 27/04/2020 22:03

Trước Đại hội XIII

Thứ hai, 27/4/2020, 06:24 (GMT+7)Lưu Trả lời câu hỏi về kinh tế Việt Nam trong hội thảo online mới đây, tôi cho rằng năm nay chúng ta sẽ mất khoảng 1% GDP. Trong những ngày dịch bệnh, tôi nhận được nhiều câu hỏi phỏng vấn của các nhà báo. Tôi cũng phân tích và chia sẻ rằng, khả năng Chính phủ hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 được Quốc hội giao là rất khó khăn. Theo tôi, sắp tới các mục tiêu, chỉ tiêu này có thể phải điều chỉnh.

Lê Đăng Doanh Chuyên gia kinh tế
 

Không chỉ Việt Nam, đại dịch vẫn đang tiếp diễn song đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất từ năm 1945. Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu có thể giảm 1,5 % đến 1,9 %  và chỉ đạt mức thấp nhất trong 30 năm gần đây. Ngân hàng Thế giới dự báo nguy cơ 20 nền kinh tế nghèo nhất ở Châu Phi sẽ xuất hiện nạn đói.
Một trong những lý do quan trọng của sụt giảm toàn cầu này là do sự sụt giảm ở Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc chiếm 19,7 % GDP toàn cầu, xếp thứ hai thế giới, trong đó xuất khẩu chiếm 12 %, nhập khẩu chiếm 10 % kim ngạch thế giới và được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh trong hai thập kỷ nữa. Nền kinh tế này sẽ đóng vai trò gì trên thế giới sau đại dịch, mô hình nhà nước Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ra sao tới công cuộc cải cách toàn cầu sẽ là những chủ đề được tranh luận và nghiên cứu thời gian tới.
Việt Nam được ca ngợi đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, rất cần được tiếp tục phát huy để hạn chế những thiệt hại về sinh mạng và di họa lâu dài về sau. Song, thiệt hại đại dịch để lại là to lớn và nghiêm trọng. Xuất, nhập khẩu sang Trung Quốc bị ngưng trệ, hàng ngàn xe tải bị ùn ứ hàng chục ngày tại cửa khẩu Lạng Sơn, Cao Bằng. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong Quý I vẫn đạt 3,82 %, song tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ không hề nhẹ nhàng.  
Chúng ta có quan hệ và sẽ tiếp tục quan hệ với Trung Quốc vì đó là công xưởng của thế giới, nền kinh tế lớn thứ hai và là láng giềng của ta. Tôi đã phát biểu nhiều lần về việc không nên than phiền ta là láng giềng của Trung Quốc. Nếu ta ở giữa Thái Bình Dương, với quy mô kinh tế thế này thì ai quan tâm? Thế giới quan tâm vì chúng ta nằm ở phía nam Trung Quốc tận dụng lợi thế đó. Tuy nhiên, để chơi với một người láng giềng như Trung Quốc, chúng ta cần "biết người biết mình" để có thể nắm đằng chuôi, đừng để bị nắm đằng lưỡi.
Công nghiệp dệt may của nước ta, vốn nhập khẩu 60% nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc, đang bị tạm thời ngưng trệ, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu công nhân. Do bị giảm sút sức mua, nhiều hợp đồng tiêu thụ hàng dệt may cuả ta tại thị trường Âu, Mỹ bị hủy. Các doanh nghiệp may đã năng động chuyển sang may khẩu trang, song hết mùa dịch chắc chắn sẽ phải đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra để giảm thiểu rủi ro. Vấn đề đặt ra là cơ cấu ngành này có thể và cần tự cân đối những vật tư gì và đến mức độ nào?
Đại dịch này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về sự ưu việt của toàn cầu hóa, chuỗi giá trị và phân công lao động quốc tế một cách cực đoan. Mỗi nền kinh tế có thể phụ thuộc đến mức nào vào nước ngoài? Dù còn nhiều diễn biến ta chưa biết trước, nhưng nền kinh tế thế giới hậu Covid-19 chắc chắn không thể lặp lại toàn bộ cơ cấu trước đó. Công nghệ thông tin, thương mại điện tử sẽ phát triển nhảy vọt với những hình thức mới như thanh toán điện tử, hợp đồng điện tử xuyên biên giới. Tương quan trên thế giới đã và sẽ thay đổi. Tất cả điều này cần được phản ánh trong chiến lược và chính sách của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là khi ta đang trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII.  
Thứ nhất, ở góc độ các doanh nghiệp, phải quán triệt rằng: Covid-19 là một thử thách. Một thử thách rất đau đớn, nhưng doanh nhân hãy coi đó là cơ hội để liên kết lại với nhau và cùng đứng dậy. Chúng ta vẫn còn nhà xưởng, máy móc, người lao động, vấn đề là phải sáng tạo để có những phương án vượt qua thách thức. Tác động tiêu cực sẽ cao điểm trong quý I và quý II/2020, lắng xuống và có độ trễ sau đó chứ không kết thúc trong một sớm một chiều.  
Covid-19 còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt chuyển đổi, nhìn vào yếu tố tích cực. Sản xuất tại Trung Quốc không chỉ bị đình trệ trong quý I và II mà sẽ kéo dài hết năm, có thể lan sang năm sau nếu đại dịch còn kéo dài. Như vậy, doanh nghiệp Việt một mặt phải đa dạng hóa thị trường mua nguyên vật liệu lẫn thị trường xuất khẩu; mặt khác phải tái cơ cấu sản xuất, không thể cứ ngồi ngoài sân chơi sản xuất của toàn cầu mãi nữa. Cách tốt nhất là nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn thế giới, không để cơ hội này rơi vào tay các nhà cung ứng ngoại.  
Thứ hai, ở góc độ quốc gia trong tình hình hiện nay, nhu cầu cải cách vẫn tiếp tục. Không nên duy trì mãi một nhận thức cũ. Cải cách thể chế bao gồm công khai, minh bạch, làm bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả hơn. Chẳng hạn, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế để giảm thiểu rủi ro là phương châm đúng đắn của nước ta song cần được quán triệt và thể hiện cụ thể trong chính sách đầu tư và thương mại, càng sớm càng tốt.
Tôi thấy một số nỗ lực đáng ghi nhận. Một số doanh nghiệp dệt may đã tìm nguồn cung ứng mới và mở rộng thị trường sang Trung Đông, Nam Mỹ hay Châu Phi; một số nỗ lực đầu tư vào khâu xử lý nước thải, bảo vệ môi trường trong khâu dệt, nhuộm hay giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung ứng từ nước ngoài. Học tập nước Đức, làm ăn mua bán với nhiều nước. Nếu anh "làm giá" với tôi, tôi nghỉ chơi, chuyển sang nước khác liền.
Song song đó, cải cách mạnh mẽ thể chế nhà nước, thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình là yêu cầu của cuộc sống. Tiếp tục cắt giảm các giấy phép con, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho người làm ăn là góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của từng sản phẩm, dịch vụ. Công khai, minh bạch trong hoạt động của nhà nước. Ví dụ, phân bổ lợi ích công làm sao để đồng tiền, những lợi ích của nền kinh tế như từ đất đai, khoáng sản không rơi vào túi của một số người. Số tiền thu được này, làm sao mang lại lợi ích, chia sẻ cho toàn dân. Muốn như vậy, cần thay đổi hệ thống thuế, thay đổi việc giá đất liên tục được nâng lên trong khi đền bù cho người nông dân vẫn không thỏa đáng.
Như khi tôi sang thăm Đài Loan, họ cho biết, để người dân hưởng lợi từ các nguồn lực đất đai, họ cho dân thỏa thuận với nhà đầu tư về giá đất. Nhà đầu tư phải mua miếng đất theo giá thỏa thuận với nông dân và biến tiền vốn của nông dân thành vốn góp trong công ty. Nông dân trở thành các cổ đông, có việc làm trong công ty và được hưởng lợi tức của công ty. Khi đó, họ sẵn sàng ủng hộ doanh nghiệp, đời sống được đảm bảo. Đây là điểm rất khác với Việt Nam. Nếu chúng ta làm được, nó sẽ là thay đổi hết sức quan trọng.
Việc công khai mối quan hệ chính quyền - tư nhân cũng cần được đẩy mạnh. Vụ "Đường Nhuệ" cho thấy nguy cơ lợi ích nhóm có thể dẫn đến những lệch lạc trong quản lý nhà nước. Giám sát quyền lực, tránh để xuất hiện những "ông trời con" như Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Hớn Quản Lại Văn Thành cũng là những bài học thời sự cần được đề cập trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng XIII.
 

Tác giả bài viết: Lê Đăng Doanh Chuyên gia kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập38
  • Hôm nay6,552
  • Tháng hiện tại269,251
  • Tổng lượt truy cập35,535,532
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây