Mạn đàm về tước hiệu Đức Ông

Thứ tư - 15/06/2022 05:08
tải xuống
tải xuống

Khi một linh mục có điểm với giáo xứ hay giáo phận, hoặc với giám mục - như được lòng, được thiện cảm và tin cậy - thì có thể nhận được phần thưởng nào đó, chẳng hạn được làm chính xứ, được về giáo xứ lớn, hay được thưởng một tước hiệu danh dự gọi là ‘đức ông’ mà không phải là chức thánh.

Làm sao viết tắt tước hiệu ‘đức ông’?

Trong thời đại mì gói, phở gói, trà pha lẹ, cà-phê pha lẹ, món ăn nấu lẹ và gửi thư a-còng @, người ta ưa viết tắt như Gm hay GM thay cho giám mục, hoặc Lm hay LM thay cho linh mục, cho mau lẹ, để khỏi tốn giờ, tốn mực và tốn giấy. Linh mục mà viết tắt là Lm hay giám mục mà viết tắt là Gm, nghĩa là dùng chữ ‘m’ thường thì trông có vẻ dễ coi và thoáng hơn. Còn đối với đức ông, thì phải viết tắt là Đ.ô. hay Đ.Ô., cách nhau bằng một dấu chấm, thì đọc mới đúng kiểu được. Còn nếu viết tắt là ĐÔ hay Đô, người ta sẽ đọc ra như là tiền đô, thì lại hỏng kiểu.

Tại bất cứ giáo phận nào mà có một vài linh mục với tước hiệu Đ.Ô., mà xét về chức tước trong Giáo Hội thì thua kém Đức Cha. Tuy nhiên xét về tước hiệu trong văn hoá xã hội VN thì lại thuộc vai trên Đức Cha. Rồi giả sử khi một linh mục có tước hiệu Đ.Ô., mà được bổ nhiệm làm Đức Cha, thì xét về tước hiệu lại bị hạ bệ. Tréo cẳng ngỗng và tếu thiệc.

Khi được thăng tước hiệu Đ.Ô., thì có những vị đề tên mình Đ.Ô. nọ, Đ.ô. kia, trong khi Đức Phanxicô chỉ kí tên là Phanxicô thôi. Linh mục đó còn tự giới thiệu mình là Đ.Ô. khi gặp linh mục khác hay giáo dân nữa. Tước hiệu Đ.Ô. không phải là chức thánh, nên nếu chỉ viết hay giới thiệu là Đ.Ô. nọ kia, thì người ta có thể không biết Đ.Ô. thuộc tầng lớp hay tôn giáo nào. Được lãnh tước hiệu Đ.Ô. chỉ là một tước hiệu danh dự, mà không phải lãnh thêm trách nhiệm gì. Đ.Ô. vẫn là linh mục.

Trường hợp này phải kí tên là Linh mục nọ kia, rồi thêm tước hiệu Đ.Ô. vào như người ta kí tên, rồi thêm bằng cấp hay nghề nghiệp vào như Tiến sĩ, thạc sĩ, Bác Sĩ, Giám Đốc, Luật Sư, Nha sĩ v.v., nếu muốn cho người ta tin tưởng vào việc làm của mình xem có đủ trình độ học vấn và huấn luyện không?

Hiểu thế nào về tước hiệu Đ.Ô.?

Từ ngữ Việt Nam dùng hiện tại để chỉ tước hiệu Đ.Ô. lại có vẻ tréo cẳng ngỗng. Người thưởng công thì có chức thánh cao hơn người được thưởng. Tuy nhiên sau khi lãnh thưởng thì người được thưởng lại vượt người ban thưởng về tước hiệu. Nói cách khác, chức đang có của quí vị linh mục đó là chức cũ thì nhỏ hơn một chức khác, nhưng tước hiệu lại lớn hơn tước hiệu của một chức cao hơn. Lãnh tước hiệu này thì cũng được bận áo giống như áo của một chức cao hơn, chỉ khác là không có mũ chỏm và mũ hàm ếch. Người ta thấy làm cha rồi mới làm ông, mà đây lại làm ông mà không có, hoặc sẽ có thể lãnh tước hiệu nhỏ hơn của một chức cao hơn. Giả sử trường hợp vị mang tước hiệu này được thăng chức, thì chức tước được thăng, nhưng tước hiệu lại bị hạ bệ. Tếu thiệc!

Làm sao để được tước tiệu Đ.Ô.?

Khi nhân tin được làm Đ.Ô. thì có những vị khoe với giáo dân là chính Đức Thánh Pha-Pha đã ban thưởng tước hiệu đó cho đương sự. Thực ra thì có trường hợp kia khi một linh mục Việt Nam tại Mĩ được thăng tước hiệu Đ.Ô. là do một thầy phó tế vĩnh viễn làm việc trong giáo xứ Việt Nam, xin tổng giám mục giáo phận đệ đạt lên Vatican ban tước hiệu đó cho cha sở. Trường hôp xin và nhận tước hiệu tước hiệu Đ.Ô.kiểu này thì lạ thiệc đấy.

Tới khi nhận thư từ Toà Thánh Vatican báo tin Đức Giáo Hoàng Gio-an Phaolô II ban tặng tước hiệu Đ.Ô. cho, mà thực sự Ngài đã băng hà cả tháng trời tại Rôma. Có những linh mục Mĩ có tước hiệu này nhưng vẫn tự xưng với giáo dân hay những linh mục khác là cha nọ cha kia.  Ý thức được đang sống trong xã hội dân chủ, cũng có mấy linh mục Việt được tước hiệu này cũng theo xưng mình là cha này cha nọ với những linh mục khác thay vì xưng mình là Đ.Ô.

Đức Phan-xi-cô muốn bình dị hoá và mục vụ hoá theo triều đại Giáo Hoàng của Ngài.

Khi mới lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Phan-xi-cô tuyên bố các giám mục chỉ được xin tước hiệu Đ.Ô. tới ngày tháng năm đó là hết hạn thì có giám mục kia ở Âu Châu xin ngay một mẻ tước hiệu Đ.Ô. cho mấy chục linh mục trong giáo phận của Ngài kẻo sau đó hết cơ hội. Dĩ nhiên là Toà Thánh Vatican bác bỏ. Giả sử mấy chục linh mục đó được tiến cử lên Vatican mà được Toà Thánh chấp thuận thì các vị đó theo lẽ thường có phải nghĩ đến việc đáp trả cho giám mục của họ không theo luật không được viết ra là ‘có đi có lại’ không?.

Trong cuộc họp tháng 10 năm 2013 với Hội đồng Hồng y Cố vấn, Đức Phanxicô bày tỏ ý muốn thu nhỏ tước hiệu ‘đức ông’ lại như là một phần của nỗ lực bao quát hơn, nhằm đưa ra một tầm nhìn bình dị hơn và mang tính mục vụ hơn về triều đại Giáo Hoàng của Ngài.

Có lần Ngài nói với nhóm linh mục không nên coi mối liên hệ với người giáo dân như là mình đã tiến lên được một bậc thang trong Giáo Hội, nhưng xem mình đã tiến triển đến mức độ nào trong ơn gọi linh mục. Điều đó cho thấy ngài muốn hàng linh mục gần gũi với giáo dân và đáp ứng nhu cầu mục vụ của họ.

Tưởng cũng nên biết khi còn là Tổng Giám Mục tổng Giáo Phận Buenos Aires, Á Căn Đình, Đức Phanxicô không thích được thưa là ‘Your Excellency’ (thưa Ngài) và khi là Hồng Y Tổng Giám Phận Buenos Aires, Ngài cũng không thích được bẩm là ‘Your Eminence’ (bẩm Ngài).

Tưởng cũng nên biết thêm - mà không cần kể ra - là trước đó Toà Thánh Vatican ban nhiều mức ân thưởng khác nhau cho giới linh mục chứ không phải chỉ có một loại là ban tước hiệu ‘Đ.Ô. mà thôi.

Vào Tháng 12 năm 2013, Đức Phanxicô ra sắc lệnh cho hàng giám mục giáo phận chỉ có thể tiến cử  tước hiệu Đ.Ô. cho linh mục vào độ tuổi tối thiểu từ 65 trở lên. Tước hiệu Đ.Ô. có trước đó không bị ảnh hưởng.

Vậy mà sau đó mấy năm, Toà Thánh lại ban tặng tước hiệu Đ.Ô. cho mấy linh mục còn trẻ măng tại Va-ti-căng. Điều đó gây hoang mang cho một số linh mục và giáo dân. Tìm hiểu ra người ta mới biết là mấy linh mục mới được ban tặng tước hiệu Đ.Ô., phục vụ trong Toà Thánh tại Vatican và Bộ Ngoại Giao của Toà Thánh Vatican tại ngoại  quốc.

Toà Thánh Vatican đặt Đ.Ô. làm trong các bộ của Toà Thánh tại Vatican là có lí do như khi thấy có hai Đ.Ô. đứng bên Đức Pha Pha trong các thánh lễ ‘đại trào’ đễ phụ giúp những việc có thẻ, mà trước Công Đồng Vaticanô II quen gọi là lễ ‘Di-Súp’(Lễ có Thầy Sáu chức và Thầy 5 chức phụ lễ giúp giám mục hay linh mục chủ tế ngoài ban lễ sinh. Di hiểu là Thầy Sáu trong La ngữ là Diaconus, còn Súp hiểu là Thầy có chức Năm trong La ngữ là Subdiaconus). Khi muốn có lễ Di-Sub mà không có thầy sáu và thầy năm chức, thì hai linh mục có thể đóng vai trò thầy 6 và thầy 5. Hồi đó chưa có lễ đồng tế với nhiều linh mục hiện diện trên bàn thờ như đời nay, thì lễ Di-Súp có ‘ca đoàn hát tiếng La-tinh, các cô con gái thưa kinh dịu dàng’, thì thật long trọng.

Còn trong ngành ngoại giao của Toà Thánh tại ngoại quốc, khi những quan chức của nước chủ nhà thấy Đ.Ô. bận áo có riềm tím, nút áo tím và đai lưng tím, chụm hai bàn tay lại trước bụng giống như giám mục, thì trông cũng có vẻ bệ vệ và gây được ảnh hưởng đấy nhất là những vị ‘tốt bụng’. Đ.Ô nào không có bụng tốt mà phình bụng lên, rồi ư-ỡ-n bụng ra, thì cũng giống như tốt bụng vậy.

Tuy nhiên, trong phạm vi giáo phận, mà giám mục đặt Đ.Ô. có thể tạo ra cách đối xử phân biệt chăng? Đang là linh mục với nhau nhất là vào chủng viện còn trẻ cùng lớp với nhau, nếu thân thiết với nhau có thể vẫn xưng hô với nhau bằng ‘mày tao chi tớ’. Khi được làm Đ.Ô. thì bầu khí giữa tình anh em trong hàng ngũ linh mục có vẻ trở nên khác đi, nếu không nói là xa cách trong cách xưng hô và cách cư xử như được nhắc đến danh tính trước. Trong thánh lễ đồng tế và tại phòng ăn cộng đồng cũng được đối xử khác nhau. Đến giáo phận khác cũng được hưởng những đặc ân này. Khi giáo dân thấy có sự đối xứ phân biệt, thì họ cũng theo mà đối xứ phân biệt giữa linh mục Đ.Ô. và linh mục không phải là Đ.Ô.

Có lẽ vì thế mà hồi còn là tổng giám mục của Tổng Giáo Phận Buenos Aires, Á Căn Đình, Đức Phanxicô không bao giờ tiến cử tước hiệu Đ.Ô. cho giới linh mục trong Tổng Giáo Phận.

Cũng vì thế mà trong mục trả lời câu hỏi: ‘What’s the difference between a priest and a monsignor? (By Father Kenneth Doyle • Catholic News Service • Posted April 18, 2017). ‘Khác biệt giữa linh mục và Đ.Ô là gì’. Linh mục Kenneth Doyle cho biết thêm là: ‘Gần 50 năm trước, ‘Thượng’ Hội Đồng Linh mục trong tổng giáo phận của ngài đã thông qua một nghị quyết yêu cầu tổng giám mục Giáo Phận không xin tước hiệu Đ.Ô. cho bất kì linh mục nào nữa. Đây chắc phải là Tổng Giáo Phận lớn ví có ‘Thượng’ Hội Đồng Linh Mục, thì phải có ‘Hạ’ Hội Đồng Linh Mục. Linh mục Doyle nói trong cuộc thảo luận của Hội Đồng linh mục, chúng tôi cảm thấy đó là một tước hiệu thời Trung Cổ và không còn hợp thời nữa. Tước hiệu đó bắt nguồn từ tiếng Ý Đại Lợi ‘Monsignore’ có nghĩa là ‘Thưa Tôn Chủ, Tôn Chủ của tôi’. Tước hiệu Đ.Ô. nọ kia có thể gây cảm giác khó chịu, không hẳn đối với các Đ.Ô. đã qua đời, nhưng trong số những giáo dân mà linh mục của họ không được thăng tước hiệu Đ.Ô. như vậy.”.

Có lẽ những giáo dân cảm thấy khó chịu khi thấy linh mục của họ không được ban tặng tước hiệu Đ.Ô, theo mức đánh giá của họ về ảnh hưởng tinh thần và thiêng liêng của linh mục mà họ đánh giá. Mức đánh giá ảnh hưởng và công trạng của linh mục có thể khác mức đánh giá của giám mục về linh mục chăng? Giáo dân thì nhìn thấy những ảnh hưởng tinh thần và lợi ích thiêng liêng  mà họ đã nhận được từ linh mục.

Tại một số giáo phận và tổng giáo phận, có những giám mục không đề cử linh mục nào trong giáo phận cho tước hiệu Đ.Ô. Tại sao những giám mục này lại giữ lập trường như vậy?

Có phải  quí Vị Chủ Chăn Giáo Phận liên hệ nghĩ rằng ban thưởng tước hiệu nọ kia có thể đưa đến tình trạng đối xử ‘nhất bên trọng nhất bên khinh’, ưu đãi bên nọ hơn bên kia và còn nuôi ý thích địa vị và danh vọng chăng?. Vá có thể có những Đ.Ô. nghĩ rằng đây là bước gần tới chức giám mục chăng?

Còn có những giám mục khác thì hỏi ý kiến hàng linh mục xem đề cử tước hiệu Đ.Ô cho linh mục nào đó, để lấy biểu quyết chung trong việc chọn đa số biểu quyết, rồi mới ban tặng tước hiệu này cho linh mục nọ kia khi về hưu. Cách đề cử tước hiệu Đ.Ô. kiểu này, có vẻ thoả hiệp và thực tế: vừa cách thế thưởng công cách khách quan cho cá nhân linh mục và khi về hưu rồi thì không còn gây ra vấn đề phân biệt đối xử nữa.

Ngoài ra còn những cách thế khác để khen thưởng linh mục nọ kia chứ không phải chỉ đề cử                tước hiệu Đ.Ô. mà thôi.

Dù sao đi nữa, tước hiệu ‘đức ông’ cần phải được thay đổi. Gọi là Đ.Ô là người ta dịch theo nghĩa đen từ tiếng Ý ‘Monsignore’ mà ra, có nghĩa như đã nêu trên là ‘Tôn Chủ’ cũng như người ta gọi ‘Ông Cha’ là dịch theo nghĩa đen (mot à mot) từ tiếng Pháp ‘Monsieur l'Abbé’. Bên Mĩ có bé trai, con của gia đình Việt Nam mới qua Mĩ ở liền nhà thờ Việt Nam. Khi trông qua cửa sổ thấy linh mục Việt đi bên ngoài, bé gọi lớn tiếng: ‘Ô-ong Cha-à’. Bố nó là người Nam, mẹ là con của bố mẹ Bắc Kì 54 và sống với người Nam nên nói giọng Nam: ‘Ô-ong Cha-à’.

 

 

Nguồn tin: Gia Cư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập102
  • Hôm nay16,088
  • Tháng hiện tại215,651
  • Tổng lượt truy cập32,682,176
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây