Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 12/07/2022 23:03
Gia tộc Rajapaksa gần như nắm mọi quyền hành ở Sri Lanka, khi đất nước này lún sâu vào nợ nần, bất ổn và khủng hoảng kinh tế. Dilith Jayaweera, ông trùm truyền thông Sri Lanka, vẫn nhớ thời điểm ông nhận ra đất nước đang lao nhanh vào một cuộc khủng hoảng tài chính vào tháng 10/2021. Ông khi đó mời bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa, em trai Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, cùng dùng bữa. Khi cùng ăn tối tại văn phòng ở Colombo, Jayaweera đã đặt một số câu hỏi với người chịu trách nhiệm điều hành nền kinh tế Sri Lanka. "Basil không thể trả lời ngay cả những câu hỏi cơ bản của tôi", ông Jayaweera kể. "Ông ấy đưa ra những câu trả lời rất tệ, rằng chúng tôi sẽ tìm thấy tiền từ chỗ này chỗ kia, khẳng định tất cả sẽ ổn nếu các khoản nợ được trả. Tôi thấy ông ấy không thực sự hiểu về nền kinh tế này". Những gì xảy ra chưa đầy 6 tháng sau đó là một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất mà Sri Lanka phải trải qua kể từ khi giành độc lập năm 1948. Hầu như tất cả 22 triệu dân đều phải gánh chịu những hệ lụy mà khủng hoảng gây ra, khi ngân khố cạn kiệt và đất nước không thể nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men. Theo Liên Hợp Quốc, Sri Lanka đang đối mặt với cuộc "khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất", với nhiều người phải vật lộn để có một bữa ăn mỗi ngày, trong khi nhiều ca bệnh nặng không được điều trị, trường học đóng cửa và các trạm xăng dầu cạn nhiên liệu. "Nền kinh tế của chúng ta đã hoàn toàn sụp đổ", Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người nhậm chức hồi tháng 5, nói trước quốc hội gần đây.
Cựu bộ trưởng tài chính Sri Lanka Basil Rajapaksa tại họp báo ở thủ đô Colombo hồi tháng 4/2012. Ảnh: Reuters. Các vấn đề kinh tế của Sri Lanka xuất hiện từ lâu, nhưng nhiều người cho rằng gia tộc Rajapaksa đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Từ năm 2005, khi Mahinda Rajapaksa, anh trai của Tổng thống Gotabaya, được bầu làm tổng thống và gia đình bắt đầu thống trị nền chính trị đất nước, Sri Lanka vay mượn rất nhiều từ bên ngoài. Đầu tiên, họ muốn trả tiền cho cuộc nội chiến kéo dài ba thập kỷ chống lại phe ly khai thiểu số Tamil, chấm dứt vào năm 2009, và sau đó là nỗ lực xây dựng cầu đường, sân bay, sân vận động và mạng lưới điện. GDP của Sri Lanka đã tăng từ 20 tỷ USD lên 80 tỷ USD, nhưng nước này cũng vay hơn 14 tỷ USD. Nhiều thành viên gia tộc Rajapaksa nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền và bị cáo buộc có hành vi tham nhũng. Mahinda thua trong cuộc bầu cử năm 2014, nhưng gia tộc Rajapaksa không có ý định từ bỏ quyền lực. Basil Rajapaksa, người được tại ngoại trong thời gian chờ điều tra cáo buộc tham nhũng, đã thành lập một đảng chính trị mới mang tên Sri Lanka Podujana Peramuna (SLPP). Sau khi hiến pháp sửa đổi khiến Mahinda không được phép tranh cử nhiệm kỳ ba, ông Gotabaya được các thành viên trong gia tộc lựa chọn là ứng viên của đảng SLPP chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2019. Nhưng Basil vào năm 2018 công khai tính toán chính trị của mình. "Nếu Gotabaya thắng, tôi sẽ là người điều hành đất nước, vì ông ấy là người mới tham gia chính trị", ông nói. Gotabaya, một quân nhân thẳng tính và sùng đạo, nhận được ủng hộ từ nhóm trí thức, lãnh đạo doanh nghiệp và học giả có ảnh hưởng, những người tin ông sẽ mang tới làn gió mới. Tuy nhiên, ông lại có kinh nghiệm chính trị hạn chế, chỉ từng giữ chức bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền của Mahinda và được tôn vinh vì đã chấm dứt nội chiến. Khi Gotabaya nhậm chức, "gia tộc Rajapaksa mới thực sự là bên tiếp quản quyền lực và ông ấy chỉ là người làm theo yêu cầu", Nalaka Godahewa, nghị sĩ đảng SLPP ủng hộ Gotabaya, nói.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (phải) và anh trai Mahinda tại một sự kiện ở Sri Lanka năm 2019. Ảnh: AP. Những người trung thành với Basil được bổ nhiệm các vị trí quan trọng trong nội các. PB Jayasundara, một quan chức có mối quan hệ lâu năm với Mahinda và Basil, trở thành cố vấn kinh tế cho tân Tổng thống. "Gotabaya không có kinh nghiệm chính trị và không biết gì về kinh tế. Tổng thống phụ thuộc hoàn toàn vào PB Jayasundara để điều hành nền kinh tế. Vấn đề là ông ấy đưa ra những lời khuyên tồi tệ", Charitha Herath, nghị sĩ SLPP và từng làm việc ở một số ủy ban tài chính quốc hội, nói. Theo lời khuyên của Jayasundara, Tổng thống Gotabaya thực hiện đợt giảm thuế sâu rộng vào năm 2019, bất chấp những cảnh báo từ quốc tế, khiến nguồn thu của chính phủ giảm hơn 2,7 tỷ USD trong hai năm. Khi Covid-19 tấn công và doanh thu từ du lịch, kiều hối cạn kiệt, Jayasundara đã tới IMF để tái cơ cấu các khoản vay của Sri Lanka, ngay cả khi các khoản nợ phải trả ngày càng tăng. Jayasundara cũng bị cáo buộc cung cấp cho Tổng thống Gotabaya thông tin sai lệch, đưa ra một bức tranh màu hồng về tương lai đất nước. Gia tộc Rajapaksa càng gia tăng kiểm soát chính phủ sau khi đảng SLPP chiến thắng các cuộc bầu cử quốc hội năm 2020. Mahinda trở thành thủ tướng, trong khi con trai Namal Rajapaksa được đưa vào nội các cùng anh cả nhà Rajapaksa là Chamal. "Gia tộc Rajapaksa kiểm soát toàn bộ đất nước", Asanga Abeyagoonasekera, nhà phân tích chính trị Sri Lanka, nói. Họ thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, tập trung quyền lực nhiều hơn vào tay tổng thống và cho phép công dân mang hai quốc tịch trở thành nghị sĩ. Vào tháng 7/2021, Basil, công dân Sri Lanka nhưng cũng mang quốc tịch Mỹ, được bổ nhiệm là bộ trưởng tài chính. Theo một số bộ trưởng, Basil nhanh chóng trở thành người đứng đầu trên thực tế của nội các. Ông là người ra quyết định cuối cùng trong các chính sách lớn, còn Gotabaya và Mahinda sẽ nghe theo. "Tổng thống chấp nhận bất kỳ đề xuất nào của Basil", Vasudeva Nanayakkara, một nghị sĩ cánh tả và từng là bộ trưởng trong chính phủ liên minh của Gotabaya cho đến tháng 4 năm nay, nói. Basil không chấp nhận có bất đồng trong nội các của ông. Những người trong nội các và các ủy ban giám sát tài chính cho biết họ cũng được cung cấp thông tin sai lệch về tình hình đất nước. "Tôi đã nộp 11 tài liệu cảnh báo về cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Nhưng bất kỳ khi nào chúng tôi nêu ra một vấn đề kinh tế, Basil sẽ cảm thấy chúng tôi đang can thiệp vào công việc của ông ấy và bị xúc phạm. Ông liên tục nói rằng mọi thứ đều ổn. Nhưng theo đánh giá của tôi, ông ấy thậm chí không có kiến thức cơ bản về kinh tế", cựu bộ trưởng năng lượng Udaya Prabath Gammanpila nói. Vấn đề đã xuất hiện ngay trong chính ngân hàng trung ương Sri Lanka. Basil và thống đốc Ajith Nivard Cabraal đã nhiều tháng không nói chuyện và đổ lỗi cho nhau về các vấn đề tài chính xuất hiện ngày càng nhiều. Cabraal bắt đầu in thêm rất nhiều tiền để cố lấp đầy khoảng trống trong kho bạc, gây ra lạm phát phi mã. Bộ máy quan liêu của chính phủ cũng rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi Gotabaya bổ nhiệm các tướng lĩnh quân đội để điều hành 15 bộ. Chi tiêu quốc phòng, cao hơn dưới thời Gotabaya so với thời nội chiến, càng khiến ngân sách chính phủ cạn kiệt. Ông cũng bất ngờ ra lệnh cấm tất cả các loại phân bón hóa học, khiến nền nông nghiệp đất nước bị tàn phá. Cho tới đầu năm 2022, nền kinh tế Sri Lanka đối mặt với thảm họa chưa từng có. Nước này nợ 51 tỷ USD vay nước ngoài, trong đó gần 7 tỷ dự kiến trả trong năm, nhưng dự trữ ngoại tệ đã cạn và nước này không thể vay thêm.
Người dân biểu tình yêu cầu gia đình Rajapaksa từ chức tại Colombo hồi tháng 4. Ảnh: AP. Khi Sri Lanka phải vật lộn thanh toán các khoản nhập khẩu thực phẩm, xăng dầu và thuốc men cũng như kiềm chế lạm phát, người dân bắt đầu biểu tình. Gia tộc Rajapaksa bất ngờ khi làn sóng phẫn nộ của người dân nhắm thẳng vào họ. Khi các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng, Tổng thống được khuyên rằng các thành viên gia tộc nắm giữ vị trí quan trọng trong chính phủ cần từ chức. Đầu tháng 4, trước sự giận dữ của Basil, Gotabaya yêu cầu tất cả các thành viên nhà Rajapaksa khác từ chức, trừ thủ tướng Mahinda. Tuy nhiên, động thái này không giúp xoa dịu công chúng và Gotabaya nhanh chóng bị thuyết phục rằng cách duy nhất để ổn định tình hình là thủ tướng Mahinda phải rút lui. Mahinda ban đầu đồng ý, nhưng sau đó nghe theo lời khuyên của vợ con và quyết định từ chối yêu cầu. Điều này đã khiến mối quan hệ giữa hai anh em Gotabaya và Mahinda trở nên căng thẳng. "Họ từng rất thân thiết và yêu thương nhau. Nhưng tới cuối cùng, Gotabaya đã buông lời cay đắng, yêu cầu Mahinda từ chức", nghị sĩ Vasudeva Nanayakkara nói. Ông Ranil Wickremesinghe được chỉ định làm thủ tướng thay thế Mahinda. Ngày 9/5, vài ngày sau khi Mahinda đồng ý rời ghế, một cuộc biểu tình tại dinh thự thủ tướng ở Colombo đã khiến quan hệ hai anh em nhà Rajapaksa lên tới đỉnh điểm rạn nứt. Dưới sự sắp xếp bởi Basil, con trai Namal của Mahinda và các đồng minh cùng hàng trăm người ủng hộ được đưa vào dinh thủ tướng để "chia tay Mahinda". Tuy nhiên, nhiều người coi đây là màn phô trương sức mạnh, nhằm chứng minh với Tổng thống Gotabaya rằng Mahinda vẫn là một thỏi nam châm chính trị của gia tộc. Nhưng cuộc tụ tập tại dinh thủ tướng đã nhanh chóng vượt kiểm soát. Những người tham gia tỏ ra phẫn nộ và kêu gọi "Tổng thống nên trao quyền lực cho chúng tôi". Một số người lao ra cổng và bắt đầu cuộc biểu tình. Họ tuần hành về phía Galle Face, nơi hàng nghìn người đã tập trung biểu tình suốt nhiều tuần, bắt đầu đánh đập hàng trăm người có mặt ở đó và đốt lều của họ. Khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa nhận được tin, ông vô cùng tức giận. Đêm hôm trước, vì lo ngại những cuộc biểu tình, ông đã yêu cầu cảnh sát chuẩn bị lực lượng chống bạo động, hơi cay và vòi rồng. "Tổng thống đã hét lên trong điện thoại, hỏi tại sao không ngăn những người này tiến vào Galle Face. Ông nói 'tôi là tổng thống và tôi yêu cầu anh phải ngăn những người này'", Godahewa kể. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho hay cảnh sát trưởng đã không ra lệnh trấn áp những người tấn công Galle Face, khi các quan chức cấp cao của ông nói cảnh sát không nên can thiệp vào vấn đề "trong nhà" giữa Mahinda và Gotabaya. Cho tới khi cảnh sát can thiệp, bạo loạn đã nhấn chìm Sri Lanka trong vụ bạo lực được cho là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Đám đông tìm cách xông vào dinh thự thủ tướng, khiến ông cùng con trai và đồng minh bị bao vây trong phòng ngủ cho tới khi được lực lượng đặc biệt sơ tán lúc 4h sáng. Nhà của hơn 70 nghị sĩ SLPP và đồng minh gia đình Rajapaksa bị đốt cháy. Một nghị sĩ thậm chí bị đánh chết. Gotabaya dường như mất kiểm soát quân đội. "Tôi đã thấy Tổng thống phải van nài tổng tư lệnh quân đội hành động như thế nào. Tổng thống đã rất thất vọng vì nhà của các nghị sĩ bị đốt cháy và quân đội không cản họ", Godahewa kể. Sau đó, gia tộc Rajapaksa chia thành hai phe: một bên là Tổng thống Gotabaya và anh cả Chamal, một bên là Basil, Mahinda cùng hai con trai Namal và Yoshita. Tổng thống Sri Lanka đổ lỗi cho những người thân cận của Mahinda gây ra bạo lực với "cuộc gặp gỡ ngu ngốc", trong khi Chamal công khai chỉ trích Mahinda không đồng ý từ chức sớm. Những người thân cận với Basil âm thầm thúc đẩy quan điểm rằng Tổng thống Gotabaya không còn phù hợp với vị trí lãnh đạo. Đồng minh của Gotabaya tin rằng ông vẫn không có ý định từ chức, dù đã bị cô lập. Ông thậm chí bị đuổi ra khỏi phòng họp quốc hội khi các nghị sĩ hô vang "Gota hãy về nhà đi".
Quân đội ngăn cản người biểu tình đòi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức tại thủ đô Colombo hồi tháng 5. Ảnh: AFP. Tương lai gia tộc Rajapaksa giờ đây ngày càng bấp bênh. Bản hiến pháp sửa đổi đã được đệ trình lên nội các để thông qua, được cho sẽ làm giảm quyền lực của tổng thống và một lần nữa cấm công dân mang hai quốc tịch được vào nội các. Basil ban đầu đã phản đối quyết liệt, nhưng tháng trước đã từ chức nghị sĩ. Tuy nhiên, một số người vẫn không tin rằng ngay cả khi Gotabaya từ chức, Sri Lanka sẽ hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của gia tộc Rajapaksa. "Nhà Rajapaksa nổi tiếng với các cuộc đua dài hơi, nên tôi không chắc đây có phải là dấu chấm hết của họ hay không", Herath nói. "Nhưng hiện tại, họ không còn chỗ đứng ở đây".