TIN: MỘT CHUYỆN TÌNH

Thứ hai - 05/05/2025 22:50
tải xuống (3)
tải xuống (3)

Trang Tin Mừng tuyệt đẹp của thánh Gio-an hôm nay tỏ lộ cho ta một điều rất cơ bản. Cuộc phục sinh của Đức Giê-su đã làm dấy lên nhiều tranh luận: các nhà duy lý nói nó bất khả, các nhà thần học thì viết đủ bộ sách về chủ đề khó khăn ấy. Nhưng phần Đức Giê-su phục sinh, trong câu chuyện ta đang đọc, thì chỉ đơn giản yêu cầu một sự gắn bó nghĩa tình: “Này Phê-rô, anh có yêu mến Thầy không?”

Chính Tình Yêu Mở Đôi Mắt Của Đức Tin

Người ta thường nói: lòng tin có 3 mức độ: tin có, tin lời và tin người. Xin đan cử vài ví dụ: thiên hạ tin có Ông Trời, tín hữu tin có Thiên Chúa, ma quỷ cũng tin như vậy. Tin có như thế nhưng chưa chắc đã mến yêu. Một thiếu nữ quen với một chàng trai, tin lời anh ta nói có bằng cấp này, gia sản nọ, có tình yêu chân thật dành cho cô; nhưng khi anh ta rủ đi vào khách sạn thì cô quyết liệt từ chối, bởi lẽ cô chưa tin con người của anh, chưa thấy tình yêu của anh được một kiểu cam kết nào đó bảo đảm, và bản thân cô cũng chưa thể biết anh ta cách trọn vẹn và yêu anh ta cách đúng nghĩa. Tin người đi liền với yêu người vậy!

Sang ví dụ Tin Mừng. Chẳng gây ấn tượng sao việc ngư phủ đầu tiên nhận ra kẻ vô danh đang đứng trên bờ hồ, chính là Gio-an, người tự xác định là “môn đệ được Đức Giê-su thương mến.” Y như trong câu chuyện mồ trống, nơi ông đã chạy nhanh hơn Phê-rô, nay ở đây ta cũng thấy Gio-an vượt trước vị phụ trách của mình: vì được mến yêu, vi yêu mến nhiều... nên ông là người đầu tiên nhận ra bạn hữu chí thiết.

Đấy là một kinh nghiệm chúng ta thường có trong cuộc sống. Giữa một đám đông, đôi mắt chúng ta, theo bản năng, chọn lọc ra vài khuôn mặt: những người chúng ta từng gặp gỡ. Nhận ra ai, đó là một chuyện tình cảm. Đừng hỏi một vị hôn thê (vợ chưa cưới) làm sao cô lại nhận ra “tình yêu” của mình qua vài chi tiết nhỏ mà chỉ mình cô mới để ý.

Đức tin/lòng tin cũng vậy, trước hết không phải là chuyện tin vào nhiều ý tưởng nhưng là tín nhiệm một người nào đó. Người ta thường nói đến đức tin/lòng tin như một sự tán thành nhiều chân lý. Không sai. Nhưng điều quan trọng là phải nhận thấy tin trước hết là gắn bó tình yêu với một con người. Việc này không tạo ra chân lý, nhưng giúp thấy chân lý nhanh hơn, hoàn toàn hơn, tích cực hơn, Chỉ có kẻ đang yêu mới hiểu người mình yêu cách rõ rệt.

Phải thêm rằng việc hiểu biết con người có bản chất hoàn toàn khác với việc hiểu biết sự vật. Để hiểu biết cách khoa học một đồ vật, người ta cân đo nó, phân tích nó. Nhưng tri thức này, rốt cục, vẫn hời hợt. Một con người, dù sao, không thể chỉ được biết theo cách ấy. Nhà bác học vĩ đại nhất trên thế giới sẽ chẳng bao giờ biết được những bí mật của vợ mình, nếu bà không tỏ lộ cho ông. Và bà sẽ chỉ tỏ lộ cho ông nếu bà yêu ông. Phương cách duy nhất để thực sự biết một con người, đó là lắng nghe đương sự, khi đương sự mở lòng cho ta cùng thổ lộ cho ta những gì sâu kín nhất trong con tim đương sự, vả ta sẵn sàng tin vào. Vâng, chính tình yêu giúp cho chúng ta thấu hiểu. Một con người chỉ được biết rõ khi được ta tin yêu. (Xin xem bài “Biết nhờ tin nhân chứng” kèm theo).

Chính Đức Tin Mới Đáp Lại Tình Yêu Thực Sự

Thiên Chúa không phải là một vấn đề. Đó là một Đấng “đứng trước cửa và gõ để vào” nếu ta mở ra cho Người (x. Kh 3,20). Người sẽ chẳng vào bằng vũ lực. Ta sẽ chỉ mở ra cho Người nếu yêu mến Người.

Hãy ý thức về sự khác biệt lớn lao giữa hai loại câu hỏi: “Này các chú, không có gì ăn ư?” và “Này Phê-rô, anh có yêu mến Thầy không?” Trước câu hỏi thứ nhất, người ta trả lời bằng một nhận định mang tính thường nghiệm. Trước câu hỏi thứ hai, người ta chỉ trả lời được nếu có lòng thương mến.

Thế mà mọi câu trả lời của đức tin chúng ta đều thuộc loại thứ hai: “Anh  có muốn Giao ước với Thầy không? Có muốn yêu Thầy không? Có tin vào Thầy không? Anh có muốn tín nhiệm Thầy và sống với Thầy từ đây không?”        

Đức tin thành thử không phải là một chọn lựa thuần túy của trí tuệ; đấy là một sự dấn thân, cam kết đối với ai đó, y như kiểu một vị hôn phu (chồng chưa cưới) cam kết bản thân khi nói: “Tôi tin vào vị hôn thê của mình, tôi hoàn toàn tín nhiệm nàng, và tôi sẵn sàng dấn thân để ở với nàng mãi mãi.”

Và khi Phê-rô đã trả lời Đức Giê-su: “Vâng, Thầy biết con thương mến Thầy”, chúng ta hiểu rằng điều đó đã lôi ông đi rất xa. Ông đã lãnh trách nhiệm về đàn chiên của Đức Giê-su, tức Giáo hội.... và ông đã thực sự theo Đức Giê-su cho tới cùng, cho tới chứng tá tử đạo. (“Bị thắt lưng và dẫn đi” nghĩa là bị quân lính buộc dây vào người, lôi đến nơi đóng đinh, đang khi hai tay bị trói vào thanh ngang thập giá mà mình phải vác).

Không, đức tin trước hết chẳng phải là một danh mục các ý tưởng, các chân lý, song là việc “biết ai đó”, một sự hiểu biết phải tiến triển bằng việc lui tới gặp gỡ con người này. Chính nhờ cố sức sống với kẻ ta thương mến mà ta khám phá ra nhiều khía cạnh mới của bản thân đương sự. Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu mến Ngài, để chúng con tin vào Ngài hơn nữa.

“Này Phê-rô, anh có yêu mến Thầy không?” Thay tên mình vào tên Phê-rô, tôi lập tức nghe Đức Giê-su giao phó cho mình một trách nhiệm! Tôi nghĩ đến các trách nhiệm của mình đối với những con người mà tôi phải chăm lo: gia đình, lớp dạy, cộng đoàn, giáo xứ.

 

Nguồn tin: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập31
  • Hôm nay7,072
  • Tháng hiện tại69,983
  • Tổng lượt truy cập38,126,028
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây