CHỌN LỰA CƠN BÃO CHO MÌNH

Chủ nhật - 22/10/2023 22:07
unnamed
unnamed

“Chúng ta chỉ sống, chỉ ngạc nhiên, bị nuốt trọn trong ngọn lửa hoặc ngọn lửa.”
 
T.S. Eliot đã viết dòng này, và gợi ý rằng lựa chọn của chúng ta trong đời này không phải là giữa bình yên và cơn bão, mà là cơn bão này hay cơn bão kia.
 
Dĩ nhiên ông nói đúng, nhưng đôi khi cần thay đổi phép ẩn dụ này: Chúng ta sống trong một thế giới kẹt giữa hai vị thần rất mạnh và rất khác biệt, là hỗn loạn và trật tự.
 
Hỗn loạn là thần của lửa, sinh sôi, liều lĩnh, sáng tạo, đổi mới hoặc buông bỏ.  Hỗn loạn là thần của sự hoang dại, đem đến sự hỗn loạn và rối ren.  Hầu hết nghệ sĩ thờ phụng thần này.  Hỗn loạn còn là thần của sự thao thức, bồn chồn và tan rã.  Thật vậy, hỗn loạn hoạt động bằng sự tan rã những gì ổn định.  Hỗn loạn thường được những người người có tâm thức tự do tôn thờ.
 
Trật tự là thần của nước, của sự thận trọng, thanh tẩy, thường thức, ổn định và bám víu.  Trật tự là thần của quy tắc, thích hệ thống và một mái nhà không dột.  Trật tự thường được những người có tâm thức bảo thủ tôn thờ.  Ít nghệ sĩ hướng về trật tự, nhưng thế giới kinh doanh và giáo hội đã bù đắp quá đủ cho phần này.  Nhìn chung, trật tự là thần của họ.  Trật tự cũng có thể là thần của sự tẻ nhạt, dè dặt và khắt khe.  Với trật tự, ta không bao giờ bị tan rã, nhưng có lẽ sẽ thấy ngột ngạt.  Tuy nhiên, dù không đem lại nhiều sự phấn khích, thần trật tự giữ cho nhiều người được tỉnh trí và sống.
 
Hỗn loạn và trật tự, lửa và nước, không ưa nhau lắm.  Tuy nhiên, cả hai đều yêu cầu ta phải tôn thờ.  Thật không may, như mọi thần linh phiến diện, cả hai đều muốn chiếm lấy tất cả chúng ta, nhưng nếu chúng ta chịu quy phục như thế thì rất nguy hiểm.
 
Trung thành với một trong hai một cách tuyệt đối, thường dẫn đến sự tự diệt.  Khi hỗn loạn nắm quyền và không có trật tự kiểm soát, thì sự tan rã về tinh thần và tình cảm sớm bao trùm lên ta một bóng tối thường không thể nào vượt qua nổi.  Và đó chính là ý nghĩa của tan rã.  Ngược lại, khi trật tự hoàn toàn triệt tiêu hỗn loạn, trở nên một nhân đức tự diệt đóng giả làm Thượng đế, thì nó hút cạn sức sống của hân hoan và khả thể.
 
Tôn thờ chỉ một trong hai là rất nguy hiểm.  Cả hai đều cần thiết.  Linh hồn, giáo hội, đời sống thực tế, cơ cấu xã hội và cả tình yêu đều cần đến sự hòa trộn của cả hai, cả lửa và nước, cả hỗn loạn và trật tự.  Quá nhiều lửa thì sẽ cháy, sẽ tan rã.  Quá nhiều nước và chẳng có gì đổi thay, thì sự nhẫn tâm ngự trị.  Quá nhiều buông bỏ thì sự siêu phàm của tình yêu trở nên rẻ rúng, quá nhiều dè dặt thì tình yêu chỉ còn là thứ khô khan héo hắt.  Không, cả hai đều cần thiết, cả trong đời sống thực tế, trong đời sống tình yêu, trong giáo hội, luân lý, kinh doanh và chính phủ.  Liều lĩnh và thận trọng, nhạc rock và nhạc bình ca, cả hai đều chứa đựng tiếng thì thầm của Thiên Chúa.  Không phải tình cờ mà chúng ta kẹt giữa hai thứ này.
 
Và đây cũng không có gì là bất ngờ, vì Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa của cả hai, cả lửa và nước, cả hỗn loạn và trật tự, cả tự do và bảo thủ, cả tình yêu trong trắng và hoang đàng.  Thiên Chúa là điểm quy chiếu và cũng là nguyên tắc cho sự đổi mới, tươi mới và hồi sinh.
 
Thánh Tôma Aquinô từng định nghĩa tâm hồn con người là cấu thành từ hai nguyên tắc, nguyên tắc của sinh lực và nguyên tắc của sự dung hợp.  Một nguyên tắc giữ cho chúng ta sống và nguyên tắc kia giữ chúng ta cố kết.  Hai nguyên tắc này, dù có căng thẳng với nhau, nhưng vô cùng cần đến nhau.  Một tâm hồn lành mạnh giữ cho cho chúng ta có sinh lực, háo hức sống, nhưng một linh hồn lành mạnh cũng giữ cho chúng ta cố kết, biết mình là ai.  Tâm hồn chúng ta cần đem lại cho chúng ta sinh lực và sự toàn vẹn, lửa và keo.
 
Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu muốn và cần cả trật tự lẫn hỗn loạn.  Tình yêu luôn muốn xây dựng mái ấm, yên ổn, tạo một nơi yên bình, vững vàng và thanh sạch.  Trong chúng ta có khát khao thiên đàng, do đó tình yêu hướng về trật tự.  Nó muốn tránh sự tan rã về tình cảm và tinh thần.  Nhưng tình yêu cũng hướng về sự hỗn loạn.  Trong tình yêu có gì đó muốn buông bỏ, muốn bị chiếm lấy, muốn bỏ đi những giới hạn, muốn cái mới, cái lạ và muốn buông bỏ con người cũ.  Đó là một nguyên tắc mang tính sinh sôi trong tình yêu đã giúp duy trì nhân loại này!
 
Thiên Chúa của chúng ta tôn vinh cả hỗn loạn và trật tự, chính vì thế, giữ cho cả hai trong thế căng thằng là một điều lành mạnh.  Để được lành mạnh, chúng ta cần đưa cả hai lại với nhau trong lòng mình, và không phải là kiểu đưa hai đảng đến bàn đàm phán, mà là theo kiểu hệ thống cao áp-thấp áp tạo nên một cơn bão.  Sau cơn bão, trời lại sáng.
 
Trong giông tố, có sự sống và có Thiên Chúa.  Trong giông tố, chúng ta khởi đầu, sự khởi đầu thông việc chìm vào ngọn lửa dữ dội của dục vọng và làn nước ngất ngây của sự quy phục.

 

Nguồn tin:   Rev. Ron Rolheiser, OMI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập66
  • Hôm nay8,909
  • Tháng hiện tại102,570
  • Tổng lượt truy cập34,735,289
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây