Không rõ lần này chàng diễn viên tài hoa điển trai nhưng hẩm hiu Leonardo Dicaprio có được xướng tên hay không, nhưng chúng ta hãy tạm bỏ qua điều này. Thay vào đó, hãy hướng sự chú ý tới một thứ khác: tấm thảm đỏ của lễ trao giải Oscar.
Ngay cả trong bài viết này, Leo cũng bị bỏ qua...
"Thảm đỏ Oscar" - cái tên nghe thôi cũng đã lột tả được phong cách, sự sang trọng, cũng như sự quyến rũ rồi ấy.
Không những thế, thảm đỏ còn được coi là trọng tâm của những lễ trao giải Oscar, là điểm nhấn của các nghi lễ, sự kiện và các buổi công chiếu trên toàn thế giới, biến ngôi sao điện ảnh càng trở nên long lanh hơn.
Nhưng liệu bạn có tò mò vì sao "thảm đỏ" lại được gắn liền với Oscar? Và tại sao lại phải là màu đỏ? Hãy thử tìm hiểu xem.
Tấm thảm không dành cho người bình thường
Lội ngược dòng lịch sử, từ lâu tấm thảm đỏ đã không được thiết kế dành cho những người bình thường. Một ví dụ điển hình là trong vở kịch Agamemnon của nhà biên soạn Aeschylus, hoàng hậu Clytemnestra đã trải thảm đỏ lên con đường chào đón chồng mình trở về sau chiến thắng ở thành Troy.
Nhưng khi ấy, ngay cả hoàng đế Agamemnon cũng ngập ngừng, không dám bước lên tấm thảm bởi ông tự nhận mình chỉ là "một người phàm" chứ không phải một vị thần.
Ngài từng chia sẻ: "Ta không thể giẫm lên thứ nguy nga thắm màu này mà không chút lo ngại sẽ bị ngã khỏi đường đi!". Tuy nhiên sau đó, ông vẫn đặt chân của mình lên sau lời sám hối.
Thảm nói chung và thảm đỏ được sử dụng khá nhiều trong nghệ thuật thời Phục Hưng. Chúng thường có màu sắc lấp lánh, có những họa tiết trang trí theo khuôn mẫu rất phong cách và xuất hiện nhiều trong bức tranh về vị thần, các thánh và hoàng gia.
Tại sao lại vậy? Theo Sonnet Stanfill - chuyên viên cao cấp tại Viện bảo tàng Victoria & Albert:"Đó là màu sắc từ lâu đã gắn liền với thanh thế, hoàng gia và các tầng lớp quý tộc. Thuốc nhuộm màu đỏ là một trong những loại thuốc nhuộm giá trị nhất. Lí do là bởi chúng rất khó sản xuất và có giá thành rất cao".
Thuốc nhuộm màu cánh kiến và màu đỏ son đã và vẫn được sản xuất bằng cách sử dụng chiết suất từ những loài côn trùng có màu sắc tương ứng.
Ở thế kỉ 15, chúng đã được người Aztec và Maya ở Bắc Trung Mĩ dùng làm thuốc nhuộm vải. Đến thế kỉ 17, thuốc nhuộm màu cánh kiến đã là một mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị.
Sự xuất hiện của khái niệm "thảm đỏ Hollywood"
Năm 1821, Tổng thống Mỹ - James Monroe được chào đón khi bước xuống từ thuyền của mình bằng một tấm thảm đỏ. Sự kiện đó đã ghi dấu tầm quan trọng của vật dụng này, khiến việc sử dụng thảm đỏ trở thành tiêu chuẩn trong các sự kiện chính trị cấp cao.
Cho đến đầu thế kỉ 20, thuật ngữ "trải thảm đỏ" mới xuất hiện - ám chỉ việc đón tiếp thượng khách – nhờ một dịch vụ độc đáo của hãng đường sắt Trung Tâm Newyork (New York Central Railroad). Theo đó, hãng này đã sử dụng thảm đỏ để chào đón cũng như chỉ đường khách lên tàu, được xem là mốc khởi đầu cho thuật ngữ "tiếp đón bằng thảm đỏ".
Tổng thống Mỹ Barrack Obama bước xuống máy bay trên thảm đỏ
Nhưng mãi cho đến tận năm 1920, tấm thảm đỏ và Hollywood mới thực sự trở thành một phần không thể thiếu của nhau.
Năm 1922, thảm đỏ đã được trải dài trước nhà hát Egyptian cho buổi công chiếu phim Robin Hood của nam diễn viên Douglas Fairbanks.
Tấm thảm đỏ đầu tiên gắn với Hollywood được trải vào năm 1922
Stanfill chia sẻ: "Thật thú vị khi thảm đỏ đã trở thành một phần không thể thiếu với những ngôi sao điện ảnh, những người được coi như ông hoàng bà chúa ngày nay. Sự phát triển của các nhà đài cuối thế kỉ 20 đã biến họ thành những cung điện của con người.
Rõ ràng là có một sự tương đồng, khi trước kia thảm đỏ được dùng để chào đón thành viên của hoàng tộc, thì nay được dùng để chào đón những ông vua trong làng điện ảnh".
Từ năm 1964 trở đi, tấm thảm đỏ xuất hiện nhiều hơn trong các sự kiện của điện ảnh và được toàn cầu công nhận là một vật trang trí tâm điểm cho các nam, nữ diễn viên bước xuống từ xe limousine của họ.
Ngày nay, tấm thảm đỏ Oscar có diện tích hơn 1.500 mét vuông và phải mất hai ngày để trải xong ở nhà hát Dolby, thành phố Los Angeles.
Phải mất 2 ngày để trải xong tấm thảm đỏ có diện tích hơn 1500m vuông ở nhà hát Dolby, Los Angeles.
Những điều thú vị xung quanh thảm đỏ
Như một hệ quả tất yếu đi kèm, khi thời trang và điện ảnh gắn liền với nhau, tấm thảm đỏ bỗng dưng trở thành sân khấu trình diễn của các ngôi sao hàng đầu thế giới.
Thậm chí, nhiều hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới đã cho ra đời những dòng sản phẩm riêng cho thảm đỏ, đặc biệt là các thiết kế của Valentino và Giorgio Armani.
"Trả tiền để mặc đẹp" đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc với các ngôi sao khi họ phải đặt thiết kế riêng hoặc thuê nhà tạo mẫu, để chuẩn bị cho những lần ra mắt trên thảm đỏ.
Có thể vì những lý do trên mà xu hướng hiện nay, các ngôi sao đang dần quay trở lại với những lựa chọn "an toàn" hơn thay vì trang phục phá cách, dễ bị đánh giá.
Sự thay đổi này bất ngờ lại giúp cho tấm thảm đỏ trở về với đúng phong cách vốn có của nó: dành cho sự quý phái, sang trọng.
Chiếc váy thiên nga và khoảnh khắc đó đã đi vào lịch sử của thảm đỏ Oscar.
Tuy nhiên, thảm đỏ Oscar vẫn chứng kiến nhiều sự phá cách bất ngờ đến… hoảng hốt. Năm 2001, nữ ca sĩ Björk đã gây sốc khi diện một bộ váy thiên nga và lại còn "đẻ" luôn một quả trứng trên thảm đỏ.
Tất nhiên, cô được liệt vào top những bộ váy xấu nhất khi đấy, nhưng 15 năm sau, bộ váy của cô lại được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại và khoảnh khắc "đẻ trứng" đó của Björk đã vĩnh viễn đi vào lịch sử của thảm đỏ Oscar.
Giải thưởng Viện Hàn lâm (tiếng Anh: Academy Awards), thường được biết đến với tên Giải Oscars là giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (tiếng Anh: Academy of Motion Picture Arts and Sciences, viết tắt là AMPAS).
Kể từ năm 1928, giải Oscar được trao hàng năm tại thành phố Los Angeles để ghi nhận những thành tựu xuất sắc của điện ảnh trong năm của các đạo diễn, diễn viên, kịch bản và nhiều lĩnh vực khác.
Tác giả bài viết: Nguồn: BBC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn