Nhắc đến nơi ở của Thần Tiên, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến “Thiên đường”. Tuy nhiên, trong các truyện thần thoại lại thường mô tả các vị Thần đều sống ở trên “Tiên sơn” (núi Tiên). Xưa kia, Tần Thủy Hoàng muốn trẻ mãi không già, ông đã sai người từ Phúc Kiến ra khơi tìm “Bồng Lai Tiên sơn” trong truyền thuyết. Sau này, thi nhân nổi tiếng thời nhà Đường, Bạch Cư Dị cũng từng viết trong tác phẩm “Trường hận ca” như sau: “Chợt nghe trên biển có Tiên sơn, núi hiện lên giữa hư vô mù mịt”, ám chỉ ngọn núi Thần Tiên ở trên biển trong truyền thuyết.
Khúc mở đầu trong bài “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” (Mơ đi chơi núi Thiên Mụ, làm thơ để lại lúc từ biệt) của Lý Bạch viết như sau:
Hải khách đàm Doanh Châu,
Yên đào vi mang tín nan cầu.
Việt nhân ngữ Thiên Mụ,
Vân hà minh diệt hoặc khả đổ.
Dịch nghĩa:
Khách đi biển kháo nhau về Doanh Châu,
Khói sóng mù mịt, tin rằng khó tìm được.
Nay người Việt nói về Thiên Mụ,
Mây khi tỏ khi mờ cũng có thể nhìn thấy.
Tạm dịch thơ:
Cảnh tiên trên biển khách bàn,
Tìm đâu cho thấy sóng tràn mênh mang
Chỉ riêng người Việt – Chiết Giang,
Kháo hòn Thiên Mụ chắn ngang chân trời!
Hẳn là nhiều người đã biết đến điều này. Trong bài có đề cập đến Doanh Châu. Theo truyền thuyết kể lại thì đây là tên một trong những ngọn núi thuộc Tiên Sơn. Cái tên này gắn liền với Đại Tự, Viên Kiệu, Phương Hồ – còn gọi là Phương Trượng, Tịnh xá Bồng Lai. Đây là tên gọi của 5 tòa Tiên Sơn, giống như những hòn đảo Thần Tiên ở trên biển vậy.
Theo sách Liệt tử ghi chép: “Tất cả 5 hòn đảo Tiên đều có núi cao chót vót, chu vi 30.000 dặm, đỉnh núi bằng phẳng và có độ rộng lên đến 9000 dặm vuông. Mỗi ngọn núi cách nhau 70 ngàn dặm. Kiến trúc nhà trên đảo đều được nạm bằng vàng ngọc, chim muông đều là màu trắng tinh khiết. Cây cối tỏa sáng như ngọc, các cành cây được tô điểm bằng những trái quả tươi ngon, người ăn được thì có thể trường sinh bất lão. Trên đảo toàn là con cháu của Thần Tiên, họ bay lượn trên không trung trông rất sống động”.
Nhưng trong số những truyền thuyết về năm ngọn núi Tiên, thường chỉ kể về 3 ngọn núi là Phương Trượng, Doanh Châu và Bồng Lai. Còn Đại Tự và Viên Kiệu đều đã mất dấu tích. Doanh Châu cách Thiệu Hưng 700.000 dặm hướng ra ngoài biển, có diện tích hơn 4.000 dặm, trên đảo có các Thần tiên thảo mộc sinh sống. Ngoài ra, trên ngọn Doanh Châu còn có núi Thanh Ngọc cao ngàn trượng tạo nên từ ngọc. Trong núi có suối nước gọi là suối Ngọc Lễ, nước ngọt như rượu, chỉ uống một chút đã khiến người say. Hơn nữa, uống nước suối này còn có thể giúp người được trường sinh bất lão. Trên đỉnh Doanh Châu còn có Thần Tiên sinh sống. Vì là động phủ trên núi Tiên, các công trình kiến trúc được chạm khắc tự nhiên tuyệt đẹp đến mức không lời nào có thể tả được. Phong tục địa phương tương tự như cách mà người nước Ngô sinh hoạt, đất đai và phong cách tướng mạo người trời giống hệt với người Trung Nguyên.
Hai cuốn sách cổ là Sơn Hải Kinh và Phong Chân Thư thậm chí còn miêu tả về những ngọn núi này một cách sống động hơn. Do đó, các vua Tề Uy Vương và Yên Chiêu Vương thời Xuân Thu còn phái người ra biển tìm Tiên Sơn. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là câu chuyện Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế đi tuần về hướng Đông mong cầu có được thuốc Tiên. Tương truyền rằng, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, một người cầu Tiên học đạo tên là Từ Phúc đã miêu tả chi tiết sự tích về Tiên Sơn cho Tần Thủy Hoàng nghe. Ông cũng tỏ ý nguyện vì hoàng đế mà xông pha nơi khói lửa đi tìm thần dược trường sinh bất tử giúp hoàng đế. Sau khi nghe vậy, Tần Thủy Hoàng đã tỏ ra vô cùng vui mừng, lập tức hạ lệnh đóng hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ cho Từ Phúc, chuẩn bị một lượng lớn vàng bạc châu báu, lương thực, đồ dùng cùng mấy ngàn người phục dịch khởi hành cùng Từ Phúc. Vì vậy đã có ghi chép lịch sử về việc Từ Phúc mang theo tàu khổng lồ này di chuyển về phía Đông. Tuy nhiên sau đó đội tàu thuyền đã bặt vô âm tín, không có tung tích gì, không thấy ghi trong sử sách nữa. Còn việc Từ Phúc có thực sự dốc hết sức mình để tìm tiên dược cho hoàng đế hay không, hay ông đã đem châu báu đến vùng đất mới rồi tự lập Vương vị, điều này không thấy ghi trong sử sách nên cũng không ai biết.
Tuy nhiên, hơn 200 trăm năm sau lại xuất hiện một nước gọi là Oa quốc (tiền thân của nước Nhật) ngoài biển Đông tới cống nạp tài vật cho triều đình nhà Đông Hán. Cũng từ đó về sau, mối quan hệ giao thương kéo dài qua hàng nghìn năm giữa Trung Hoa và Nhật Bản được bắt đầu. Hơn nữa, tại Nhật còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về Từ Phúc. Sau khi xuôi thuyền về hướng Đông, Từ Phúc bắt đầu định cư tại nơi đây, ông đã truyền dạy kiến thức về trồng trọt, phương pháp đánh bắt cá, kỹ thuật rèn và làm muối cho người bản địa. Không chỉ vậy, ông còn dạy cả kỹ thuật chữa bệnh… hướng đến nền văn hóa mới của nước Tần, xúc tiến cho sự phát triển của nước Nhật. Ông cũng nhận được sự kính trọng của người Nhật. Cũng có người nói, Từ Phúc chính là Thần Vũ thiên hoàng, một vị khai quốc công thần của Nhật trong truyền thuyết. Ba bảo vật tượng trưng cho sức mạnh của đất nước Nhật Bản là Bát chỉ kính, Thiên tùng vân kiếm và Bát xích quỳnh câu ngọc đều có những đặc trưng của thời Chiến Quốc. Vì vậy, người đời sau từng nói đùa rằng, Tần Thủy Hoàng vì cầu thuốc trường sinh bất lão, kết quả đã tạo ra nước Nhật. Đến cuối cùng, ông cũng không đợi được thuốc tiên và đã chết sau khi đế chế Đại Tần thành lập được vài năm.
Dưới đây là câu chuyện về núi Tiên Phương Trượng. Phương Trượng hay còn gọi là Phương Hũ. Đông Phương Sóc thời Tây Hán có mô tả rất rõ ngọn Phương Trượng trong cuốn Hải hội thập châu ký rằng: Phương Trượng Thần Châu nằm trong Đông Hải, giống như một hòn đảo vuông với chiều dài khoảng năm ngàn dặm. Trên đảo có rất nhiều rồng, cung điện vàng son lộng lẫy, có cày ruộng trồng cỏ, 10 ngàn thửa ruộng tốt, trồng cây giống như cây lúa, ở đây cũng có suối ngọc. Người ta cũng nói rằng, nhiều vị Thần Tiên không muốn lên Thiên Đường sẽ đến ở tại Phương Trượng châu, vì vậy nơi đây có đến mấy chục vạn Tiên nhân sinh sống. Chủ nhân của ngọn núi này là Cửu Nguyên Trượng Nhân, ông là vị Thần thống lĩnh thủy thần và là thủ lĩnh của thủy thú.
Lại nói về ngọn Bồng Lai Tiên Sơn, ai đó có thể hỏi, Bồng Lai có phải là một địa danh thuộc tỉnh Sơn Đông hay không? Chỗ đó đâu được gọi là Tiên Sơn chứ? Kỳ thực, đây chỉ là sự hiểu lầm mà thôi. Bồng Lai Tiên Sơn không phải là địa danh ở tỉnh Sơn Đông, tuy nhiên hai nơi này lại có rất nhiều mối liên hệ với nhau. Tương truyền, sau Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế có tài mưu lược kiệt xuất – Hán Vũ Đế, ông cũng có ý muốn tìm kiếm thuốc trường sinh bất lão, đã từng đến đảo Đăng Châu, tỉnh Sơn Đông cầu tìm thuốc Tiên. Theo ghi chép, Hán Vũ đế đã tuần du trên biển 8 lần trong suốt 23 năm với hy vọng tìm được thuốc Tiên.
Vào năm Thái Sơ thứ nhất, năm 104 trước Công Nguyên, trong lần thứ 5 du ngoạn trên biển, ông đã đến Đăng Châu và quyết định xây dựng công trình ngắm biển gọi là Bồng Lai. Từ đó, cái tên Bồng Lai đã hiện diện trên mảnh đất đại lục. Phủ Đăng Châu chính là thành phố Bồng Lai thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay. Mà địa danh Bồng Lai lại gắn liền với truyền thuyết “Bát Tiên quá hải”, do đó đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Trương truyền, tám vị Thần Tiên là: Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hòa, và Hà Tiên Cô, sau khi uống say đã đến Đăng Châu Bồng Lai du ngoạn, họ đã thi triển pháp lực của mình, lướt sóng mà đi, vì vậy mới có truyền thuyết “Bát tiên quá hải, các hiển thần thông”.
Vậy, Bồng Lai Tiên Sơn có thực sự tồn tại? Đáp án khẳng định là có, hơn nữa còn có tư liệu lịch sử ghi lại. Mà người ghi lại sự việc lại là một người rất nổi tiếng – người trong nhân thế đều biết, đó là thi nhân Bạch Cư Dị. Ông có tên chữ là Nhạc Thiên nên còn có cái tên là Bạch Nhạc Thiên. Quê gốc của ông ở Thái Nguyên, Sơn Tây nhưng lại được sinh ra ở Tân Thịnh, Hà Nam. Ông cũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất giữa thời Đường.
Chuyện kể rằng vào năm Hội Xương của triều đại nhà Đường, Ngự sử trung thừa Lý Sư Tắc làm quan giám sát ở phía Đông Chiết Giang. Năm đó có một thương nhân đi biển gặp bão, thuyền của anh ta bay theo gió, sau hơn một tháng thì bị đưa đến một hòn đảo mà ở đó kỳ hoa dị thảo, hạc trắng cây lạ, tất cả đều chưa từng thấy trên thế giới. Thuyền cập bờ, dân bản xứ đến chào hỏi vị thương gia này: “Làm thế nào mà bạn đến được đây?” Vị thương gia đã kể lại toàn bộ quá trình lưu lạc của mình, người dân địa phương mời vị thương gia lên bờ rồi lập tức đưa đến gặp Thiên Sư.
Vị thương nhân được đưa đến một nơi trông giống như ngôi đền của Đạo giáo, bên trong có một vị đạo sĩ có chòm râu và tóc hoa râm đang ngồi trên đại điện, xung quanh có 10 thị vệ. Người này nói với vị thương gia: “Ngươi là người Trung Hoa, bởi vì có duyên với nơi này nên mới có thể đến tham quan một chuyến. Đây chính là Bồng Lai Tiên Sơn. Đã tới đây rồi, sao không đi nhìn ngắm xung quanh một chút?”. Nói xong vị đạo sĩ liền lệnh cho người đưa vị thương gia đi xem ngắm xung quanh, chỉ thấy điện đài bằng ngọc bích rực rỡ. Bên trong có hơn 10 học viện rất uy nghi. Trong đó có một tòa viện được khóa cửa cẩn thận. Từ khe hở nhìn vào trong thì thấy trong viện có đủ loại kỳ hoa dị thảo, ở giữa gian phòng có chiếc đệm giường, dưới lối đi có chiếc lư đốt hương. Vị thương gia hỏi người dẫn đường rằng phòng viện này là của ai? Người này nói: “Đây là viện Bạch Cư Dị. Bạch Cư Dị đến từ tương lai của Trung Quốc”. Vị thương gia âm thầm ghi lại chuyện này vào trong tâm trí rồi chào từ biệt sau chuyến thăm quan.
Thuyền đi hơn 10 ngày mới tới được cảng Đông Hải ở Chiết Giang. Sau khi lên bờ, vị thương gia này đã kể lại những gì nhìn thấy và nghe được cho quan Ngự sử Lý Sư Tắc. Tất cả đều được ghi chép lại và báo cáo cho Bạch Cư Dị. Thế nhưng, lúc đó Bạch Cư Dị chỉ nghiên cứu kinh sách nhà Phật chứ không tìm hiểu về Đạo giáo. Sau khi nghe báo cáo, ông còn làm 2 bài thơ bày tỏ mong muốn không trở lại Tiên giới mà chỉ khao khát tới cõi Tịnh độ của Phật. Nguyên văn bài thơ như thế này: “Cận hữu nhân tòng hải thượng hồi; Hải sơn thâm xử kiến lâu thai; Trung hữu Tiên ham khai nhất thất; Giai ngôn thử đãi nhạc thiên lai”. Lời thơ có ý tứ rằng: “Gần đây có một người đi biển trở về; Ở nơi thâm sâu của biển có một ngôi nhà của Thần tiên cư ngụ; Và nói rằng đó là ngôi nhà chờ đợi Bạch Cư Dị đến”.
Ông còn viết: “Ngô học không môn bất học Tiên; Khủng quân thử ngữ thị hư truyện. Hải sơn bất thị ngô quy xử; Quy tức ứng quy Đâu Suất thiên”. Ý tứ là: “Ta từ trước tới giờ chỉ học Phật không học Đạo; E rằng những lời này là không đúng sự thật; Tiên Sơn trên biển không phải là nơi ta muốn đến; Ta muốn đến cung trời Đâu Suất của Phật”. Tuy nhiên, Bạch Cư Dị sinh thời quả thật là người xem nhẹ chuyện trần thế, không màng chức vị. Điều này cho thấy cảnh giới của ông không giống với người bình thường. Làm sao có thể nói ông không phải là một vị Thần tiên được phái tới thế gian?
Người Trung Quốc cổ đại tin vào sự tồn tại của Phật, Đạo và Thần, đồng thời chú trọng đến việc tu dưỡng đạo đức của bản thân, hành xử dựa trên nền tảng trọng đức. Nhiều người thậm chí còn tu luyện trong các pháp môn khác nhau với hy vọng có thể đắc Đạo thành Tiên. Họ rất thành kính tín ngưỡng vào Thần Phật khiến Thần Phật hiển linh, triển hiện cảnh giới của cao tầng cho con người. Thậm chí những người tu luyện còn có thể tiến vào thế giới Thần Tiên ở các cảnh giới khác nhau. Thời thượng cổ còn có một khoảng thời gian mà con người và Thần cùng tồn tại trong xã hội. Có người nhờ cơ duyên mà đến được Tiên Sơn, có người đạt được đạo trường sinh, cũng có người ở lại cảnh giới đó vài ngày rồi trở về nhân gian đã thấy mấy trăm năm trôi qua, thậm chí triều đại cũng đã đổi thay. Không chỉ vậy, đôi khi con người còn nhìn thấy Tiên Sơn trên biển cũng hiện ra trong không gian này, giống như người ta vẫn thường gọi là ảo ảnh.
Với đạo đức nhân loại trượt dốc, ,,,, văn hóa truyền thống của Trung Hoa lần lượt bị phá hủy một cách triệt để, khiến xã hội Trung Quốc không còn đạo đức ước thúc nữa. Con người ngày càng xa rời Thần, Thần cũng không triển hiện trước con người nữa. Nếu người nào có thể quay trở về con đường truyền thống, nâng cao đạo đức của mình, như vậy Thần nhất định sẽ đến và mang theo phước lành cùng vinh quang ban tặng cho họ.
Nguồn tin: Theo Sound of Hope San San biên dịch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn