Bộ Thương Mại Mỹ bắt đầu điều tra về nghi vấn các loại tủ gỗ nhập cảng từ Việt Nam

Thứ năm - 02/06/2022 04:20
 Bộ Thương Mại Mỹ bắt đầu điều tra về nghi vấn các loại tủ gỗ nhập cảng từ Việt Nam
WASHINGTON, DC (NV) – Bộ Thương Mại Mỹ bắt đầu điều tra về nghi vấn các loại tủ gỗ nhập cảng từ Việt Nam có phải là chỉ lắp ráp các bộ phận của Trung Quốc.
Bộ Thương Mại Mỹ chính thức thông báo quyết định này từ giữa tuần trước sau những khiếu nại của kỹ nghệ sản xuất đồ nội thất nội địa. Họ nghi ngờ không phải toàn bộ tủ gỗ nhập cảng từ Việt Nam do nước này chế tạo tất cả mà có nhiều thành phần của chúng được sản xuất sẵn ở Trung Quốc.
Mỹ bắt đầu điều tra nghi vấn tủ gỗ Việt Nam lắp ráp bộ phận nhập cảng từ Trung Quốc. (Hình: VNEconomy)
Điều này vi phạm luật lệ chống lẩn tránh thuế quan của Mỹ đối với đồ gỗ Trung Quốc. Việt Nam gọi “đồ gỗ” bắt đầu bị Mỹ điều tra là gọi chung các quầy, kệ tủ của nhà bếp và phòng tắm mà Mỹ gọi là “wooden cabinets and vanities” không có từ tương đương để dịch. Bản thông cáo của Bộ Thương Mại Mỹ liệt kê rất chi tiết các thành phần của tủ gỗ bị điều tra nghi vấn.
Thật ra từ đầu Tháng Năm, người ta đã thấy có tin kỹ nghệ nội thất Mỹ khiếu nại với Bộ Thương Mại Mỹ về vấn đề nêu trên, nay mới thấy tin chính thức bị điều tra. Việt Nam xuất cảng sang Mỹ năm 2021 khoảng $2.7 tỷ tủ gỗ trong khi Trung Quốc xuất cảng sang Mỹ số lượng trị giá gấp đôi. Hai năm trước Mỹ đã điều tra đồ gỗ Trung Quốc bán phá giá tại thị trường Mỹ.
Nhưng chỉ bốn tháng đầu của năm nay, tủ gỗ từ Việt Nam xuất cảng sang Mỹ đã lên tới $3.3 tỷ, chiếm 68.2% trên tổng số giá trị các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nước này bán cho Mỹ. Ngày 6 Tháng Năm, Cục Phòng Vệ Thương Mại của Bộ Công Thương CSVN đã báo động cho Hiệp Hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam là chính phủ Mỹ sẽ điều tra về chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Không riêng gì tủ gỗ, nhiều loại hàng tiêu dùng từ điện, điện tử, máy móc, quần áo, giày dép, tuy mang hàng chữ “Made in Vietnam” thật sự chỉ là đồ “gia công,” tức lắp ráp các bộ phận rời nhập cảng từ Trung Quốc để tiêu thụ trong nước, hoặc xuất cảng. Báo chí tại Việt Nam từng mở cuộc điều tra và bóc trần sự thật thời gian gần đây.
Quyết định điều ra về tủ gỗ nhập cảng từ Việt Nam đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Thương Mại Mỹ thông báo gia hạn điều tra “chống lẩn tránh thuế bán phá giá và chống trợ giá” đối với thép tấm không gỉ nhập cảng từ Việt Nam. Loại sản phẩm này đã bị Mỹ điều tra từ giữa năm 2020 và nay vẫn còn tiếp tục bị săm soi.
Giữa năm ngoái, có tin chính phủ Mỹ săm soi toàn bộ đồ gỗ nhập cảng từ Việt Nam có nghi vấn sử dụng nguyên liệu là các loại gỗ mua từ các nguồn cung cấp gỗ lậu.
Khi ông Donald Trump còn là tổng thống, chính phủ Mỹ đã mở hai cuộc điều tra cùng một lúc, một là điều tra CSVN thao túng tiền tệ, hai là điều tra về khả năng sử dụng các loại gỗ nhập cảng bất hợp pháp, cưa cắt đóng thành bàn ghế giường tủ xuất cảng sang Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng như Âu Châu và nhiều nước khác đòi hỏi các nước xuất cảng gỗ và đồ gỗ phải tuân thủ thỏa hiệp quốc tế CITES.
Sản xuất đồ gỗ tại công ty Triệu Phú Lộc, thị xã Tân Uyên, Bình Dương. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)
CITES là chữ viết tắt của “Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora” (công ước quốc tế về bảo vệ các loài thú và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng). Khai thác gỗ rừng ở những khu vực có các loài động vật và cây cỏ được bảo vệ, làm chúng mất chỗ ở và đồ ăn là bất hợp pháp.
Theo tin tức, các công ty sản xuất đồ gỗ để xuất cảng tại Việt Nam mua mỗi năm hơn 4.5 triệu m3 gỗ các loại từ hơn 100 nước trên thế giới, Á Châu, Mỹ Châu, Phi Châu đủ cả. Những năm gần đây, người ta thấy có những bài viết trên báo chí tại Việt Nam về tình trạng nhập gỗ lậu từ Lào với Cambodia, hai nước có luật lệ bảo vệ rừng còn lỏng lẻo hơn Việt Nam, và tình trạng tham nhũng cũng chẳng kém gì CSVN. 
 

Nguồn tin: (TN) [qd]

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập42
  • Hôm nay14,270
  • Tháng hiện tại259,288
  • Tổng lượt truy cập32,725,813
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây