Ông Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie), bí thư thành ủy Tây Tạng, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, khẳng định phải « giữ vững vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc ». Vẫn theo vị lãnh đạo này, kể từ khi « Tây Tạng có được giải phóng hòa bình năm 1951, ai cũng nhận ra rằng chỉ với vai trò lãnh đạo của đảng, Tây Tạng mới có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng ».
Ngoài việc khẳng định « Tây Tạng là một phần của Trung Quốc từ thời xa xưa. Đất nước Trung Hoa phải luôn gìn giữ điều này », ông Ngô Anh Kiệt còn cho rằng về mặt tôn giáo, « Trung Quốc phải điều chỉnh lĩnh vực này sao cho phù hợp với bối cảnh đất nước và xin nói rõ là Phật giáo Tây Tạng luôn là một phần không tách rời trong văn hóa Trung Quốc ».
Reuters nhắc lại, hôm nay, 23/05/2021, là đúng 70 năm ngày các đại diện của đức Đạt Lai Lạt Ma phải ký kết một thỏa thuận 17 điểm về giải phóng hòa bình cho Tây Tạng ngày 23/05/1951, một năm sau khi quân đội Trung Quốc vào chiếm Tây Tạng.
Năm 1959, đức Đạt Lai Lạt Ma buộc phải chạy khỏi Tây Tạng sau một cuộc nổi dậy chống sự thống trị của Trung Quốc bất thành. Những nỗ lực của chính phủ Tây Tạng lưu vong, « Chính quyền Trung ương Tây Tạng » (CTA), nhằm cho phép 150 ngàn người Tây Tạng lưu vong hồi hương cũng như mong muốn có được « một quyền tự trị » cho Tây Tạng mà không hẳn một nền độc lập hoàn toàn, đều bị phía Bắc Kinh từ chối. Trung Quốc luôn xem đức Đạt Lai Lạt Ma như là một phần tử ly khai.
Hồi tháng 12/2020, Quốc Hội Mỹ thông qua dự luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng, đòi hỏi quyền được lựa chọn Đạt Lai Lạt Ma kế tục cho người Tây Tạng cũng như yêu cầu lập tòa lãnh sự quán Mỹ ở Lhasa, Tây Tạng đã bị Bắc Kinh lên án mạnh mẽ cho đấy là một hành động can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Nguồn tin: Minh Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn