ĐỨC LÊÔ XIV VÀ DI SẢN CỦA ĐỨC LÊÔ XIII: MỘT TÊN GỌI MANG MỘT TẦM NHÌN

Thứ bảy - 10/05/2025 10:12
ĐỨC LÊÔ XIV VÀ DI SẢN CỦA ĐỨC LÊÔ XIII: MỘT TÊN GỌI MANG MỘT TẦM NHÌN

Khi vị Giáo hoàng mới đắc cử bước ra ban công của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và lấy tên là Lêô XIV, đó không chỉ là một sự thừa nhận truyền thống. Đó là sự lặp lại có chủ đích tên gọi của mười ba vị Giáo hoàng trước ngài, bắt đầu với Đức Lêô Cả, Tiến sĩ Giáo hội thế kỷ thứ V nổi tiếng bảo vệ tính chính thống và tham gia vào chính trị hỗn loạn của Đế chế La Mã đang sụp đổ. Nhưng có lẽ Đức Lêô XIII - “Giáo hoàng của Kinh Mân Côi” vào cuối thế kỷ XIX, nhà triết học, nhà cải cách xã hội và nhà văn sung mãn - là người có ảnh hưởng nhất có thể có liên quan đến ngày nay.

Điều này không đơn giản nhằm gợi ý “đây là những gì đang được mong đợi” từ vị Giáo hoàng mới. Nhưng đó là lời mời gọi một sự suy ngẫm: nếu một tên gọi báo hiệu sự gần gũi, cảm hứng hoặc tính liên tục, thì việc lựa chọn tên gọi “Lêô” có thể làm sáng tỏ tầm nhìn tâm linh, trí tuệ và mục vụ mà Đức Giáo hoàng Lêô XIV hy vọng sẽ tiếp tục.

Đức Lêô XIII: Một Giáo Hoàng dùng mực

Đức Giáo hoàng Lêô XIII (1878–1903) đã để lại một kỷ lục Giáo hoàng vô song về khối lượng và hoài bão. Ngài đã ban hành 88 thông điệp, giải quyết mọi thứ từ thẩm quyền chính trị, chủ nghĩa xã hội và chế độ nô lệ đến lòng sùng kính, triết học và phẩm giá của đời sống Kitô giáo. Đối với nhiều người, ngài được nhớ đến đầu tiên và quan trọng nhất là thông điệp Rerum Novarum (1891), thông điệp nền tảng của ngài về quyền của người lao động và trách nhiệm của tư bản. Nhưng nếu dừng lại ở đó thí chỉ là thoáng nhìn một góc của di sản.

Vào đầu triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Lêô XIII đã báo hiệu các ưu tiên của mình bằng thông điệp Aeterni Patris (1879), một lời kêu gọi đầy nhiệt huyết nhằm khôi phục triết học Tôma như là xương sống trí tuệ của Giáo hội. Có thể nói, đây sẽ trở thành văn kiện thần học có ảnh hưởng nhất trong hai thế kỷ qua. Ngài thấy ở Thánh Tôma Aquinô không chỉ sự nghiêm ngặt về thần học mà còn là một khuôn khổ để đáp ứng những thách thức của chủ nghĩa duy lý hiện đại, chủ nghĩa hoài nghi khoa học và chủ nghĩa tương đối đạo đức. Điều này đã châm ngòi cho một cuộc phục hưng đầy tinh thần Tôma định hình lại nền giáo dục chủng viện trong nhiều thập kỷ và xác định Giáo hội không chống lại lý trí, mà là người quản lý trung thành nhất của lý trí.

Xã hội, Nhà nước và Giáo hội

Thế kỷ XIX là thời kỳ của sự biến động chính trị và lên men ý thức hệ, và Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã lội thẳng vào đó. Trong thông điệp Immortale Dei (1885), ngài đã phác họa mối tương quan đúng đắn giữa Giáo hội và nhà nước, nhấn mạnh rằng chính quyền dân sự chỉ hợp pháp khi dựa trên luật thiêng liêng. Thông điệp Libertas (1888) đã đưa ra một phản bác triết học đối với quan điểm không có căn cứ của chủ nghĩa tự do về tự do, thay vào đó bảo vệ ý tưởng về tự do hướng tới chân lý và đức hạnh.

Ngài đã đối đầu trực diện với chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa xã hội trong thông điệp Quod Apostolici Muneris (1878), và sau đó là thông điệp Graves de Communi Re (1901), trong đó ngài khám phá khái niệm dân chủ Kitô giáo - không phải là một đảng chính trị, mà là một tầm nhìn đạo đức về xã hội bắt nguồn từ sự đoàn kết và nguyên tắc bổ trợ.

Trong thông điệp In Plurimis (1888) và thông điệp Catholicae Ecclesiae (1890), ĐGH Lêô XIII đã lên án chế độ nô lệ, nhấn mạnh đến phẩm giá của mọi con người và thúc giục các nỗ lực truyền giáo để bảo vệ công lý và tự do. Đây không phải là những tuyên bố trừu tượng mà là những thông điệp có mục tiêu gửi đến các Giám mục ở Brazil và châu Phi, những nơi vẫn đang vật lộn với di sản của nạn buôn bán nô lệ.

Đức Giáo hoàng của Kinh Mân Côi

Có lẽ không có vị Giáo hoàng nào làm nhiều hơn thế để nâng cao Kinh Mân Côi lên vị trí trung tâm trong đời sống sùng kính Công giáo. Bắt đầu với thông điệp Supremi Apostolatus Officio (1883), ĐGH Lêô XIII đã ban hành mười một thông điệp về Kinh Mân Côi, thường được ban hành hằng năm vào tháng Chín hoặc tháng Mười. Trong thông điệp Octobri Mense (1891), thông điệp Magnae Dei Matris (1892), thông điệp Laetitiae Sanctae (1893) và những thông điệp khác như thông điệp Adiutricem (1895) và thông điệp Diuturni Temporis (1898), ngài đã quảng bá Kinh Mân Côi như một vũ khí tinh thần mạnh mẽ chống lại các thế lực của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa duy vật và sự chia rẽ.

Đức Giáo hoàng Lêô XIII tin rằng Kinh Mân Côi không chỉ là sự sùng kính riêng tư; mà còn là sức mạnh đổi mới văn hóa, một cách để tập trung lại đời sống Kitô hữu xung quanh sự chiêm niệm, khiêm nhường và các mầu nhiệm cứu rỗi. Điều này có thể cộng hưởng sâu sắc với Đức Giáo hoàng Lêô XIV, xuất thân từ Hoa Kỳ - một quốc gia mà căn tính Công giáo thường sống hoặc chết trong gia đình, giáo xứ hoặc đời sống sùng kính, hơn là trong chính sách quốc gia. Rốt cuộc, ngài đã kết thúc bài phát biểu đầu tiên của mình với tư cách là Giáo hoàng bằng lời nhắc nhở rằng vào ngày ngài lên ngôi Giáo hoàng, Giáo hội cử hành lễ Đức Mẹ Pompeii và ngài bắt Kinh Kính Mừng cho mọi người cùng đọc.

Sự thống nhất Đông Tây

Lâu trước Công đồng Vatican II, Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã có những bước tiến đáng kể hướng tới sự tham gia đại kết, đặc biệt là với các Giáo hội Đông phương. Trong thông điệp Orientalium Dignitas (1894), ngài thừa nhận phẩm giá và sự đa dạng hợp pháp của các nghi lễ Đông phương, kêu gọi bảo vệ các truyền thống phụng vụ và quyền tự chủ của các truyền thống đó. Trong thông điệp Praeclara Gratulationis Publicae (1894), ngài đã đưa ra lời kêu gọi rộng rãi về sự hiệp nhất Kitô giáo - thừa nhận nỗi đau của sự chia rẽ trong khi thúc giục sự đoàn kết dựa trên sự thật và lòng bác ái.

Các thông điệp khác như Paterna Caritas (1888), nhắm vào những người theo Anh giáo, và thông điệp Satis Cognitum (1896), về sự hiệp nhất của Giáo hội, cho thấy một Giáo hoàng sẵn sàng tham gia về mặt thần học và mục vụ với thế giới Kitô giáo đang chia rẽ. Thông điệp Satis Cognitum đã đặt nền tảng gần như mang tính tiên tri cho thế kỷ tới: “Các chi thể phân tán và tách biệt không thể nào hợp nhất với đầu để tạo nên một thân thể... Và do đó, các chi thể phân tán, tách biệt nhau, không thể hợp nhất với một đầu duy nhất... Tách khỏi đầu, chúng nhất thiết phải chết... Những gì bị cắt khỏi người mẹ không thể sống hoặc thở tách biệt... Chừng nào nó còn trong thân thể, nó vẫn sống; khi bị tách biệt, nó sẽ mất đi sự sống”. Trọng tâm của Đức Giáo hoàng Lêô XIII sẽ không được tái hiện một cách toàn diện và ấn tượng như vậy cho đến khi Công đồng Vatican II ban hành thông điệp Unitatis Redintegratio và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unim Sint. ĐGH Lêô XIII, một lần nữa, lại đi trước thời đại.

Đức tin và lý trí, Kinh Thánh và khoa học

ĐGH Lêô XIII không phải là người chủ trương ngu dân chống hiện đại. Trong thông điệp Providentissimus Deus (1893), ngài đã ban hành một trong những văn kiện quan trọng nhất của Giáo hội về việc nghiên cứu Kinh Thánh, khuyến khích các phương pháp học thuật nghiêm ngặt trong khi vẫn bảo vệ nguồn cảm hứng thiêng liêng của Kinh Thánh. Trong thông điệp Divinum Illud Munus (1897), ngài đã đưa ra một sự suy ngẫm sâu sắc về Chúa Thánh Thần, nhấn mạnh đến sự thánh thiện cá nhân, các ân sủng của Chúa Thánh Thần và sự đổi mới Giáo hội từ bên trong.

Những năm cuối đời, ngài đưa ra thông điệp Mirae Caritatis (1902), về Bí tích Thánh Thể, nhắc nhở các tín hữu rằng trung tâm của đời sống Kitô hữu không phải là chính trị hay triết học, mà là sự hiện diện sống động của Chúa Kitô trong bí tích tình yêu.

Một tên gọi có trọng lượng

Vậy thì việc Đức Giáo hoàng Lêô XIV chọn tên gọi này có ý nghĩa gì? Chúng ta không thể vẽ một đường thẳng từ triều đại Giáo hoàng này sang triều đại Giáo hoàng khác - và chúng ta cũng không nên làm vậy. Những thách thức của năm 1900 không phải là những thách thức của năm 2025. Nhưng những tên gọi được chọn có mục đích. Chọn tên gọi “Lêô” là gợi lên một di sản - một di sản kết hợp sự sáng suốt về thần học, sự tham gia triết học, mối quan tâm xã hội và lòng sùng kính.

ĐGH Lêô XIII đã chứng minh rằng một Giáo hoàng có thể là một học giả và một mục tử, một triết gia và một người sùng kính Mẹ Maria, một nhà cải cách và một người theo chủ nghĩa truyền thống. Ở nhiều phương diện, ngài là một Giáo hoàng hiện đại cho một thế giới hiện đại hóa. Di sản đó có thể đem tới một bản thiết kế hiệu quả - hoặc ít nhất là một mối tương quan tâm linh - cho một vị tân Giáo hoàng đang chuyển tiếp trong sự phức tạp của Giáo hội toàn cầu.

Nhìn lại để nhìn về phía trước

Trong thời kỳ bất ổn, Giáo hội thường nhìn lại quá khứ của mình - không phải để rút lui vào quá khứ, mà là để khám phá lại nguồn gốc sứ mệnh của mình. Các tác phẩm của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cho thấy một Giáo hội không sợ nói với thế giới một cách sâu sắc, chính xác và táo bạo. Tầm nhìn của ngài là một đức tin bao gồm cả điều cũ và điều mới, điều huyền nhiệm và điều thuộc lý trí.

Bằng cách chọn tên gọi Lêô, Đức Giáo hoàng Lêô XIV có thể đang kêu gọi chúng ta nhớ đến một vị Giáo hoàng vốn tin rằng Giáo hội phải suy nghĩ sâu sắc, cầu nguyện liên tục, giảng dạy rõ ràng và yêu thương quảng đại. Đó không phải là một chương trình, mà là những nét chung cơ bản nhất - có lẽ là sự suy tư về kiểu mục tử nào mà ngài hy vọng ngài sẽ trở thành.

Nguồn tin: Shaun McAfee – Catholicexchange.com Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập49
  • Hôm nay17,462
  • Tháng hiện tại132,554
  • Tổng lượt truy cập38,188,599
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây