Bài học hay về cách cư xử.

Chủ nhật - 23/05/2021 23:32
download (1)
download (1)

Cagahan và Frank là hai nhà văn trẻ, được mời tới dự một buổi dạ tiệc đón chào năm mới, do ngài bá tước tổ chức tại biệt thự của mình. Ngài bá tước xuất hiện khai tiệc, mọi người đều nâng cốc chúc mừng năm mới và chúc mừng bá tước vừa khỏi bệnh. Ngài bá tước rất hài hước kể chuyện cho mọi người nghe: “Cuối năm tôi dự định làm một chuyến vượt Đại Tây Dương trên chiếc thuyền buồm mới, ai ngờ đâu chưa kịp đi thì bị cơn bạo bệnh quật ngã, thế là thay vì lênh đênh ngao du trên biển, tôi bơi trên giường bệnh. Napoleon Bonaparte nói quả không sai: Người tính không bằng trời tính”. Tất cả khách khứa dự tiệc đều cười ồ lên.
Cagahan bỗng lên tiếng: “Thưa ngài, ngài nói sai rồi, câu nói ấy không phải của Napoleon Bonaparte mà là của William Shakespeare”. Tiếng xì xào vang lên, ngài bá tước đỏ mặt nói lớn: “Ai bảo cậu câu nói đó của Shakespeare, thật vớ vẩn”. Cagahan quay sang Frank bảo: “Frank, cậu nghiên cứu về Shakespeare bao năm qua, cậu biết rõ câu nói này là của ông ấy, cậu hãy nói cho ngài bá tước biết đi”.
Tất cả khách khứa đều hướng mắt về phía Frank, Frank mỉm cười lắc đầu với Cagahan và nhìn ngài bá tước dõng dạc nói: “Cậu nhầm rồi, câu này chính là của Napoleon Bonaparte”. Ngài bá tước cười lớn tỏ vẻ hài lòng, cả đám khách khứa cũng cười theo và họ nhanh chóng hòa nhập lại bữa tiệc, bỏ mặc Cagahan trố mắt nhìn Frank.
Lúc ra về, Cagahan vẫn ấm ức, giữ tay bạn mình lại và hỏi: “Frank, anh biết rõ câu nói đó là của Shakespeare cơ mà?”. Frank cười đáp: “Đúng, dĩ nhiên là tôi biết. Câu nói này ở màn thứ 2, cảnh thứ 5 trong Hamlet”. “Trời, vậy tại sao anh lại ủng hộ cho sự nhầm lẫn của ngài bá tước?” - Cagahan kêu lên.
Frank từ tốn đáp: “Anh nghĩ bữa tiệc tối nay sẽ thành ra thế nào nếu chúng ta khiến ngài bá tước bị bẽ mặt trước toàn thể quan khách? Chúng ta chỉ là những người khách, sao có thể để chủ nhà bị bẽ mặt, làm mất đi không khí vui vẻ của mọi người? Không hề có sự nhầm lẫn ở đây, mà chỉ là một câu trả lời hợp lý cho hoàn cảnh bấy giờ”.
Cagahan đã nhận ra sự cư xử không hợp lý của mình: “Cậu nói đúng, cách cư xử hợp lý đem lại hiệu quả cao. Tránh cho mọi việc thêm tệ hại, tôi cần phải học hỏi thêm về cách cư xử của mình”. Frank gật đầu: “Hãy nhớ: nghiêm với chính mình và độ lượng với người khác luôn là chìa khóa quan trọng của xử thế”.


Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi!
Đỗ Hồng Ngọc
 
Tôi đọc được những dòng này của một thiếu nữ 15 tuổi trên một tờ báo dành cho tuổi mới lớn. Em viết về mẹ của mình.
“15 tuổi, tôi không còn quá nhỏ để mẹ lúc nào cũng chú ý “chi li” từng việc như: Tôi ăn cơm chưa, tôi… tắm chưa và bạn của tôi là những đứa nào?…
15 tuổi, mẹ vẫn còn đưa đón tôi đi học… Tôi xấu hổ với bạn bè, còn mẹ thì lo sợ xe cộ đông đúc…
Bao nhiêu lần tôi muốn hét lên: Mẹ đừng kỳ vọng gì vào con cả!
Bao nhiêu lần tôi muốn buông xuôi… để mẹ biết rằng tôi đã lớn và có thể quyết định những thứ ngoài “vòng kim cô” của mẹ.
Nếu có một điều ước, tôi chỉ muốn mình được…”tự do”.”
Tôi đọc mà buồn quá! Mẹ mà không được kỳ vọng gì vào con cả thì kỳ vọng vào ai? Ai có thể đỡ đần cho mẹ lúc già nua tuổi tác? Ai có thể lo lắng cho mẹ lúc ốm đau bệnh họan? Ai có thể chia ngọt sẻ bùi với mẹ lúc canh vắng đêm dài, với bao nỗi lo toan, nhọc nhằn không nói nên lời?
Tôi hiểu trong một lúc quá đỗi bực mình nào đó, em đã thốt lên những lời đau xót này với mẹ. Tôi chắc rằng, một ngày kia, khi tuổi đời thêm chồng chất, đọc lại những dòng này em sẽ vô cùng hối hận. Tôi hiểu rằng rồi đây khi đến lượt mình bế trên tay một đứa con đỏ hỏn, rứt ra từ núm ruột của mình thì em sẽ thấm thía nghĩ về mẹ mình ngày xưa, lúc đó nhiều khi mẹ đã không còn nữa! Tôi chắc rằng người mẹ khi đọc những dòng này của em sẽ không hề khóc, sẽ chỉ trìu mến nhìn đứa con thân yêu từ núm ruột mình rứt ra kia đang hờn dỗi và càng thương nó hơn. Khi nhìn con đã ngủ ngon lành sau cơn phiền muộn, mẹ sẽ kéo tấm chăn mỏng đắp thêm cho con, vuốt lại tóc con cho ngay ngắn, len lén hôn lên trán con thật nhẹ, rồi rón rén bước đi….
Nhớ lại những ngày xưa , mẹ có thể mỉm cười.. Những lúc bú mớm con cũng đã từng cắn mẹ đau điếng! Những lúc bệnh hoạn con cũng làm mẹ thức thâu đêm. Con ho mà mẹ ran lồng ngực. Con ỉa chảy mà mẹ đau thắt ruột gan. Mẹ không ngại ngần hôi hám, vấy bẩn để chăm sóc con. Có lúc ngửi mùi phân của con, có lúc ngửi mùi nước tiểu của con để theo dõi bệnh trạng báo cho bác sĩ. Sữa mẹ là những tế bào thân xác mẹ vỡ ra mà thành. Mẹ xanh xao đi để con được hồng hào. Mẹ lùn thấp xuống để con đựơc cao lớn lên. Mẹ loãng xương để con được cứng cáp. Mẹ nhăn nheo để con đầy đặn. Mẹ xấu xí từng ngày để con ngày càng rạng rỡ xinh tươi. Nhìn con lớn lên mẹ nhìn thấy mẹ ngày xưa. Con nói bi bô, con đi lững thững từng bước một… ngày nào! Mẹ hãnh diện nhìn con như dòng sông hãnh diện nhìn dòng nước chảy. Mẹ không kỳ vọng vào con thì kỳ vọng vào ai?
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn có môt bài hát rất dễ thương. Mỗi Tết đến, khi con “mừng tuổi mẹ” thì càng thấm thía “ngày con xa mẹ càng gần”! Không kỳ vọng vào con thì kỳ vọng vào ai?.
Rồi một ngày nào đó, chắc chắn con sẽ được “tự do”…, con sẽ thoát khỏi “vòng kim cô” của mẹ, không cần phải có một điều ước!

Sẽ không còn ai nữa chú ý “chi li” đến từng việc của con, ăn cơm chưa , tắm chưa, và bạn con là những đứa nào?…
Cho nên, tôi nghĩ ngay bây giờ em đã có thể ôm lấy mẹ và nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, mẹ cứ kỳ vọng vào con đi! Nhưng đừng tạo sức ép, đừng làm con quá đỗi lo âu. Con đã lớn rồi! Con sẽ không phụ lòng mẹ đâu! Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi!

Nguồn tin: Văn Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập103
  • Hôm nay10,818
  • Tháng hiện tại358,239
  • Tổng lượt truy cập36,412,794
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây