Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 28/03/2023 04:25
Một sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học đến Thâm Quyến tìm việc làm, ròng rã cả tuần hết nơi này đến nơi khác mà chẳng có kết quả gì, lại không may khi đi xe buýt bị kể trộm móc ví, mất hết cả tiền lẫn giấy tờ tuỳ thân. Sau 2 ngày bị đói rét, anh ta đành phải đi bới rác để qua ngày. Một hôm, đang lúi húi bới rác, anh ta bỗng cảm thấy có người đứng phía sau nhìn mình, ngoảnh lại thấy đó là một người đàn ông đứng tuổi. Người đàn ông này chìa ra một tấm danh thiếp: “Công ty này hiện đang cần tuyển người, cậu hãy đến đó xem sao?”. Hôm sau cậu sinh viên nọ tìm đến nơi theo địa chỉ. Tại đây đang diễn ra một cảnh tượng náo nhiệt: Có tới 50 – 60 người đang đứng chờ trong một gian phòng, trong số đó rất nhiều người mặc comple nghiêm chỉnh, thấy vậy cậu ta tỏ vẻ e ngại, định thoái lui, nhưng rồi cuối cùng vẫn cứ ngồi chờ ở đó. Khi anh ta đưa ra tấm danh thiếp thì cô nhân viên tuyển người chìa tay ra: “Xin chúc mừng! Anh đã được nhận vào làm việc rồi. Đây là danh thiếp của Tổng giám đốc chúng tôi, ông ấy đã dặn chúng tôi: Có một thanh niên đến xin việc, chỉ cần anh ta đến là được tiếp nhận làm nhân viên của công ty chúng ta”. Như vậy không phải trải qua bất kỳ một phỏng vấn nào, người sinh viên nọ cũng được vào làm việc ở công ty. Về sau, do nỗ lực cá nhân, anh ta đã được đề bạt làm Phó tổng giám đốc. “Thế tại sao Ngài lại chọn tôi vào làm việc?”, nhân lúc nói chuyện phiếm, người thanh niên nọ hỏi vị Tổng giám đốc. “Bởi vì tôi biết xem tướng, thấy cậu là một nhân tài hiếm có!” Mỗi lần nghe hỏi, ông ta đều mỉm cười với một vẻ bí ẩn. Sau đó vài năm, công việc của Công ty ngày càng phát triển, vị Tổng giám đốc phải đi đầu tư ở một thành phố mới. Trước khi đi, ông ta uỷ quyền cho người thanh niên giải quyết mọi công việc ở xí nghiệp cũ. Hôm chia tay, anh ta và vị Tổng giám đốc cùng ngồi đối diện trong phòng chờ Hạng nhất tại sân bay. “Chắc cậu vẫn muốn biết vì sao tôi lại chọn cậu vào làm việc phải không? Bữa đó ngẫu nhiên mình nhìn thấy cậu đang nhặt rác và đứng quan sát rất lâu, thấy mỗi lần sau khi cậu nhặt lấy những thứ cần thiết, số còn lại đều bỏ cẩn thận trở lại thùng rác. Khi ấy mình nghĩ, một người ở trong hoàn cảnh khó khăn như thế mà vẫn làm những việc nhỏ cẩn thận, chu toàn , thì cho dù người đó có trình độ học vấn và hoàn cảnh như thế nào thì mình cũng phải tạo cho anh ta một cơ hội. Vả lại, một người ngay từ chuyện nhỏ như thế mà tỏ ra không hề cẩu thả, thì chắc chắn sẽ thành công trong cuộc sống”.
Đối diện với thị phi 2 Câu chuyện thứ nhất: Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng: – Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế? Hứa Kính Tôn trả lời: – Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.
Câu chuyện thứ hai: Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa xả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi: – Ngài có điếc không? – Ta không điếc. – Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi? – Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai? – Quà ấy về tôi chứ ai. – Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi. Trong kinh Phật viết rằng, khi người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rời xuống ngay mặt người phun. Có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Thế nên từ nay về sau nếu có nghe thấy ai đó nói lời không tốt về mình, chớ có thọ nhận thì sẽ được an vui.
Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành nhưng vết thương gây ra bởi lời nói thì chẳng biết ngày nào mới lành lại được. Vì vậy hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ bởi: “Every saint has a past, every sinner has a future”, nghĩa là “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.