Người thông minh phải biết ở đời đâu là điểm dừng

Thứ bảy - 24/12/2022 00:00
Người thông minh phải biết ở đời đâu là điểm dừng
Phàm đã là con người, ai ai cũng có dục vọng riêng, vì dục vọng mà sống, vì dục vọng mà vươn lên. Thế nhưng điều phân biệt ra kẻ thành người bại, kẻ hơn người thua không nằm ở chỗ dục vọng của ai cao hơn, mà là ai có thể khống chế dục vọng tốt hơn, ai biết được đâu là điểm dừng… Nhà tư tưởng xuất sắc Á Đông thế kỷ 15, Vương Dương Minh, trong một lần chiêm nghiệm nỗi sầu nhân thế từng nói: “Đời tôi cố gắng chỉ cầu ngày một giảm đi chứ không cầu ngày một tăng thêm. Giảm đi một phần ham muốn cá nhân, chính là ngộ thêm một phần thiên lý, thật là nhẹ nhàng thoải mái, thật là giản dị biết bao!”. Mà Vương Dương Minh là ai? Là đại thần triều Minh, văn võ song toàn, được nhiều người mến mộ về cả tài năng, danh tiếng và đức độ. Đời người, đạt đến tầm vóc như họ Vương cũng gọi là ‘đức cao vọng trọng’ phú quý, công danh đều lên đến tột đỉnh. Thế mà ông vẫn có lúc phải ngậm ngùi: “chỉ cầu ngày một giảm đi chứ không cầu ngày một tăng thêm”, đủ hiểu cái “bả công danh” thực đáng sợ thế nào. Mà cuộc đời của họ Vương cũng diễn biến hệt như những gì ông mong mỏi. Bậc thầy của phái “Tâm học” bước vào tuổi xế chiều, bỏ qua những vinh quang quá khứ, những chiến tích dẹp loạn sa trường, chủ động trao lại binh quyền cho người khác, viết tấu xin vua cho về quê dưỡng già. Rồi chẳng đợi nhà vua phê duyệt, Vương Dương Minh đã vội vã ra đi, lúc đi chỉ mang theo một chiếc quan tài, vậy đấy! Chiếc quan tài là một hình ảnh đầy tính biểu tượng. Ở một nghĩa nào đó nó nói lên rằng: người ta cuối cùng cũng về với  cát bụi, cũng phải bỏ đi tất cả, thứ duy nhất mang được xuống dưới huyệt mộ chỉ là chiếc quan tài gỗ mà thôi. Vậy thì hà cớ gì không biết dừng đúng lúc, không biết cái đạo lý “tri túc”, công thành thân thoái? Công phu của kiếp nhân sinh có lẽ là ở một chữ “giảm” chứ không phải tăng, là cho đi càng nhiều chứ không phải đắc được phần hơn. Giảm thiểu đi ham muốn, dục vọng, giảm thiểu đi chấp trước, hư tâm để có được tâm hồn thiện lương, chân thành, nhẫn nại hơn, đó mới là ý nghĩa chân thực của sinh mệnh con người vậy. Câu chuyện “công thành thân thoái” của quân sư khai quốc công thần nhà Hán là Trương Lương có thể đem đến cho ta nhiều ý vị sâu sắc. Là quân sư phò tá chủ lực từ những ngày Lưu Bang chỉ mới là một chư hầu địa vị nhỏ nhoi cho đến tận khi trở thành hoàng đế toàn cõi Trung Hoa, Trương Lương hiểu rõ cái gọi là “thỏ chết thì chó săn bị phanh thây”. Cho nên sau khi giúp Lưu Bang đăng cơ hoàng đế, khi được phong thực ấp 3 vạn hộ ở đất Tề, Trương Lương đã khéo léo từ chối, chỉ xin làm một chức hầu nhỏ. Chứng kiến các đại công thần như Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt bị hãm hại, trừ khử, Trương Lương bèn rời bỏ chốn quan trường, để lại sau lưng tất cả vinh hoa phú quý mà ngao du bốn biển. Ông nói với hoàng đế Lưu Bang: “Nay tôi lấy ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương, được phong vạn hộ, ở ngôi chư hầu, kẻ áo vải được thế là tột bậc, đối với Lương thế là đủ rồi. Vậy xin bỏ việc nhân gian, chỉ muốn đi ngao du với Xích Tùng Tử mà thôi”. Xích Tùng Tử tương truyền là một vị tiên nhân thời xưa, đi theo Xích Tùng Tử chính là theo đường học Đạo, tu Tiên, ra khỏi vòng trần tục vậy. Đó chẳng phải là “biết thế nào là đủ”, biết điểm dừng đó sao? Cũng như Phạm Lãi xưa kia, giúp xong Việt vương Câu Tiễn báo thù, xưng bá chư hầu thì lặng lẽ quy ẩn, sống đời tự tại, làm một thương gia cự phú. Cái đạo của người quân tử, âu cũng là ở một điểm ấy: biết dừng lại đúng thời điểm. Chẳng cần nói chuyện Tây, chuyện Tàu ở đâu xa, ngay trong lịch sử nước Việt cũng có biết bao bậc danh sĩ chọn con đường thoái lui, quy ẩn dẫu sự nghiệp đang trên đà thăng tiến. Chu Văn An, tư nghiệp trường Quốc Tử Giám (tương đương hiệu trưởng), là thầy dạy của vua Trần Hiến Tông, khẳng khái dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần. Vua không nghe, ông bèn cáo lão về quê, lấy hiệu là “Tiều Ẩn” (người hái củi ở ẩn) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Rồi kìa gương Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh thần đời nhà Mạc, nhìn chính sự nhiễu nhương, dâng sớ muốn chém 18 tay lộng thần. Vua lại không nghe, ông bèn xin về quê trí sĩ chỉ sau 8 năm làm quan trong triều, cất am Bạch Vân, dựng quán Trung Tân, mở trường dạy học cạnh sông Tuyết, được môn sinh tôn là “Tuyết Giang phu tử”. Kẻ trí biết nhìn thời thế mà tiến thoái đúng lúc, mà giữ trọn khí tiết quân tử của mình. Ấy là điều thực khó làm thay! Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử giảng: “Biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy”. Làm người mà nói, không thể có quá nhiều dục vọng, chỉ biết chạy theo tư lợi, phải biết đủ mà dừng lại đúng lúc. Chỉ khi tiết chế dục vọng của bản thân, người ta mới có thể giữ cho tâm hồn thật sự tĩnh tại. Chỉ khi bước ra ngoài mọi ham muốn, cám dỗ, người ta mới có thể tìm được niềm vui thật sự mà thôi. Còn bạn thì sao, bạn đã biết đâu là điểm dừng của mình chưa? Không cầu mà được: Đây mới là cách sống của người thông minh nhất Đã có bao giờ bạn rơi vào trường hợp, ví như: dẫu cố gắng nỗ lực đến đâu vẫn không đạt được mục tiêu đã định? Ví như ở công ty, cấp trên giao cho bạn một nhiệm vụ khá quan trọng, bạn cảm thấy năng lực của bản thân mình cũng không tệ. Nhưng trong quá trình làm việc, bạn lại không mấy hứng thú. Bạn rất muốn thu được thành tích tốt, nhưng lại sợ không làm được như ý, nên đầu óc thường căng thẳng như bước trên tảng băng, dốc hết toàn lực muốn bảo đảm mọi việc sẽ tiến triển theo chiều hướng mà mình mong cầu? Kỳ thực, chúng ta nên thừa nhận:
 1. Kết quả ra sao, không phải lúc nào cũng do ta quyết định Trong cuộc sống, có những lúc gặp phải sự can nhiễu vô tình hay cố ý từ bên ngoài, diễn biến của sự tình vượt ngoài dự liệu, nên dù bạn có cố gắng hết sức, dốc toàn lực ứng phó, cũng không thể đạt được kết quả như mong đợi. Bởi thực tế là có những sự tình không phải lúc nào cũng do ta quyết định.
2. Dù không đạt được kết quả như ý, cũng không phải không thu hoạch được gì Dù không đạt được kết quả tốt nhất, bạn cũng không phải chịu vất vả một cách vô ích. Khi bạn Có những lúc gặp phải sự can nhiễu vô tình hay cố ý từ bên ngoài dù có dốc toàn lực ứng phó, cũng không thể đạt được kết quả như mong đợi. (Ảnh: Pixbay.com) đã tận lực với kế hoạch rèn luyện thân thể, nhưng không đạt được cơ bụng 6 múi; hoặc là tham gia một hạng mục công việc mà bạn yêu thích, nhưng lại bị buộc phải dừng lại nửa chừng… Tuy rằng không thể đạt được mục tiêu, nhưng trong quá trình đó, có lẽ chúng ta cũng đã trở nên khỏe mạnh, thể lực nâng cao, hoặc là học được những kỹ năng mới, rèn luyện được năng lực mới, gặp được những mối quan hệ mới… Những thu hoạch này, có lẽ đối với bạn khi ấy không phải là điều gì to tát, nhưng tích lũy dần dần, vào một ngày nào đó trong tương lai sẽ trở thành trợ lực to lớn đến không ngờ.
3. Chỉ để ý đến kết quả, trái lại sẽ trở thành chướng ngại Đặt hết tâm tư vào kết quả, sẽ khiến chúng ta lo lắng sốt ruột, càng khó điều chỉnh bản thân trở về trạng thái tốt nhất. Chấp trước vào kết quả sẽ càng gò bó tư tưởng của bạn trong một không gian nhỏ hẹp, và càng ức chế năng lực và trí huệ của bạn. Bởi quá mong muốn kết quả, vậy nên sẽ càng lo sợ nếu không đạt được, thậm chí sẽ giậm chân tại chỗ, mỗi một bước đều phải suy tính trước sau, hiệu suất làm việc lại trở nên càng thấp kém. Ví như khi nhận được dự án mới, bạn sợ sẽ thất bại, vậy nên cân nhắc nhiều lần, chần chừ không dám đưa ra kế hoạch. Nhưng một đồng nghiệp khác không cưỡng cầu vào kết quả, trong lúc bạn còn đang do dự, anh ấy đã đưa ra bao nhiêu kế hoạch nhỏ to, dù trong đó có cái thất bại, có cái thành công, có cái bị cự tuyệt, có cái được chấp nhận. Đến khi bạn lấy hết dũng khí để thực hiện dự án của mình, thì anh ấy đã tích luỹ kinh nghiệm mà trở nên thành thục. Nếu xem nặng kết quả, thì khi kết quả không như dự định ban đầu sẽ khiến ta thất vọng, cảm thấy bản thân không đủ tốt hoặc là oán trách người khác phối hợp không đủ. Lần sau càng không có tín tâm đi về phía trước. Không chấp vào kết quả cũng giúp chúng ta chung sống hòa thuận với người, bởi điều chúng ta quan tâm là con người chứ không phải thành quả. Chúng ta nên để tâm đến cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn bên trong, chứ không phải là những nhân tố bên ngoài. Điều này khiến chúng ta có thể gây dựng mối quan hệ với người khác tốt hơn. Quan trọng là chúng ta cần mang theo tâm trạng cống hiến và nhiệt tình mà làm việc, buông bỏ chấp trước vào kết quả bạn sẽ thấy tâm hồn của mình luôn luôn khoáng đạt, mọi việc cũng nhờ đó mà trở nên tốt đẹp, bởi lẽ cổ nhân thường có câu: ‘Không cầu mà được’!
 


 

Nguồn tin: Theo Đại Kỷ Nguyên Vũ Dương biên dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập61
  • Hôm nay12,951
  • Tháng hiện tại248,598
  • Tổng lượt truy cập32,715,123
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây