Bệnh viện thiếu vật tư, bệnh nhân ung thư phải mua từng chiếc kim

Thứ năm - 16/06/2022 03:30
unnamed (1)
unnamed (1)

Hà NộiVào điều trị, mỗi bệnh nhân ung thư phải tự mua và cầm sẵn một chiếc kim luồn để được bác sĩ truyền dịch, do bệnh viện nhiều ngày nay thiếu thốn vật tư y tế.
Đưa người nhà vào Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) phẫu thuật u tuyến giáp, chị Linh, 33 tuổi, được thông báo phải tự mua catheter (ống thông) để phục vụ ca mổ. Nhân viên y tế giải thích rằng, bệnh viện đang thiếu một số vật tư y tế, trong đó có ống thông, nên người nhà cần chuẩn bị để đảm bảo tiến độ phẫu thuật.
Sau khi người thân mổ, chị Linh được yêu cầu mua kim luồn để bác sĩ truyền hóa chất. Tổng cộng, gia đình chị phải ra quầy thuốc ngoài bệnh viện mua 10 kim với giá 3.000 đồng/chiếc, một dây catheter, hết khoảng 800.000 đồng. Chi phí cho các vật dụng trên, trước đây đều do bảo hiểm chi trả.
"Số tiền không quá lớn nhưng bệnh viện thiếu vật tư như thế này gây khổ cho chúng tôi rất nhiều, sát ngày mổ vẫn phải đôn đáo đi mua ống thông. Thậm chí có hôm bác sĩ phải mượn kim luồn của gia đình tôi để cho người bệnh khó khăn hơn sử dụng", chị Linh nói.
Cùng cảnh ngộ, bà Hồng (47 tuổi, ngụ Hải Dương) cho biết chồng phải phẫu thuật u vai. Lúc ông sắp lên bàn mổ bác sĩ bảo bà đi mua kim luồn. Ở quê ra Hà Nội không biết đường, đi sai tiệm thuốc, bà mua nhầm kim (không đúng chỉ định) nên phải đi lại nhiều lần tìm đúng loại bác sĩ yêu cầu. "Tôi bức xúc lắm. Chồng bị ung thư lên bàn mổ mà vợ phải chạy ngược chạy xuôi đi mua dụng cụ y tế thì khổ càng thêm khổ", bà Hồng nói.
Tình trạng thiếu vật tư y tế cũng xảy ra ở hàng loạt bệnh viện công khác trong thời gian gần đây. Như ở Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, nhiều bác sĩ tỏ ra e ngại khi thiếu một số hóa chất cơ bản về miễn dịch, hoặc sinh phẩm xác định xem người bệnh có nhồi máu cơ tim. Nếu không phải trường hợp cấp cứu, trong thời gian chờ hóa chất, bệnh viện này phải gửi mẫu đến đơn vị xét nghiệm khác.
Ngoài ra, khi nhân viên y tế đề nghị người nhà mua vật tư có trong danh mục được bảo hiểm chi trả, để kịp thời điều trị bệnh nhân, sẽ khiến họ hiểu nhầm và trách mắng y bác sĩ tiêu cực. Từ đó tác động xấu đến tâm lý đội ngũ điều trị.
Thiếu vật tư y tế còn khiến người bệnh mất cơ hội hưởng dịch vụ tiên tiến. Như ở kỹ thuật tán sỏi qua da - tức nội soi lấy sỏi thận, bác sĩ chỉ mổ một vết nhỏ. Giờ không thể làm cách này vì thiếu vật tư, thì người bệnh phải mổ hở, vừa tốn tiền chăm sóc hậu phẫu vừa phải chịu vết mổ lớn suốt đời.
"Việc thiếu vật tư y tế, nhất là các thứ thiết yếu sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị người bệnh. Đặc biệt là trong lĩnh vực cấp cứu, phẫu thuật, thủ thuật", một bác sĩ cho biết.

Điều dưỡng phát thuốc cho bệnh nhân ung thư nội trú tại Bệnh viện K. Ảnh: Quang Hùng
Trả lời VnExpress, đại diện Bệnh viện K cho biết, tình trạng thiếu kim luồn và một vài trang thiết bị khác diễn ra khoảng ba tuần nay do đơn vị chưa đấu thầu mua sắm. Dù không gặp vướng mắc về mặt đầu tư, song bệnh viện cần xây dựng giá tốt nhất khi mời thầu, đảm bảo hai tiêu chí hợp lý về giá và đảm bảo chất lượng điều trị. Với các quy trình như vậy, trong khoảng 1-2 tuần nữa, bệnh viện mới có kết quả đấu thầu và dự kiến đầu tháng 7 có nguồn vật tư y tế cung ứng trở lại.
Trong khi đó, lãnh đạo một bệnh viện tại Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng thiếu vật tư y tế là hành lang pháp lý trong đấu thầu mua sắm còn phức tạp. Các đơn vị phải rà soát kỹ hơn để đảm bảo đúng quy trình, thủ tục mua sắm nếu không muốn "vướng lao lý". Việc này khiến tốc độ cung ứng chung bị chậm.
Ngoài ra, các bệnh viện vừa trải qua thời gian dài tập trung điều trị người bệnh Covid-19, không có nguồn thu, nên tài chính đang rất khó khăn, phải hạn chế mua sắm. Một lý do khác là đa số vật tư y tế được nhập khẩu, các doanh nghiệp chưa phục hồi sau đại dịch nên việc cung ứng chưa thông suốt; một số loại thuốc, sinh phẩm theo quy định phải đấu thầu tập trung cấp tỉnh, cấp quốc gia, nên thời gian kéo dài...
Ngoài thiếu vật tư, các bệnh viện tại Hà Nội còn thiếu thuốc do khó đấu thầu, hoặc phải theo quy định là "giá mua phải rẻ hơn giá người ta muốn bán". Ví dụ, giá thuốc được chào 10 đồng nhưng chỉ được Sở Y tế phê duyệt giá 9 đồng, nên các bệnh viện không thể mua thuốc. Một số loại thuốc điều trị các bệnh ít gặp, cả năm chỉ tiêu thụ vài trăm viên (tương đương với vài lọ thuốc), thì doanh nghiệp không muốn cung ứng... Thực trạng này cũng đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành.
Đại diện Vụ Kế hoạch Tài Chính – Bộ Y tế cho biết đã nắm được việc thiếu vật tư y tế ở các bệnh viện, đang rà soát, lấy ý kiến để có hướng giải quyết, tránh làm ảnh hưởng bệnh nhân. Hôm qua, Cục Quản lý Dược cũng gửi văn bản hỏa tốc cho các sở y tế và bệnh viện toàn quốc, đề nghị báo cáo nguyên nhân thiếu thuốc, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ.




 

Nguồn tin: Chi Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập131
  • Hôm nay25,473
  • Tháng hiện tại455,806
  • Tổng lượt truy cập32,439,529
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây