Sài Gòn muốn đưa tượng Trần Nguyên Hãn về lại trước chợ Bến Thành

Thứ sáu - 03/06/2022 03:42
unnamed (2)
unnamed (2)
 

Cụm tượng đài Trần Nguyên Hãn lúc chưa di dời. (Hình: Hoàng Thiên/Zing)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch ở Sài Gòn, đã giao Sở Quy Hoạch-Kiến Trúc lập tổ công tác “nghiên cứu phương án thiết kế đô thị tổng thể” ở quận 1. Trong đó, đáng chú ý là việc đưa tượng Trần Nguyên Hãn về lại vị trí cũ trước chợ Bến Thành.

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 31 Tháng Năm, ngoài việc trả về vị trí ban đầu, thành phố còn đề nghị làm mới tượng Trần Nguyên Hãn bằng chất liệu “bền vững hơn,” tỉ lệ kích thước bệ tượng và tượng phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.

Cùng với việc đưa tượng đài Trần Nguyên Hãn về lại chỗ cũ, thành phố cũng sẽ nghiên cứu tái lập nút giao tại giao lộ Lê Lợi-Nguyễn Huệ và bùng binh trước chợ Bến Thành.

Trước đó vào giữa Tháng Mười Hai, 2014, tượng đài Trần Nguyên Hãn được xây dựng từ trước năm 1975 – biểu tượng ở trung tâm thành phố và là hình ảnh quen thuộc của người Sài Gòn, đã bị giới hữu trách cho dời đến đặt ở công viên Phú Lâm, quận 6.

Năm ngày sau, tượng bán thân Quách Thị Trang cũng bị chuyển về công viên Lý Tự Trọng, quận 1.

Theo báo VietNamNet, việc di dời cụm tượng trên khiến người dân Sài Gòn tiếc đứt ruột, song theo giới hữu trách là để “bảo đảm an toàn,” do hồi Tháng Bảy, 2013, chân phải của tượng Trần Nguyên Hãn bất ngờ rơi ra khiến nhiều du khách đang chụp hình phía dưới hoảng hốt. Song, nguyên nhân chính là để giải tỏa mặt bằng thi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên.

 

Theo báo VNExpress, từ khi hình thành cách đây hơn 100 năm, công trường Diên Hồng hay còn gọi là bùng binh Quách Thị Trang, và chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng của đô thị Sài Gòn, gắn bó với nhiều thế hệ người dân.

Công trường được người Pháp xây dựng song song với chợ Bến Thành (trước năm 1975, người dân hay gọi là chợ Sài Gòn, và cũng có một thời gian được đặt tên là chợ Quách Thị Trang) do nhà thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912, đến Tháng Ba, 1914, thì hoàn tất.

Khu vực trước chợ còn gọi quảng trường Eugène Cuniac (Place d’Eugène Cuniac- đặt theo tên thị trưởng người Pháp đầu tiên của Sài Gòn.) Khu đất giữa quảng trường Cuniac trong những năm 1920 là nơi có lễ hội vui chơi buôn bán. Các gánh xiếc giải trí, cải lương, nhạc tài tử, múa, ca nhạc với đánh võ quyền anh đã được tổ chức tại đây.

Đến năm 1955, chính quyền Bảo Đại đổi tên thành quảng trường Diên Hồng.

Năm 1964, chính quyền VNCH cho đặt tượng nữ sinh Quách Thị Trang, người bị bắn chết khi tham gia phong trào học sinh-sinh viên chống thiết quân luật của chế độ Ngô Đình Diệm.

Đến năm 1965, chính quyền VNCH đã cho xây dựng tiếp tượng đài Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa trên một bệ cao, rất uy nghi.

Bùng binh Quách Thị Trang ở cổng chính chợ Bến Thành khi cụm tượng đài đã bị dời đi. (Hình: Thanh Niên)

Bày tỏ trên báo Tuổi Trẻ, độc giả “Phong” ủng hộ: “Quá tuyệt vời! Rất mong sắp đến sẽ có thêm nhiều dự án khôi phục những công trình kiến trúc, văn hóa gắn liền với tiềm thức người dân thành phố.”

Trong khi đó, độc giả “Nguyễn Thái” đồng tình: “Rất ủng hộ các vị lãnh đạo có lòng gìn giữ và tái lập những nét đẹp đã in sâu trong lòng bao nhiêu thế hệ người Sài Gòn. Mong sớm được nhìn ngắm lại những hình ảnh thân thương, quen thuộc.” 

     
 

Nguồn tin: (Tr.N) [qd]

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập20
  • Hôm nay12,085
  • Tháng hiện tại397,336
  • Tổng lượt truy cập36,043,681
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây