Bắt thêm nghi phạm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - “Đức sẽ điều tra đến cùng”

Thứ năm - 09/06/2022 03:41
unnamed (2)
unnamed (2)

 Ông Trịnh Xuân Thanh bị dẫn ra toà ở Việt Nam

Văn phòng Công tố Liên bang Đức thông báo một nghi phạm mang quốc tịch Việt Nam có tên Anh T.L. đã bị bắt và được trao lại cho cơ quan chức năng nước Đức vào ngày 1/6, sau khi bị bắt tại Prague (Cộng hoà Séc).

Ông này bị bắt với cáo buộc “Hoạt động gián điệp và hỗ trợ tước đoạt quyền tự do”, vì dính líu đến vụ tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức hồi năm 2017.

Nhà báo Lê Trung Khoa, người luôn theo sát vụ án này trả lời RFA từ Berlin, cho biết người bị bắt là ông Lê Anh Tú, một người Việt Nam định cư tại Séc. Ông này được cho là đã về Việt Nam để lẩn trốn sự truy nã của của Liên minh châu Âu theo lệnh bắt giữ trước đó của tòa án Đức. Ngay khi ông này nhập cảnh vào Châu Âu trở lại hôm 15/4  vừa qua thì bị bắt và bị dẫn độ về Đức vào ngày 1/6.

Vai trò của nghi phạm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Nói về vai trò của ông Lê Anh Tú trong vụ tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, theo ông Khoa, trong phiên toà xét xử ông Nguyễn Hải Long hồi năm 2018, người cũng bị cáo buộc tiếp tay cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Viện công tố Đức đưa ra bản cáo trạng nói rằng ông Lê Anh Tú là người đã lái chiếc xe buýt nhỏ để bắt  cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7/2017, sau đó chạy thẳng vào Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin:

“Rõ ràng ông ta là người trực tiếp tham gia vào vụ bắt cóc. Vì ông ta chính là người lái chiếc xe bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Như vậy là ông ta đã chứng kiến được toàn bộ quá trình diễn ra, từ lúc đội bắt cóc bao gồm ông Trung tướng Đường Minh Hưng ở khách sạn gần đó cùng với những sĩ quan khác của Việt Nam tham gia. Ông ta đều biết hết quá trình đó.” - ông Khoa nói.

Bà Marina Mai, một nhà báo người Đức chuyên đưa tin về vụ án này nói với RFA rằng ông Lê Anh Tú có thể sẽ không bị bắt nếu ông ta đến Châu Âu chậm hơn bốn tháng sau:

“Các hoạt động của mật vụ ở Đức có thời hiệu năm năm. Vì lệnh bắt đối với ông Anh (Lê Anh Tú - PV) là từ ngày 10/8/2017. Theo như tôi biết thì sẽ hết hạn vào ngày 10/8/2022. Vì vậy, nếu ông Anh đến Châu Âu bốn tháng sau, ông ấy có thể sẽ không bị bắt và bị kết án.

Nhưng bây giờ nó đã xảy ra. Vì vậy, tôi nghĩ, thời gian tới sẽ có một phiên tòa thứ hai liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, để xét xử ông ta.”

Làm rõ trách nhiệm của Tô Lâm?

Ông Lê Anh Tú còn bị cáo buộc rằng sau khi vụ bắt cóc xảy ra vài ngày, ông này đã lái một chiếc xe khác từ Séc tới khách sạn Borik ở Bratislava (Slovakia), và có tiếp xúc với ông Tô Lâm tại đây.

Ông Khoa đánh giá rằng chính vì Lê Anh Tú tham gia gần như là vào toàn bộ quá trình bắt người ở Đức, Séc và Slovakia, do đó, việc điều tra ông này sẽ giúp làm sáng tỏ trách nhiệm của Tô Lâm, cũng như có hay không chuyện ông cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia có dính líu trong vụ bắt cóc này:

“Trong bản án đó thì họ ghi khá rõ là ông Tô Lâm là người đứng ra tổ chức việc bắt cóc này ở châu Âu. Tuy nhiên hiện nay chưa có đủ bằng chứng xác thực để có thể truy tố Tô Lâm.

Cho nên tôi nghĩ là họ sẽ làm dần từng bước một. Một bước rất quan trọng là việc bắt được ông Lê Anh Tú và dẫn độ sang nước Đức bởi vì ông ta đã có tiếp xúc trực tiếp với cuộc họp của ông cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia và ông Tô Lâm tại khách sạn Borik ở Slovakia.”

Lúc bấy giờ, tại khách sạn này đang diễn ra cuộc gặp giữa ông Bộ trưởng Công an Tô Lâm và cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Slovakia khi đó là Robert Kaliňák hôm 26/7/2017.

Slovakia đã cho phái đoàn Việt Nam mượn một chuyên cơ của Chính phủ để bay tới Moscow từ Bratislava sau cuộc gặp giữa hai bộ trưởng. Một số hãng truyền thông ở Đức và Slovakia hồi năm 2018 có đặt vấn đề rằng có thể Việt Nam dùng  máy bay này để vận chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về nước.

Ông Robert Kaliňák sau đó đã lên tiếng khẳng định không liên quan đến kế hoạch bắt cóc này. Đến tháng 12/2018, Slovakia quyết định đình chỉ điều tra các viên chức nước này bị tình nghi tiếp tay đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.

“Đức sẽ điều tra đến cùng!”

Bộ ngoại giao Đức năm 2017 đã lên án việc Việt Nam bắt cóc người trên lãnh thổ Đức là “vi phạm trắng trợn luật pháp nước Đức và luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi không bao giờ dung thứ”

Đức đồng thời áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt Việt Nam, bao gồm tạm dừng mối quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, trục xuất hai nhân viên Sứ quán Việt Nam cùng với gia đình của họ về nước…

Theo bà Marina Mai, các biện pháp trừng phạt ngoại giao cứng rắn đã bị chỉ trích bởi các ông lớn của nền kinh tế Đức, những người muốn làm ăn với Việt Nam. Đó là lý do tại sao các chính trị gia Đức quyết định vào cuối năm 2018 rằng sẽ dần dần bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng:

“Điều này không có nghĩa là nước Đức không còn mặn mà với vụ Trịnh Xuân Thanh. Nước Đức đã công nhận việc Việt Nam thả ông Nguyễn Văn Đài sang Đức, cũng công nhận rằng Việt Nam không tử hình Trịnh Xuân Thanh. Nhưng chính phủ Đức vẫn đang yêu cầu trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh và đưa ông này trở lại nước Đức.

Người mang hộ chiếu ngoại giao Việt Nam vẫn không được phép đến Đức nếu không có thị thực. Và Đức cũng không cho phép Việt Nam được bổ nhiệm sĩ quan liên lạc với cảnh sát và cơ quan mật vụ trong đại sứ quán Việt Nam ở Berlin kể từ khi vụ bắt cóc xảy ra.”

Theo ông Lê Trung Khoa, đối với một nước có nền Tư pháp độc lập như Đức họ sẽ điều tra vụ án này cho đến cùng, bằng chứng là việc ông Lê Anh Tú đã bị bắt ngay khi vừa đặt chân trở lại Châu Âu:

“Đức phải và sẽ làm cho đến cùng cho đúng theo nền Tư pháp độc lập, không có chuyện họ bỏ qua hay như ở Việt Nam hay nói là chuyện để lâu thì nó sẽ trôi qua.”

Trịnh Xuân Thanh có cơ hội trở về Đức?

Năm 2017, Phía Đức đưa ra ba yêu cầu cho Việt Nam, coi như là biện pháp khắc phục để có thể nối lại mối quan hệ ngoại giao hai nước. Thứ nhất là Đức đòi hỏi Việt Nam phải trả lại nguyên trạng, tức là trả Trịnh Xuân Thanh trở lại nước Đức, thư hai là phải xin lỗi vì vi phạm luật pháp và chủ quyền nước Đức và điều thứ ba là hứa không tái phạm. Tuy nhiên, Việt Nam đã không thực hiện những yêu cầu này.

Nhận định về khả năng ông Trịnh Xuân Thanh được trao trả về Đức, nhà báo Marina Mai cho biết điều đó tuỳ thuộc vào việc Chính quyền Hà Nội có muốn chấm dứt hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của mình hay không. Bà nói:

“Việt Nam có muốn chấm dứt tình trạng vi phạm luật pháp quốc tế hay không. Điều đó chỉ có thể xảy ra nếu Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức. Nước Đức sẵn sàng cấp hộ chiếu cho Trịnh Xuân Thanh. Gia đình ông ấy đang sống ở đây.”

Theo nhà báo Lê Trung Khoa, việc Trịnh Xuân Thanh được trao trả về Đức là điều khó có thể xảy ra trong tương lai gần, ít nhất là trong thời điểm mà Nguyễn Phú Trọng vẫn là Tổng bí thư và Tô Lâm vẫn đang ngồi ghế Bộ trưởng Công an:

“Nếu trong trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh được trở về Đức thì ông ta bắt buộc phải khai báo thành thật tất cả quá trình diễn ra vụ bắt cóc.

Thế thì nó sẽ gây ra một sự nguy hiểm rất lớn đối với đảng Cộng sản Việt Nam, mà cụ thể là đối với ông Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm, là những người có thể có liên quan rất mật thiết trong vụ bắt cóc này. Cho nên ông Trịnh Xuân Thành rất khó có thể quay trở lại Đức trong thời gian ngắn.”

Ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, trước khi bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” vào năm 2016. Tuy nhiên, thời điểm đó ông đã bỏ trốn và xin tị nạn tại nước Đức.

Tháng 7/2017, Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin của Đức. Tháng 8/2017, ông Thanh xuất hiện trên VTV Đài truyền hình quốc gia Việt Nam nói rằng mình về Việt Nam để đầu thú và “nhận khuyết điểm, xin lỗi”, mong được “hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật.”

Cả ông Trịnh Xuân Thanh và các cơ quan hữu trách Việt Nam đến nay chưa đề cập đến việc ông Thanh từ Đức về Việt Nam “đầu thú” bằng con đường nào.

 
   

Nguồn tin: tru Vu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập15
  • Hôm nay7,217
  • Tháng hiện tại70,128
  • Tổng lượt truy cập35,716,473
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây