Có thể điều khiển chi bị liệt bằng suy nghĩ

Thứ sáu - 31/03/2017 05:55

Có thể điều khiển chi bị liệt bằng suy nghĩ

Nhóm nghiên cứu Braingate của Mỹ đã giới thiệu công nghệ tương tác giữa não bộ và máy tính, cho phép người bị liệt có thể điều khiển tay chân thông qua suy nghĩ.

Công trình nghiên cứu của nhóm thuộc trường ĐH Case Western Reserve và Trung tâm kích thích chức năng Cleveland (Mỹ) đã được công bố trên tạp chí Lancet ngày 28-3, theo hãng tin Reuters.

Nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm trên cơ thể của ông Bill Kochevar, 56 tuổi, bị liệt nửa người dưới vai cách đây 8 năm sau một tai nạn giao thông. Kết quả rất khả quan khi ông Kochevar đã có thể tự nghiền khoai và dùng tay để ăn uống.
Đây là sự kết hợp giữa các cảm biến não và hệ thống kích thích cơ chi bằng điện. Để làm được điều này, nhóm đã cấy ghép 2 cảm biến có kích thước bằng một viên thuốc aspirin dành cho trẻ em vào người ông Kochevar.
Ông Bill Kochevar điều khiển cánh tay bị liệt đã 8 năm chỉ bằng suy nghĩ
Ông Bill Kochevar điều khiển cánh tay bị liệt đã 8 năm chỉ bằng suy nghĩ - (Ảnh: Reuters).
Mỗi cảm biến như vậy có chứa 96 điện cực dùng để ghi nhận các tín hiệu từ não bộ. Mỗi khi ông Kochevar thử tưởng tượng rằng mình đang cử động hai cánh tay bị liệt, các cảm biến này sẽ ghi nhận tín hiệu từ não và truyền đến một máy tính.
Từ đấy, tín hiệu sẽ được xử lý và tiếp tục truyền tới hệ thống kích thích cơ chi bằng điện gồm 30 dây khác nhau được gắn vào cơ và các tay của ông Kochevar để điều khiển chúng theo đúng suy nghĩ.
Máy tính ở đây đóng vai trò vừa là nơi ra lệnh điều khiển, vừa là công cụ giúp người bệnh có thể học và nhận biết được quá trình ra lệnh thông qua các chi mô phỏng trên màn hình.
Ông Robert Kirsch - thành viên nhóm nghiên cứu - khẳng định nhờ vào mô phỏng trên, ông Kochevar đã có thể sử dụng dễ dàng chỉ trong ngày đầu tiên thử nghiệm.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sẽ cần một khoảng thời gian để các hoạt động tại phần bị liệt có thể trở lại bình thường.
Như ông Kochevar, vì các bó cơ đã lâu không được hoạt động nên phải cần đến 45 tuần hoạt động, hai cánh tay mới như người bình thường. Giờ đây, ông Kochevar đã có thể tự cầm ống hút để uống nước hay gãi ngứa trên mặt.
Viện y tế quốc gia và Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã tài trợ cho nghiên cứu của Braingate. Tuy đây chỉ là thử nghiệm ban đầu, song theo nhóm nghiên cứu, hoàn thiện và tạo ra hàng loạt một hệ thống như vậy là hoàn toàn khả thi trong tương lai.
Cập nhật: 30/03/2017Theo Tuổi Trẻ
 
 

Chân giả điều khiển bằng ý nghĩ

Sau khi mất chân phải trong một tai nạn xe máy 4 năm rưỡi trước, Zac Vawter được lắp chân giả.
Vawter tình cờ trở thành người may mắn đầu tiên được chọn để lắp một mẫu chân cơ học đặc biệt, sử dụng tín hiệu thần kinh từ vùng cơ chân phía trên để điều khiển đầu gối và mắt cá chân. Được phát triển bởi các nhà khoa học tại Viện Phục hồi chức năng Chicago (Mỹ), đây là mẫu chân giả đầu tiên trên thế giới có thể điều khiển được bằng ý nghĩ.
Chân giả điều khiển bằng ý nghĩ
Mẫu chân cơ học cho phép bệnh nhân di chuyển trên cầu thang dễ dàng. (Ảnh: NEUROGADGET)
Khi Vawter suy nghĩ về việc di chuyển chân, tín hiệu thần kinh được truyền từ cột sống xuống vùng thần kinh ngoại vi. Tại vùng gân nhượng chân, tín hiệu thần kinh sẽ được thu lại bằng các cảm biến điện cực, đồng thời một loạt các cảm biến thu lại dao động từ phần trên của chân, trên chân còn lại và cả bên trong chân giả, cho ra một loạt thông tin, sau đó được phân tích bởi một phần mềm phức tạp để đoán xem Vawter muốn di chuyển như thế nào. Nhờ thế, mẫu chân này có thể duy trì một dáng đi vững vàng dù ở địa hình nào.
Người đứng đầu dự án này, kỹ sư y sinh Levi Hargrove, cho biết: “Đây là một bước đột phá lớn, cho phép người mất chân di chuyển một cách mượt mà từ việc đi trên mặt phẳng đến việc đi lên xuống cầu thang hoặc lên - xuống dốc". Vawter cho biết với chân giả thường, anh phải kéo lết chúng đi theo nhưng với loại chân cơ học mới này, anh có thể bước đi một cách tự nhiên như chân thật.
Từ trước đến nay, chỉ có tay giả điều khiển bằng ý nghĩ là khả dĩ. Dự án chân cơ học điều khiển bằng tín hiệu thần kinh này có thể tạo được một sự khác biệt rất lớn cho những người bị mất chân. Hiện tại, mẫu chân này vẫn là mẫu thử nghiệm, giá dự kiến có thể từ 20.000 - 120.000 USD.
 

Điều khiển người khác bằng ý nghĩ

 
Bancăng là vùng đất có nhiều người có tài ngoại cảm. Nổi bật trong số những người có khả năng đặc biệt ấy là ông Brancô Milôevis, 65 tuổi, nước CH Checnôgôrie. 

Hồi còn nhỏ, khi đi chăn cừu, cậu bé Brancô chỉ cần đưa mắt, không cần ra lệnh bằng lời mà cả đàn đã tuân theo răm rắp. 

Trong chiến dịch không kích kéo dài chống Nam Tư của máy bay Mỹ và NATO cách đây mấy năm, tài ngoại cảm của ông đã phát huy tác dụng tối đa để phục vụ đồng bào mình. 

Các nhà quân sự đem đến bản đồ yêu cầu ông chỉ ra những nơi mà đối phương sẽ oanh kích. Đại đa số những chỉ dẫn, báo trước của ông đều chính xác. 

Nhiều lần ông báo cho người dân không nên ẩn nấp dưới các cây sồi to. Quả nhiên chỉ ít lâu sau, bom ném xuống đã chặt đổ những cây đó. 

Vào thời bình, tài ngoại cảm của ông già Brancô tốt bụng được sử dụng chủ yếu vào việc tìm người lạc, súc vật, đồ trang sức quý bị mất. Để chỉ ra chính xác người hay vật báu hiện đang ở đâu, ông cần các đồ vật liên quan. 

Một lần, một người dân ở thị trấn bên cạnh nhờ ông tìm hộ chiếc ô tô bị mất. Cả tấm ảnh ô tô chủ nhân cũng không giữ được. Ông Brancô hỏi: “Vậy còn vật gì liên quan đến chiếc ô tô ấy không?”. 

Người mất ô tô dẫn ông xuống nhà kho và chỉ vào chiếc ghế da cũ, nói: “Đây là ghế của nó, tôi đã thay bằng chiếc khác mới hơn!”. Ông Brancô ngồi phịch xuống, rồi nói rất tự tin: “Chiếc xe của anh đã bị kẻ gian sơn mầu xanh nhạt, hiện nó đang ở tại một trạm bảo dưỡng tư nhân. Anh có thể nhớ thêm một vài đặc điểm của xe mình?”. “Phía trên nóc xe có chỗ hơi bị bẹp do một khúc gỗ rơi vào. Tôi đã cho sửa, nhưng từ bên trong xe có khi vẫn có thể thấy vết bẹp cho dù đã sơn lại”. Với đặc điểm đó cảnh sát đã đến. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, kẻ gian đã nhận tội. 

Ông Brancô không được học đại học, cả đời làm nghề thợ mộc để kiếm sống, ngược lại ông đọc rất nhiều sách, đặc biệt những cuốn về những bí ẩn tâm lý và nhận thức ở con người. Về khả năng đặc biệt của mình ông có suy nghĩ riêng. 

Theo ông, vật lý về cơ thể sống là một chương trình đặc biệt bắt nguồn ngay từ giai đoạn thai nhi. Ví như nhấc bổng một vũ nữ balê 50kg sẽ dễ dàng hơn nhiều so với nhấc một bao khoai tây với trọng lượng ấy. Có nhiều người cho dòng điện cao thế đi qua cơ thể mình mà vẫn như không. 

Theo ông, ý nghĩ ở con người cũng là một đại lượng vật lý mà các nhà khoa học chưa đo được đơn vị như đo trọng lượng hay sức kéo. Do chưa đo được, chưa nghiên cứu đến đầu, đến đũa nên chưa biết sử dụng. 

Đầu tháng 12/2005, ngay trong làng, một người đàn ông, sau khi đi dự đám cưới ở làng bên cạnh về, đã gây sự với vợ. Nghe tiếng phụ nữ kêu cứu, Brancô đẩy cổng bước vào giữa lúc người chồng say rượu túm lấy vợ bằng chiếc ga trải giường vẫn còn ướt và đang thượng cẳng chân hạ cẳng tay. 

Ông trừng mắt nhìn tên vô lại làm lập tức hắn phải ngừng tay. Ông nhìn thêm mấy giây nữa, tên kia rú lên, tay đau đến tê dại, người vợ tuột ra khỏi tay hắn. Rồi một điều kỳ diệu nữa: Tấm ga trải giường lúc nãy còn ướt nay đã khô cong. 

Tài ngoại cảm và khả năng sai khiến người khác bằng ý nghĩ chứ không phải mệnh lệnh bằng lời nói của cụ Brancô thực sự là hiện tượng thú vị, từ lâu đã lôi cuốn sự quan tâm chú ý của giới khoa học các quốc gia khu vực Bancăng. 

Nhiều lần Hội đồng Khoa học Viện Chăm sóc bảo vệ sức khỏe thuộc ĐH Tổng hợp Bengrát đã mời ông lên đối thoại và tham gia thử nghiệm, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng dựa trên các luận chứng khoa học chắc chắn. 


Trịnh Văn Quý (“Luận chứng và Sự kiện”, Nga)
 

Điều khiển loài vật bằng ý nghĩ

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Harvard (Mỹ) phát minh ra một hệ thống truyền tải ý nghĩ từ người sang loài vật mà không làm tổn hại đến con vật.
Hệ thống này được gọi là BBI (Brain to brain interface - giao diện từ não sang não), cho phép người sử dụng khi đưa ra một suy nghĩ nhất định có thể điều khiển đuôi của một con chuột thí nghiệm. Đây là một trong những bứt phá quan trọng trong việc nghiên cứu về khả năng thần giao cách cảm giữa người và người, một khái niệm liên lạc từ xa mà con người đã biết nhưng các nghiên cứu còn hạn chế.
Trong những năm qua, công nghệ giao tiếp giữa não và máy tính càng phát triển mạnh. Máy tính đã có thể “hiểu” được các sóng não truyền từ người sử dụng thông qua một loạt các cảm biến gắn trên đầu. Ngược lại, việc truyền sóng não từ máy tính lên não thì rất hiếm. Nguyên nhân là vì để máy tính có thể phân tích được sóng não của người đã là một việc rất khó, truyền suy nghĩ từ máy sang não người còn khó hơn.
Điều khiển loài vật bằng ý nghĩ
Hệ thống thí nghiệm truyền tải ý nghĩ từ người để điều khiển đuôi chuột. (Nguồn: EXTREMETECH)
Nói một cách cụ thể, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã được cách các luồng suy nghĩ được “mã hóa” bởi các tế bào thần kinh. Hiện các nhà khoa học chỉ có thể giao tiếp với não qua máy tính bằng cách kích thích các vùng não được biết là liên quan đến việc điều khiển một số bộ phận cơ như ngón tay nhưng lại không thể di chuyển các cơ này một cách chính xác như mong muốn.
Bằng kỹ thuật kể trên, các nhà khoa học tại ĐH Harvard đã tạo ra một hệ thống bao gồm một thiết bị đo sóng điện từ não, một máy tính thu nhận và phát lệnh ra một thiết bị kích thích não bằng sóng siêu âm. Phương thức này tương đối mới và không gây tác động nhiều đến đối tượng thí nghiệm. Đối tượng người thí nghiệm sẽ được cho xem một số hình ảnh trên màn hình máy tính. Luồng suy nghĩ từ việc xem hình ảnh này sẽ tạo ra sóng não, ghi nhận bởi máy tính và phát ra lại cho thiết bị kích thích sóng siêu âm gắn trên con chuột. Kết quả là sóng não từ người có thể làm đuôi chuột cử động, tỉ lệ thành công lên đến 94%, với chỉ 1,5 giây trễ. Trên lý thuyết, con người có thể điều khiển được đuôi chuột nếu đưa ra được đúng ý nghĩ mà không cần phải nhìn vào hình ảnh trên máy tính.
Các nhà khoa học sẽ còn đưa vào thí nghiệm nhiều kích thích não khác nhau, trong đó có các ý nghĩ phức tạp như đói chẳng hạn, từ người sang loài vật. Dĩ nhiên mục tiêu cuối cùng của thí nghiệm này là để nghiên cứu khả năng truyền ý nghĩ giữa người với người theo kiểu thần giao cách cảm.
 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn VănThành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập345
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại277,737
  • Tổng lượt truy cập36,332,292
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây