Hình ảnh tổng thống Volodymyr Zelensky bắt tay đồng nhiệm Joe Biden tại Nhà Trắng, bài phát biểu trực tiếp tại Quốc Hội Mỹ hôm 21/12/2022 chắn chắn là một biểu tượng mạnh sau gần 10 tháng Nga xâm lược Ukraina. Bất chấp những thách thức về mặt an ninh, tổng thống Ukraina gấp rút công du Hoa Kỳ với mục đích duy nhất : chạy đua với thời gian để thuyết phục Washington tiếp tục viện trợ quân sự.
Mới hôm trước, tổng thống Zelensky còn đi thị sát Bakhmut, miền đông Ukraina, một trong những mặt trận nguy hiểm nhất do quân đội Nga vẫn cận kề. Khó có thể tin rằng, chưa đầy 24 giờ sau, cũng ông Zelensky hội kiến ông Biden tại Phòng Bầu Dục và họp báo chung với tổng thống Hoa Kỳ.
Con đường từ Bakhmut đến Washington tưởng xa mà gần. Tại Nhà Trắng chiều nay ông Zelensky sẽ tặng tổng thống Mỹ lá cờ Ukraina mang về từ miền khói lửa Bakhmut. Theo giới quan sát, cử chỉ này nhằm chứng tỏ Kiev rất biết ơn nước Mỹ ngay từ đầu cuộc chiến đã giúp đỡ Ukraina về nhiều mặt từ tài chính đến ngoại giao và nhất là quân sự.
Zelensky, Biden là hai thủ lĩnh chiến tranh. Do đất nước bị xâm lược, Volodymyr Zelensky trực tiếp đương đầu với các đợt oanh kích của quân đội Nga đẩy hàng chục triệu người dân Ukraina vào cảnh nhà tan cửa nát, 10 triệu người mất điện, mất nước trong những ngày mùa đông giá rét.
Về phần Joe Biden, từ ngày 24/02/2022 chiến tranh Ukraina đặt tổng thống Hoa Kỳ vào thế của một thủ lĩnh đứng đầu khối Tây phương để tạo điều kiện cho Ukraina kháng cự trước sức mạnh quân sự của Liên Bang Nga.
Điều này dường như đang được chứng minh thêm một lần nữa qua việc Washington đã đảm bảo các điều kiện về an ninh cho chuyến công Hoa Kỳ lần này của ông Zelensky, cho dù trên thực tế tổng thống Ukraina chỉ hiện diện trên lãnh thổ Mỹ « trong vỏn vẹn vài giờ đồng hồ ». Giới phân tích cho rằng, chỉ nội việc đất nước đang trong « khói lửa » mà Volodymyr Zelensky vẫn sang được tới Mỹ đã là một kỳ công.
Câu hỏi kế tiếp là tại sao tổng thống Ukraina lại phải gấp rút đến Washington vào thời điểm này ?
Câu trả lời quá hiển nhiên: Vào lúc tại Matxcơva tổng thống Vladimir Putin họp qua cầu truyền hình với các tướng lĩnh Nga để bàn về « giao đoạn 2023 cho chiến tranh Ukraina », thì Kiev phải gấp rút đi tìm thêm vũ khí.
Cái khó đối với ông Zelensky là chỉ trong một vài ngày nữa, đa số tại Hạ Viện Mỹ sẽ về tay đảng đối lập Cộng Hòa. Dù đảng Cộng Hòa chỉ đạt đa số sít sao sau cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11/2022, nhưng Kiev lo ngại Hạ Viện mới của Mỹ sẽ không còn dễ dàng thông qua các gói viện trợ hàng chục tỷ đô la cho Ukraina như trong thời gian vừa qua.
Chiều nay, tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện, đúng vào lúc Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ chuẩn bị thông qua dự luật cấp thêm 45 tỷ đô la cho Ukraina. Theo các thống kê chính thức, từ đầu cuộc chiến Ukraina tới nay, Hoa Kỳ đã chi ra gần 50 tỷ đô la để hỗ trợ Ukraina, 20 tỷ trong số đó thuần túy là viện trợ quân sự.
Có lẽ Washington sẽ không để Kiev phải thất vọng. Nhiều nguồn tin được từ AP đến AFP hay Reuters trích dẫn cho biết nhân cuộc họp tại Nhà Trắng chiều nay, tổng thống Biden và các cố vấn an ninh Mỹ sẽ thông báo thêm 2 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraina. Quan trọng nhất là quyết định cấp tên lửa Patriot giúp Kiev tăng cường khả năng phòng thủ trên không sau các đợt oanh kích càng lúc càng dồn dập từ phía Nga.
Đây sẽ là một quyết định quan trọng, bởi từ nhiều tháng qua, Ukraina đã yêu cầu phương Tây, đứng đầu là Mỹ, hỗ trợ tăng cường khả năng phòng không. Đáp ứng nguyện vọng này của Kiev không phải là một quyết định đơn giản, bởi theo giải thích của hãng tin Pháp AFP, tên lửa Patriot là một loại vũ khí « tối tân hàng đầu trong số các công nghệ của Mỹ » sử dụng trong lĩnh vực quân sự. Dàn tên lửa Patriot có khả năng chận và bắn hạ « những loại tên lửa tối tân nhất của Nga » nhắm vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraina. Kèm theo đó là « nguy cơ » Mỹ bị lôi kéo vào vòng xoáy chiến tranh. Một số các nhà quan sát cho rằng, đó là lý do vì sao từ nhiều tháng qua, Washington đã « rất thận trọng » trước yêu cầu của phía Kiev.
Một quan chức cao cấp Mỹ được Reuters trích dẫn nhấn mạnh : Dù Hoa Kỳ trao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraina thì đó phải là một công cụ chỉ để giúp Ukraina tự vệ, kháng cự trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
Có một điều chắc chắn đó là, ngay cả khi Mỹ giao loại vũ khí tối tân này cho Ukraina thì cũng phải cần ít nhất ba tháng để đào tạo cho các quân nhân Ukraina sử dụng dàn tên lửa Patriot. Công tác đào tạo đó có thể sẽ do « một quốc gia thứ ba » đảm nhiệm. Reuters nêu lên khả năng đó sẽ là Đức.
Trong khi chờ quyết định cấp thêm vũ khí cho Ukraina, chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Volodymyr Zelensky lần này là một thông điệp mạnh mẽ Kiev và Washington gửi tới Matxcơva.
Nguồn tin: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn