Thánh Giuse sống chứng tá đức tin trong hoàn cảnh di dân
Là một người lao động đơn sơ khiêm nhường trong một gia đình Thánh Gia bình thường tại làng quê Nazareth tầm thường, chắc hẳn sau những giờ lao động vất vả nơi xưởng mộc, thánh Giuse phải suy nghĩ nhiều về những gì đang xảy đến trong gia đình mình. Các biến cố xảy đến đều được can thiệp từ Thiên Chúa.
Một trong những biến cố nói lên chứng tá đức tin của thánh Giuse là hành trình lên đường dẫn gia đình mình đi qua Ai Cập, trước hết là tị nạn để bảo vệ mạng sống cho Hài Nhi Giêsu (x. Mt 2,13-18). Thánh nhân đem gia đình vào một cuộc di dân bất đắc dĩ nhưng không có lựa chọn khác. Cũng như biết bao nhiêu người di dân trên thế giới, họ có thể di dân và tị nạn vì chính trị, kinh tế, xã hội hoặc mưu sinh. Những người di dân dù thời đại nào họ cũng mang một tâm trạng hoặc tâm lý của người ngoại kiều trên đất nước khác, vì thế sẽ có nhiều khó khăn về khác biệt văn hóa, tôn giáo và tương quan xã hội.
Thánh Giuse và Mẹ Maria phải sống văn hóa và niềm tin Do Thái của mình trên đất khách quê người. Khi giữ luật tôn giáo và sống niềm tin đó giữa những người khác niềm tin, thánh Giuse đã hướng dẫn gia đình làm chứng nhân cho đời sống tôn giáo của mình. Vì thế, có thể nói thánh Giuse đã là một “nhà truyền giáo” (Do Thái giáo) trên đất Ai Cập trong tâm thức của một gia đình di dân và tị nạn. Lời của Đức Thánh Cha Phanxicô mới đây củng cố thêm cho chúng ta về lòng tin vào Chúa nơi thánh Giuse khi sống và yêu thương phục vụ giữa những người xa lạ. Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ: “Chúng ta cũng đừng bao giờ nghĩ rằng tin có nghĩa là tìm ra các giải pháp dễ dàng và an ủi. Đức tin mà Chúa Kitô đã dạy chúng ta là những gì chúng ta thấy nơi Thánh Giuse. Ngài không tìm kiếm những lối tắt, mà mở rộng đôi mắt để đối mặt với thực tế và nhận trách nhiệm cá nhân về điều ấy. Thái độ của Thánh Giuse khuyến khích chúng ta chấp nhận và đón nhận người khác như họ vốn có, không có ngoại lệ, và quan tâm đặc biệt đến những người yếu đuối, vì Thiên Chúa chọn những gì yếu đuối (x. 1 Cr 1,27)… Ngài truyền cho chúng ta phải yêu thương người xa lạ ở giữa chúng ta” (Phanxicô, Tông thư Trái Tim Người Cha). Quả thật, thánh Giuse đã sống chứng tá đức tin trong hoàn cảnh một kiều dân trên đất Ai Cập. Phải chăng là ngài đang truyền giáo bằng chính việc sống các giá trị của Tin Mừng?
Thánh Giuse truyền giáo bằng sống giá trị Tin Mừng
Thánh Giuse sống tư cách một người Do Thái mẫu mực, luôn sẵn sàng chu toàn thánh ý Thiên Chúa một cách cẩn thận qua những gì lề luật dạy (x. Lc 2,22.27.39), sống lương thiện trong cung cách của một người chồng hiền lành, một người cha gương mẫu, một người công dân chu toàn tốt bổn phận của mình. Sự đơn sơ khiêm nhường của thánh Giuse đã tạo nên một dấu ấn đẹp trong cộng đồng. Chính đời sống đó nói lên cung cách sống Tin Mừng, như vậy làm toát lên nét đẹp của một nhà truyền giáo. Sự cộng tác của thánh Giuse trong sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu nêu gương cho sự cộng tác truyền giáo của mọi tín hữu mà Đức Thánh Cha một lần nữa đã xác định trong Tông thư Trái Người Cha: “Thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi để trực tiếp phục vụ con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu qua việc thực thi chức vụ làm cha” và như thế, “khi thời gian viên mãn, ngài đã cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ cao cả và thực sự là một thừa tác viên của ơn cứu độ”.
Một Kitô hữu hay nhà truyền giáo gương mẫu luôn ý thức rằng điều quan trọng nhất là tuân thủ thánh ý Thiên Chúa. Thánh Giuse mặc dầu không được đối thoại trực tiếp với sứ thần của Thiên Chúa như Đức Maria, nhưng thánh nhân đã đón nhận thánh ý của Thiên Chúa qua giấc mộng và ngài đã tuyệt đối thi hành bằng chính hành động mau mắn của mình trong vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Điều này cũng được Đức Thánh Cha nhắc lại trong Tông thư Trái Tim Người Cha rằng: “Ý Chúa, lịch sử và kế hoạch của Ngài vẫn hoạt động, ngay cả qua nỗi sợ hãi của thánh Giuse. Vì thế, thánh Giuse dạy chúng ta rằng đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng Ngài có thể hành động cả khi chúng ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối. Ngài cũng dạy chúng ta rằng giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối cho chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn”. Vì vậy, nhà truyền giáo làm việc bằng đôi tay và trí óc của mình trong vâng phục bài sai của Giáo hội, của hội dòng nhưng luôn ý thức là thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Tuy nhiên, để có thể thi hành thánh ý của Thiên Chúa trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng, người tín hữu cần phải học sống giá trị Tin Mừng.
Học sống giá trị Tin Mừng như thánh Giuse
Sau khi Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng, trở về làng quê Nazareth nơi Người sinh trưởng, mọi người trong làng khen Chúa, “Ngài chẳng phải con bác thợ sao?” (x. Lc 4, 16-22). Có thể xác quyết rằng, một người con trong gia đình làm việc tốt, sống tốt, làm tiếng tăm của gia đình được ca ngợi, nhất là người cha sẽ được chúc tụng, vì biết cách dạy dỗ giáo dục con cái. Chúa Giêsu sống giá trị Tin Mừng trong gia đình Thánh Gia trước khi Người rao giảng Tin Mừng cho người khác. Vì thế, chúng ta phải xác tín rằng thánh Giuse và Đức Maria là những con người đầu tiên sống và làm gương cho các giá trị Tin Mừng. Từ đó lan tỏa ra cho mọi người trong làng trong xóm. Ngày hôm nay, những gia đình Kitô hữu nếu có một đời sống đạo đức, thánh thiện, ăn ở ngay lành, giáo dục con cái sống tốt và trưởng thành, thì họ là những mẫu gương sống chứng tá Tin Mừng.
Ngoài ra, thánh Giuse đóng vai một gia trưởng, một trụ cột sống đức tin và tuân thủ những thực hành tôn giáo, là một mẫu gương lớn cho các người cha, chồng. Noi gương thánh Giuse để giữ được chuẩn mực đạo đức và công chính trong đời sống giáo dân và gia đình như lời Đức Phanxicô dạy: “Thánh Giuse dùng quyền hạn hợp pháp của mình đối với Thánh Gia để cống hiến hết mình cho các ngài trong cuộc sống và công việc của mình. Ngài đã biến ơn gọi sống tình yêu gia đình của phàm nhân thành sự dâng hiến siêu phàm chính mình, trái tim và tất cả khả năng của mình, một tình yêu được dành để phục vụ Đấng Mêsia đang lớn lên trong mái ấm của ngài” (Phanxicô, Tông thư Trái Tim Người Cha). Quả thật, nếu một người Kitô hữu sống đúng chất Tin Mừng trong cuộc sống của mình thì đang truyền giáo bằng chính đời sống chứng nhân của Tin Mừng, của niềm vui và của niềm hy vọng như Chúa dạy: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,48 ). Như thế, chúng ta không cần phải đi đâu để truyền giáo hay rao giảng Tin Mừng, mà sống và rao giảng Tin Mừng ngay tại gia đình và môi trường xã hội xung quanh. Để sống được giá trị Tin Mừng trong các gia đình, trước hết đòi hỏi người cha mẹ phải có một đức tin xác tín vững vàng, một đức tin phó thác và một đức tin diễn tả qua hành động của cuộc sống bình thường trong lao động.
Suy niệm về thánh Giuse mẫu giương đời sống đức tin và mẫu mực sống giá trị Tin Mừng trong gia đình nhằm thêm động lực và tinh thần truyền giáo cho người Kitô hữu. Dù trong hoàn cảnh nào, di dân lao động hay ổn định cuộc sống nơi quê hương xứ sở của mình, mỗi người Kitô hữu cũng có thể thực hành đời sống đạo và chăm lo cho cuộc sống của mỗi người trong việc sống chứng tá Tin Mừng bằng chính hành động yêu thương đồng loại.
Lời của thánh Arnold Janssen, Đấng sáng lập dòng Truyền Giáo Ngôi Lời đã đánh động nhiều tâm hồn hăng say dấn thân cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”.
Nguồn tin: Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn