Tiếp theo Mùa Thường Niên là Mùa Chay Thánh, người Kitô hữu chúng ta cần phải làm gì?
Thánh Luca nói với chúng ta là sau khi chịu phép thánh tẩy, Chúa Giêsu được “tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần...và được dẫn đưa vào hoang địa rồi ở đó 40 ngày để bị ma quỉ cám dỗ” (Lc 4:1-2). Giáo lý Công Giáo cắt nghĩa thời gian Chúa ở trong hoang địa như sau:
“Các Tin mừng Phúc Âm nói đó là thời gian cô quạnh buồn thảm ở trong hoang địa mà Chúa Giêsu đã trải qua ngay sau khi Chúa được ông Gioan Tiền Hô làm phép rửa tại sông Jordan. Được thần linh dẫn vào sa mạc, Chúa ở đó 40 ngày để ăn chay hãm mình, sống với thú vật hoang dã và có các thiên thần hầu hạ.” (Sách Giáo lý câu 538).
Theo truyền thống, mùa Chay là thời gian 40 ngày suy niệm của Chúa Giêsu trong hoang địa. Giáo lý cắt nghĩa: “Nhờ 40 ngày mùa chay, Giáo Hội cùng các giáo dân hàng năm hiệp thông với màu nhiệm chúa Giêsu trong hoang địa” (c.540).
Tại sao Chúa Giêsu lại đi vào hoang địa? Tại sao không là Jerusalem để Chúa bắt tay vào sứ mệnh giảng dạy ngay? Tại sao không ở trên núi Carmel hay những suối nước trong mát gần đó? Có rất nhiều địa danh sạch sẽ văn minh tráng lệ để gửi Chúa đến mà tại sao lại là sa mạc? Và tại sao Giáo Hội lại dùng thời gian Chúa ở trong sa mạc làm căn bản cho mùa Chay Thánh? Đó là những điều chúng ta cần phải suy niệm trong Mùa Chay Thánh này.
Chúa được đưa vào sa mạc để sửa chữa hai khoảnh khắc cấp kỳ của cuộc phản loạn trong lịch sử ơn cứu độ.
Để hòa giải cuộc phản loạn, Chúa Giêsu đã chứng tỏ sự yêu mến và vâng lời của Chúa đối với Thiên Chúa Cha. Chúa cũng cho chúng ta biết mục đích của sứ mệnh cứu chuộc của Chúa.
Sa mạc cho thấy Chúa Giêsu như là một ADong mới mà sách giáo lý cắt nghĩa, là “Vào cuối thời gian ăn chay lúc Chúa mệt mỏi và đói khát, quỉ Satan cám dỗ Ngài ba lần để mong Chúa lỗi tình cha con với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã cương quyết cự tuyệt cả ba lần cám dỗ đó, như tóm gọn những cám dổ của ADong trong vườn địa đàng và cám dỗ của dân Israel trong sa mạc, và rồi quỉ Satan đã phải bỏ chạy để chờ cơ hội khác” (c.538).
ADong đầu tiên hay gọi là ADong cũ đã tự chọn cho mình vượt lên trên Thiên Chúa. Ông từ chối đến gần Chúa là Cha mình. Ông đã lầm khi nhìn Chúa như là một người trần tục có thế quyền phải lật đổ. ADong này muốn chấp nhận thái độ của người cha ma quỉ và rồi phạm tội chống lại người Cha trên thiên đàng.
Chúa Giêsu đã làm ngược lại. Dù đói khát và mệt mỏi, Ngài vẫn bám chặt vào Cha Ngài và kiên định nắm vững tình yêu mến và trung thành với Cha trên trời.
Giáo lý tóm tắt như sau: “Các tác giả Phúc Âm đã cho thấy ý nghĩa cứu độ của biến cố huyền bí này. Chúa Giêsu là ADong mới đã trung thành trong khi ADong thứ nhất cũ đã sa ngã khi bị cám dỗ.”(c.539)
Sa mạc cũng cho thấy Chúa Giêsu như một Israel mới. Vì dân Chúa xưa đã được dẫn qua sa mạc trong 40 năm, họ đã than khóc và oán trách chống lại Thiên Chúa. Họ không còn tình cha con, mất tin tưởng và lòng biết ơn đối với Cha ở trên trời.
“Chúa Giêsu đã hoàn thành ơn gọi của Israel cách trọn vẹn,” -Giáo lý cắt nghĩa. “Trái ngược với những kẽ đã từng khiêu khích Thiên Chúa trong vòng 40 năm trong sa mạc mà Chúa Kito vẫn chứng tỏ mình là đầy tớ của Thiên Chúa hoàn toàn trung thành với ý muốn của Thiên Chúa” (c.539).
Nhờ ở lòng trung thành với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu “đã chinh phục, chiến thắng được ma quỉ: Ngài ‘trói kẻ cướp’ để lấy lại những thứ chúng đã cướp. Những chiến thắng cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc đã tiên đoán, cho thấy trước cuộc chiến thắng lúc Khổ Nạn của Chúa Kito, một hành động siêu phàm của sự vâng lời tuyệt đối do tình yêu Con đối với Cha” (c.539).
Cuộc nổi loạn của loài người đã được chữa lành nhờ lòng trung thành của Chúa Giêsu Kito, ADong mới và Israel mới, và lòng trung thành như vậy chính là tiền thân của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa, sự khổ nan, cái chết và phục sinh của Chúa khi Chúa tự hy sinh hiến tế để cho chúng ta có được chiến thắng nhất định và trọn vẹn.
Vì vậy Giáo Hội trở lại với sa mạc như một mô hình của Mùa Chay. Vì thời gian ở trong sa mạc chỉ ra và dẫn đến mầu nhiệm phục Sinh, nên Mùa Chay là mùa chúng ta suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa đồng thời cũng để sửa soạn mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Và việc tái trình diễn này trong phụng vụ là tuần tam nhật thánh tức là 3 ngày thứ 5 thứ 6 và thứ 7 tuần thánh.
Với ý niệm đó chúng ta sẽ dễ hiểu tại sao Mùa Chay lại bắt đầu với việc mừng lễ tro vào ngày thứ tư hàng năm. Vào ngày này người tín hữu được đánh dấu tro trên trán để kêu gọi phải tự chết cho mình và sống trọn vẹn hơn nữa cho Chúa Giêsu Kito như thánh Phaolo đã dạy:
“Bạn có biết rằng tất cả chúng ta khi chịu phép rửa trong Chúa Kito là chúng ta chịu phép rửa trong cái chết cuả Người hay sao? Do đó chúng ta phải được chôn vùi cùng với Người bởi phép rửa trong sự chết. Vậy khi Chúa Kito vừa sống lại từ cõi chết trong vinh quang của Chúa Cha thì chúng ta cũng có thể bước vào một cuộc sống mới.” (Rm 6:3-4).
Mùa Chay như thể là để nói vể màu nhiệm phục sinh. Mỗi người chúng ta liên kết cùng với Chúa Giêsu trong sa mạc và cam kết mạnh mẽ hơn bước theo con đường Chúa đã đi. Như vậy mùa Chay chính là thời gian ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí.
Mỗi người tin hữu cần phải hiểu rõ màu nhiệm phục sinh và biết tại sao nó lại quan trọng và cần thiết trong đời sống của người Kito hữu. Đây là mục đích của Mùa Chay Thánh và lý do tại sao có Mùa Chay.
Nhờ phép rửa, chúng ta trở nên những phần tử của chính thân xác Chúa Kito. Chúng ta trở thành những tham dự viên trong cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Người. Mỗi ngày chúng ta được kêu gọi để chịu nạn, nhớ lại những lỗi lầm tội lỗi của chúng ta, những lúc sầu buồn sợ hãi và thời gian đen tối chán nản thất vọng phải ôm thập giá. Nhờ sống với thập giá chúng ta đã kết hợp với Thiên Chúa và tin tưởng vào Người. Nhờ thập giá chúng ta có thể được chia sẻ sự sống lại phục sinh của Chúa Giêsu Kito.
Nhịp sống của thế giới ngày nay với muôn ngàn giải trí thác loạn và rối tung đã quá dễ dàng làm cho chúng ta mất đi những gì là mầu nhiệm. Chúng ta dễ dàng chấp nhận những gì thoải mái dễ chịu, lạc thú thế xác vật chất oai hùng vui sướng để tự thỏa mãn. Chúng ta cần Chúa giúp đỡ để chỉnh đốn lại hướng đi cuộc sống chúng ta trở về con đường hy sinh yêu thương.
Mùa Chay chính là một tặng phẩm. Nó đòi hỏi phải có suy tư chiêm nghiệm. Nó cũng buộc chúng ta -qua nhiều sám hối và thực hành khổ hạnh- để một lần nữa phải chọn lựa con đường mà Chúa Giêsu đã đi.
Mùa Chay đưa chúng ta đến điểm ngừng hoàn toàn -bỏ lại đàng sau mọi thú vui thế tục, đặt tro lên trán chúng ta. Tro là dấu hiệu của suy tàn, khiến chúng ta phải kiêng thịt, không còn ham muốn xác thịt, kêu gọi chúng ta phải cầu nguyện, thúc đẩy chúng ta đi gặp và thăm hỏi giúp đỡ những người nghèo khổ, tự chiêu hồi mình để thực hành khổ hạnh. Mùa Chay nâng lòng trí và tâm hồn chúng ta lên với Chúa để canh tân đời sống. Mùa Chay nói với chúng ta “Mầu nhiệm Phục Sinh là tất cả những gì thuộc về đời sống của bạn. Bạn hãy nhìn thật kỹ vào mầu nhiệm này.”
Việc thống hối trong Mùa Chay không chỉ cho riêng chúng ta. Nó không đơn thuần là để tự giúp mình hay tự hoàn chỉnh mình, hay tự sửa chữa những lỗi lầm của mình vì lợi ích của riêng của mình. Nếu chỉ có thế thì những việc làm như vậy chỉ là màu mè hoa hòe hoa sói bề ngoài nếu không là tự khen mình- chủ nghĩa tự tôn. Nó cần khuyến khích mọi người trong cộng đồng giáo xứ, bạn bè và tha nhân cùng làm như mình. Mùa Chay cũng cần phải đào sâu hiểu biết và cảm nghiệm những đau thương khổ cực thập giá và phục sinh của Thiên Chúa là đấng đã yêu thương chúng ta và muốn kết hợp với chúng ta.
Mùa Chay là những gì cảm nghiệm như thể tâm hồn chúng ta nắm bắt ôm chặt được vào với Thiên Chúa và nhận ra lời gọi thanh tẩy để tìm đến với Người qua tình yêu thương cho không của Chúa Giẹsu Kito.
Vì những lý do này mà Mùa Chay đã chỉ cho chúng ta để chúng ta chuẩn bị Tuần Thánh cho sốt sáng, trong đó chúng ta cũng mửng -theo phụng vụ- cả mầu nhiệm Phục Sinh mà chúng ta đang sống trong cuộc sống hàng ngày.
Mùa Chay giúp chúng ta tham dự cách thiêng liêng vào những phụng vụ của Tuần Tam Nhật trong tuần thánh, như chứng nhân việc tái diễn cuộc khổ nạn, chịu chết và sống lại của Chúa Giêsu và nói: “Vâng, tôi biết mầu nhiệm này. Tôi sống mầu nhiệm này và nó là một phần của đời tôi.” Do đó, Mùa Chay Thánh tốt là tất cả như một Tuần Thánh tốt. Và một Tuần Thánh tốt là tất cả như là một hiệp nhất với Thiên Chúa và hàng ngày tìm kiếm niềm vui Chúa Phục Sinh. Xin Chúa giúp con sống một Mùa Chay Thánh này một cách thật trọn vẹn.
Nguồn tin: Nguyễn Tiến Cảnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn