Báo Zing hôm 26 Tháng Ba cho biết con số này, dẫn nguồn Sở Lao Động- Thương Binh và Xã Hội tỉnh Nghệ An.
Tỉnh nghèo này đang được ghi nhận là một trong những địa phương có số lượng người đi “xuất cảng lao động” nhiều nhất Việt Nam.
Chỉ tính trong năm ngoái, lượng người lao động Nghệ An đi làm việc ở ngoại quốc theo hợp đồng là 24,560 người, được ghi nhận “vượt kế hoạch 81%” và “tăng 115% so với năm 2021”.
Hầu hết dân Nghệ An chọn đi làm ở các nước như Đài Loan, Nhật, Nam Hàn và khu vực Đông Âu như Romania, Hungary…
Các ngành nghề chủ yếu của dân Nghệ An khi đi “xuất cảng lao động” là cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điện tử, điện lạnh, điều dưỡng, hộ lý…
Chỉ khoảng 6% người Nghệ An làm các ngành như kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên… tại ngoại quốc.
Mức thu nhập bình quân do người Nghệ An gửi về Việt Nam là từ 17-30 triệu đồng ($722-$1,275)/ tháng.
Theo ghi nhận của các báo ở Việt Nam, nhiều làng tại tỉnh Nghệ An bây giờ toàn biệt thự, xe hơi có được nhờ tiền kiều hối từ “xuất cảng lao động”.
Báo Tuổi Trẻ hôm 10 Tháng Ba dẫn nguồn Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội Việt Nam, cho biết chương trình cấp phép việc làm tạm dừng tuyển chọn lao động Nam Hàn đối với tám thành phố, thị xã và huyện ở bốn tỉnh sau đây: Huyện Nghi Xuân và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), thành phố Chí Linh (Hải Dương), huyện Đông Sơn và Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Sở dĩ bốn tỉnh nêu trên bị tạm dừng tuyển người đi Nam Hàn là do có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng mà không về Việt Nam đúng hạn từ 27% trở lên.
Ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ở Ngoại Quốc, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời chỉ trích những người lao động cư trú bất hợp pháp ở lại Nam Hàn “đa phần vì lợi ích cá nhân.”
Hành động trốn ở lại của những người này bị cho là “tước đi cơ hội của các thanh niên khác muốn đi làm việc tại Nam Hàn.”
Nguồn tin: (N.H.K) [kn]
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn