Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ hai - 06/09/2021 10:28
- Thưa ngài, nhiệm vụ của một bức tượng là gì? - Là để người khác, người đời sau tưởng nhớ và tôn thờ một ai đó, một điều gì đó mà con người muốn ghi nhớ. Cũng có khi, bức tượng chỉ là một vật trang trí làm đẹp hoặc phục vụ cho những mục đích, ý đồ riêng của ai đó. -Vậy có bao nhiêu loại tượng và ngài thuộc loại gì? -Tuỳ theo quan niệm, mục đích sử dụng mà người ta chia ra các loại tượng. Ví dụ để thờ cúng thì có tượng thờ, để trang trí có tượng mỹ nhân, để tôn vinh ai đó thì có tượng danh nhân... Có lẽ tôi thuộc lại tượng thờ, vì không lẽ tự nhân mình là tượng danh nhân? -Tượng danh nhân, khác tượng thờ ra sao, thưa ngài? -Cái này hơi khó nói. Tế nhị quá. Mà nói chung, trừ tượng trang trí hay mỹ thuật..., còn thì tượng danh nhân hay tượng thờ đôi khi hay bị lẫn lộn. Không phải là người ta không phân biệt được mà do họ muốn thế. Họ ưa lầm lẫn, ưa huyền thoại hoá lên để huyễn hoặc người khác và tự huyễn hoặc mình. Nhưng mà cũng không dễ... đánh tráo, thay đổi sự thật đâu. Tượng danh nhân là thờ những con người vĩ đại thực sự. Đó là những con người thực sự và có những cống hiến to lớn cho con người. Họ không phải do con người dựng lên. Còn tượng thờ thì ngược lại. Nhưng cũng có trường hợp, tượng danh nhân thành tượng thờ. Ví dụ các vị vua, vị anh hùng có công với nước... khi họ mất đi họ được thờ như những vị thần... -Thưa ngài, vì sao người ta dựng tượng ngài? - Vì người ta (những người sống) muốn những người sống khác tôn xưng ta. Họ dựng tượng ta để người khác bái vọng ta. Họ tôn thờ ta chỉ để người khác tôn thờ họ. -Ngài nói thật khó hiểu, khó tin quá. Vì sao người ta (những người dựng tượng ngài) tôn thờ ngài để mong người khác tôn thờ lại họ. Vì sao họ làm điều đó được, trong khi ngài chỉ là một bức tượng, trong khi ngài im lặng, không có quyền hành? -Anh nghĩ vậy thì thật nông cạn! Đúng, ta chỉ là một bức tượng, ta không có quyền hành, không nói ra được những điều mà người ta muốn nói để người khác tin và làm theo. Nhưng chính vì vậy mà ta cần cho họ. Những người dựng ta lên sẽ nói thay ta, sẽ khoác lên người ta những giá trị và quyền lực. Đó là thứ quyền năng của đức tin, của sự bị mê hoặc... Anh không nghe câu "Thần thiêng nhờ bộ hạ" sao? Ta không có quyền phát ngôn, vì ta chỉ là một bức tượng, đó lại là điều cần thiết và ưu điểm. Những người dựng ta sẽ tha hồ mà muốn nói gì thì nói. - Không được nói những điều mình cần nói, muốn nói thì quả là... -Khó chịu và ẩn ức, ý anh muốn nói vậy chớ gì? Tôi quen rồi. Mà cũng phải chịu đựng thôi. Người ta sống sờ sờ ra đó còn không ăn thua nữa là ta, một bức tượng. Mà thực ra ta cũng có tiếng nói riêng của ta đó chứ. Ta im lặng, còn những người lập ta lên, tôn thờ ta nói (theo ý họ). Họ nói gì, chưa hẳn tất cả đã tin. Nếu ai tỉnh táo, nhìn lại thân thế của ta, họ sẽ hiểu ra. -Ngài vừa nói ở trên là họ dựng ngài lên để tôn thờ nhằm người khác tôn thờ lại họ. Như vậy là họ có mục đích riêng. Làm sao để biết được mục đích đó của những người dựng lên ngài? -Thật đơn giản, chỉ cần nhìn vào cách họ tôn vinh ta thì biết ngay. Nghe họ nói về sự quan trọng và linh thiêng của ta như thế nào là biết ngay. Nhưng phải tỉnh táo mới được. Nếu anh cuồng tín và mê muội quá, anh sẽ không nhận ra, hoặc khó nhận ra. Đừng tự biến mình thành tín đồ của họ thì anh mới nhận thấy mục đích đó được, anh hiểu không? -Nhưng mà con người thường nhẹ dạ, cả tin, nhất là trước thần thánh, tượng thờ. Đơn giản vì họ không thể chống lại đám đông và đôi khi là quyền lực. Không tin cũng phải tin... -Ôi, vậy thì bi kịch thật! Ta không thích một sự tôn thờ kiểu đó, kiểu ép buộc. Vì đến một lúc, nếu họ biết mình bị dụ trong cái trò tôn thờ này, họ sẽ phỉ báng ta. Nếu vậy, dù ta đang sống nhờ sự tôn thờ của mọi người, ta cũng buồn lắm!... -Vâng, ngài vừa nói là những người sống đôi khi còn bất lực, không nói ra được, huống hồ là ngài, một bức tượngTôi nghĩ rồi hậu thế sẽ hiểu và thông cảm cho ngài thôi.